Hội thảo khoa học 60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm
Sáng 22-11, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (2-12-1964/2-12-2024), Bộ Quốc phòng và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội thảo khoa học 60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm. Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) QĐND Việt Nam dự và chỉ đạo hội thảo.
Đoàn Chủ tịch hội thảo gồm các đồng chí: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Đinh Thị Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam, Phó trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7; Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Phó trưởng ban thường trực chỉ đạo hội thảo…
Dự hội thảo có đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và gần 300 đại biểu, là các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý… các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài Quân đội.
Phát biểu chào mừng hội thảo đồng chí Phạm Viết Thanh, bày tỏ niềm vui mừng được đón tiếp các đại biểu về tham dự hội thảo, đồng thời khẳng định: Kế thừa và phát huy truyền thống hào hùng của Chiến thắng Bình Giã, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Bà Rịa - Vũng đã ra sức thi đua, nỗ lực khắc phục khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo, phấn đấu xây dựng và phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước.
Để phát triển nhanh, bền vững, tỉnh đã tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; lấy nội lực là cơ bản, quyết định, lâu dài; ngoại lực là quan trọng, đột phá; kiên trì thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc phù hợp với xu thế thế giới, công nghệ hiện đại, hiệu quả đầu tư trên một đơn vị đất đai, không thâm dụng lao động, bảo vệ môi trường, sử dụng ít năng lượng. Với sự cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành điểm đến đầy tiềm năng, thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh...
Báo cáo đề dẫn hội thảo, đồng chí Đinh Thị Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, với tinh thần khách quan, khoa học, Ban Chỉ đạo tin tưởng rằng Hội thảo khoa học “60 năm Chiến thắng Bình Giã - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” sẽ góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn được đặt ra từ Chiến dịch Bình Giã. Kết quả đó là cơ sở khoa học vững chắc góp phần củng cố niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam; đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…
Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, cách đây 60 năm, ngày 2-12-1964, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã mở Chiến dịch tiến công Bình Giã; trên địa bàn chiến lược miền Đông Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, quân và dân ta đã tổ chức và thực hành thắng lợi Chiến dịch Bình Giã trong Đông Xuân 1964-1965.
Đây là chiến dịch đầu tiên của bộ đội chủ lực Miền, cũng là một trong những chiến dịch đầu tiên của lực lượng vũ trang (LLVT) trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng Bình Giã đánh dấu bước phát triển về lực lượng, phương pháp tác chiến tập trung của lực lượng vũ trang nói chung, bộ đội chủ lực nói riêng. Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, “mở đầu thời kỳ mới của chiến tranh cách mạng miền Nam”.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nêu rõ: Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh dấu sự phát triển trong tư duy chỉ đạo và điều hành chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam; khẳng định vai trò của đấu tranh quân sự, vị trí của LLVT. Chiến thắng Bình Giã góp phần đẩy nhanh sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Thành công của chiến dịch là đã vận dụng sáng tạo cách “đánh điểm diệt viện”, chọn điểm khơi ngòi chính xác, tạo thế, tạo thời cơ và tổ chức, sử dụng lực lượng thích hợp để đánh thắng những trận then chốt, để lại những kinh nghiệm quý cho các chiến dịch tiếp sau.
Trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới biến động đầy phức tạp hiện nay, Chiến thắng Bình Giã đã để lại những bài học quý giá. Đó là bài học về tổ chức và thực hành chiến dịch tiến công; về phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta; về phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong xây dựng đường lối cách mạng Việt Nam; về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Những bài học kinh nghiệm quý giá trên cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Nhận định về tính chất quan trọng của hội thảo, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh: Hội thảo khoa học hôm nay là một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn mang giá trị thực tiễn sâu sắc, thiết thực…
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết mong muốn, những tham luận và ý kiến được trình bày sẽ góp phần bổ sung thông tin, tư liệu để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa của chiến thắng đối với tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và những nhân tố góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã; tôn vinh và tri ân công lao của LLVT giải phóng cùng các tầng lớp nhân dân đã làm nên chiến thắng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời rút ra những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, đồng chí Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam yêu cầu, những bài học, kinh nghiệm quý giá được rút ra từ Hội thảo cần được thiết thực vận dụng vào thực tiễn, thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng và an ninh nhân dân; khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ý nghĩa, sức lan tỏa của Chiến thắng Bình Giã cần được phát huy, nhằm nêu cao hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng tự tôn, tự hào, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc; tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân rộng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 70 tham luận của các đại biểu. Nội dung tham luận của các đại biểu được kết cấu thành 3 phần chính: Những vấn đề chung về Chiến thắng Bình Giã; Bước phát triển của chiến tranh cách mạng Việt Nam; Tầm vóc Chiến thắng Bình Giã và bài học kinh nghiệm…
Theo qdnd.vn
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận