A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: Quỹ Phòng thủ dân sự là nguồn lực để ứng phó thảm họa, sự cố

Chiều 14/2/2023, tại phiên họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, sau khi nghe các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu ý kiến, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các đại biểu nêu.

Thành lập Quỹ phòng thủ dân sự để ứng phó thảm họa, sự cố

Trước hết, về việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự trước hay sau khi xảy ra thảm họa, sự cố, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương bày tỏ nghiêng về phương án 1 và cho rằng việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự. 

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương phân tích: Hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực; khi đã xảy ra sự cố, thảm họa thì hậu quả rất lớn. Do đó, nếu có sẵn một nguồn lực trong tay thì khi sự cố, thảm họa xảy ra, chúng ta có ngay nguồn lực đó để sử dụng, từ đó sẽ giải quyết được những vấn đề cấp thiết. Đồng thời, trong quá trình xử lý thảm họa sự cố vẫn tiếp tục huy động tiếp các nguồn lực từ bên ngoài. 

Dẫn chứng về thảm họa động đất vừa xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho rằng, một thảm họa lớn như vậy nếu không có nguồn được ngay lúc đầu thì rất khó để có thể giải quyết và đáp ứng được ngay. Các quốc gia, các tổ chức quốc tế viện trợ thì cũng phải mất một thời gian chứ không thể đáp ứng ngay được. Do vậy, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị nên có một Quỹ phòng thủ dân sự thành lập ngay từ lúc đầu để có nguồn lực, còn việc sử dụng như thế nào thì cần phải có quy chế minh bạch. 

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: Quỹ Phòng thủ dân sự là nguồn lực để ứng phó thảm họa, sự cố
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: Thành lập Quỹ phòng thủ dân sự là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị

 

Hợp nhất cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự

Bên cạnh đó, nói rõ hơn về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự lần này đã ghép 3 cơ quan thành 1 cơ quan thường trực về phòng thủ dân sự.

Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, nếu tồn tại 3 cơ quan về phòng thủ dân sự sẽ chồng chéo về chức năng; khi có sự cố, thảm họa xảy ra mà cả 3 cơ quan cùng chỉ đạo thì sẽ không tập trung và gây chồng chéo về nhiệm vụ. 

"Nếu chúng ta để tồn tại Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự có cả Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão, dịch bệnh... thì sẽ chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Bởi vì, khi xảy ra thảm họa, sự cố rồi thì 2 Ban này sẽ chỉ đạo cùng một lúc, không bảo đảm sự thống nhất", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói.

Do đó, việc hợp nhất các Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự là cần thiết, nhằm thu gọn đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng thủ dân sự. Nội dung này cũng nhằm thể chế hóa nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng thủ dân sự.

Đặc biệt, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cũng cho rằng, trong luật chỉ nên quy định một cách chung nhất; Chính phủ sẽ quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự. 

Sớm hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự trách nhiệm, nỗ lực, cầu thị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung dự thảo luật sau khi chỉnh lý, các nội dung cơ bản bám sát chủ trương đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết của Bộ Chính trị, các quy định khác của pháp luật, bảo đảm tính khả thi trong thực tế.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: Quỹ Phòng thủ dân sự là nguồn lực để ứng phó thảm họa, sự cố
 Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên họp. 

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa nhiều ý kiến liên quan đến nguyên tắc áp dụng, sự thống nhất của dự thảo luật với các luật khác có liên quan, phạm vi điều chỉnh, về giải thích từ ngữ xây dựng hệ thống công trình, quỹ phòng thủ dân sự, trách nhiệm quản lý nhà nước, bảo hiểm rủi ro, việc huy động, điều động lực lượng, cơ quan chỉ huy...

Riêng đối với nội dung về Quỹ phòng thủ dân sự, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh quan điểm, việc quỹ có trước hay có sau thì tiếp tục xin ý kiến, tinh thần là thành lập nhưng phải bảo đảm tính công khai, minh bạch và sử dụng có hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu xây dựng luật, sớm hoàn thiện dự thảo, báo cáo giải trình tiếp thu, chuẩn bị các phương án đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.

Tin, ảnh: THẢO PHƯƠNG

Link: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thuong-tuong-nguyen-tan-cuong-quy-phong-thu-dan-su-la-nguon-luc-de-ung-pho-tham-hoa-su-co-718988


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội