A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vị tướng quân tin, dân mến

Sáng 11/9/2021, điện thoại của tôi đổ chuông liên tục. Có những vị tướng đã về hưu, có người đang công tác nhưng đều hỏi tôi và cuối cùng đều thốt lên: “Báo Quân đội Nhân dân Điện tử đã đưa tin thì chính xác rồi”. Đó là thông tin Đại tướng Phùng Quang Thanh từ trần lúc 3 giờ 45 phút tại nhà riêng, vì bệnh trọng.

Dù ông đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng chưa bao giờ tôi rơi vào tâm trạng bối rối và cảm xúc xáo trộn thế. Thời kỳ Đại tướng Phùng Quang Thanh là Tư lệnh Quân khu 1 (1998-2001), tôi may mắn thường xuyên được gặp ông và được nghe, được thấy phong thái, trí tuệ của vị tướng đức độ, tài ba. Ông từng trưởng thành từ Chiến sĩ lên Bộ trưởng, từ binh nhì lên Đại tướng; là dũng sĩ diệt Mỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, từng kinh qua các cương vị công tác với những quyết sách để lại cho mỗi đơn vị, cho toàn quân và đất nước, chắc chắn sẽ có nhiều ghi nhận, đánh giá. Bài viết này, tôi xin kể lại những chuyện nho nhỏ, đời thường trong ông mà có lẽ chưa nhiều người biết

Đừng cho việc gì là nhỏ

Đại tướng Phùng Quang Thanh vốn là người trầm tĩnh, không ồn ào trong trong bất kỳ bối cảnh nào. Tôi chưa thấy ông nói to, quát mắng ai bao giờ, dù có thể tâm trạng lúc đó không hài lòng. Tuy nhiên, ông lại là người quyết đoán và rất sâu sắc trong công việc, trong cuộc sống hằng ngày. Ông là một vị tướng giàu tâm đức, tấm lòng luôn rộng mở, dường như có một mạch chảy xuyên suốt trong con người ông đó là: Làm được việc gì tốt thì nên làm.

Năm 1998, tôi lên Quân khu 1 công tác, được bố trí ăn nghỉ ở Khu Nhà khách Văn phòng Bộ tư lệnh và nhiều lần được ông mời ăn cơm cùng, có cả Thiếu tướng Đàm Đình Trại, Phó tư lệnh về Chính trị (sau này là Trung tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) cùng ngồi ăn. Trước đó, bữa ăn có thể diễn ra rồi nhưng Thiếu tướng Phùng Quang Thanh bất ngờ có khách. Đồng chí sĩ quan văn phòng báo cáo có khách từ quê nhà (Thạch Đà, Mê Linh, Vĩnh Phúc) xin gặp, đang đợi ngoài cổng gác của quân khu. Sau bữa cơm, khi ngồi uống nước, Tư lệnh Quân khu làm cho tôi ngượng đến…run người:

- Tôi xin lỗi đồng chí Trung úy phóng viên nhé! Có mấy anh chị đồng hương từ quê lên. Tôi và đồng chí ăn muộn một chút nhưng các anh chị ấy về sớm được, không bị muộn, đường xá xa xôi mà.

Hôm đấy, Hội khuyến học của xã cử người lên, gặp ông để vận động quyên góp cho quỹ giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó. Việc khuyến khích học tập ông luôn động viên, ủng hộ với mọi người.

Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp gỡ động viên, trao quà lưu niệm tặng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu (Lào Cai) ngày 16-5-2015. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Năm 2001, thời tiết khắc nghiệt, huyện miền núi Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) gặp cơn hạn hán kéo dài, việc sản xuất hoa màu, vụ lúa thất thu, đồng bào các dân tộc gặp không ít khó khăn, nhiều nhà đứt bữa, đói ăn. Nắm bắt tình hình, dù đêm đã khuya, Tư lệnh Phùng Quang Thanh vẫn nhấc điện thoại trao đổi với Đại tá Nguyễn Quốc Khánh, Sư đoàn trưởng (sau này là Trung tướng, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) để thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho Nhân dân. Ngay ngày hôm sau, những bao gạo đong đầy nghĩa tình đã được Sư đoàn 3 mang đến trao tận tay cho mấy trăm hộ dân của hai xã Vân Sơn, Hữu Sản. Khỏi phải nói, những việc làm thiết thực như trên không chỉ mang lại niềm vui mà còn mang lại niềm tin lớn với Bộ đội Cụ Hồ mỗi khi Nhân dân gặp khó khăn.

Sư đoàn 3 Sao Vàng là đơn vị chủ lực, quân số đông nên bao giờ cũng nhận được sự quan tâm từ thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu. Thời Tư lệnh Phùng Quang Thanh ở Quân khu 1 không lâu nhưng chỉ chưa đầy hai năm, diện mạo của các đơn vị thay đổi mạnh mẽ, kể cả lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ các cấp. Sư đoàn 3 thực sự củng cố vị trí của một “sư đoàn thép”. Ngoài việc nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng SSCĐ thì đời sống của bộ đội cũng có bước phát triển vượt bậc, công tác tăng gia sản xuất, tạo sản phẩm đưa vào bữa ăn hằng ngày là “mơ ước” của nhiều lãnh đạo, chỉ huy. Tuy nhiên, cũng có việc, cán bộ cấp gần với bộ đội vẫn chưa thật sâu sát. Một lần đi kiểm tra tại Trung đoàn 2, giữa sân vận động, đồng chí Tư lệnh đề nghị với các chiến sĩ, ai mặc áo quần không đúng số thì…giơ tay! Một cánh tay ngập ngừng. Tư lệnh Phùng Quang Thanh tiếp tục hỏi: Có đồng chí nào đi giày chật, cức chân không? Không có cánh tay nào giơ lên. Tư lệnh nhìn hàng quân một lượt rồi chọn ra mấy đồng chí to cao nhất, ông ngồi xuống, đích thân dùng tay sờ nắm rồi cởi cả giày chiến sĩ đang đi để kiểm tra. Thấy bàn chân chiến sĩ hằn dấu vết, tấy đỏ, giọng ông trùng xuống, nghiêm nghị: Chủ nhiệm hậu cần trung đoàn có khuyết điểm. Chỉ huy tiểu đoàn trở xuống đều có khuyết điểm. Ngay bây giờ phải kiểm tra toàn bộ, đổi cỡ số cho anh em. Từ ngày mai trở đi, không để bất cứ chiến sĩ nào mặc áo rộng, đi giày chật.

Những lần kiểm tra đơn vị, Tư lệnh Phùng Quang Thanh luôn cho đội ngũ cấp dưới nhận ra những bài học sâu sắc, nhất là về tính tỉ mỉ. Cũng một lần đến kiểm tra Phòng Hồ Chí Minh ở một tiểu đoàn, nhận xét, biểu dương xong, đồng chí ôn tồn: Các đồng chí phải thật chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất. Đây này, lau chùi hiện vật là phải cả trước, cả sau, giữ tốt, dùng bền phải cả trong nhận thức - rồi ông dùng ngón tay, miết ra phía sau chiếc tivi - bụi bẩn chứng tỏ các đồng chí có tư tưởng đối phó.

Bao quát nhưng phải cụ thể

Cuối năm 2009, cầu Thăng Long quá tải, xuống cấp, Quân đội giao Bộ tư lệnh Công binh bắc cầu phao quân sự tại bến Chèm (nay thuộc Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để “giải cứu” cây cầu huyết mạch vào Thủ đô. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã trực tiếp đến nơi này, cùng lãnh đạo Bộ tư lệnh Công binh đi bộ trên những đốt cầu, kiểm tra và động viên bộ đội của Lữ đoàn 239 và 249 - những người lính hơn 5 tháng bám trụ phục vụ Nhân dân. Theo thống kê, trung bình mỗi ngày cầu phao Chèm có 7.000 - 10.000 lượt ô tô qua cầu. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ân cần dặn cán bộ, chiến sĩ phải giữ an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện. Chú ý việc hướng dẫn Nhân dân lúc lên xuống các điểm tuyến, sao cho an toàn, nhịp nhàng. Mỗi đồng chí phải giữ đúng tác phong, hình ảnh để Nhân dân thêm tin tưởng, quý mến bộ đội chứ đừng gây phiền bởi nghĩ rằng bà con đi qua…cầu của mình.

Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm, động viên Bộ đội Công binh tại cầu phao Chèm năm 2009. Ảnh PHAN ANH 

Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2011, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Chỉ thị về việc ưu tiên tuyển dụng, giải quyết việc làm cho con đẻ của thương binh, bệnh binh nặng thuộc các trung tâm điều dưỡng thương binh. Khỏi nói, những người bỏ xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và con em họ vui mừng đến nhường nào…

Trước đó, tôi được tháp tùng Bộ trưởng đến thăm Trung tâm điều dưỡng Thương binh nặng Thuận Thành, Bắc Ninh, sau khi một đồng chí thương binh nặng nhận quà đã cảm ơn Bộ trưởng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cúi sát người vào người thương binh nằm trên chiếc xe lăn “đính chính”: Đây là tấm lòng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, không phải của riêng tôi! Mong đồng chí được mạnh khỏe!

Cũng chuyến đi ấy, Bộ trưởng hỏi chuyện, tôi có thưa về Trung tâm Điều dưỡng Thương binh 5 (đóng tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) gần đây đã “khá hơn” nhiều, một phần trong đó có sự giúp đỡ hiệu quả của quân đội. Trong một bài báo đăng trên Báo Quân đội Nhân dân, tôi có nêu một ý rằng, mỗi khi đến dịp 27/7, thương binh của Trung tâm 5 lại ngậm ngùi, tủi thân vì… khi đọc báo, xem tivi, thấy nhiều lãnh đạo, tổ chức, đoàn thể đến thăm các trung tâm khác cứ nườm nượp mà đơn vị mình thì…

Đại tướng Phùng Quang Thanh thăm, động viên chiến sĩ mới Binh chủng Thông tin liên lạc ngày 21/4/2011. Ảnh: MINH TRƯỜNG

Bộ trưởng đã dặn các đồng chí cùng đi, phải chú ý bao quát, nắm tình hình chung, có kế hoạch chung nhưng cũng không được quên mà phải nhớ đến những việc cụ thể. Câu chuyện này, trong một lần Quân khu 1 tổ chức rút kinh nghiệm về phong trào thi đua Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy, Tư lệnh trực tiếp chủ trì và khi gợi ý thảo luận, tóm tắt kết luận và định hướng, ông đã có những ý kiến chỉ đạo nhận được sự đồng thuận rất cao của hội nghị. Tuy nhiên, khi đi tham quan thực địa, có một số chỉ huy…nhanh chân cơ động bằng xe ô tô, Tư lệnh Phùng Quang Thanh phát hiện ra và yêu cầu tất cả phải đi bộ. Đích thân ông dẫn đầu và bằng lời nhắc nhở cụ thể nhưng rất nghiêm khắc: “Đi thăm quan vườn rau, ao cá, chuồng lợn mà các đồng chí đi ô tô thì thấy được cái gì?”

Thấm đượm ân tình

Tôi tin, trong số anh em báo chí có những kỷ niệm với Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ có chung nhận xét: Ông là một trong những thủ trưởng cấp cao để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi người. Đại tướng Phùng Quang Thanh không chỉ gần gũi, ân cần, dành tình cảm, sự quan tâm cho đội ngũ báo chí, mà ông còn rất tinh trong sự góp ý (tôi xin phép không đề cập đến tầm chỉ đạo) và tạo điều kiện cho anh em tác nghiệp. Thượng tá Phạm Hoàng Hà, phóng viên Báo QĐND nhớ mãi lần Bộ trưởng Thanh “cứu” cả kíp phóng viên, ấy là khi ông thăm Học viện Kỹ thuật Quân sự. Đội hình đón Bộ trưởng chỉnh tề, lẽ ra Bộ trưởng sẽ chào các đồng chí cán bộ chủ chốt trước, nhưng ông đề nghị…ngược lại, chào hỏi anh em từ vị trí cuối hàng ngang trước. Một góc máy đẹp vì không bị ngược nắng cho cả hàng quân đón khách, lại làm cho những cán bộ, chiến sĩ thấy sự gần gũi, thân thương mà người chỉ huy cao nhất của Quân đội dành cho. Trước ống kính máy quay, máy ảnh, đồng chí Phùng Quang Thanh không bao giờ “diễn” mà rất tinh tế tạo điều kiện để anh em có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Đại tướng Phùng Quang Thanh gặp gỡ, động viên, chụp ảnh lưu niệm, chia tay các chiến sĩ Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu và Tiểu đoàn 103, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương . Ảnh: MINH TRƯỜNG

Ở Báo Quân đội Nhân dân, ai cũng biết cố Đại tá, nhà báo Nguyễn Đức Toại (mới mất tháng 8/2021) là tác giả của bài báo đăng ngày 4/8/1971 với tiêu đề “Người chỉ huy là Dũng sĩ” sau khi “3 cùng” với trung đội của Thượng sĩ Phùng Quang Thanh suốt mấy tuần để “thực mục sở thị” rồi mới viết lên. Ngày ấy, báo ra 4 trang mà tòa soạn dành hẳn một phần trang nhất và gần cả trang 3 để đăng về tấm gương chiến đấu của Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh thì dư luận sẽ quan tâm như thế nào. Năm 2012, Đại tướng ra thăm Báo QĐND đã nhắc lại kỷ niệm với nhà báo Nguyễn Đức Toại, hỏi thăm tình hình sức khỏe của bác Toại và có ý được gặp lại nhà báo chiến trường năm xưa. Đại tướng rất vui nói: “Năm 1971, anh Toại là Thủ trưởng vì đã đeo quân hàm sĩ quan, còn tôi mới chỉ là thượng sĩ”. Năm 2015, Đại tá Nguyễn Đức Toại vinh dự được Đại tướng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thân mật tiếp tại Hà Nội. Ân nghĩa hơn, ngày 17/8 vừa qua, được tin bác Toại mất, Đại tướng Phùng Quang Thanh lúc ấy đang mệt nặng, phải truyền dịch tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn gọi điện chia buồn với gia đình bác Toại và nhờ tôi chuyển lễ viếng Đại tá Nguyễn Đức Toại trong Thành phố Hồ Chí Minh. Đại tướng rất mệt nhưng vẫn nhắn tin, gửi lời đến tôi “Cảm ơn chú Thu. Anh cũng đã gọi nói chuyện với gia đình bác Toại rồi”. Ngồi viết những dòng này, mở tin nhắn của Đại tướng Phùng Quang Thanh ra đọc, lòng tôi rưng rưng…

Xin khép lại bài báo này cũng bằng câu chuyện một bài báo. Số báo Tết năm 2007, Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân khi ấy, Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống đồng ý để tôi viết bài về Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Tiêu đề bài báo cũng chính là nội dung xuyên suốt là “Vị tướng quân tin, dân mến”. Bài này tôi cẩn thận nhờ Nhà báo Nguyễn Hoàng Sáu (nay là Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân) xem trước khi được Trợ lý Bộ trưởng, Thiếu tướng Ngô Quang Liên trình lên, sau đó truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng rằng: “Thôi, không viết về cá nhân mình nữa! Cảm ơn anh em của Báo Quân đội Nhân dân đã có ý viết về mình”.

Cá nhân tôi rất tiếc vì bài báo đó không được đăng nhưng tôi lại hiểu thêm rằng, Bộ trưởng đã rất khiêm tốn… Xin nghiêng mình vĩnh biệt Đại tướng Phùng Quang Thanh!

Hà Nội, ngày 11/9/2021

NGÔ ANH THU

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội