A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ vững trận địa báo chí và truyền thông

 

Bài 2: Việt Nam có tự do báo chí hay không?

Tự do báo chí ngay từ đầu đã trở thành mục tiêu phấn đấu của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhìn lại một cách khái quát lịch sử hoạt động báo chí nước ta, càng thấy rõ hơn về quyền tự do báo chí của Nhân dân Việt Nam ngày càng được mở rộng.

 

* Bài 1: Tự do báo chí phương Tây “có phải là đỉnh cao”

 

Báo chí Việt Nam ra đời muộn hơn gần ba trăm năm so với các nước phát triển phương Tây. Mãi tới năm 1865, tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt - tờ Gia Định báo mới ra mắt bạn đọc. Đây là tờ báo của thực dân Pháp, thường xuyên tuyên truyền, quảng bá cho âm mưu áp đặt nền thống trị của chúng lên dân tộc ta. Đây là thời kỳ bọn thực dân, tư sản và phong kiến tha hồ cất cao tiếng nói của chúng trên vũ đài báo chí Việt Nam mà không gặp phải sự đối lập nào… Ngày 21/6/1925 báo Thanh Niên đã trở thành cột mốc đánh dấu sự ra đời, phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tuy hình thức còn khiêm nhường và số lượng phát hành còn ít, nhưng Báo Thanh Niên đã thực sự là diễn đàn đầu tiên để những người Việt Nam yêu nước thực hiện quyền tự do báo chí của mình. Đó là viết lên lời căm phẫn với chế độ thực dân cai trị tàn bạo, kêu gọi ái quốc, làm cách mạng cứu nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công, các quyền tự do chính trị bước đầu được đảm bảo, trong đó có cả quyền về tự do báo chí. Tuy nhiên do hoàn cảnh bị chiến tranh chia cắt kéo dài nên việc thực hiện quyền tự do báo chí còn bị hạn chế. Sau cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, cả nước thống nhất cùng thực hiện mục tiêu xây dựng CNXH, quyền tự do báo chí được mở rộng. Từ sau Đại hội VI, dưới ánh sáng đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, quyền tự do báo chí ở nước ta càng được mở rộng hơn trước, ngày càng tỏ rõ tính ưu việt.

 

Phóng viên tác nghiệp.
Nguồn Internet

 

 

Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2023), nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể, trong đó có quyền tự do báo chí, biểu hiện rõ nét và sinh động trong đời sống xã hội. Cơ chế, chính sách và pháp luật báo chí ngày càng hoàn thiện, ngày càng đi vào hoạt động có hiệu quả trong đời sống xã hội. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã xác lập quyền tự do dân chủ đối với mọi công dân Việt Nam, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Luật báo chí được Quốc hội thông qua ngày 28/12/1989 đã khẳng định nguyên tắc: "Bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với lợi ích của CNXH và của Nhân dân..". Hiện nay, báo chí Việt Nam đã hình thành một hệ thống khá hoàn chỉnh bao gồm (báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử…) phát triển rộng khắp từ Trung ương tới địa phương và ngày càng vươn tới “phổ cập" ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ- sáng tạo báo chí của mọi tầng lớp Nhân dân.

Đội ngũ nhà báo phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Hội nhà báo Việt Nam, ngay sau khi thành lập (năm 1950) đã gia nhập tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ), gia nhập liên đoàn báo chí các nước Đông Nam Á (CAJ) cùng nhiều tổ chức báo chí quốc tế khác, mở ra cho báo chí trong nước nhiều cơ hội giao lưu, tiếp xúc, học hỏi về nghề nghiệp. Bên cạnh Học viện báo chí tuyên truyền, còn có Khoa Báo chí (Đại học quốc gia Hà Nội) và Khoa Ngữ văn (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cùng tham đào tạo, bồi dưỡng sinh viên báo chí. Đặc biệt, thời gian qua, các cơ sở đào tạo báo chí trong nước đã và đang thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế với các quốc gia có nền báo chí phát triển như Pháp, Thụy Điển, Ôtxtraylia... Nhiều sinh viên, nhiều nhà báo đã tốt nghiệp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở những trường Đại học báo chí danh tiếng, sau đó quay về trong nước làm việc đã tạo điều kiện cho nền báo chí Việt Nam ngày càng hiện đại và phát triển.

 Những công dân quốc tế từng đến Việt Nam đều thừa nhận: Báo chí Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, về kỹ thuật mà quan trọng hơn là những tiến bộ không ngừng về nội dung, chất lượng, về đội ngũ những người làm báo, về sự đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo trong việc tổng hợp tiếng nói từ thực tiễn, của mọi tầng lớp Nhân dân để đề xuất và hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phục vụ sự nghiệp đổi mới, phục vụ chính sách đối ngoại và gần nhất chính là đường lối phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo... Đường dây nóng trực tiếp ghi nhận các ý kiến đóng góp của người dân được công khai ghi trên trang nhất của hàng chục tờ báo. Loại hình báo chí, chủ đề trên báo chí ngày càng rộng mở vì sự nghiệp đổi mới, vì sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, vì sự nghiệp làm giàu cho mỗi người và đất nước, vì sự công bằng và dân chủ. Đó là những minh chứng rõ nét về sự tiến bộ của quyền tự do báo chí xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời gian qua.

 

Ảnh minh họa.
Nguồn Internet

 

 

Hiện nay, các thế lực phản động vẫn cố tình "làm ngơ" trước những thành tựu đó, vẫn ngang nhiên áp đặt định kiến về cái gọi là “thiếu tự do báo chí" ở Việt Nam. Chúng vin vào lí do căn bản là Việt Nam không cho báo chí tư nhân phát triển. Rõ ràng, chúng ta nhận thấy, nền tự do báo chí mà chúng ta thực hiện không phải là thứ tự do vô hạn độ, tự do vô chính phủ, mà tự do trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Chúng ta hạn chế quyền tự do báo chí đối với các phần tử có khuynh hướng báo chí phản động, xuyên tạc nội dung thông tin, đi ngược lại lợi ích của toàn dân tộc và cộng đồng. Do đó, việc những tòa soạn báo, những phóng viên, nhà báo nào phản ánh sai sự thật đều bị pháp luật xử lý đích đáng. Đó chính là thực hiện quyền tự do báo chí của Nhân dân, tức là quyền được sáng tạo và hưởng thụ các tác phẩm báo chí có nội dung trung thực, khách quan, chính xác. Những nhà báo như Trần Mai Hạnh, Quang Thắng, Hoàng Linh. Trong vụ án Năm Cam, và gần đây nhất là một số phóng viên vi phậm đạo đức nghề nghiệp bị pháp luật xử lý, chính là thực hiện quyền tự do báo chí cho đại đa số Nhân dân Việt Nam.

Như vậy, quyền tự do báo chí không nhất thiết phải bao hàm cho tư nhân ra báo. Có báo tư nhân hay không, tùy thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi nước. Còn ở Việt Nam, báo chí cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Người có tiền cũng không thể dùng tiền để chi phối lũng đoạn báo chí, và ngược lại, người không có tiền cũng không mất quyền tự do hưởng thụ và viết, truyền bá báo chí, quyền xuất bản và phát hành báo chí. Nền báo chí Việt Nam trong suốt thời gian qua đã và đang đảm bảo tốt quyền tự do báo chí của Nhân dân. Và cái gì hợp lý thì nó tồn tại. Chúng ta không có ý định thay đổi cái tồn tại hợp lý.

Tóm lại, tự do báo chí là bộ phận quan trọng của quyền con người, là mục tiêu phấn đấu của mọi nền báo chí. Tự do báo chí ở Việt Nam gắn liền với những điều kiện xã hội - địa lý - lịch sử cụ thể của dân tộc Việt Nam. Đó là nền tự do báo chí xã hội chủ nghĩa cho đại đa số Nhân dân lao động Việt Nam và hạn chế tự do đối với thiểu số người chống đối Nhân dân và lợi ích cộng đồng.

NHÓM PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội