Thứ sáu, 29/03/2024 - 15:28
Quân khu 4: Tổng kết công tác doanh trại, đầu tư xây dựng cơ bản; trường bắn, thao trường huấn luyện năm 2023 Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt” Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Gặp mặt cán bộ, học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN đối tượng 2. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh đối tượng 2 Giúp chiến sỹ mới tự tin trong “Ngôi nhà mới”. Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu chăm lo chu đáo cho chiến sĩ mới Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 thăm, động viên Chiến sĩ mới. Tư lệnh Quân khu thăm, kiểm tra Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu chúc mừng Bệnh viện Quân y 4 nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hương đất tình người vùng giới tuyến

Tháng Tư, tôi lại về vùng quê Vĩnh Linh, Quảng Trị vùng giới tuyến xưa kia. Như đã bao lần đến đây, tôi được hít thở khí trời và cảm nhận đầy đủ hương đất, tình người nơi đây, để thêm một lần thấm thía nỗi niềm thống nhất non sông.

Người dân Vĩnh Tú vẽ chuyện trạng bằng tranh.

Dịp này về với làng Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, mà ăn dưa hấu, mà nghe chuyện trạng được mệnh danh là trạng Vĩnh Hoàng (tên gọi xuất hiện từ thời chống Pháp) thì không còn gì bằng. Chuyện trạng ở đây nổi tiếng đến mức có nhà nghiên cứu đã so sánh với làng Gabrovo trứ danh của nước Bulgaria tận Đông Âu...Cuộc sống gian nan đã đào luyện nên những con người can trường và hài hước, gặp "cọp đất" chế ngự "cọp đất", đụng "cọp trời" (máy bay Mỹ) cũng không ngán "cọp trời". Tiếng cười lạc quan sảng khoái đã vượt lên sự sống và mạnh hơn cái chết, tạo nên danh xưng "Lũy thép Vĩnh Linh".

Tôi đã gặp và ngồi hàng giờ với lão nghệ nhân chuyện trạng Trần Đức Trí để nghe ông kể chuyện. Chất giọng đặc trưng của thổ ngữ Vĩnh Tú không thể lẫn lộn vào đâu được, khiến người nghe cười ngất, vì chuyện thật như đùa, chuyện đùa như thật. Như chuyện anh chàng đi ăn giỗ bên bờ Nam sông Hiền Lương, không muốn mất tiền đò ngang đã khích máy bay Mỹ ném bom để hất mình sang bên ấy, ăn giỗ xong cũng với kiểu cách ấy, bom Mỹ dội xuống lại hất anh trở về nhà... Ở đây, chuyện gì cũng có thể nói trạng được, cũng biến thành tiếng cười lạc quan, không có chỗ cho ưu phiền và nước mắt. Chính khí chất đặc biệt, cốt cách vững vàng và trào lộng đã làm nên chất người Vĩnh Linh, cả trong thời chiến lẫn thời bình. Nhà thơ Ngô Minh, quê nội Lệ Thủy (Quảng Bình), quê ngoại Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có bài thơ hay và dí dỏm, đưa những chuyện cười dân gian độc đáo vào thơ, đó là sáng tác "Nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng", trong đó đoạn mở đầu như sau:

Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò

Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp

Người kể chuyện quả quyết rằng có thật

Ai chưa tin xin mời đến làng tôi

Trong thời bình, Vĩnh Tú đã thay đổi rất nhiều nhưng ông Trần Đức Trí vẫn kể chuyện trạng, vẫn dạy cháu con gìn giữ tiếng cười ông cha như là báu vật tinh thần truyền đời không được để cho mai một. Hay nghệ nhân Trần Hữu Chút với những bức tranh về cọp, về cá tràu Bàu Trạng quê hương Vĩnh Tú... làm một họa sĩ của làng mạc, vẽ chuyện trạng bằng tranh. Những quả dưa hấu đỏ tươi, ngọt lừ, mát rượi to đến mức... quạ trốn cả bầy trong đó, hay con cá đô (tràu/lóc) hoành tráng đến mức làm bao nhiêu món đãi cả làng, xương có thể làm cột nhà. Mơ ước về mùa màng bội thu, sản vật dồi dào, no đủ để cuộc sống ngày càng sung túc là khát vọng bao đời của người dân nơi đây, nay đã phần nào thành hiện thực. Chị Hoàng Dạ Hương, một cán bộ xã Vĩnh Tú có tiếng là năng động và hài hước đã nói với chúng tôi: "Cuộc sống thay đổi thế nào thì các anh cứ nhìn và hỏi bà con là rõ. Nhưng dù có thay đổi đến đâu thì vẫn không quên chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Chất trạng Vĩnh Hoàng không thể thiếu trong máu của bà con nơi đây, đó chính là bản sắc văn hóa”. Tre già măng mọc, lớp trẻ nối gót cha ông kể chuyện trạng, rồi tung lên Youtube thu hút bao người xem như món ăn tinh thần giải trí. Đó là Trần Nhật Khanh và Trần Quốc Cường làm cho mạch nguồn dân gian chuyện trạng vẫn được kế tục vững bền.

Tháng Tư đi dọc theo dòng Hiền Lương, về với làng nghệ sĩ Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, nơi con sông chuẩn bị ra với biển Cửa Tùng. Làng quê hiền hòa, xinh đẹp và thơ mộng là quê hương của chèo cạn nổi danh, là nơi chôn nhau cắt rốn của nhiều nghệ sĩ tên tuổi, trong đó có nghệ sĩ Châu Loan nổi tiếng, người đêm đêm có mặt trong chương trình tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong những bài thơ đó có nhiều bài nói lên ước nguyện thống nhất non sông, được vang lên tha thiết bằng giọng ngâm gan ruột. Lại nhớ đến NSND Kim Quý (phu nhân NSND, đạo diễn sân khấu Xuân Đàm), em ruột NSUT Kim Phú, ngôi sao kịch nói đương đại, đặc biệt với sân khấu thể nghiệm (nhiều người quen gọi là sân khấu nhỏ) vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Chị cũng là người Tùng Luật. Chị từng tâm sự: "Chính quê hương đã nuôi dưỡng chị em chúng tôi niềm đam mê nghệ thuật và giúp chúng tôi thành danh như hôm nay. Bởi vậy, chúng tôi luôn cống hiến hết mình vì nghệ thuật. Và khi diễn những vở diễn về đề tài chiến tranh hoặc có liên quan đến chiến tranh, trong sự hóa thân có cả trải nghiệm của chính bản thân mình, một người từng hiểu thế nào là chiến tranh, thế nào là nỗi đau nước non chia cắt".

Lại lên với vùng Thủy Ba bắt cọp trứ danh tiếng vang từng vào tận kinh đô Huế, được vua biết mặt, chúa biết tên, thuộc xã Vĩnh Thủy. Ở vùng bán sơn địa mà lúa xanh ngời trải dài trong nắng vàng như giát mật. Tôi đi trên đường làng, chuyện trò với ông trưởng thôn Thủy Ba Hạ Nguyễn Hữu Thiện. Ông khoe: “Lúa tốt ngoài công chăm bón là nhờ nguồn nước từ công trình thủy lợi La Ngà. Bà con nơi đây làm lúa hai vụ đều đặn, năng suất cao và ổn định. Ngoài hơn 100 ha ruộng còn hàng mấy trăm ha rừng trồng đã giúp nhiều hộ khá giả. Cả thôn mấy trăm hộ mà chỉ còn 9 hộ nghèo, chủ yếu là do hoàn cảnh già yếu, neo đơn mà thôi”. Lại hỏi chuyện ngày trước đất nước chia cắt, chiến tranh gian khổ, ác liệt, ông nói: "Thời đó thì có lẽ ai cũng chịu đựng gian khổ, hy sinh. Chuyện đó qua lâu rồi. Bây giờ chỉ tập trung làm ăn kinh tế để thúc đẩy đời sống đi lên. Nhắc lại ngày trước cũng là ăn cơm mới, nói chuyện cũ”.

Phải rồi, câu chuyện giới tuyến với khói lửa đau thương, với chia cách dằng dặc, với những chiến công tạc vào bảng vàng, bia đá và quan trọng hơn vào chính lòng người, rồi đến lúc cũng phải lùi vào quá vãng, không phải để quên đi mà để dành một góc trang trọng riêng trong trí nhớ, còn thì để dành hết tâm lực mà vun bồi cuộc sống hôm nay và cả mai sau. Như vậy mới đúng là truyền thống đạo lý Việt Nam.

Nguồn: Báo Quảng Trị


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội