A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ vững trận địa báo chí và truyền thông

Đấu tranh giữ vững “định hướng xã hội chủ nghĩa” trên trận địa báo chí và truyền thông trong tình hình mới vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ xuyên suốt lâu dài của Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân. Nhận diện, làm rõ, đấu tranh với những luận điệu chống phá nền báo chí cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

 

Bài 1:  Tự do báo chí phương Tây “có phải là đỉnh cao”

Tự do báo chí là một trong những quyền lợi cơ bản của con người, là mục tiêu phấn đấu của mọi nền báo chí. Đây là một trong những nội dung chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay. Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch thường rêu rao về giá trị tự do báo chí phương Tây là đỉnh cao của nền văn minh tư sản, đồng thời ra sức công kích Việt Nam “thiếu dân chủ, thiếu tự do báo chí”.

Tự do báo chí của một xã hội là sự bảo đảm quyền thu nhận, trao đổi, truyền bá thông tin, bày tỏ nguyện vọng, ý chí với mọi thành viên trong xã hội qua các phương tiện thông tin đại chúng, mà không hề bị sự lệ thuộc, hạn chế nào, bao gồm cả quyền sáng tạo của từng cá nhân vì lợi ích chung của xã hội. Tự do báo chí là một khái niệm mang tính lịch sử, gắn liền với các điều kiện lịch sử-xã hội cụ thể của từng quốc gia, dân tộc, từng cộng đồng người, từng thiết chế chính trị. Tự do báo chí mang tính giai cấp sâu sắc, nên khi đánh giá nhìn nhận nó phải hết sức khách quan, linh hoạt, tránh phiến diện, một chiều.

Ảnh minh họa.
Nguồn Internet

 

 

Trước hết, cần khẳng định rằng, một số nước tư bản hiện đại hiện nay đã đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động báo chí nói chung và tự do báo chí nói riêng, tiêu biểu như Thụy Điển, Pháp, Ôtxtraylia, Na Uy, Đan Mạch... Thành tựu lớn nhất về Tự do báo chí ở các nước này dễ nhận thấy là: Những tiến bộ về ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển báo chí, những quy trình hiện đại trong đào tạo báo chí, những kinh nghiệm xây dựng và phát triển các tập đoàn báo chí tiên tiến... Những thành tựu này đã và đang được chúng ta học tập, ứng dụng vào thực tiễn hoạt động báo chí trong nước.

Nhưng, cái mà chúng ta lên án và phê phán chính là thứ Tự do báo chí giả hiệu, hình thức, hay nói cách khác là các nền báo chí tư sản bị các thế lực chính trị tư bản lũng đoạn, phục vụ cho âm mưu thống trị Nhân dân lao động nghèo khổ và chống phá các nước xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn lịch sử của nhân loại cho thấy: Các thế lực chính trị tư bản hiếu chiến đã biến Tự do báo chí trở thành một con bài chính trị cực kỳ nguy hiểm. Nhân loại tiến bộ vẫn còn nhớ bài học lịch sử về sự sụp đổ của hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Một trong các nguyên nhân đẩy nhanh thảm họa, là các nước trên đã buông lỏng lãnh đạo báo chí, để báo chí rơi vào tay các lực lượng đối lập, từ đó mất định hướng chính trị đối với đất nước. Các thế lực bên ngoài cấu kết với các thế lực bên trong đã nhân danh cái gọi là “tự do báo chí” để đòi “phi chính trị hóa” báo chí, đòi tư nhân hóa báo chí, sau đó dùng tiền và đô la để lũng đoạn báo chí, tiến sang lũng đoạn về chính trị. Điển hình là vụ dùng xảo thuật truyền hình để ngụy tạo nên cảnh tàn sát hàng loạt, từ đó kích động dư luận trên thế giới, đẩy nhanh sự sụp đổ của nhà cầm quyền ở Rumani năm 1989… Bài học lịch sử này còn nóng hổi tính thời sự, luôn là hồi chuông cảnh báo cho nền báo chí cách mạng các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Một nghịch lý trớ trêu là trong khi “thọc gậy bánh xe” bôi nhọ, xuyên tạc nền báo chí các nước xã hội chủ nghĩa thiếu tự do báo chí, thì ngay trong lòng đất nước mình, nền báo chí của một số nước tư bản phát triển cũng đang chứa trong lòng nó không ít “ung nhọt” kinh niên mà dường như không một thứ thuốc nào chữa được. Tác giả Lê thùy Dương trên Tạp chí Người làm báo tháng 2/2005 viết: “Chúng ta thử hỏi xem sự thật trong báo chí Mỹ có tồn tại hay không?. Hay sự thật đã được bịt kín để nhường chỗ cho sự dối trá, bịp bợm, những uẩn khúc không bao giờ được nói. Có người đã từng cho rằng: Báo chí phương Tây hiện đang no nê với những lời nói dối và những thông tin không thật. Đáng buồn thay, họ vẫn còn thống trị dòng chảy thông tin toàn cầu..”.

Phóng viên tác nghiệp.
Nguồn Internet

 

 

Với người Việt Nam chúng ta vẫn còn nhớ đòn “vu oan giá họa” của Mỹ năm 1964: Tàu ngư lôi của Bắc Việt đã tấn công tàu khu trục USS Maddox của Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ. Mà thực ra đây là âm mưu được cài đặt công phu của các thế lực hiếu chiến. Thế là công luận thế giới bị chi phối theo mục đích chính trị của một vài thế lực tư bản, hơn 2,7 triệu thanh niên Mỹ bị đánh lừa, lao vào sa lầy ở chiến trường miền Nam Việt Nam. Và gần đây nhất là chính quyền Geoge Bush con đã dựng lên màn kịch về sự đe dọa an ninh toàn cầu từ “vũ khí sinh học” ở Irac, rồi dùng báo chí truyền thông làm rùm beng lên, đánh lừa dư luận thế giới và cả Nhân dân Mỹ để đơn phương phá bỏ luật pháp quốc tế, lập liên minh lợi ích, đơn phương hành động quân sự. Từ đó chúng ta thấy, báo chí ở nhiều quốc gia tư bản gần như lệ thuộc vào Chính phủ. Nó chẳng khác gì “con kỳ đà ngoan ngoãn” trên sa mạc đầy nắng và bão cát.

Khi nghiên cứu và đúc kết về báo chí tư bản chủ nghĩa, lãnh tụ V.I.Lênin đã từng nói rằng: “Tự do báo chí trong xã hội tư bản là tự do cho thiểu số bóc lột, tự do lệ thuộc vào túi tiền của giai cấp tư sản, tự do giả dối và lừa bịp mà giai cấp tư sản đưa ra để lôi kéo bọn hám danh, hám lợi, để tự họ trở thành những tên bồi bút cho bọn chủ báo”. Chính vì vậy, đằng sau lớp vỏ bọc hào nhoáng, bóng bẩy của tự do báo chí phương Tây là những sự thật được che dấu kỹ lưỡng.

Một số người dân trong nước nhìn thấy cảnh dân nước ngoài tự do biểu tình, tự do họp hội, tự do phát biểu, tự do đốt hình nộm tổng thống nên mơ hồ, ảo tưởng về “giá trị dân chủ” phương Tây. Trong hiến pháp các nước tư bản đều ghi công dân có quyền ngôn luận, hội họp, xuất bản. Nhưng trên thực tế, người dân ở các nước phương Tây không phải muốn nói gì thì nói, mà bị hạn chế bởi những điều kiện về thời gian, địa điểm, phạm vi... Trong những luật định cơ bản của nhà nước từ bản còn giữ lại rất nhiều điều kiện bảo lưu, để giúp giai cấp tư sản bảo đảm sự an toàn về lợi ích kinh tế và chính trị của mình. Ở một số nước tư bản, nhiều công dân có quyền diễn thuyết trong nhiều trường hợp nhất định để công khai bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, thậm chí có thể thóa mạ cả Thủ tướng, đại thần. Nhưng nếu công dân đó hô hào “Đả đảo Chính phủ”, “Đả đảo Tổng thống” hoặc tuyên truyền về bạo lực cách mạng thì sẽ bị bắt ngay. Nghị viện Mỹ đưa ra “Luật trấn áp bạo động phản loạn”, có điều ghi rõ: “Những ngôn luận, sách báo lăng mạ hoặc kích động Nhân dân, khinh thường chính thể Mỹ, tình hình nước Mỹ, hải lục không quân Mỹ đều bị nghiêm trị”..

 Từ những vấn đề trên, chúng ta thấy Tự do báo chí trong xã hội phương Tây chưa bao giờ là đỉnh cao của nền văn minh nhân loại, không thể trở thành giá trị chung cho tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới học tập và làm theo. Mà thực chất, các nhà nước tư bản đã sử dụng báo chí như một thứ công cụ hữu hiệu để bảo vệ lợi ích và quyền lực thống trị của họ. Cái gọi là “tự do báo chí” ở nhiều nước tư bản chỉ là thứ tự do mang tính giả hiệu, hình thức. Những ai đã từng lầm tưởng về “tự do báo chí” ở các nước phương Tây khi biết được những điều trên chắc chắn sẽ có cách nhìn hiện thực hơn, bớt mơ hồ ảo tưởng hơn về thứ “ánh sáng dân chủ” lấp lánh, huyền bí toát lên từ các chính thể phương Tây.

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội