Trong Cách mạng Tháng Mười, gần 20 vạn đảng viên Bolshevik đã lãnh đạo chưa đến 3 vạn binh sĩ cách mạng và đội tự vệ đỏ công nhân giành chính quyền. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hơn 5.5 triệu đảng viên đã lãnh đạo nhân dân đánh bại phát xít Đức. Thế nhưng hơn 70 năm sau, gần 20 triệu đảng viên và hơn 5 triệu quân nhân Liên Xô đã hoàn toàn thất thủ trước âm mưu "phi chính trị hóa" của kẻ thù, khoanh tay đứng nhìn nhà nước Xô viết - chính thể sinh ra mình sụp đổ.
Loạt bài phân tích về sự kiện sau 30 năm Liên Xô sụp đổ trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử:
30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam - Bài 2: Khi “then chốt của then chốt” bị…gài chốt
30 năm Liên Xô sụp đổ và bài học cho Việt Nam - Bài 1: Khi Đảng Cộng sản tự xóa bỏ chính mình
Sau khi Liên Xô tan rã, Cục trưởng Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ Robert M.Gates đi dạo trên Quảng trường Đỏ đã nói: “Chúng tôi biết rằng, cho dù gây áp lực về kinh tế hay chạy đua vũ trang, thậm chí là sử dụng vũ lực sẽ không làm gì được. Chỉ có bằng cách phá từ trong nội bộ để hủy hoại nó (Liên Xô)”.
Trước đó, báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ 27 của Đảng Cộng sản Liên Xô nêu: "Ban chấp hành Trung ương luôn quan tâm đến khả năng phòng thủ đất nước, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang Liên Xô và củng cố đời sống của Quân đội".
Tuy nhiên thực tế đâu phải như vậy. Năm 1991, Tổng Bí thư Gorbachev đưa ra quan điểm: Chiến tranh lạnh đã kết thúc, nguy cơ chiến tranh hạt nhân thế giới không còn. Quân đội và ngân sách quốc phòng cần cắt giảm dần...
Ngày 19-8-1991, nhằm cứu vãn Liên Xô đang bên bờ vực sụp đổ, một số những người cộng sản trong Đảng Cộng sản Liên Xô đã quyết định tiến hành một cuộc chính biến. Nỗ lực này được thực hiện bởi các thành viên Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp mới thành lập trước đó, đứng đầu là Phó tổng thống Gennady Yanaev cùng lãnh đạo cơ quan an ninh KGB Vladimir Kryuchkov, Bộ trưởng Nội vụ Boris Pugo, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitriy Yazov, Thủ tướng Valentin Pavlov... chiếm quyền điều hành đất nước khi Gorbachev đang đi nghỉ ở Crimea.
“Hỡi đồng bào, nhân dân Liên Xô! Trong giờ phút khó khăn, nguy cấp đối với vận mệnh của Tổ quốc và các dân tộc chúng ta, chúng tôi xin có đôi lời gửi đến toàn thể đồng bào! Đất mẹ vĩ đại của chúng ta đang đứng trước hiểm họa nguy vong! Chính sách cải tổ do Mikhail Gorbachev khởi xướng, với ý định nhằm bảo đảm cho sự phát triển năng động của đất nước và dân chủ hóa đời sống xã hội, vì nhiều lý do mà đã rơi vào bế tắc. Lợi dụng quyền tự do được trao, chà đạp lên những chồi non vừa mới xuất hiện của nền dân chủ, các thế lực cực đoan đã trỗi dậy nhằm xóa sổ Liên bang Xô viết, làm sụp đổ Nhà nước và chiếm lấy chính quyền bằng bất cứ giá nào” – Thông điệp của Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp gửi nhân dân Liên Xô.
Quân đội và cơ quan an ninh của Liên Xô đã được huy động để thực thi nhiệm vụ này. Tuy nhiên, đúng vào thời khắc quyết định, những tính toán đã không diễn ra theo kế hoạch. Hàng đoàn xe tăng kéo dài của Quân đội Liên Xô hướng về Quảng trường Đỏ mà không biết hành động theo lệnh của ai, bảo vệ cái gì và chiến đấu chống lại ai. Yeltsin thậm chí đã trèo lên một xe tăng trong tiếng hò reo rồi kêu gọi quân đội không chống lại người dân, cáo buộc những người làm chính biến hành động vô trách nhiệm và hối thúc thêm nhiều người dân Nga đình công.
Trong khi đó, lực lượng nhảy dù do Tư lệnh Grachev cầm đầu tiến vào Moskva, được giao nhiệm vụ khống chế “Nhà Trắng” – Trụ sở làm việc của nước Cộng hòa XHCN Xô viết Liên bang Nga. Grachev bề ngoài thì chấp hành, nhưng lại ngấm ngầm làm ngược lại. Danh nghĩa là thực thi mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, nhưng trên thực tế lại ủng hộ dân chủ và thế lực ly khai. Về phía Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), Tổ hành động “Alpha” do Tướng Karpukhin chỉ huy đã cự tuyệt chấp hành mệnh lệnh của Tổng bộ KGB về việc tấn công “Nhà Trắng”, bắt giữ Yeltsin.
Tư lệnh Không quân Shaboshnikov lúc đầu lấy lý do thời tiết không thích hợp cho việc cất cánh để trì hoãn việc đưa lực lượng nhảy dù tới, sau đó thì dẫn đường cho máy bay hạ cánh nhầm sân bay, khiến lực lượng nhảy dù không thể tập kết đúng thời gian trong kế hoạch, thậm chí còn trực tiếp bày tỏ ủng hộ Yeltsin.
Chính biến thất bại sau 3 ngày, các thành viên của Ủy ban Nhà nước về tình trạng khẩn cấp bị bắt giữ. Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô sụp đổ chỉ sau đó vài tháng.
Trong thời gian Gorbachev làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội Liên Xô đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi từ bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của đảng đối với quân đội, làm cho quân đội Liên Xô bị “phi chính trị hóa”, mất niềm tin vào chế độ, suy giảm sức mạnh, ý chí chiến đấu và cuối cùng bị vô hiệu hóa.
Ngày 12-3-1990, tại Đại hội đại biểu bất thường lần thứ ba, Đảng Cộng sản Liên Xô đã chấp nhận từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội (Điều 6, Hiến pháp Liên bang Xô viết); chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, từng bước xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo đối với lực lượng vũ trang.
Ngày 20-7-1991, sau khi đắc cử Tổng thống Liên bang Nga, B. Yeltsin ký mệnh lệnh "chấm dứt các hoạt động tổ chức phong trào xã hội mang tính chính đảng và quần chúng tại các cơ quan, tổ chức nhà nước thuộc Liên bang Nga" (mệnh lệnh "phi Đảng hóa"). Mệnh lệnh tuyên bố cấm các chính đảng hoạt động trong cơ quan nhà nước, đoàn thể quần chúng các cấp và xí nghiệp cơ sở, bao gồm cả lực lượng vũ trang.
Trong quân đội và lực lượng an ninh Liên Xô dấy lên phong trào rời bỏ Đảng. Đứng đầu là Bộ trưởng Quốc phòng Yevgeny Shaposhnikov ngày 23-8-1991, đã tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô và buộc mọi quân nhân là đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô phải trả lại thẻ đảng.
Sau đó ít ngày, Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô Đại tướng V.Kryuchkov và Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô Thượng tướng B. Pugo cũng tuyên bố ra khỏi đảng và ra lệnh mọi tướng lĩnh, sỹ quan, hạ sỹ quan An ninh và Cảnh sát Xô viết phải trả thẻ đảng, thực hiện “phi chính trị hóa” cơ quan An ninh và Cảnh sát.
Ngày 24-8-1991: Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông ta còn lấy danh nghĩa Tổng thống, ra lệnh cho Đảng Cộng sản Liên Xô chấm dứt hoạt động trong lực lượng vũ trang và tất cả các cơ quan quân sự, cơ quan nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật.
Cùng với việc xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, Gorbachev đã thẳng tay hủy hoại hệ thống tổ chức của đảng trong quân đội.
Để thực hiện “dân chủ hóa”, khi điều chỉnh biên chế tổ chức của quân đội, Đảng Cộng sản Liên Xô đã từng bước cắt giảm cơ quan chính trị các cấp và khoảng 80 nghìn sĩ quan làm công tác chính trị, đặc biệt là xóa bỏ Tổng cục Chính trị trong quân đội. “Điều lệ công tác trong lực lượng vũ trang do Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức” cấm các tổ chức và cơ quan của Đảng Cộng sản Liên Xô can thiệp vào công việc của nhân viên hành chính và cơ quan chỉ huy quân sự. Bên cạnh đó, Gorbachev còn chỉ đạo xóa bỏ cơ chế thẩm tra về chính trị của Trung ương Đảng và Tổng cục Chính trị đối với các sĩ quan được thăng chức.
Tháng 10-1990, Liên Xô đã ban hành “Luật Đoàn thể xã hội”, quy định hoạt động của quân nhân không chịu sự ràng buộc bởi nghị quyết của chính đảng. Đầu năm 1991, cơ quan hành chính quân đội tiến hành cải tổ toàn diện, chuyển đổi cơ quan chính trị các cấp của Đảng trong quân đội thành cơ quan đặt dưới sự chỉ đạo của chính phủ. Tổng cục Chính trị Quân đội Liên Xô đổi tên thành Tổng cục Quân sự các Lực lượng vũ trang, đi theo con đường “quân đội quốc gia hóa”.
Cùng với đó, Quân đội Liên Xô dần dần xem nhẹ việc học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ nội dung giáo dục chính trị tư tưởng. Tháng 6-1991, để thực hiện giáo dục “tư duy chính trị mới”, các trường học Chủ nghĩa Mác - Lênin thuộc các quân binh chủng, quân khu và tập đoàn quân bị xóa bỏ và đổi thành trung tâm chính trị - xã hội.
Hàng loạt hành động này đã khiến cương lĩnh, mục tiêu bảo vệ chuyên chính vô sản của Quân đội Liên Xô bị tiêu tan, sự gắn kết trong quân đội, nhận thức về sứ mệnh của người quân nhân, ý thức tập thể ngày càng phai nhạt.
Để xây dựng “hình tượng cải tổ” cho mình, Gorbachev luôn giữ khoảng cách với quân đội, tìm cách đổ lỗi cho quân đội trong những trường hợp xảy ra xung đột giữa binh lính và các phần tử phản động theo chủ nghĩa dân tộc hoặc ly khai. Điển hình như trong Sự kiện Tbilisi vào tháng 4-1989, Gorbachev đã công khai chỉ trích quân đội về cái gọi là “giữ gìn trật tự pháp luật” vốn theo mệnh lệnh của ông ta và Bộ Chính trị.
Sư đoàn trưởng Sư đoàn Tula 106 khi đó là Lebed trong hồi ký đã viết: “Sự kiện này khiến cho thái độ của các sĩ quan đối với sự lãnh đạo của Đảng bắt đầu chuyển biến theo chiều hướng nguy hiểm, tình trạng các sư đoàn và trung đoàn tác chiến trì hoãn hoặc từ chối chấp hành mệnh lệnh liên tục xảy ra” (William Odom: “Quân đội Liên Xô sụp đổ như thế nào”, Nhà xuất bản Tân Hoa).
Tháng 5-1985, Gorbachev trong chuyến thăm thành ủy Leningrad đã công bố bắt đầu tiến trình cải tổ (perestroika). Lúc đầu, Gorbachev và “bộ sậu” của ông ta tuyên bố “cải tổ để có nhiều dân chủ hơn, có nhiều CNXH hơn”, “chúng ta sẽ đi tới CNXH tốt đẹp chứ không đi ra ngoài nó”.
Nhưng thực chất, đó chỉ là những luận điệu tuyên truyền lừa dối nhằm làm yên lòng người, các chính sách của cải tổ làm cho xã hội Xô viết hỗn loạn, trở nên suy yếu. Theo Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng: Các nhân tố của “tư duy chính trị mới” đã trở thành nền tảng để cải tổ chính sách quân sự và đối ngoại. “Tư duy chính trị mới” chỉ là sự ẩn danh, thực chất trong đó bao hàm những nguồn gốc phá hoại nền quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Nhà nước Xô viết, phá hoại về chính trị và tư tưởng.
Để cắt giảm quân số trong quân đội, Gorbachev đã đưa ra quan điểm: Chiến tranh lạnh đã kết thúc, thực hiện chung sống hòa bình. Ông ta ngây ngô tin rằng Mỹ và phương Tây sẽ hỗ trợ tài chính vô điều kiện cho cải tổ và tiếp tục đối xử với Liên Xô như một siêu cường. Gorbachev đã thẳng tay thanh lọc những thành phần bị cho là cản trở kế hoạch cải tổ của ông ta.
Việc cải tổ quân đội được bắt đầu từ cắt giảm chi phí quân sự, tiến tới điều chỉnh nhiệm vụ sứ mệnh và biên chế tổ chức của quân đội. Chỉ trong hai năm 1987-1989, gần 50% cán bộ chiến lược và khoảng 30% tướng lĩnh của quân đội Liên Xô bị cho ra quân; hơn 100 cán bộ lãnh đạo chính trị cấp chiến lược bị cách chức.
Bộ Quốc phòng Liên Xô cho biết đến cuối năm 1989, Liên Xô đã phá hủy 1.498 tên lửa hạt nhân tầm trung, 555 bệ phóng. Như vậy Liên Xô đã phá hủy 81,1% số tên lửa hạt nhân tầm trung cần phải hủy bỏ theo hiệp ước Xô – Mỹ.
Việc thay thế không có sự kế thừa đã tước bỏ dần khả năng lựa chọn hành động đúng đắn của Đảng trước tình hình biến động khó lường. Trong khi đó, những chính sách cải tổ về quân sự không sát thực tế, Đảng Cộng sản Liên Xô đã phá hoại kỷ luật và trật tự của quân đội, càng khiến quân đội trở nên rệu rã trong những tình huống khẩn cấp.
Các thế lực chống cộng và chống chủ nghĩa xã hội đã tăng cường xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Liên Xô và chế độ xã hội chủ nghĩa, bài xích các nguyên tắc xây dựng quân đội; bôi nhọ lịch sử truyền thống vẻ vang của quân đội, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Tất cả những điều này đều làm tổn hại nghiêm trọng nền tảng tư tưởng Đảng Cộng sản Liên Xô trong quân đội. Tình trạng này lại được các thế lực thù địch phương Tây hà hơi, tiếp sức, khiến đội ngũ sĩ quan và binh lính bị dao động tư tưởng, suy giảm hoặc mất hẳn niềm tin vào đảng.
Lợi dụng “công khai hóa”, các vấn đề của quân đội bị thổi phồng và tự do đưa lên mặt báo dù chưa qua kiểm chứng. Các phần tử theo chủ nghĩa dân tộc đã thừa cơ tùy tiện xuyên tạc Quân đội Liên Xô là “quân chiếm đóng”, “kẻ xâm lược”. Các chính đảng, tổ chức, phong trào, mặt trận… chống cộng và chống chủ nghĩa xã hội lợi dụng phỉ báng lãnh tụ cách mạng, xuyên tạc chức năng, hạ thấp vai trò của quân đội, rêu rao luận điệu quân đội là nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế, là “thực khách xã hội”.
Thậm chí, trên các tạp chí lý luận hàng đầu của Đảng còn xuất hiện nhan nhản các bài viết phê phán sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với quân đội, kêu gọi “quân đội phi chính trị hóa”. Điều này tạo cơ hội cho các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch thâm nhập phá hoại nội bộ.
Trong quân đội, Gorbachev đã áp dụng một chính sách không quan tâm đến công tác an ninh khi thu hẹp hỗ trợ kinh tế cho các lực lượng vũ trang. Trong báo cáo của Bộ Chính trị tại Đại hội lần thứ XXVII của Đảng Cộng sản Liên Xô đã nêu lên rằng, Ban Chấp hành Trung ương luôn quan tâm đến khả năng phòng thủ đất nước, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang Liên Xô và củng cố đời sống của Quân đội nhưng thực tế thì…ngược lại.
Năm 1991, để cắt giảm quân số, Tổng thống Liên Xô Gorbachev đã đưa ra quan điểm: Chiến tranh lạnh đã kết thúc. Thực tế, nguy cơ về chiến tranh hạt nhân thế giới đã tan biến. Bức tường sắt đã chấm dứt. Quân đội và ngân sách quốc phòng đang được giảm dần. Các bước đi ban đầu đã được áp dụng để chuyển đổi nền công nghiệp quốc phòng.
Số liệu dưới đây giúp theo dõi đồ thị đi xuống của sản xuất vũ khí mà Gorbachev đã đề cập tới.
Số liệu về sản xuất quốc phòng Xô viết giai đoạn 1988-1990:
Kể cả sau khi giảm đáng kể quân số và trang bị do Gorbachev khởi xướng, Liên Xô vẫn đứng thứ hai thế giới về kho đạn tên lửa, có quân đội lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) và có hải quân lớn thứ hai thế giới, cũng như có lực lượng vũ trang và không quân lớn nhất. Mối nguy hại lớn nhất, như chúng tôi phân tích, vẫn là phi chính trị hóa quân đội, sự cắt giảm trên chỉ là cú đánh bồi mà thôi.
Bài học từ quá trình “phi chính trị hóa” Quân đội Xô Viết càng giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn giá trị lời dạy của V.I.Lênin: Hiện nay, cũng như trước kia và sau này, “quân đội không thể và không nên trung lập”. Trong một bài viết đăng trên báo “Đời sống mới” của nước Nga, ngày 16-11-1905, Lênin viết: “...những câu nói của bọn tôi tớ của nền chuyên chế về tính trung lập của quân đội, về sự cần thiết phải giữ cho quân đội đứng ngoài chính trị... là giả dối, rằng những lời nói đó không thể mong được binh lính đồng tình một chút nào”. Vì vậy, “về nguyên tắc, Đảng Cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo, đó là điều không còn phải nghi ngờ gì nữa” (V.I Lê nin: Toàn tập).
Hiện nay, âm mưu phi chính trị hóa quân đội và công an là bước đầu tiên để tiến tới đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp, chúng ta phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối không mơ hồ trước âm mưu, thủ đoạn đó của các thế lực thù địch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”.
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã nhìn nhận nguy cơ phi chính trị hóa quân đội. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận xét: "Ở Liên Xô, quân đội bị phi chính trị hóa, tách ra khỏi đảng... Đảng bị tước đi công cụ bạo lực. Một số người đã cố gắng cứu Liên Xô khỏi bị sụp đổ, họ đã giam giữ Gorbachev, nhưng chỉ vài ngày sau, tình thế đã bị đảo ngược, vì họ không có trong tay công cụ để phát huy quyền lực. Yeltsin đứng trên một chiếc xe tăng để phát biểu, nhưng quân đội không có phản ứng gì, giữ cái gọi là “trung lập”. Cuối cùng, Gorbachev tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: Quân đội và Công an là hai lực lượng thanh kiếm và lá chắn, hai cánh của một con chim, bảo vệ giữ gìn nền hòa bình ổn định để phát triển đất nước. Trước các diễn biến phức tạp của tình hình, Quân đội luôn vững vàng, kiên định, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo đảm môi trường "trong ấm, ngoài êm" cho đất nước.
“Đảng Cộng sản Việt Nam mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị luôn quan tâm chăm lo lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng bảo đảm cho Quân đội trong bất kỳ tình huống nào cũng luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; chắc tay súng, vững vàng về tư tưởng, không hoang mang, dao động trước sự chống phá của các thế lực thù địch và ảnh hưởng tiêu cực của xã hội” - Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định.
Không có quân đội của quốc gia nào là phi chính trị. Trong một bài viết có tựa đề “Trật tự trong hỗn loạn: Ví dụ cân nhắc về chính trị hóa quân đội”, đăng trên trang web của Viện nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Thủ đô Washington D.C của Mỹ, tác giả James Golby và Mara Karlin khẳng định: “Nói quân đội là, hoặc nên, phi chính trị vừa khó hiểu vừa phản tác dụng. Dĩ nhiên, chính bản thân quân đội đã là một tổ chức chính trị hoàn toàn.
Các nhà lãnh đạo quân sự cần có khả năng can dự vào các vấn đề chính trị với binh lính của mình và với công chúng”. Cũng theo hai tác giả này, Quân đội Mỹ cũng không phải là một đội quân phi chính trị và chưa từng phi chính trị. Chẳng những thế, việc nói quân đội Mỹ phi chính trị về mặt lý thuyết lại khiến chính các sĩ quan Mỹ cảm thấy khó khăn hơn trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình và duy trì được niềm tin của người dân nước này khi họ thấy các lãnh đạo quân đội nói hoặc làm nhưng điều của mục đích chính trị thực sự.
Carl von Clauserwitz (1780-1831), một nhà lịch sử, lý luận quân sự nổi tiếng trong quân đội Phổ đã lập luận trong tác phẩm Bàn về chiến tranh nổi tiếng của mình: Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng các biện pháp khác – một luận đề có tính kinh điển về bản chất của chiến tranh. Kế thừa và phát triển quan điểm này, C. Mác, F. Ăng-ghen và Lênin đã khẳng định: Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng đều là sự kế tục chính trị của một số cường quốc nào đó và của các giai cấp khác nhau trong một thời đoạn nhất định
Cổ súy cho mô hình quân đội trung lập thực ra chỉ là một cách nói khác của nhằm phi chính trị hóa quân đội. Mười năm trước, làn sóng biểu tình, bạo loạn, lật đổ với cái tên mĩ miều “Mùa Xuân Arab” đã càn quét các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi dẫn tới sự sụp đổ của nhiều chính phủ và để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, xã hội…Trong nhiều nguyên nhân dẫn tới hậu quả không “đẹp như tranh vẽ” mà các nhà dân chủ phương Tây dựng lên ở khu vực này, việc quân đội các nước thực hiện đảo chính, tách rời khỏi sự lãnh đạo của đảng cầm quyền.
Khi những chiếc xe tăng, thiết giáp của Quân đội Liên Xô xuất hiện trên các đường phố thực hiện cuộc đảo chính tháng 8-1991, Quân đội Liên Xô đã mất đi tính cách mạng và đó là tín hiệu rõ ràng nhất cho ngày Liên Xô sụp đổ đang tới gần. Thực tế là, 20 năm trước đó, vai trò của quân đội Liên Xô trong việc bảo đảm an ninh quốc gia đã bị đẩy xuống vị trí thứ hai khi các nhiệm vụ xử lý tình huống trong nước của quân đội được chuyển hoàn toàn cho các lực lượng khác và chỉ được trưng dụng khi các lực lượng khác không hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Xét về nhiệm vụ, đó là tình thế bị động, khó xử lý. Về góc độ quân sự, khi quân đội chỉ ứng phó bên ngoài, chỉ được đảm nhiệm vị trí “thứ cấp” để bảo đảm an ninh trong nước, sẽ là không toàn vẹn bởi đó chỉ là nhiệm vụ của một đội quân viễn chinh chứ không phải là nhiệm vụ của một quân đội phục vụ nhân dân, lợi ích dân tộc.
Không phải đợi đến lúc này chúng ta mới rút ra bài học bởi việc xây dựng một quân đội cách mạng đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, điều căn bản quyết định nhất trong xây dựng quân đội là phải xác định rõ quân đội do ai xây dựng, mang bản chất giai cấp nào, chiến đấu vì ai, bảo vệ ai. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhất quán là Quân đội nhân dân, do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục. Người cũng dạy: Bộ đội không nên chỉ biết đánh. Biết đánh là cái tốt, nhưng chỉ biết đánh mà coi nhẹ chính trị, kinh tế, tuyên truyên giáo dục nhân dân tức là chỉ biết có một mặt, vì đánh không thể tách rời được với chính trị và kinh tế.
Có thể thấy, công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội được Người hết sức chú trọng. Thực hiện lời dạy của Người, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xứng đáng với lời Người khen tặng: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Trong đường lối, chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, cụm từ “cách mạng” luôn được nhắc đến đầu tiên khi đề cập tới việc xây dựng quân đội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định:
Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, đến năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng được ưu tiên lên hiện đại sẽ hoàn thành hiện đại; từ năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đề cao bản chất cách mạng của quân đội thể hiện sự giác ngộ chính trị của quân đội và là nền tảng để tạo ra tính chính quy, tinh nhuệ và tiến lên hiện đại.
Nguồn: QĐND