A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Nói không với tiêu cực từ những công trình ý Đảng, lòng dân

Bài 2: "Khó vạn lần dân liệu cũng xong"

Từ các dự án, mô hình, các công trình từ ý Đảng, lòng dân đã góp phần mang lại sự đổi thay mạnh mẽ về đời sống của đồng bào ở các Khu Kinh tế - Quốc phòng trên địa bàn Quân khu 4. Đặc biệt, với chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và sự quyết tâm "Nhân lên sức sống, hiệu quả bền vững cho các công trình, dự án" của cán bộ, nhân viên các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng không đã phát huy tối đa hiệu quả các mô hình, chương trình dự án và những năm qua tuyệt đối không có cán bộ, nhân viên vi phạm pháp luật, kỷ luật do làm thất thoát, lãng phí tiền của của Nhà nước. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, củng cố "thế trận lòng dân" trên tuyến biên cương Tổ quốc ngày càng vững chắc.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 nắm tình hình, tranh thủ ý kiến bà con trước khi triển khai công trình, dự án.

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”

Những năm trước đây, cứ bắt đầu bước vào mùa Hè cũng là lúc bà con trong Khu Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) A Sho, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) lại lo việc bảo đảm nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Vậy nhưng, với tinh thần tất cả vì cuộc sống Nhân dân, giờ đây vấn đề nước sạch vốn tồn tại hàng đời nay của bà con đã được cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 92 chung tay hóa giải.

 

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92  hướng dẫn bà con trong Khu KT-QP92 kỹ thuật chăm sóc rau xanh.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Trần Văn Sơn, Phó Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 92 cho biết: Những ngày đầu có mặt tại Khu KT-QP A Sho, cùng với việc triển khai các dự án, mô hình giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo, thì nhiệm vụ tìm nguồn nước sạch được Đoàn đặt lên hàng đầu. Thung lũng A Sho được biết đến là trọng điểm chất độc da cam/điôxin nên người dân không thể dùng nguồn nước từ lòng đất để sinh hoạt. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và tranh thủ sự “hiến kế” của các già làng và những người lớn tuổi ở địa phương, dự án xây dựng đường ống dẫn nước trên núi cao về phục vụ đơn vị và bà con ra đời. Thế nhưng, để đường ống dẫn nước đi về đến các bể chứa nước lại đặt ra cho cán bộ, nhân viên đơn vị bài toán hết sức hóc búa, vì đường ống phần lớn đi qua công trình, hoa màu của Nhân dân nên việc đền bù và chọn vị trí xây dựng bể chứa nước gặp nhiều khó khăn. Nhưng sau hội nghị dân chủ mở rộng giữa đơn vị và Nhân dân, có sự tham gia của Nhân dân vào Ban Quản lý xây dựng dự án nước sinh hoạt các vấn đề được giải quyết một cách thuận lợi. Bà con không những hiến đất xây dựng dường ống dẫn nước, xây bể chứa nước mà đã tham gia đóng góp ngày công giải tỏa mặt bằng và trực tiếp giám sát thi công, bảo vệ, trông coi vật liệu xây dựng.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 cùng cán bộ thôn bản kiểm tra tiến trình thi công nhà ở các gia đình theo dự án hỗ trợ di giãn dân cư.

Kinh nghiệm thành công từ xây dựng dự án nước sạch, Đoàn KT-QP92 đã áp dụng hiệu quả vào quá trình triển khai các công trình, cụ thể như dự án hỗ trợ đồng bào xây dựng nhà ở di giãn dân cư. Tránh tình trạng không bảo đảm công bằng giữa các hộ dân và cấp kinh phí trực tiếp cho Nhân dân hiệu quả sẽ không cao, vì thực tế một số gia đình khi nhận được kinh phí hỗ trợ không sử dụng đúng mục đích. Đoàn tổ chức họp dân, thành lập Ban giám sát với sự tham gia của người dân và hỗ trợ xe đơn vị ra thị trấn A Lưới tổ chức mua một số vật liệu cấp cho các hộ dân. Quá trình các gia đình xây dựng nhà ở, cán bộ, nhân viên Đoàn và cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên giám sát.

Ông Lê Hồng Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lâm Đớt, huyện A Lưới nói rằng: Từ sự minh bạch về nguồn vốn và có sự tham gia của người dân nên những năm qua các công trình, dự án do Đoàn KT-QP92 triển khai luôn nhận được sự hỗ trợ về mọi mặt của Nhân dân. Qua đó, không có hiện tượng lãng phí, thất thoát kinh phí, vật liệu, đồng thời các dự án được triển khai một cách hiệu quả. Bài học từ việc phát huy vai trò Nhân dân của Đoàn KT-QP92 đã luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chúng tôi vận dụng vào công cuộc xây dựng quê hương. Nhờ vậy, những năm qua trong mọi hoạt động luôn có sự góp sức, hiến kế của bà con Nhân dân, vì thế các công trình, phần việc luôn mang lại hiệu quả thiết thực.

Lãnh đạo, chỉ huy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 nắm tình hình, lấy ý kiến Nhân dân xã Quang Chiểu, Mường Lát, Thanh Hóa trước khi triển khai xây dựng tuyến đường Quăn Dao - Suối Tuốt.

Còn ở Đoàn KT-QP5, tôi đã có lần dự hội nghị mở rộng do Đoàn KT-QP 5 tổ chức với sự tham gia của đại diện Nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) trước khi xây dựng tuyến đường Quăn Dao – Suối Tuốt. Tôi còn nhớ, lần đó khi triển khai xây dựng tuyến đường, kinh phí có hạn nhưng phải giải tỏa rất nhiều công trình, diện tích và cây cối, hoa màu của Nhân dân. Nhưng sau cuộc họp dân bản triển khai thực hiện dự án, với chủ trương mời một số người dân tham gia giám sát, triển khai nên mọi công việc được thông suốt, trôi chảy. Bởi bà con hiểu rằng, việc xây dựng tuyến đường mục đích cốt lõi là phục vụ nhu cầu và tạo sự thuận lợi cho Nhân dân. Vì thế, ngày khởi công tuyến đường rất nhiều người dân gác việc nhà cùng bộ đội giải phóng mặt bằng, khai thác vật liệu, tham gia thi công.

Bà con Nhân dân xã Quang Chiểu tham gia cùng bộ đội  Đoàn KT-QP5 mở rộng mặt bằng tuyến đường Quăn Dao - Suối Tuốt.

Rồi đến công trình dự án xây dựng đường điện cấp cho bà con bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn năm 2016 cũng đặt ra cho Đoàn KT-QP5 những khó khăn nhất định. Theo thiết kế xây dựng, đường điện vào bản Đoàn Kết đi theo các trục đường kinh phí đội lên rất cao. Nhưng có sự tham gia của người dân, công trình không những triển khai thuận lợi và bảo đảm đúng kế hoạch đề ra.

Ông Moong Văn Nhuệ ở bản Đoàn Kết nói: “Được tham gia hiến kế, góp ý vào bản thiết kế, được công khai kinh phí xây dựng và hưởng lợi từ công trình, người dân chúng tôi không khác gì người làm chủ. Do đó, ai ai cũng tích cực tham gia góp công và ủng hộ, tạo mọi điều kiện để triển khai xây dựng công trình”.

Nói về kinh nghiệm huy động sức dân vào xây dựng, triển khai các mô hình, dự án xóa đói giảm nghèo, Đại tá Uông Đình Tân, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP337 nói rằng: Quá trình triển khai các dự án, chúng tôi luôn quán triệt tinh thần lấy dân làm gốc, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Nhờ thực hiện đúng phương châm trên, cùng với nêu cao tinh thần tất cả vì cuộc sống, lợi ích Nhân dân nên các mô hình, công trình, dự án khi triển khai xây đựng đều nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của đồng bào. Do vậy, các công trình, dự án luôn bảo đảm đúng tiến độ, mục đích và phát huy tối đa hiệu quả, tác dụng góp phần nâng cao đời sống đồng bào.

"Tiếp sức" cho những công trình, dự án

Đảng viên Đảng bộ Đoàn KT-QP337 giúp gia đình theo mô hình "đảng viên kết nghĩa, đỡ đầu hộ nghèo" thu hoạch cà phê.

Đến các Khu KT-QP trên địa bàn Quân khu, đâu đâu chúng tôi cũng chứng kiến hiệu quả từ các công trình, dự án mang lại đối với công cuộc giúp Nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới. Vậy nhưng, ít ai biết rằng trong số đó, có những công trình, dự án tưởng chừng như “chết yểu” bởi gặp muôn vàn khó khăn cả về kinh phí, nguồn vốn và những vướng mắc... Thế nhưng, từ chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” đã góp phần, chung tay với đơn vị từng bước tháo gỡ khó khăn và mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy vậy, có những công trình chỉ dừng lại ở đó thì chưa được mà điều cán bộ, chiến sĩ các Đoàn KT-QP luôn trăn trở, tâm huyết là dù công trình, dự án không còn ngân sách, kinh phí Nhà nước đầu tư nữa thì vẫn phải mang sức sống và lợi ích thiết thực cho bà con. Vì vậy, bằng công sức, trí tuệ của mình, cán bộ, chiến sĩ các Đoàn KT-QP đã có nhiều cách làm hay trong việc nhân rộng những mô hình, việc làm, tiếp thêm sức sống bền vững cho các công trình từ ý Đảng, lòng dân.

Nhân dân xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn tham gia cùng bộ đội Đoàn KT-QP4 xây dựng cây cầu qua suối Huổi Khua.

Trong chuyến công tác mới đây lên với cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP4 và bà con Nhân dân Khu KT-QP Kỳ Sơn (Nghệ An), chúng tôi được nghe bà con kể lại những việc làm thắm đượm nghĩa tình đối với Nhân dân của bộ đội Đoàn 4. Ở Khu KT-QP Kỳ Sơn những năm đầu thực hiện dự án cấp bò giống hỗ trợ dân bản hiệu quả mang lại không cao. Nguyên nhân, một phần giống bò mua từ nơi khác về không hợp thời tiết khí hậu, mặt khác do bà con có thói quen thả rông gia súc nên trâu bò thường bị chết, cá biệt một số gia đình bán lấy tiền hoặc giết thịt. Sau lần đó, khi triển khai thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo, Đoàn KT-QP4 tiến hành hội nghị thôn bản và lấy ý kiến đóng góp dân chủ của người dân. Nhờ sự góp ý của bà con nên đợt sau số bò cấp cho bà con được mua ở các khu vực có điều kiện thời tiết, khí hậu tương đồng và phân công hai hộ cùng chăm sóc một con bò giống, khi bò đẻ bê con thì một hộ nuôi bò mẹ một hộ nuôi bê con. Ngoài ra, do dự án không có kinh phí hỗ trợ làm chuồng nuôi nhốt gia súc nên cán bộ, nhân viên của Đoàn đã giúp các gia đình làm chuồng và thường xuyên phối hợp với thú y thôn bản tổ chức tiêm phòng và hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc.

Thượng tá Lương Hải Kiên, Phó Chính ủy Đoàn KT-QP4, nói: Có những công trình, mô hình quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, nhưng có sự góp sức, hiến kế của Nhân dân và bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp đơn vị đều hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Đơn cử như, khi triển khai xây dựng cây cầu qua suối Huổi Khua thuộc bản Pủng, xã Mường Ải từ số tiền hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Sơn hỗ trợ, rất khó để xây dựng cây cầu vững chắc. Vậy nhưng, Đoàn KT-QP4 đã đứng ra đảm nhiệm thi công còn phần cát sỏi huy động bà con dân bản xuống suối khai thác tham gia cùng bộ đội xây cầu nên tuy kinh phí có hạn nhưng vẫn có một cây cầu vững chắc tạo điều kiện thuận lợi đối việc thông thương, đi lại của Nhân dân.

Bộ đội Đoàn KT-QP5 giúp Nhân dân thu hoạch lúa.

Trở lại Khu KT-QP Khe Sanh (Quảng Trị) lần này, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng về sự đổi thay về mọi mặt. Trên những vùng đồi trọc ngày nào giờ bạt ngàn màu xanh các loại cây công nghiệp ngắn ngày như cà phê, bời lời… Theo Đại tá Nguyễn Đức Thạo, Chính ủy Đoàn KT-QP337, để có những đồi cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như thế này là một quá trình kiên trì, bền bỉ góp công, góp sức của cán bộ, nhân viên đơn vị và nỗ lực của người dân. Trong câu chuyện với Đại tá Nguyễn Đức Thạo, chúng tôi được biết, rất nhiều dự án, mô hình do nguồn vốn có hạn nên quá trình triển khai tưởng chừng khó thành hiện thực. Đơn cử như dự án hỗ trợ thôn Tân Pun, xã Hướng Việt triển khai mô hình trồng cây cà phê. Đặc thù cây cà phê từ khi trồng đến lúc thu hoạch phải mất 3 - 4 năm, trong khoảng thời gian này đòi hỏi bà con phải đầu tư phân bón, công chăm sóc. Vậy nhưng, dự án chỉ hỗ trợ bà con cây giống và một số phân bón ban đầu còn các công đoạn trồng, chăm sóc thuộc về Nhân dân. Do đời sống còn khó khăn, nên việc bỏ tiền mua phân bón cho cây và ngày công chăm sóc trong thời gian 3 – 4 năm với bà con là không thể. Nếu để vậy, dự án sẽ không thành công. Nhằm giúp bà con gỡ khó, Đoàn đã triển khai thực hiện mô hình đảng viên kết nghĩa, đỡ đầu hộ nghèo, Đội sản xuất giúp đỡ thôn bản. Thực hiện mô hình này, những gia đình khó khăn được đảng viên giúp đỡ ngày công chăm sóc, hướng dẫn kỹ thuật trồng xen kẽ các loại cây ngắn ngày để giải quyết cuộc sống trước mắt. Cùng với đó, hướng dẫn Nhân dân làm hồ sơ vay vốn phát triển sản xuất để mua phân bón… Bằng những cách làm phù hợp đến nay mô hình trồng cây cà phê đã nhân rộng ra các địa phương trong Khu KT-QP Khe Sanh.

Bộ đội và lực lượng trí thức trẻ Đoàn KT-QP5 giúp bà con trong Khu KT-QP Mường Lát xây dựng nhà vệ sinh.

Tương tự như ở địa bàn Đoàn KT-QP5  cũng vậy. Năm 2014, Đoàn triển khai hỗ trợ bà con vật liệu xây dựng nhà vệ sinh. Thế nhưng, Đoàn cấp vật liệu đến các gia đình một thời gian dài nhưng rất ít gia đình thi công. Lý do là bà con không biết xây dựng và không có tiền để thuê người làm. Trước tình thế đó, Đoàn huy động cán bộ, nhân viên và lực lượng trí thức trẻ tình nguyện giúp các hộ dân thi công. Nhờ vậy mô hình đã trở thành hiện thực và đạt hiệu quả thiết thực.

Thông qua những mô hình, phần việc, cán bộ, nhân viên các Đoàn KT-QP đã tiếp thêm sức sống cho các công trình, dự án và không những tạo niềm tin yêu đối với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương mà đã tô thắm thêm hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Đặc biệt từ ý Đảng, lòng dân, quá trình triển khai các dự án mọi vấn đề từ kinh phí đến phương án xây dựng bà con đều được biết, được bàn và tham gia ý kiến nên không có tình trạng thất thoát, lãng phí qua đó hiệu quả luôn được phát huy. Cũng chính từ phát huy thế trận lòng dân nên những khâu khó, việc khó đã được hóa giải và qua các công trình, dự án đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân nơi miền biên viễn ngày càng vững chắc.

Bài 3: "Hóa giải" khó khăn, nhân lên hiệu quả

                                                                            NHÓM PHÓNG VIÊN

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội