A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, nêu rõ địa chỉ làm chưa tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Chiều 27/5/2021, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 56, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 của Chính phủ. Phát biểu về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần bám sát quy định của pháp luật; bám sát thực tiễn, chỉ rõ những mô hình hay, cách làm tốt để khen thưởng, nhân rộng kịp thời đồng thời nêu rõ địa chỉ những nơi chưa làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương rất lớn của Đảng, đã được thể chế hóa thành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề rất lớn, nhất là trong điều kiện nước ta chưa dư dả, còn nghèo. Đôi khi, thiệt hại do lãng phí không kém tham nhũng, thậm chí có nhiều lĩnh vực lãng phí nguồn lực còn trầm trọng hơn, lớn hơn tham nhũng. Vì vậy, vấn đề này phải được hết sức coi trọng.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, mỗi năm, chúng ta đều có cố gắng hơn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần chỉ rõ những thành tích nổi bật và những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là cần nêu rõ địa chỉ nơi nào làm chưa tốt, còn hạn chế, yếu kém, có tính phản biện cao, không ngại va chạm.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ: Vừa rồi, Hà Nội có sáng kiến xét nghiệm mẫu gộp trong sàng lọc phòng, chống Covid-19 với những người không thuộc diện F1. Họ lấy 5-10 mẫu làm xét nghiệm gộp, nếu âm tính thì loại luôn, nếu có dương tính thì mới tách bóc ra để xét nghiệm riêng. Sáng kiến này giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm công sức, tiết kiệm nguồn lực rất lớn phục vụ công tác phòng, chống dịch. Báo cáo cần nêu được những điển hình, tiên tiến, những tập thể hay cá nhân có thể vinh danh trong nghị trường hoặc trong phiên họp của Chính phủ, trước công luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Về phương hướng hoàn thiện các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải bám sát những nội dung cốt lõi của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 23-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Luật quy định 3 đối tượng: Lĩnh vực liên quan tới tài chính, ngân sách Nhà nước, tín dụng Nhà nước, tài chính công, tài sản công, tài sản trong các ngân hàng thương mại Nhà nước và Ngân hàng thương mại có cổ phần của Nhà nước, trong các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn cổ phần của Nhà nước, bao gồm cả năng suất, tiết kiệm thời gian lao động của cán bộ, công chức; lĩnh vực tài nguyên, gồm đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường; khu vực tư liên quan đến kinh doanh, tiêu dùng của Nhân dân, của xã hội. Quyết định 166 quy định chi tiết hơn những lĩnh vực này. Do vậy, các báo cáo phải bám sát vào những nội dung này để bảo đảm tính mạch lạc.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, trong lĩnh vực tài chính, cơ cấu thu-chi ngân sách, thất thoát, lãng phí, để hao tổn nguồn lực như thế nào. Năm 2019, chi thường xuyên vẫn còn tới 65,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội quy định và Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Năm 2020 cũng cần có số liệu chứng minh tiết kiệm chi thường xuyên là bao nhiêu tiền, tỷ lệ là bao nhiêu, nơi nào làm tốt, nơi nào làm chưa tốt để đánh giá thêm về tinh giản bộ máy, biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị nêu rõ hơn vấn đề về xử lý các doanh nghiệp yếu kém trong ngành Công Thương; xử lý các ngân hàng yếu kém, thua lỗ, những ngân hàng 0 đồng; rà lại những vướng mắc trong lĩnh vực công, như ách tắc trong quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, đơn giá định mức… Đặc biệt, những ách tắc trong đầu tư theo hình thức PPP, BT gây lãng phí nguồn lực rất lớn.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, mấy năm gần đây, Việt Nam có nghịch lý là thiếu cát, giá cát tăng phi mã. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu dùng tro sỉ của các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp hoặc thay đổi đơn giá định mức trong san lấp. Vì vậy đã giảm được nhu cầu về cát xây dựng, từ đó kéo giảm giá cát trên thị trường. “Kinh tế tuần hoàn nói thì xa xôi, nhưng người ta quan niệm rác thải, chất thải cũng là một loại tài nguyên”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Trong lĩnh vực quản lý đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhắc tới tình trạng dự án treo với khoảng 500.000 héc-ta. Những dự án treo ấy cũng gây lãng phí nguồn lực, nếu tháo gỡ được thì sẽ đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế, xã hội.

Từ những phần tích nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra; bố trí thời gian thích hợp để các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, ở hội trường, thậm chí có thể phát thanh, truyền hình trực tiếp, chứ không chỉ gửi tài liệu để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

* Theo báo cáo tóm tắt về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN), kết quả thu NSNN tăng 185 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV. Triệt để thực hiện tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng NSNN (Ngân sách Trung ương tiết kiệm được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao). Cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của NSNN (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

* Theo báo cáo số 139/BC-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có việc tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương (khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng); cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách (Ngân sách Trung ương tiết kiệm được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao). Trong 6 tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1 nghìn tỷ đồng) và 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm (khoảng 6,4 nghìn  tỷ đồng).

Nguồn: BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội