A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sư đoàn trưởng của tôi!

Sáng ngày 7/4/2022, điện thoại Trực ban Quân khu đổ chuông liên tục. Có những vị tướng đã về hưu, có người đang công tác nhưng đều hỏi tôi và cuối cùng đều thốt lên: “Báo Quân khu 4 đã đưa tin thì chính xác rồi”. Đó là thông tin Thiếu tướng Trần Hữu Tuất, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII từ trần lúc 21 giờ 55 phút ngày 6/4/2022 tại nhà riêng, vì bệnh trọng.

Thiếu tướng Trần Hữu Tuất ân cần động viên, thăm hỏi chiến sĩ mới Bộ CHQS Thừa Thiên Huế.

 Mặc dù biết Thiếu tướng Trần Hữu Tuất lâm bệnh trọng từ lâu nay, nhưng khi nghe tin Thủ trưởng về với thế giới người Hiền, trong tôi vẫn trào dâng cảm xúc và sự hụt hẫng. Bởi tôi đã may mắn được công tác và được nghe, được thấy phong thái, trí tuệ của vị tướng đức độ, giàu nghĩa tình từ những ngày ở Sư đoàn 324 và sau này về cơ quan Quân khu qua những chuyến công tác với Thủ trưởng. Mỗi hành động, việc làm của Thủ trưởng để lại trong tôi những tình cảm sâu sắc khó quên. Thiếu tướng Trần Hữu Tuất từng trưởng thành từ chiến sĩ lên Phó Tư lệnh Quân khu, từ Binh nhì lên quân hàm Thiếu tướng; từng kinh qua các cương vị công tác với những quyết sách để lại cho mỗi đơn vị và lực lượng vũ trang Quân khu cùng Nhân dân trên địa bàn Quân khu những tình cảm, ấn tượng sâu nặng.

Trải qua các cương vị từ Phó Đại đội trưởng đến Phó Tư lệnh Quân khu, từ chiến trường Campuchia đến các đơn vị chủ lực Quân đoàn 4, Quân khu 4, những nơi đồng chí Trần Hữu Tuất công tác đồng đội, cán bộ, chiến sĩ đều nhớ mãi người cán bộ đức độ, giàu tình cảm, nghĩa tình. Tôi còn nhớ, những năm 90 – 91 thế kỷ 20 ngày đó đời sống cán bộ và Nhân dân còn nhiều khó khăn. Lúc đó, đồng chí Trần Hữu Tuất đang công tác tại Trung đoàn 176, Bộ CHQS Thừa Thiên Huế, trên các cương vị Phó Tham mưu trưởng rồi đến Trung đoàn trưởng. Ngày nào, đồng chí cũng đi đến các đơn vị nắm tình hình, động viên tư tưởng bộ đội. Đồng chí đi đến tận các phòng nghỉ, kiểm tra việc ăn ở, sinh hoạt của bộ đội. Quân nhân nào ốm tại trại đồng chí ân cần hỏi thăm, động viên và cử quân y nấu cháo, cắt thuốc chăm sóc bộ đội.

Những năm đó cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân còn nhiều khó  khăn, để nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội, hàng ngày vào giờ binh thao Trung đoàn trưởng Trần Hữu Tuất luôn có mặt tại các khu tăng gia sản xuất tham gia trồng rau cùng bộ đội. Do vậy, tuy đóng quân ở vùng đất Phú Bài, Thừa Thiên Huế thười tiết, thổ nhưỡng khắc nghiệt nhưng vườn rau Trung đoàn 176 lúc nào cũng xanh tốt, đủ nhu cầu phục vụ bữa ăn bộ đội.

Sau này phát triển lên cương vị Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 nhưng tác phong gần gũi, yêu thương, sâu sát bộ đội vẫn luôn được đồng chí Trần Hữu Tuất thể hiện bằng những việc làm hết sức bình dị, nhưng rất đỗi gần gũi thân thương. Tôi còn nhớ, ngày đó những năm 1999 – 2000, Trung đoàn 335, Sư đoàn 324 doanh trại bộ đội một số đơn vị còn ở nhà tranh vách nứa. Mỗi lần xuống thăm bộ đội, Thủ trưởng ân cần, sẻ chia những vất vả, khó khăn với cán bộ, chiến sĩ. Thủ trưởng luôn nhắc chúng tôi rằng, đất nước còn khó khăn, đời sống chiến sĩ cơm chưa đủ ăn, phải ở nhà tạm thì cán bộ phải sâu sát, sẻ chia với bộ đội. Và không chỉ bằng lời nói, trong các đợt hành quân huấn luyện giã ngoại, vị cán bộ Sư đoàn thường xuyên hành quân bộ với các đơn vị. Hễ đồng chí nào sức khỏe yếu, tụt lại phía sau đội hình, Thủ trưởng nhẹ nhàng động viên và có khi còn mang ba lô, xách súng hỗ chiến sĩ.

Năm 2008, khi đó đang là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324, khi nghe tin nổ Kho vũ khí Trung đoàn 3, khiến một số cán bộ, chiến sĩ thương vong, đồng chí Trần Hữu Tuất lặng người một lúc và hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má khắc khổ của người cán bộ trận mạc. Bình tâm lại, đồng chí và chỉ huy các cơ quan Sư đoàn khẩn trương lên đường chỉ đạo công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả. Đến hiện trường, mặc cho hiểm nguy từ đạn pháo vẫn còn, nhưng vị Sư đoàn trưởng vận lăn lộn vào đống đổ nát cùng các lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Thiếu tướng Trần Hữu Tuất kiểm tra kỹ thuật phương tiện tại Bộ CHQS Nghệ An, năm 2016. 

Với Thiếu tá Trần Tình, Nhân viên Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế khi nghe tin Thiếu tướng Trần Hữu Tuất qua đời đã không cầm nổi nước mắt. Anh kể cho tôi nghe, kỷ niệm về Thiếu tướng Trần Hữu Tuất trong vụ tai nạn tại đèo Phú Gia, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Dịp đó, tháng 9 năm 2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, gây mưa lớn, gió giật cấp 12 đe dọa nhà cửa, tính mạng nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lộc. Để kịp thời chỉ đạo các lực lượng giúp Nhân dân phòng, chống bão lụt đồng chí Trần Hữu Tuất phải sử dụng xe bọc thép BTR – 152 Bộ CHQS Thừa Thiên Huế cơ động. Vậy nhưng, đến khu vực đèo Phú Gia do mưa lớn kèm theo gió quật mạnh chiếc xe chở đồng chí Trần Hữu Tuất và đoàn công tác gặp nạn. Kịp thời sơ, cấp cứu cán bộ, chiến sĩ đoàn công tác, Bộ CHQS Thừa Thiên Huế điều xe ô tô Ban CHQS Phú Lộc thực hiện nhiệm vụ. Vậy nhưng, khi xe đến nơi đồng chí một mực từ chối lên xe trước. Theo Thiếu tá Trần tình, đồng chí Trần Hữu Tuất nói rằng, mình bị nhẹ hơn ưu tiên những đồng chị bị thương nặng đi cấp cứu trước. Vậy nhưng, trong lúc đó vết thương của đồng chí Trần Hữu Tuất máu chảy đầm đìa...  

Còn với tôi, trong những chuyến công tác với Thủ trưởng, lúc nào Thủ trưởng cũng ân cần, quan tâm, thăm hỏi về tình hình công tác, hoàn cảnh gia đình. Đặc biệt, trước các chuyến công tác tác nghiệp ở vùng bão lụt, bao giờ Thủ trưởng cũng căn dặn tôi phải chuẩn bị đầy đủ các vật dụng. Quá trình tác nghiệp phải luôn chú ý bảo đảm an toàn… Hình ảnh, người Thủ trưởng nhường cho phóng viên miếng lương khô giữa tâm lũ Thừa Thiên Huế cách đây hơn 10 năm vẫn lưu trong tôi.

Những ngày căn bệnh trở nên nặng hơn, tại ngôi nhà gia đình Thiếu tướng Trần Hữu Tuất ở số 31, đường Hoàng Trọng Trì, xóm Mẫu Đơn, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An có rất nhiều đồng đội, cán bộ, chiến sĩ cấp dưới thuộc quyền từ chiến trường Campuchia đến các đơn vị nơi đồng chí công tác đến thăm hỏi, động viên. Trong số những người đồng đội của Thiếu tướng, tôi nghe kể rất nhiều câu chuyện ân tình của đồng chí Trần Hữu Tuất đối với đồng đội. Một cựu chiến binh, mái tóc đã hoa râm, từng là đồng đội với Thủ trưởng Tuất từ chiến trường Camphuchia bắt xe buýt từ huyện Yên Thành vào thăm đồng đội. Nắm chặt tay người đồng đội một thời vào sinh ra tử, câu chuyện của ông kể về đồng đội Trần Hữu Tuất như những thước phim quay chậm.

Trong câu chuyện với tôi, vị cựu chiến binh già nói, đã từng vào sinh ra tử, tôi với đồng chí Tuất có rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng sâu nặng về tình cảm của anh Tuất giành cho bộ đội. Những năm tháng trên chiến trường Campuchia nơi nào khó khăn, ác liệt nhất, nơi đó luôn có mặt Trợ lý tác chiến, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn trưởng Trần Hữu Tuất. Và sau này khi đã trở thành một vị tướng Quân đội nhưng anh Tuất không bao giờ quên kỷ niệm, tình cảm với đồng đội. Mỗi dịp đi công tác gần nhà, anh Tuất đều ghé vào thăm tôi và những đồng đội cũ.

Khi nghe tin Thiếu tướng Trần Hữu Tuất yên giấc ngàn thu, rất nhiều người dân ở các địa phương Anh Sơn , Đô Lương, Tân Kỳ… (Nghệ An) nơi Thiếu tướng Trần Hữu Tuất có thời gian công tác và bà con các vùng trọng điểm bão lụt trên địa bàn Quân khu 4 đều tưởng nhớ, tiếc thương vị tướng giàu lòng nhân ái, luôn xông pha vào khó khăn, hiểm nguy giúp Nhân dân trong thiên tai hoạn nạn.

67 năm tuổi đời, 43 năm tuổi quân, 44 năm tuổi Đảng, trải qua các cương vị, nơi đâu Thiếu tướng Trần Hữu Tuất cũng để lại hình ảnh cao đẹp về đức hy sinh, tình cảm sâu nặng với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân. Thiếu tướng Trần Hữu Tuất đã về yên nghỉ trong lòng đất mẹ nhưng hình ảnh, tấm gương, hành động, việc làm của đồng chí vẫn được cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 và những người đồng đội trận trọng, lưu giữ, noi theo. Xin vĩnh biệt người Sư doàn trưởng của tôi!

Bài, ảnh: NGỌC THĂNG


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội