“Hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng” là hình ảnh mà nhà văn Yury Boldarev đã nhắc đến khi nhìn lại những ngày Liên Xô sụp đổ. Những vũ khí tư tưởng ấy đã làm được điều mà nhiều quân đội châu Âu có trang bị tinh nhuệ nhất cũng không thể thực hiện được khi xâm lược Liên Xô vào những năm 1940.
Như đã viết ở kỳ trước, dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười vào năm 1987 là lúc Tổng Bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev bắt đầu “bật đèn xanh” cho xét lại lịch sử, công kích Lãnh tụ Joseph Stalin, phủ nhận thắng lợi của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Mùa xuân năm 1988, bắt đầu những cuộc hội thảo xét lại, phê phán Stalin.
Nhưng trong Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó, đã có những người không im lặng. Ngày 13-3-1988, báo “Nước Nga Xô viết” đăng bức thư có nhan đề “Tôi không thể từ bỏ các nguyên tắc” của bà Nina Andreeva, giảng viên Trường Đại học công nghệ Leningrad mang tên Lensovet. Bức thư lên án các tài liệu xuất hiện trên báo chí sau khi công bố chính sách “cải tổ”, bởi những tài liệu này chỉ trích xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là chính sách của Stalin. Bà còn phê phán trào lưu suy ngẫm lại lịch sử, chỉ rõ nó thực chất là dòng nước ngược nhằm bôi đen Liên Xô xã hội chủ nghĩa.
“Cùng với tất cả người dân Liên Xô, tôi bày tỏ sự tức giận và phẫn nộ trước những vụ trấn áp diễn ra trong những năm 1930 và 1940 do lỗi của ban lãnh đạo đảng và nhà nước lúc bấy giờ. Nhưng, lương tri thì kiên quyết phản đối việc chỉ tô vẽ một màu cho các sự kiện trái ngược, hiện đã bắt đầu phổ biến ở một số cơ quan báo chí. Tôi ủng hộ lời kêu gọi của Đảng để bảo vệ danh dự và nhân phẩm của những người khai sáng chủ nghĩa xã hội. Tôi nghĩ rằng, chính từ những cương vị cấp Đảng này, chúng ta phải nhìn nhận vai trò lịch sử của tất cả các nhà lãnh đạo Đảng và đất nước, trong đó có Stalin”, bức thư có đoạn viết.
Đau lòng thay, thay vì phải ủng hộ ý kiến chỉ đúng “tim đen” của trào lưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” này, Bộ Chính trị lại triệu tập hội nghị khẩn cấp với mục tiêu xử lý “thế lực chống đối cải tổ”. Ngày 5-4-1988, báo Sự Thật đăng bài phản kích Nina Andreeva, rồi nhiều cơ quan báo chí khác đồng loạt phản kích. Không dừng ở đó, để “tát nước theo mưa”, báo chí còn xuyên tạc lịch sử Đảng, phủ định Cách mạng Tháng Mười, Chủ nghĩa Lênin và chính Lãnh tụ Lênin.
Thêm một bước sa lầy hơn, họ bãi bỏ môn học Chủ nghĩa Mác-Lênin trong nhà trường. Cơn lốc xét lại lịch sử ùa vào mọi trường học, thành phố, nông trường. Ngoài báo Đảng, xuất hiện thêm những tờ báo gọi là “vì dân”, “cấp tiến” như: Họa báo, Tia lửa và Tin tức Moscow, công khai tấn công, phỉ báng những tượng đài ý thức hệ Xô viết.
Một bộ máy thông tin đại chúng đồ sộ được sử dụng vì mục đích này. Cơ quan thông tin đối ngoại của Mỹ có hơn 8.000 nhân viên, xuất bản 12 tạp chí bằng 27 ngôn ngữ từ phương Tây nhằm vào các nước xã hội chủ nghĩa.
Các đài phát thanh bằng hàng chục thứ tiếng ngày đêm xuyên tạc và bôi đen Chủ nghĩa Mác- Lênin. Tất cả tạo thành làn sóng chống bao trùm lên đất nước Xô Viết. Chúng cho rằng, đó là mưu sách “chiến thắng không cần đến chiến tranh”.
Khi đó, đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đã từng có bài viết: “Chúng ta cần phá hoại sự ổn định của Liên Xô và các nước vệ tinh, làm nảy sinh sự bất hoà giữa nhân dân và chính phủ của họ...
Chúng ta cần hết sức cố gắng khoan sâu rạn nứt giữa những người lãnh đạo của tập đoàn cộng sản khiến cho họ bất mãn và nghi nghờ lẫn nhau. Chúng ta cần thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa dân tộc, khuyến khích sự phục hồi tình cảm tôn giáo đằng sau bức màn sắt”.
Sự thực là những năm trước khi Liên Xô sụp đổ, các tờ báo, thậm chí cả đảng viên, cũng lợi dụng tự do dân chủ chĩa mũi dùi vào Đảng, đánh quỵ uy tín của Đảng.
Ngày 28-12-1987, bài xã luận trên Báo Sự thật cho biết: Liên Xô khi đó có trên 30.000 tổ chức đoàn thể phi chính thức. Những tổ chức này ngang nhiên tuyên truyền chống Cộng, hô hào thành lập đảng đối lập và công đoàn độc lập. Thay vì đem những thông tin định hướng xã hội, những tờ bào này luôn hô hào kích động “Tự do, dân chủ, nhân quyền”. Trong khi đó, Đảng để tuột mất truyền thông khỏi bàn tay của mình.
Gorbachev với tư cách Tổng bí thư đã mở toang cánh cửa để phương Tây hóa, phân hóa Liên Xô là sử dụng phương tiện thông tin đại chúng để thẩm thấu ý thức hệ. Hai đài phát thanh được thành lập ở Tây Âu nhằm vào Liên Xô, là đài Châu Âu Tự do và đài Tự do, hằng ngày phát thanh bằng 6 thứ tiếng, đưa tin về các sự kiện quốc tế, các sự kiện tại Liên Xô và các nước Đông Âu; tuyên truyền thành tựu, lối sống và giá trị quan của xã hội phương Tây.
Bên cạnh đó, đài BBC phát bằng 40 thứ tiếng, rồi đài Sóng điện Đức bằng 35 thứ tiếng. Bốn đài phát thanh này hằng ngày chĩa vào Liên Xô và Đông Âu, với trọng điểm là phủ định lịch sử cách mạng Liên Xô, phóng đại, thổi phồng những vấn đề xã hội của Liên Xô và các nước Đông Âu, kích động tâm lý bất mãn, hướng sự bất mãn này vào Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Người ta tài trợ cho một số cơ quan nghiên cứu lập phương án đánh vào những tình cảm nhân dân Liên Xô dành cho Lãnh tụ Lênin và Stalin. Các tác phẩm chống Lênin và Stalin xuất hiện đầy rẫy trên các báo, đài phát thanh, đài truyền hình, phim ảnh... Họ kích động nhân dân Liên Xô, đề nghị mai táng thi hài Lênin.
Phương Tây còn ca tụng tư duy cải tổ của Gorbachev, nhằm làm suy yếu và hủy bỏ uy tín của Đảng Cộng sản Liên Xô, của chế độ xã hội chủ nghĩa, tuyên truyền cho cái gọi là cuộc sống tươi đẹp ở phương Tây và tính ưu việt của chế độ tư bản. Gorbachev không những mất cảnh giác, mà còn cổ vũ việc tiếp nhận ảnh hưởng từ phương Tây.
Tại cuộc họp của Bộ Chính trị năm 1985, Gorbachev đã nói: “Người Liên Xô phải tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài, đừng sợ, rồi mọi người sẽ thấy thế giới thật bao la, muôn màu muôn vẻ”.
Tháng 12-1988, Liên Xô ngừng gây nhiễu những đài phát thanh phương Tây vốn được coi là đài phản động, đồng thời chi 4 triệu rúp nhập khẩu ....báo chí của phương Tây về bán công khai, điều này đã tiếp thêm sức tiến công của phương Tây vào Liên Xô.
Trước và sau những năm 1990, trào lưu tư tưởng vứt bỏ chủ nghĩa xã hội trong xã hội Liên Xô lên đến cao trào. Và không ít thế lực chính trị quyết định quay lưng với chủ nghĩa xã hội, đi thẳng đến chủ nghĩa tư bản.
Điều này hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của phương Tây về cuộc tuyên truyền hữu hiệu nhất là “tuyên truyền để đối tượng đi theo hướng mà ta chỉ định nhưng lại làm cho đối tượng lầm tưởng rằng hướng đó là do đối tượng tự quyết định”.
Năm 1994, nhà văn Nga Yury Boldarev đã nhìn lại 6 năm bão táp trên trận địa tư tưởng ấy và chua chát nhận xét: “Trong 6 năm, báo chí đã thực hiện được mục tiêu mà quân đội châu Âu có trang bị tinh nhuệ nhất cũng không thể thực hiện được, khi xâm lược đất nước ta bằng lửa và kiếm vào những năm 1940. Quân đội đó có thiết bị kỹ thuật hàng đầu, nhưng thiếu một thứ. Đó là hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng”.
Sau này, tháng 2-2012, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” rằng: "Chính các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết, có việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi nhưng chỉ cần 10 sứ giả là có thể hoàn thành; một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước; ngày nay làn sóng điện thay thế các thanh gươm; cây bút là phương tiện đi vào trái tim, khối óc con người; 1 USD chi cho tuyên truyền thì có tác dụng ngang với 5 USD chi cho quốc phòng; kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là 4 đòn đột phá, 4 mũi xung kích chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị”.
Khi Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev phát động chính sách “cải tổ”, hai “công cụ hỗ trợ” rất quan trọng được các cố vấn của ông ta tham mưu, đề xuất sử dụng là thúc đẩy “đa nguyên ý kiến” và “công khai hóa” trong xã hội Xô viết. Lúc đầu cũng chỉ là “đa nguyên ý kiến”, chưa phải là đa đảng, và “công khai hóa” trong lĩnh vực báo chí – xuất bản, chứ chưa chạm đến công khai, minh bạch trong quản lý xã hội, quản lý kinh tế…
Hai “công cụ hỗ trợ” này đã giúp Mikhail Gorbachev và ê-kíp của ông ta “bật đèn xanh” rất thoáng cho những phát biểu công kích Đảng và chế độ Xô viết, xuyên tạc lịch sử đất nước, bôi nhọ nhiều nhà lãnh đạo, người có công trong việc tạo lập, xây dựng và bảo vệ Nhà nước Liên bang Xô viết.
Trong điều kiện cải tổ, truyền hình, phát thanh, nhà xuất bản, báo chí Liên Xô dường như được “tự do” hoạt động, hàng loạt chương trình, ấn phẩm đủ thể loại được cho là “dũng cảm” mổ xẻ những trang “đen tối” của Đảng cộng sản, Nhà nước và quân đội Xô viết.
Cùng với đó, đường phố, quảng trường, công viên, nhất là tại những đô thị lớn như thủ đô Moscow, thành phố Saint Petersburg, trở thành nơi tập hợp, thành diễn đàn của các phe nhóm chống Đảng Cộng sản Liên Xô. “Đa nguyên ý kiến” và “công khai hóa” lan rộng, thì các đảng chính trị mới đối lập với Đảng cộng sản Liên Xô liên tiếp ra đời, tất cả đều đòi thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên Xô đã được thể chế hóa trong Hiến pháp.
Một số cơ quan báo chí Liên Xô khi đó vẫn kiên định lập trường kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa xã hội và Nhà nước Liên bang Xô viết thì bị coi là “bảo thủ”, phải hứng chịu những cuộc công kích dữ dội, thậm chí lực lượng chống Đảng cộng sản Liên Xô có những ngày tổ chức mua hầu hết số lượng báo chí xuất bản, dồn lại châm lửa đốt rụi tại các địa điểm công cộng.
Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Liên Xô/Nga giai đoạn 1989-1993, người chứng kiến những năm tồn tại cuối cùng của Liên bang Xô viết, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt-Nga, nhớ lại: “Dựa trên “tâm trạng xã hội” do chính sách đa nguyên ý kiến và công khai hóa khuấy động lên như vậy, hoạt động nghị trường trong khuôn khổ Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô và Xô viết Tối cao Liên Xô cũng sục sôi như không khí ngoài đường phố. “Nóng” nhất là những cuộc tranh cãi, những lời hô hào đòi bỏ Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô (về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên Xô).
Rốt cuộc, Điều 6 bị xóa bỏ, Đảng cộng sản Liên Xô trở thành một đảng “bình thường” như những chính đảng khác đã ra đời ồ ạt như nấm mọc sau cơn mưa… Từ đây, đường đến chỗ Liên bang Xô viết sụp đổ không còn xa nữa”.
Ngay sau khi Mikhail Gorbachev trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô vào năm 1985, Alexander Yakovlev, người được mệnh danh là “kiến trúc sư cải tổ”, “cha đẻ công khai hóa” của Liên Xô và “điệp viên có ảnh hưởng” của Mỹ, đã nhanh chóng được đề bạt làm Trưởng ban Tuyền truyền Trung ương.
Dưới sự tác động và chỉ đạo của ông ta, nhiều tờ báo hàng đầu và có ảnh hưởng lớn của Liên Xô lúc đó đã được thay ban lãnh đạo bằng những người ủng hộ chính sách “cải tổ” do Gorbachev đưa ra.
Chính điều này đã tạo điều kiện cho truyền thông “trở mặt” và bắt đầu thao túng dư luận, nhằm thay đổi nhận thức và tư tưởng của mỗi người dân. Một số tờ báo và tạp chí “cấp tiến” quay sang đả kích và bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa, khiến nhận thức và tư tưởng của dân chúng bị lung lay.
Dưới sự điều khiển báo chí của Yakovlev, quá trình phá hoại Liên Xô vào cuối thập niên 1980 diễn ra không giống như một cuộc xung đột giai cấp, mà là sự thay đổi âm thầm trong nhận thức và tư tưởng của mỗi người. Được sử ủng hộ của Gorbachev, ông ta đã mặc sức phá hoại nền tảng văn hóa con người Xô viết bằng cách “giết dần giết mòn” nền tảng đó.
Sau khi chương trình “công khai hóa” bắt đầu có hiệu lực từ năm 1986, một số lượng lớn các tác phẩm văn hóa, vốn trước đây từng bị cấm xuất bản, đã được tung ra trước công chúng.
Ban đầu, người dân Liên Xô không biết tỏ thái độ thế nào với chính sách “công khai hóa”, cũng như đưa ra đánh giá như thế nào về những gì đang diễn ra. Mọi người chưa thể hình dung được những hậu quả cuối cùng sẽ ra sao khi bãi bỏ kiểm duyệt như vậy.
Người ta cho phép phát hành những tác phẩm công khai chỉ trích chính quyền Xô viết và mô hình chính quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó có những tác phẩm như: “Những đứa trẻ Arbat” của Rybakov, “Biến mất” của Trifonov, “Cuộc sống và số phận” của Grossman…
Cùng với các tác phẩm nghệ thuật, báo chí số ra theo kỳ cũng trở nên phổ biến, trong đó có “Luận chứng và sự kiện” (được đưa vào sách kỷ lục Guinness về số lượng phát hành lớn nhất thế giới với 30 triệu bản mỗi ngày), “Sự thật”, “Tin tức Moscow”, “Thế giới mới”, “Lao động”... Các chương trình truyền hình “Nhìn nhận”, “Trước và sau nửa đêm”, “Bánh xe thứ năm” trở nên rất nổi tiếng. Bảng xếp hạng các chương trình truyền hình cho thấy chúng chiếm những vị trí đầu tiên.
Qua những chương trình truyền hình này, khắp mọi nơi người ta bắt đầu bàn tán về sự không hoàn hảo của hệ thống xã hội chủ nghĩa, những ưu điểm của phương Tây, thậm chí còn xét lại lịch sử khi đề cấp đến vai trò lãnh đạo của Stalin và tác hại của Cách mạng Tháng Mười đối với nước Nga. Tại thời điểm đó, thể hiện rõ nhất sự thay đổi nhanh chóng trong tư duy và nhận thức của người dân.
“Công khai hóa” đã dần dần phá hủy toàn bộ nguyên tắc và nền tảng vốn đã hình thành từ trước đó rất lâu. Báo chí bắt đầu đăng tải những bài viết theo chính sách “ngu dân” về đề tài lịch sử và kinh tế kiểu như: “Cả đời các bạn chỉ được nghe những điều giả dối, nhưng bây giờ chúng tôi sẽ nói ra cho các bạn toàn bộ sự thật”.
Bộ máy tuyên truyền của Liên Xô từng được coi là một trong những bộ máy hoạt động mạnh và có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền cũng cần được đổi mới phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển xã hội, trong đó có sự phát triển văn hóa quần chúng ở phương Tây.
Nếu Liên Xô không cản trở dòng nhạc mới và phong cách thời trang, mà ngược lại, nên củng cố và phát triển xu hướng này, thì nước này đã cho thấy rằng, không chỉ trong vũ trụ, mà còn trong những lĩnh vực này họ là người đi tiên phong trên thế giới. Liên Xô lẽ ra phải đi đầu trong mọi lĩnh vực, mặc dù chế độ Xô viết được coi là ở thời kỳ tốt nhất vào thời điểm đó.
Trong những thập niên từ 1960 đến 1980, nước này đã sản xuất ra những bộ phim hay nhất được đưa vào “Quỹ văn hóa thế giới vàng”. Thậm chí ngày nay, nhiều người vẫn say sưa và thích thú xem đi xem lại những bộ phim này. Nhưng cuối cùng, thời trang và âm nhạc phương Tây đã lấn át mọi thứ. Đối với thiếu niên Liên Xô, việc nghe nhạc trong nước hay mặc trang phục Liên Xô đi dạo sẽ làm mất đi thể diện của họ.
Phần lớn người dân Liên Xô lúc đó, do tác động của truyền thông báo chí với chính sách “công khai hóa”, nên muốn có cuộc sống “như ở phương Tây”. Và họ đã đạt được điều đó, nhưng rồi cuối cùng nhận ra rằng, những chiếc quần jean không phải là giá trị cơ bản trong cuộc sống. Các học thuyết, mà trước hết là chủ nghĩa Mác-Lênin, đã bị bỏ lại phía sau rất xa, thậm chí còn bị lãng quên.
“Học thuyết Mác-Lênin nhất định phải được phát triển có tính đến những thay đổi diễn ra trên thế giới, nhưng hiện không ai làm điều này và cũng không có những nhà tư tưởng như vậy để làm. Nhưng Lênin vẫn không ở lại phía sau chúng ta, mà là đang ở phía trước.
Rồi thời đại của Người chắc chắn sẽ quay trở lại sau bao năm bị lãng quên, cố tình im lặng về nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử nước Nga này”, ông Grigory Trofimchuk, chuyên gia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á-Âu, nhận định.
Sinh thời, V.I. Lênin từng nêu một luận điểm nổi tiếng: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta thì luôn đề cao giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Người căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”; “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng...”. Theo Người: “Tự vệ là bảo vệ lấy mình, lấy gia đình mình, rồi đến thành phố mình, nước mình”.
Trong giai đoạn hiện nay cũng như vừa qua, đã có nhiều biểu hiện trào lưu xét lại lịch sử, phủ nhận quá khứ hết sức nguy hiểm. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng ta xác định một trong 9 biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là: “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Chúng ta phải làm tốt hơn nữa việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, để lịch sử như tấm gương soi, giúp thế hệ sau soi vào cả quá khứ và hiện tại, tương lai với sự trân trọng, biết ơn, rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá.
Đối với báo chí, truyền thông, phải luôn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để phát huy tốt nhất vai trò là vũ khí tư tưởng sắc bén của Ðảng và Nhà nước, là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước với nhân dân, là phương tiện quan trọng tuyên truyền phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị, là diễn đàn để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực.
Bài học của Đảng Cộng sản Liên Xô 30 năm mà như mới hôm qua. Mới đây nhất, trong Hội thảo khoa học “Báo chí với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” được tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã nhấn mạnh: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Mỗi cơ quan báo chí phải là “pháo đài” chính trị tư tưởng vững chắc trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.
Nguồn: QĐND