A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Nói không với tiêu cực từ những công trình ý Đảng, lòng dân

Nói không với tiêu cực từ những công trình ý Đảng, lòng dân

          LTS: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc Quân đội tham gia phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố thế trận quốc phòng, an ninh, hơn 20 năm trước, Quân khu 4 đã thành lập các Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) 4, 5, 92 và 337 thực hiện nhiệm vụ ở một số huyện biên giới đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Từ nguồn ngân sách, kinh phí của Nhà nước, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, bằng tình cảm, trách nhiệm, các thế hệ nhân viên, chiến sĩ các Đoàn KTQP Quân khu 4 đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội có hiệu quả, tuyệt đối không để thâm hụt, thất thoát, lãng phí. Những công trình, dự án từ “ý Đảng, lòng dân”đã góp phần đổi thay miền biên viễn, nâng cao đời sống Nhân dân.

Bài 1: “Đánh giặc” thời bình

Các địa phương nơi các Đoàn KTQP thuộc Quân khu đến đóng quân, thực hiện nhiệm vụ, hơn 20 năm trước, đời sống Nhân dân gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn với nhiều “không” (không đường, không trường, không trạm y tế, không chợ, không nước sạch…), địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt; trình độ dân trí không đồng đều; còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu; hầu hết các bản làng chưa có đảng viên; tỷ lệ hộ đói, nghèo đều ở mức cao… Thực hiện chủ trương của Đảng, với chức năng là đội quân công tác, đội quân sản xuất, cán bộ, chiến sĩ các Đoàn KTQP thuộc Quân khu 4 đã bước vào “cuộc chiến mới” - cuộc chiến giúp Nhân dân đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu bằng quyết tâm làm sao tiết kiệm, phát huy hiệu quả cao nhất, tuyệt đối không để lãng phí… nhằm mang lại thật nhiều lợi ích cho đồng bào, để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

          Đoàn KTQP 337 tiền thân là Sư đoàn 337 (Đoàn Khánh Khê), một sư đoàn từng lập nhiều chiến công trong chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Năm 1999, Sư đoàn hành quân vào đóng quân ở Khe Sanh (Quảng Trị) - là vùng “đất lửa”, chiến trường xưa ác liệt để cùng Nhân dân nơi miền biên giới phía Tây Quảng Trị thực hiện “cuộc chiến mới” - cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 xây dựng đường ống dẫn nước sạch về cho Nhân dân.

Trung tá Lê Ngọc Hồi, Trợ lý Dân vận Phòng Chính trị Đoàn, người đã có mặt từ những ngày đầu tiên cùng sư đoàn đến đóng quân nơi đây, kể: “Buổi đầu về đây thực hiện nhiệm vụ mới, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, bởi vùng đất rộng hơn 66.000 ha, có hơn 72km đường biên giáp nước bạn Lào; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%, chủ yếu là bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô quen với tập tục du canh, du cư, đốt rừng làm nương rẫy; trình độ dân trí còn hạn chế với nhiều hủ tục lạc hâu, mê tín dị đoan… Quyết tâm vượt mọi khó khăn để giúp đồng bào chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã xác định phải bắt đầu “cuộc chiến” từ dân, dựa vào dân và trên hết là vì lợi ích của Nhân dân. Để làm được điều đó, cán bộ, chiến sĩ phải lắng nghe, hiểu được dân nói, nói được tiếng nói của dân, nói cho dân nghe, dân hiểu. Và không lời nói nào thuyết phục hơn là bằng những việc làm cụ thể, mang lại hiệu quả cho Nhân dân…”.

Bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 hướng dẫn đồng bào trồng ngô.

Trong từng “trận đánh”, để đẩy lùi dần đói nghèo, lạc hậu, những người lính Đoàn 337 luôn dựa vào đồng bào, mang lại lợi ích cho người dân nên được Nhân dân tin tưởng, cùng sát cánh “chiến đấu”. Từ việc ươm từng hạt giống, vun từng mầm non, chăm sóc từng giống vật nuôi, đến các công trình điện, đường, trường trạm, các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… từ nguồn vốn của Nhà nước, quân và dân cùng bàn bạc kỹ lưỡng, chọn phương án, cách làm sao cho thật tiết kiệm, hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích nhất cho đồng bào hưởng thụ. Đơn cử như, việc trồng những dự án phát triển rừng, những người lính Đoàn 337 tham khảo ý kiến, kinh nghiệm từ Nhân dân, rồi nghiên cứu những giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, thời tiết. Nếu mua giống cây về thì chi phí lớn, chỉ một số ít hộ dân được cung cấp giống. Cách làm của bộ đội là học cách ươm trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật trồng thử, chăm sóc, rồi xây dựng các vườm ươm cây giống. Từ đó, hàng năm, hàng triệu cây giống cùng phân bón được cung cấp rộng rãi cho nhiều hộ dân. Để cây sinh trưởng tốt, cán bộ, chiến sĩ đơn vị không quản ngày đêm hướng dẫn kỹ thuật, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cùng làm với Nhân dân.

Quân dân chung sức thu hoạch lúa ở thung lũng A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Chỉ tay lên triền đồi xanh ngắt cây rừng ngắn và dài ngày, anh Hồ Nuốt, ở thôn A Sóc, xã Hướng Lập hồ hởi khoe: “Của nhà miềng cả đó! Nhờ có “bộ đội 337” mà nhà miềng từ chỗ cái bụng luôn đói, nay đã đã xây được cái nhà mới mua được 2 cái xe máy, cưới được vợ cho con. Sắp tới miềng sẽ mở rộng diện tích trồng thêm cà fê, bời lời và rừng tràm…”.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 cung cấp giống cây rừng cho Nhân dân.

Sát cánh với Nhân dân trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, đầu năm 2002, bà con dân tộc thiểu số các xã Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Típ, Mường Ải của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), thấy những người lính Đoàn KTQP4 hành quân vượt núi, băng rừng vào đóng quân. Do thiếu hiểu biết, bị kẻ xấu lợi dụng kích động, xuyên tạc, rằng bộ đội về chiếm đất và đuổi bà con ra khỏi nơi đang sinh sống nên việc tiếp cận đồng bào để tuyên truyền, vận động rất khó khăn. Hành trình làm công tác vận động Nhân dân ở các thôn, bản ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt.

Bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.

Không để đồng bào khổ mãi, với phương châm mưa dầm thấm lâu, ngoài việc “3 bám” (bám dân, bám bản, bám đối tượng), đơn vị còn mở lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ để có thể “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với bà con nhằm tạo ra sự đồng cảm về ngôn ngữ; học các phong tục tập quán của địa phương, hiểu rõ nguyện vọng của Nhân dân. Trong mỗi chương trình, dự án, cán bộ, chiến sĩ luôn mời cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, cùng tham gia. Như việc thực hiện dự án bò, lợn đen giống, từ nguồn vốn của trên cấp, bộ đội không mua bò, lợn ở vùng khác về mà phát triển giống bò, lợn bản địa. Cách làm đó lúc đầu bà con thắc mắc vì bao năm nay họ nuôi bò, lợn thường xuyên mắc các loại bệnh, phát triển không tốt. Nhưng sau khi bộ đội nuôi thì bò, lợn lớn rất nhanh. Sở dĩ đàn bò, lợn mà bộ đội nuôi không mắc các loại dịch bệnh vì anh em áp dụng hình thức nuôi nhốt là chủ yếu, khi làm chuồng phải tránh được hướng gió thổi chính diện; trồng thêm cỏ voi cho bò và thường xuyên phòng dịch… Bà Lương Mẹ Biên, ở bản Pủng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn nói: “Trước đây, chăn nuôi ở đây rất khó vì thời tiết khắc nghiệt nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Từ khi được “bộ đội Đoàn 4” hỗ trợ cho con bò giống, cặp lợn và giúp làm chuồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, con bò gia đình ta đã đẻ 2 lứa, lợn vừa xuất một lứa, hiệu quả trông thấy. Giờ không chỉ gia đình ta mà nhiều hộ thoát nghèo rồi”.

Bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc trâu.

Từ những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, những người lính Đoàn 4 mang đến cho người dân cái họ đang thiếu, họ cần, cái đồng bào còn khó khăn. “Ý Đảng” được bộ đội chuyển dần thành “lòng dân”, người dân giám sát, là người trực tiếp kiểm tra, tham gia và hưởng thụ nên Nhân dân phấn khởi cùng bộ đội thực hiện hiệu quả “5 xóa” (xóa đói cái ăn, xóa đói cái mặc, xóa đói chữ, xóa đói thông tin, xóa đói thuốc chữa bệnh, xóa thiếu nước sạch)…

Đội viên trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 xóa mù chữ cho bà con Nhân dân.

Cũng như ở Đoàn KTQP 4, nhớ lại những ngày đầu đi “mở đất”, về với Nhân dân chống đói nghèo, lạc hậu, Đại tá Bùi Huy Đắc, nguyên đoàn trưởng Đoàn KTQP 5 kể, khi chúng tôi “Tây tiến” đến “cổng trời” Mường Lát, heo hút như lạc vào một thế giới khác, chỉ có rừng và rừng. Những khó khăn điệp trùng trước mắt đã không làm những người lính chùn bước bởi thấy vất vả của đồng bào hiện hữu càng làm các anh trăn trở và thêm quyết tâm.

Dự án cây chanh leo do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4 thực hiện giúp nhiều hộ dân trong vùng dự án thoát nghèo bền vững.

Khi nhắc tới những việc làm vì Nhân dân, cán bộ, nhân viên Đoàn KTQP 5, nói với tôi, có viết cả đời cũng không hết. Nhưng những ngày trước vận động bà con rời núi cao về định cư tập trung gần các tuyến đường là một kỳ công. Bà con dân bản chỉ tin vào thần linh nên ngày đó, cán bộ, nhân viên Đoàn ngày đêm vượt núi cao, đến với dân bản nói rõ thiệt hơn… Nói đi nói lại nhiều lần vào mọi lúc ở mọi nơi... Rồi bộ đội tổ chức dựng nhà, sửa sang, nâng cấp đường sá, khám bệnh, cấp thuốc cho bà con. Thầy mo cúng không hết bệnh nhưng bộ đội cho thuốc uống thì bệnh khỏi… Mỗi lần làm việc gì, bộ đội cũng xin ý kiến bà con, cùng Nhân dân bàn bạc làm sao để ít kinh phí nhất nhưng hiệu quả nhất. Đồng bào đều thấy sau mỗi công trình, việc làm của bộ đội hoàn thành, người dân bản đều trực tiếp hưởng thụ. Như thế bộ đội là người tốt rồi. Mà người tốt nói thì phải nghe theo thôi… Được bộ đội Đoàn 5 dựng cho cái nhà mới khang trang, vững chắc, khác hẳn những nóc nhà chênh vênh trên sườn núi, từ già làng, đến cả bản rồi nhiều bản người H’Mông đã dần dần rời núi cao về định cư quây quần gần người Kinh, người Khơ Mú, người Thái. Ngày đó, mỗi hộ dân còn được đầu tư 15 triệu đồng trong dự án di giãn dân, số tiền không thật nhiều nhưng bộ đội Đoàn 5 hướng dẫn kỹ bà con cách sử dụng tiền hợp lý nên ai cũng mừng vì có nhà ở mới lại có tiền trang trải cuộc sống vốn trăm bề thiếu thốn…

Nhân viên Quân y Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con Nhân dân.

Hơn 20 năm trước, địa bàn Đoàn KTQP 92 được giao nhiệm vụ đóng quân là thung lũng Asho - nơi rốn chất độc “da cam” lớn nhất của cả nước. Bước đường “hồi sinh A Sho” của những người lính Đoàn KT – QP 92 mở đầu bằng những đợt phối hợp cùng các lực lượng sắp xếp lại dân cư, di dân với quy mô lớn. Bước chân của những người lính len lỏi đến tất cả mọi ngõ ngách của thung lung A Sho để thống kê, khảo sát những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam, lập vùng quy hoạch mới cho đồng bào định cư.

Bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 tổ chức Hội nghị đầu bờ hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước cho bà con.

Cách mà bộ đội làm cho dân tin, dân đồng thuận về nơi ở mới không chỉ bằng lời nói mà bằng những hành động thiết thực, như mở đường, xẻ núi, làm nền, giúp bà con công sức vận chuyển nhà cửa, đồ đạc và chia sẻ cùng đồng bào khẩu phần ăn của mình để đồng bào ổn định cuộc sống khi mới đến. Trong đợt đầu tiên phối hợp thực hiện chương trình di dãn dân, những người lính đảm nhận phần việc xây nhà cho đồng bào. Cũng với số tiền, số vật liệu chung như ở nơi khác, nhưng điều mà cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 92 trăn trở là phải xây làm sao cho đẹp, đàng hoàng hơn. Và cách những người lính làm là khai thác vật liệu tại chỗ (cát sạn lấy từ sông A Sáp), tự mình đổ táp - lô nên giảm giá thành được rất nhiều. Số tiền có được từ công sức của mình, những người lính mua gạch hoa lát nền nhà cho bà con. Có nhà đẹp, nhà sạch, cách sinh hoạt của đồng bào cũng dần thay đổi, người dân biết rửa chân sạch sẽ, để dép ở ngoài mỗi khi bước vào nhà.

Cán bộ, nhân viên Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 giúp Nhân dân xây dựng nông thôn mới.

Trong ngôi nhà kiên cố, ông A Viết Năng, ở xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế kể: “Từ khi bộ đội Đoàn 92 về đây, người dân thung lũng A So chúng tôi đã không còn khổ như trước nữa. Cái bụng bộ đội tốt lắm, làm cái gì cũng hỏi ý kiến, mời người dân chúng tôi tham gia và luôn tính toán kỹ sao cho tiết kiệm, mang lại lợi ích nhiều nhất cho Nhân dân...”  

Giúp đồng bào “an cư” những người lính Đoàn KTQP 92 lại bắt tay vào mở đường. Thêm mỗi mét đường được mở, thêm nhiều bài học quý về tình quân dân. Chuyện đường "Theo chân bộ đội" đến thung lũng A So được những người lính Đoàn KTQP 92 viết nên không chỉ bằng công sức, trí tuệ của riêng họ mà yếu tố quyết định là những con đường đó còn được mở bằng chính "lòng dân", bằng chính niềm tin yêu, sự quý trọng của đồng bào dành cho “Bộ đội Cụ Hồ” đi "hồi sinh A So".

Niềm vui của bà con khi nhận bò giống do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 cấp.

Những ngày đầu đi “mở đất” giúp Nhân dân trong “cuộc chiến” chống đói nghèo, lạc hậu, những người lính các Đoàn KTQP thuộc Quân khu 4 gặp không biết bao nhiêu thử thách, gian nan nhưng với ý chí, quyết tâm, bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã không làm họ chùn bước. Trong cuộc chiến đó, tuy nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm, trăn trở trước vất vả của đồng bào, những người lính đã cùng Nhân dân chắt chiu, tìm tòi cách làm tiết kiệm, phát huy hiệu quả cao nhất để mang lại no ấm cho đồng bào, góp phần đổi thay miền biên viễn, yên dân, giữ vững biên cương Tổ quốc.

Bài 2: "Khó vạn lần dân liệu cũng xong"

Nhóm phóng viên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội