A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Hưởng ứng Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về Cục Chính trị Quân khu 4"

Bài viết kỷ niệm sâu sắc về Cục Chính trị: Người tiếp lửa cho đồng đội

Học xong trung học, năm 1952 chàng thanh niên Đậu Kỷ Luật tình nguyện nhập ngũ. Làm người lính Vệ quốc đoàn, bận bịu với bao nhiêu công việc huấn luyện, học tập, sinh hoạt đời thường của người chiến sĩ, nhưng vốn ham học, hành quân tới đâu, đóng quân nơi nào, dù ở miền núi heo hút, Đậu Kỷ Luật cũng tìm sách, báo để đọc. Say mê đọc sách đã trở thành máu thịt trong anh. Từ say mê sách đến say mê viết.

Năm 1955 Đậu Kỷ Luật đã hăng hái viết bài cho báo “Chiến sĩ Miền Tây”, báo “Chiến sĩ”. Tháng 6 năm 1960 khi Quân khu xuất bản Tờ báo “Trường Sơn” Đậu Kỷ Luật nhanh chóng trở thành một cộng tác viên tích cực. Biết anh là một đảng viên năng nổ, xông xáo, có khả năng viết báo, viết văn, năm 1962, cấp trên đã điều động Chuẩn úy Đậu Kỷ Luật về Phòng Chính trị Quân khu làm Trợ lý Tuyên huấn. Năm tháng đó, lực lượng vũ trang Quân khu đang sôi nổi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Quân khu: “Tăng cường công tác Chính trị tư tưởng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, xây dựng Quân khu 4 thành tuyến đầu vững mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm hậu phương trực tiếp cho công cuộc giải phóng miền Nam”. Cũng năm 1962, Phòng Chính trị phát triển thành Cục Chính trị, Ban Tuyên huấn phát triển thành Phòng Tuyên huấn. Tờ báo “Trường Sơn” trở thành một Ban trong Phòng Tuyên huấn. Năm 1965, để tăng cường phóng viên cho tờ báo, đáp ứng với nhiệm vụ chính trị mới của Quân khu, Thiếu úy Đậu Kỷ Luật được Phòng Tuyên huấn điều động sang làm phóng viên Báo Trường Sơn.

Các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, Báo Quân khu Bốn trong Lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Báo Quân khu Bốn (Đại tá, Nhà báo Đậu Kỷ Luật ngồi thứ 2 từ phải sang) Ảnh: P.V

Đó là những năm tháng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Quân khu 4 trở thành tuyến lửa. Mang lý tưởng cao cả của Đảng, Bác Hồ, mang niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của Cách mạng Việt Nam, Thiếu úy, Trợ lý Tuyên huấn, nhà báo Đậu Kỷ Luật hăng hái xung phong lên đường đến với hầu hết các chiến trường. Những mặt trận ác liệt nhất thời chống Mỹ, cứu nước anh đều có mặt. Anh lao vào công việc, cầm bút bằng trái tim “Bộ đội Cụ Hồ”, bằng trách nhiệm của một Trợ lý Tuyên huấn - một Nhà báo - Chiến sĩ, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “Trợ lý Tuyên huấn, Nhà báo là cầu nối giữa Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, giữa cơ quan Quân khu với các đơn vị cơ sở”, mỗi khi đến đơn vị nào để lấy tài liệu viết bài, anh rất chú trọng việc thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị ở đơn vị đó. Trong các bài viết của mình, anh biểu dương, cổ vũ các đơn vị luôn chủ động quán triệt sâu sắc mọi hoạt động của công tác Đảng, công tác chính trị đến từng cán bộ, chiến sĩ. Đậu Kỷ Luật luôn quan niệm, làm báo là làm công tác tuyên huấn, là làm công tác chính trị; mỗi nhà báo là một cán bộ tuyên truyền nên đối với lớp nhà báo trẻ, anh chăm chú đọc từng bài viết của anh em. Điều quan tâm trước hết của anh là cách nhìn nhận vấn đề qua mỗi bài viết của họ để biết rõ lập trường tư tưởng của từng người mà chỉ bảo, uốn nắn cho anh em.

Trong chiến tranh, mặc dù bị cận thị nặng, anh vẫn có mặt khắp các điểm nóng từ Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Phà Bến Thủy (Nghệ An), Khe Gát (Quảng Bình), Vĩnh Linh (Quảng Trị), Xiêng Khoảng (Lào)… Anh đến với hầu hết các binh chủng, nơi trận đánh trả máy bay Mỹ vừa kết thúc, nơi cung đường vừa bị ném bom, nơi một chiến dịch đang mở… Thời bình, không có chiến dịch ra quân lớn nào của các đơn vị trong Quân khu như làm đường sắt, mở đường 48 mà anh không có mặt. Có khi anh còn tổ chức một tổ phóng viên mang theo cả máy in dã chiến viết bài xong, in ngay, mang đến từng tiểu đội để động viên anh em ngay tại công trường.

Đậu Kỷ Luật đa tài, anh viết được đủ các thể loại từ bản tin, phóng sự, ghi chép, bút ký, truyện ký, truyện ngắn… Vì thế những tác phẩm của anh dễ đi vào lòng người chiến sĩ, “đứng” được trong lòng họ. Lăn lộn với nghiệp viết, với nghề báo ở dải đất Khu Bốn ác liệt, gian nan, anh đã có tới hàng nghìn bài báo, bài văn viết về đồng đội, về lòng dũng cảm của người lính mang niềm tin của Đảng, của Bác Hồ đến với mỗi cán bộ, chiến sĩ, đến với mọi người, đến với đồng bào vùng cao nơi biên cương xa xôi, heo hút. Những “Suối thì thầm”, “Quãng đường vắng”, “Câu chuyện con đom đóm”, “Thắp hương”… từ trong khói lửa đạn bom, mang các Bút danh: Đậu Kỷ Luật, Đậu Ngọc, Diễn Ngọc, Minh Loan, Thoong - Xa - Vắt… được đăng tải thường xuyên trên các Báo Quân khu Bốn, Báo Quân đội Nhân dân, Phát thanh Quân đội Nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội… đều đặn đến với bộ đội.

Sau thời gian 10 năm gắn bó với sự nghiệp báo chí cách mạng, năm 1976 khi Báo Quân Giải phóng Trị - Thiên - Huế hoàn thành sứ mệnh của mình sáp nhập với Báo Quân khu Bốn, Cục Chính trị Quân khu giao nhiệm vụ cho Thiếu tá Đậu Kỷ Luật phụ trách khối văn hóa, văn nghệ Quân khu. Rồi ngày 10 tháng 4 năm 1980, Nhà Văn hóa Quân khu 4 ra đời, Trung tá Đậu Kỷ Luật được phân công làm Chủ nhiệm.

Từ phụ trách một tờ báo chuyển sang phụ trách đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ là một công việc hoàn toàn mới. Nhà Văn hóa Quân khu là cơ quan tham mưu cho thủ trưởng Cục Chính trị, Phòng Tuyên huấn mảng văn hóa, văn nghệ; chỉ đạo, bồi dưỡng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho các đơn vị, làm dấy lên phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi trong toàn lực lượng vũ trang Quân khu. Nhà Văn hóa Quân khu là nơi chăm nom, vun xới các hạt nhân văn nghệ quần chúng, tôn vinh tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom” lạc quan trong chiến đấu; là nơi bằng trách nhiệm, tình yêu của mình góp phần tuyên truyền, giáo dục cái đẹp “Chân - Thiện - Mỹ”, cái đẹp của phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

Bước vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ 20, nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng, đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, Cục Tư tưởng - Văn hóa, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam phát động Cuộc vận động: “Xây dựng môi trường văn hóa ở các đơn vị Quân đội”. Cùng với các văn nghệ sĩ, chiến sĩ, Nhà Văn hóa Quân khu đã trở thành điểm sáng, là hạt nhân của phong trào. Chủ nhiệm Đậu Kỷ Luật đã thực hiện đúng phương châm của Đảng: “Kết hợp văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và bồi đắp thêm phù sa cho văn hóa bộ đội Quân khu 4 anh hùng”.

Là một Trợ lý Tuyên huấn, một nhà báo Quân đội, đồng chí Đậu Kỷ Luật luôn làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình, gắn bó với đồng đội, với anh em, đồng nghiệp. Anh có công trong việc phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ ở các đơn vị đưa về Báo Quân khu 4. Những Nguyễn Trọng Tạo, Đào Thắng, Nguyễn Khắc Thuần, Nguyễn Xuân Diệu, Lê Đình Tới… được anh phát hiện đưa về báo và tất cả số họ đã trở thành những nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ có tên tuổi. Anh còn tham gia nhiều lớp dạy viết báo, viết văn do Cục Chính trị Quân khu mở, góp phần đào tạo nên một lớp cây bút trẻ triển vọng. Bằng tài năng và tình yêu của mình với đồng nghiệp và đồng đội, anh luôn được họ yêu quý, tôn trọng. Anh đã có công lớn cùng đồng nghiệp biên tập tập truyện ký “Chớp lửa đỏ” (Cục Chính trị Quân khu 4 xuất bản năm 1974), truyện ký “Vùng cát chảy” (Cục Chính trị Quân khu 4 ấn hành năm 1978), cuốn ký sự lịch sử của Quân khu Bốn, truyền thống Nhà Văn hóa Quân khu “Một nhà văn hóa ở miền Trung”; truyền thống Báo Quân khu Bốn “Làm báo trên miền đất lửa”… Anh còn cho ra đời các tập sách riêng của mình: “Suối thì thầm”, “Văn hóa tộc người Nghệ An”, “Hồn của lúa”, “Văn hóa cồng chiêng Nghệ An” và đồng tác giả 20 cuốn sách khác. Anh đã đạt nhiều giải thưởng ở Trung ương và địa phương, trong đó có 2 giải nhất…

Trọn đời mình với gần 40 năm tuổi quân, 60 năm cầm bút, Đại tá, Nhà báo Đậu Kỷ Luật luôn giữ vững, phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, làm tròn nhiệm vụ người cán bộ tuyên huấn Cục Chính trị Quân khu, một nhà báo Quân đội. Trong đời thường, anh hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, miệt mài cống hiến cho sự nghiệp báo chí, văn hóa, văn nghệ của lực lượng vũ trang Quân khu, của Quân đội, của Cách mạng nước nhà; làm tròn sứ mệnh cao cả tiếp lửa cho đồng đội, phụng sự Đảng, Tổ quốc, phụng sự Quân đội, phụng sự Nhân dân.

NGUYỄN XUÂN DIỆU


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội