A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn: Biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng

Nhà tù Côn Đảo của thực dân Pháp được ví như “địa ngục trần gian” nhưng các chiến sĩ cộng sản đã biến nó thành trường học cách mạng. Bác Hồ kính yêu đã từng đánh giá cao những trường học như thế: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua”. Những ngày tháng đồng chí Lê Duẩn ở nhà tù Côn Đảo cũng đã thể hiện bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản: Biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng.

Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo, nơi yên nghỉ của các chiến sĩ cách mạng kiên trung.

 

 

Sau Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930, đồng chí Lê Duẩn được phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ. Từ đó đồng chí Lê Duẩn rời Sở Hỏa xa Đông Dương và bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Cơ quan Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ đặt trụ sở hoạt động tại Hải Phòng. Đồng chí Lê Duẩn được phân công phổ biến “Luận cương chính trị” cho các địa phương, biên soạn tài liệu, phát hành báo chí, truyền đơn và vận động phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng. Đồng chí còn chịu trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức cuộc đấu tranh tại các xí nghiệp sản xuất công nghiệp và các khu lao động ở Hải Phòng. Công việc đang tiến hành thuận lợi thì do có sự phản bội của một cán bộ xứ ủy, chiều ngày 20/4/1931, Sở Mật thám Pháp ở Hà Nội về Hải Phòng huy động lực lượng lùng sục, vây ráp các chiến sĩ cách mạng. Bảy cơ quan trung ương và xứ ủy tan vỡ, 36 đồng chí bị sa vào tay giặc. Đồng chí Lê Duẩn cùng với các đồng chí trong Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ bị bắt tại ngôi nhà số 8, ngõ Quảng Lạc.

Sau khi bị bắt, đồng chí Lê Duẩn bị tạm giam ở Sở Mật thám Đông Dương rồi nhà tù Hỏa Lò Hà Nội, nhà tù Sơn La. Mặc dù bị địch dùng mọi thủ đoạn mua chuộc và tra tấn dã man, nhưng đồng chí Lê Duẩn và nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung khác vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, luôn vững vàng trước mọi đòn roi, khó khăn, thử thách. Vào lúc 3 giờ sáng một ngày cuối năm 1933, từ nhà tù Sơn La, địch đưa đoàn tù về Hà Nội và sau đó chuyển xuống Hải Phòng để đày ra Côn Đảo, tất cả là 200 người. Chiếc tàu khách Cơ lốt sáp chuyên chạy đường Hải Phòng- Sài Gòn được thuê chở tù nhân vào Ô Cấp (Vũng Tàu). Sau 4 ngày lênh đênh trên biển, tàu cập bến Ô Cấp. Đoàn tù chuyển sang tàu nhỏ ra Côn Đảo. Khoảng 9 giờ tối ngày 25/12/1933, ca nô chở tù nhân từ tàu vào bến. Đói và mệt, tù nhân bước đi trong bóng đêm chập choạng. Bọn giám thị dùng dùi cui quất tới tấp lên người giục đoàn tù đi nhanh. Vào phòng giam, tù nhân lại bị đánh tiếp. Chúng đánh để đếm người. Mỗi người tù được phát một bộ quần áo màu xanh và một chiếc chiếu. Tấm áo tù của đồng chí Lê Duẩn in đậm hàng số 3114.

Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lê Duẩn bị giam tại phòng giam số 3 bên đề lao II. Phần đông tù chính trị đều bị giam ở đề lao II. Tại đây, đồng chí Lê Duẩn được tiếp xúc với những đồng chí ưu tú, những cán bộ xuất sắc của phong trào cách mạng đã bị đày ra từ trước như các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Linh, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng… Nhà tù Côn Đảo lúc bấy giờ đã được các chiến sĩ cộng sản biến thành trường học rèn luyện tinh thần đấu tranh bất khuất. Nhờ đoàn kết và có tổ chức, những người chiến sĩ cộng sản đã từng bước đấu tranh thay đổi cả chế độ nhà tù hà khắc. Mới đầu, đấu tranh đòi mở cửa khám để lấy thêm một ít không khí. Đấu tranh đòi có được một ngọn đèn dầu vào ban đêm…Rồi từ cuối năm 1933, đầu năm 1934, bọn giám thị phải để cho các đồng chí ta ra ngoài làm. Từ đó, các chiến sĩ cộng sản đã phát huy năng lực tổ chức trao đổi, học tập lý luận, phương thức lãnh đạo trong nội bộ với nhau, chuẩn bị mọi điều kiện, sức khỏe cho những đợt đấu tranh mới.

Hoạt động tiêu biểu nhất của các đồng chí ta tại đề lao II là tổ chức học tập, biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng. Anh em tổ chức học văn hóa, học ngoại ngữ, diễn kịch, thi thơ, học tập lý luận… Đồng chí Lê Duẩn là một tấm gương về tinh thần chịu đựng gian khổ và ý chí vươn lên trong học tập, tự trang bị cho mình vốn tri thức cần thiết. Đồng chí dành phần lớn thời gian trong tù để học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin và bồi dưỡng cho anh em khác. Lúc đầu, đồng chí Lê Duẩn thường nhờ các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương hướng dẫn đọc sách tiếng Pháp. Bằng nghị lực của mình và đức tính kiên trì trong học tập, chỉ qua một thời gian ngắn, đồng chí đã có thể tự mình nghiên cứu những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin như: “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, “Tư bản”, “Chống Đuyrinh”… Nét đặc sắc trong phong cách học tập và nghiên cứu của đồng chí Lê Duẩn là sự suy nghĩ sâu sắc về những nguyên lý được trình bày trong sách và liên hệ với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Ngoài sách kinh điển, đồng chí Lê Duẩn cũng chịu khó tìm đọc một số tác phẩm của các nhà văn Xô viết và các nhà văn tiến bộ trên thế giới. Những tập ký sự và tiểu thuyết như “Mười ngày rung chuyển thế giới” của Giôn Rít hay “Suối thép” của Xêraphimôvích để lại cho đồng chí những ấn tượng sâu sắc. Nghiêm túc và miệt mài trong học tập và rèn luyện, ngoài vốn tri thức phong phú về lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, đồng chí đã chắt lọc trong kho tàng kiến thức đồ sộ của nhân loại những điều bổ ích, những trào lưu tư tưởng tiến bộ ở phương Tây dạy con người phải hành động, triết lý đạo Phật trọng tình thương và lẽ phải…

Sau này, đồng chí kể lại những năm tháng đáng ghi nhớ ấy: “ Vào tù, anh em đồng chí khắp Bắc, Trung, Nam được dịp gặp nhau là chỉ lo suy nghĩ, tính toán, bàn bạc cách đấu tranh để thắng bọn đế quốc, thực dân. Lúc đầu chúng tôi quyết biến nhà tù thành trường học. Khi còn ở ngoài đi làm cách mạng là do tình cảm thôi thúc, do yêu nước và căm ghét địch. Vào tù, nhờ biết tổ chức, chúng tôi được học, được đọc, do đó mới hiểu chủ nghĩa Mác- Lênin và càng tin chắc cách mạng Việt Nam nhất định thắng”.

Đồng chí Lê Duẩn vừa học tập, nghiên cứu vừa hướng dẫn các đồng chí khác học tập. Đồng chí thích nghe những ý kiến tranh luận bổ ích về những vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, về tình hình thế giới, về chủ nghĩa đế quốc và chiến tranh cách mạng… Đồng chí có lối lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc sảo, phân tích sâu, giàu kinh nghiệm thực tiễn… Trong tù, các đồng chí ta đã tổ chức biên soạn và phát hành báo chí để làm phương tiện học tập và tranh đấu. Nhiều tạp chí và báo có uy tín lần lượt ra đời như: “Ý kiến chung”, “Người tù đỏ”, “Tiếng sóng bể”, “Trên đường tranh đấu”… trong đó đồng chí Lê Duẩn là một trong những cây bút chủ lực, sắc sảo. Qua các cuộc tranh luận trong các lớp học, trong các phòng giam và những bài viết trên báo chí, hệ tư tưởng của giai cấp vô sản ngày càng thâm nhập vào đời sống người tù, giúp các đồng chí ta lý giải được những vấn đề lý luận cách mạng. Nhiều nội dung quan trọng trong các văn kiện “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” trong “Luận cương chính trị” của Đảng được giải quyết thấu đáo hơn. Với những kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, đồng chí Lê Duẩn đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh trên báo chí để tuyên truyền lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản.

Giữa những năm 30 của thế kỷ trước, phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình phát triển mạnh ở châu Âu. Tháng 5/1936, Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp được thành lập. Bọn phản động thuộc địa buộc phải thực hiện chỉ thị của Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp đại xá chính trị phạm. Trong bốn tháng cuối năm 1936, có 500 tù chính trị ở Côn Đảo được trả tự do, trong đó một nửa là các chiến sĩ cách mạng. Sau này, đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Nhà tù là nơi thử thách ý chí của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam, là nơi diễn ra cuộc chiến đấu một mất một còn giữa cách mạng với bọn cướp nước. Bè lũ thực dân muốn giết hại những người cộng sản để tiêu diệt phong trào cách mạng Việt Nam, nhưng chúng không làm được. Những người cộng sản Việt Nam đã thắng.” Ngọn lửa đấu tranh đã rèn luyện các đồng chí trở thành những con người gang thép. Đây là vốn quý để gây dựng lại phong trào đấu tranh trong giai đoạn mới của cách mạng. Bọn thực dân Pháp biết vậy nhưng không còn cách gì ngăn cản được.

Một ngày cuối tháng 10/1936, chiếc tàu biển mang tên viên Toàn quyền Đông Dương Patsxkiê nhổ neo đưa 200 tù chính trị từ Côn Đảo về đất liền, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Tàu cập bến Ô Cấp để các đồng chí quê ở Nam Kỳ lên bờ rồi chạy thẳng ra Đà Nẵng. Cuộc chia tay vội vàng diễn ra trên cầu tàu và sân ga. Các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Hoàng Quốc Việt đi tiếp ra Hải Phòng, đồng chí Phạm Văn Đồng về Quảng Ngãi, đồng chí Hà Huy Giáp về Vinh. Các đồng chí Nguyễn Chí Diễu, Lê Duẩn về Huế và Quảng Trị.

Đúng mười năm xa cách biền biệt, đồng chí Lê Duẩn mới lại trở về xóm nghèo chợ Sãi năm xưa, người sạm đen, gầy guộc, trên lưng áo còn in đậm số tù. Từ đây, đồng chí Lê Duẩn lại bước vào cuộc đấu tranh cách mạng sôi nổi, vẻ vang, xứng đáng là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam.

Nguồn: Báo Quảng Trị


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội