A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vết sẹo của Chủ tịch Sinh

"Cứu dân là mệnh lệnh không lời của người đảng viên" Đó là lời khẳng định của đồng chí Hồ Văn Sinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Ký ức khó quên

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn ở thôn Cà Tiếng, xã Hướng Việt, vén chiếc ống quần dài để lộ chân trái nhiều chỗ còn sưng to, chi chít vết sẹo từ đầu gối xuống bàn chân, dấu tích của 7 chiếc đinh đóng xuyên vào cẳng chân vừa được rút ra sau đợt anh đi điều trị 40 ngày ở Bệnh viện Trung ương Huế trở về, chúng tôi ai cũng hết lòng thán phục tinh thần chịu đựng của anh Sinh. Anh cho biết, các Bác sĩ đã tháo đinh, dùng thủ thuật nạo vét xương vụn, cắt lọc phần thịt hoại tử, đầu năm 2022 sẽ tái khám, nếu đủ điều kiện anh sẽ được ghép xương.

Đồng chí Hồ Văn Sinh những ngày nằm điều trị vết thương tại Bệnh viện Trung ương Huế (ảnh: Viết Lam).

 

Trong hồi ức của anh Sinh, ngày 17/10/2020, do mưa to kéo dài, gây sạt lở ở nhiều nơi. Chiều cùng ngày, khi vừa cùng lãnh đạo địa phương kiểm tra, đôn đốc việc di dời người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn trở về, đang ăn vội bát mỳ tôm, nghe tin một số người dân trong một gia đình bị mất liên lạc trên nương. Sau khi hội ý chớp nhoáng, Tổ công tác gồm 7 cán bộ xã Hướng Việt do anh Hồ Văn Sinh làm tổ trưởng đã lên đường tìm kiếm bà con. Khi đoàn công tác vừa đặt chân lên khu vực nghi có người dân mất tích thì bất ngờ nhiều tiếng nổ lớn vang lên, cả ngọn núi sạt xuống; may mắn 4 người kịp thoát nạn, còn Đại úy Trương Văn Thắng, cán bộ Công an xã Hướng Việt hy sinh; đồng chí Lê Văn Dùy, Phó Bí thư Đảng ủy xã bị thương nặng; anh Sinh bị bùn đất cuốn phăng xuống tận mé suối, ngày hôm sau mới được lực lượng chức năng phát hiện đưa về trong tình trang nguy kịch, đa chấn thương trên cơ thể.

Đợt mưa lũ kinh hoàng đó đã làm hàng trăm ngôi nhà ở xã Hướng Việt bị lũ cuốn trôi, vùi lấp, hư hỏng nặng; kênh mương thủy lợi bị tàn phá; phần lớn diện tích đất trồng lúa nước bị đất đá đổ về vùi lấp; trường học, trạm y tế ngập sâu trong bùn đất, có nơi dày cả mét… Kể từ đó, Hướng Việt trở thành xã "6 không": không điện, không đường, không nước sạch, không thông tin liên lạc, không trạm y tế, không trường học; cuộc sống của người dân xã biên giới vô cùng khó khăn.

Những ngày nằm trên giường bệnh điều trị, đến thăm anh Sinh, trông anh già đi, trên trán xuất hiện nhiều vết nhăn, phần vì đau đớn, phần thì lo lắng vì nhiều công việc, dự định còn dang dở. Chị Hồ Thị Nghiên, vợ anh Sinh nói: "Ông nhà mình có tính hay lo, nằm viện điều trị mà khi nào cũng nằng nặc đòi bác sĩ cho về. Hỏi sao đòi về, ông bảo về để chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, chứ giờ tan hoang, bà con mất hết tài sản rồi. Nói xong rồi ông khóc".

Đồng chí  Hồ Văn Sinh (chính giữa) trở lại làm việc tại Trụ sở UBND xã Hướng Việt sau thời gian điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế.

"Ngày mới vào viện Trung ương Huế, đêm nằm ông hay giật mình, ngủ không ngon giấc. Giật mình đau quá ông lại ôm chân nhăn nhó. Vỗ về ông và hỏi chuyện thì ông nói ông mơ thấy bà con đang kêu cứu. Sáng hôm sau ông nói mình xin bác sĩ cho ông về với bà con" - chị Nghiên tiếp.

Đối diện với chúng tôi là anh Sinh - dáng người nhỏ nhắn, da xanh xao, phờ phạc vì vừa trải qua đợt tiểu phẫu và điều trị dài ngày ở Huế về, song ở anh vẫn toát lên vẻ nghiêm nghị, nhưng trông hiền lành, chất phác, đôn hậu.

Từ Bí thư chi đoàn năng nổ

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất biên giới xã Hướng Việt lắm nắng, nhiều mưa, xa xôi cách trở, phần lớn người dân nơi đây là bà con dân tộc Pa Cô, Vân Kiều. Từ khi còn là Bí thư Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Hướng Việt, chàng thanh niên người Pa Cô Hồ Văn Sinh đã thể hiện được mình là một người thủ lĩnh thanh niên năng động, tâm huyết, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nỗ lực cùng Đoàn thanh niên đưa cái mới, cái tiến bộ về với dân bản.

Với người dân xã Hướng Việt, hình ảnh Bí thư Đoàn Hồ Văn Sinh trong màu áo xanh tình nguyện luôn hăng hái, tích cực cùng đoàn viên, thanh niên xã nhà giúp bà con dân bản khai hoang, đưa cây cà phê, lúa nước, ánh đèn lên non; tuyên truyền, vận động bà con và các em nhỏ bám lớp, bám trường tìm cái chữ. Thôn, bản và cuộc sống của bà con có được ngày hôm nay có vai trò rất lớn của anh và thế hệ thanh niên bấy giờ.

Theo lãnh đạo địa phương, trước đây cuộc sống di canh, di cư, cộng thêm đói chữ, khiến cái nghèo, cái đói cứ đeo bám mãi bà con dân tộc Pa Cô, Vân Kiều nơi đây. Từ khi Đảng, Nhà nước phát động phong trào định canh, định cư, đồng bào tuy có ở lại, gắn bó với núi rừng Trường Sơn, song đói nghèo, lạc hậu vẫn không chịu lùi xa. Nguyên nhân là do phương thức canh tác lạc hậu, thói quen sống dựa vào tự nhiên, bà con loay hoay không biết lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. 

Từ chủ trương đúng đắn của địa phương, cây cà phê, cây lúa nước được đưa về thôn bản, cùng với đó điện, đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ, nhiều dự án sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt được nhân rộng, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân. Tuy nhiên do địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dù có kinh phí, chủ trương, song nhân lực thực hiện rất khó khăn. Và những lúc Tổ quốc và Nhân dân cần, Hồ Văn Sinh đã phát động phong trào xung kích tình nguyện trong đoàn thanh niên, tích cực giúp địa phương và bà con xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí…

Đến Chủ tịch xã mẫu mực nêu gương

Được cấp trên và bà con tín nhiệm bầu giữ các chức vụ khác nhau, cho đến tháng 7/2020, anh Hồ Văn Sinh chính thức được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Hướng Việt. Một điều dễ nhận thấy, dù ở cương vị công tác nào, anh cũng luôn là người cán bộ nêu gương, mẫu mực, sâu sát với đời sống bà con Nhân dân; trăn trở với những khó khăn của bà con để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tìm ra biện pháp giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó mà trong trái tim bà con Hướng Việt, Chủ tịch Hồ Văn Sinh luôn được yêu quý, tin tưởng và mến phục.

Đồng chí  Hồ Văn Sinh (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.

 

Chị Hồ Thị Thiêm, một người dân ở thôn Xa Đưng, xã Hướng Việt chia sẻ: "Chủ tịch Sinh là người cán bộ giản dị, rất gần gũi, hòa đồng với mọi người. Thường xuyên ân cần kiểm tra, hướng dẫn bà con cách làm ăn, phát triển kinh tế; chỉ cho bà con chúng tôi cách ứng phó với mưa lũ; nhắc nhở đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19. Dù chân bị đau, nhưng Chủ tịch vẫn xuống tận nơi tặng quà hỗ trợ bà con, chỉ đạo các lực lượng giúp bà con khắc phục hậu quả mưa lũ".

Trận sạt lở kinh hoàng tháng 10/2020, lũ về đã xóa sạch, biến thôn Tà Rùng, Xa Đưng, Cờ Tiếng và nhiều thôn trên địa bàn xã Hướng Việt thành vùng đất hoang tàn và đổ nát. Trở lại đây sau hơn 1 năm, cuộc sống bình yên đã trở lại với bà con nơi đây. Nhiều căn nhà mới được dựng lên, ruộng nương được phục hóa. Nhờ sự vào cuộc của Chủ tịch Sinh và cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, ngay bên cạnh trường tiểu học và mầm non xã đã mọc lên 3 dãy nhà ở công vụ khang trang, chắc chắn cho cán bộ, giáo viên, vừa là nơi tránh trú cho bà con khi lũ về.

Đồng chí Hồ Văn Sinh (người chống nạng) cùng cán bộ địa phương và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 nghiệm thu, bàn giao công trình xây dựng san lấp mặt bằng tái định cư thôn Tà Puồng.

 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Sinh cho biết: Sau cơn lũ năm 2020, một cuộc "cách mạng" nhằm kiến thiết, phục hồi cơ sở hạ tầng kỹ thuật được tiến hành khẩn trương, quyết liệt; tất cả mọi lực lượng, nguồn lực được huy động tối đa giúp phục hồi kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân. Những hộ dân nơi nguy cơ sạt lở được vận động di dời; nhiều đường bao, kè bê tông vững chắc được xây dựng.

Cùng anh Sinh và cán bộ xã dự nghiệm thu và bàn giao mặt bằng đập thủy lợi và khu tái định cư thôn Tà Puồng do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thi công, khiến chúng tôi ai cũng cảm thấy ấm lòng. Khu tái định cư có diện tích hơn 2 héc ta, san ủi thành 4 cấp, có đường lên xuống giữa các cấp với tổng chiều dài gần 700m, bề rộng mặt đường 3,5m kết cấu bằng bê tông xi măng. Đập thủy lợi có bề rộng ngưỡng tràn 4,6m, chiều cao 1,2m có kết cấu bằng bê tông cốt thép. Vậy là chỉ ít thời gian nữa, bà con vùng nguy cơ lũ quét sạt lở đất Tà Puồng sẽ có nơi ở mới, không còn nơm nớp lo sợ khi lũ về.

Đồng chí Hồ Văn Sinh (thứ 2 từ trái qua) cũng lãnh đạo địa phương thăm, tặng quà, động viên chốt phòng, chống dịch những ngày chưa bị thương.

 

Anh cho biết thêm: "Trạm Y tế xã đã lên thiết kế và phê duyệt kinh phí đầu năm 2022 sẽ triển khai xây dựng mới. Cùng với sự quan tâm của tỉnh và huyện, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chúng tôi đã cấp kinh phí, huy động máy móc, phương tiện nạo vét kênh mương nội đồng, giúp các hộ dân phục hóa ruộng đồng, đến nay ruộng lúa đã khôi phục được trên 30 hecta, chiếm 70% diện tích. Bà con rất phấn khởi, hiện đã tiến hành gieo mạ để ra Tết bắt đầu cấy vụ Xuân".

Nếu như năm 2020, anh Hồ Văn Sinh nổi lên là tấm gương dũng cảm quên mình cứu giúp Nhân dân trong hoạn nạn, thì năm 2021, hình ảnh anh với cái chân trái đóng đinh, sưng to và chi chít vết sẹo, chống cặp nạng kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; thăm, kiểm tra, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn phòng, chống dịch Covid-19; khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất… đã ghi vào lòng Nhân dân những tình cảm yêu thương, khắc họa đậm nét hình ảnh người cán bộ mẫu mực, hết lòng vì nước, vì dân.

Nhận xét về anh Hồ Văn Sinh, đồng chí Đặng Trọng Vân, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, khẳng định: "Đồng chí Hồ Văn Sinh là cán bộ luôn mẫu mực nêu gương trong lời nói và việc làm; hành động dũng cảm, một lòng vì Nhân dân của anh trong bão lũ và sự tận tâm, tận tụy với nhiệm vụ cũng như giản dị trong sinh hoạt đời thường là tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác, để cán bộ, đảng viên và quần chúng học tập và noi theo".

Bài, ảnh: HỒ LĨNH - HOÀNG THÁI


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội