Nhắc đến Quân đội Nhân dân Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và không phải ngẫu nhiên mà mọi người dân Việt Nam đều gọi ông là người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Xuất thân từ một nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một nhà cầm quân kỳ tài, một tầm cao tư duy về nghệ thuật chiến tranh Nhân dân của dân tộc với cốt cách, đức độ của bậc hiền nhân được khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam cũng như trong lòng nhiều vị lãnh đạo và Nhân dân các nước bầu bạn.
Được chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội ta. Cũng từ đây, bằng tài năng quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng trong mọi chiến thắng của quân dân Việt Nam. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chính thức được thành lập - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp chỉ huy đội quân này. Và khi chỉ vừa tròn 37 tuổi, Ông đã trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta.
Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 chắc hẳn sẽ còn sống mãi trong lòng Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Trong mọi sự kiện, mọi chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đều có sự đóng góp của Đại tướng. Tên tuổi của ông gắn liền với đội quân bách chiến bách thắng, biết đánh và biết thắng.
Tất cả các đội quân của lực lượng Quân đội Việt Nam, và đội quân của các lực lượng vũ trang Nhân dân khác hầu như đều có dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong quá trình thành lập phát triển. Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như các lực lượng vũ trang Nhân dân khác luôn tôn vinh đại tướng là người anh cả.
Võ Nguyên Giáp là một nhà văn hóa lớn. Là Bí thư Quân ủy Trung ương, là Đại tướng Tổng tư lệnh suốt 32 năm, ông đã rèn luyện cho Quân đội Nhân dân Việt Nam trở thành một đội quân cách mạng mang bản sắc văn hóa riêng, trong đó mỗi người lính đều thấm nhuần tư tưởng nhân văn của văn hóa Việt Nam. Ông thực sự là Chính ủy của các Chính ủy, một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Ông được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà quân sự trên thế giới đánh giá là một vị tướng huyền thoại, một thống soái vĩ đại, một thiên tài Quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại. Ông là một trong những vị tướng hiếm hoi trên thế giới, được chính những tướng lĩnh đã từng đối đầu trên chiến trường phải cảm phục...
Nhưng trên tất cả những mĩ từ đó, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông lại tỏa sáng như một bậc hiền nhân, mà một cựu chiến binh Hà Nội đã khái quát thành thơ: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn!”. Ông là Anh Cả của Quân đội ta, là Bộ đội Cụ Hồ tiêu biểu nhất - một vị tướng của lòng dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh cách mạng, về đạo đức cách mạng của người cộng sản. Sinh thời, Bác đã dạy các tướng lĩnh về 6 chữ: “Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò thực hiện đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất 6 chữ ấy. Không chỉ gắn tên tuổi mình với những mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc từ ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; từ chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử chấn động địa cầu cho đến Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Vị tướng binh nghiệp ấy - “Người anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, dù trải qua biết bao trận chiến lớn nhỏ, dù đã quá quen với thương vong nhưng lại là người luôn cân nhắc để làm sao từng chiến sĩ của mình ít phải đổ máu nhất. Trí - Dũng - Nhân của ông chính là ở đó. Đại tướng thường tâm sự với đội ngũ cán bộ thuộc quyền rằng: Chiến tranh không phải là vấn đề thể diện, không được phiêu lưu, mạo hiểm, không cho phép đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Một người chỉ huy giỏi là một người đánh thắng kẻ thù nhưng ta thương vong thấp nhất, đổ xương máu ít nhất. Sinh mạng của con người là vô giá và không gì có thể bù đắp được nỗi đau mất mát trong chiến tranh. Dĩ công vi thượng, khiêm tốn, sống giản dị, thanh cao, quyết đoán, dân chủ và bao dung, nhân hậu - đó là nhân cách Võ Nguyên Giáp - một thiên tài quân sự.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn lấy dĩ công vi thượng làm phương châm để hành động. Lấy tình thương yêu đồng đội, đồng chí để làm lẽ sống. Lấy chữ nhân, chữ nhẫn, chữ trí để làm phương châm ứng xử. Tư tưởng và con người của "Anh Văn" đã góp phần hình thành, xây dựng, củng cố sức mạnh của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam.
Từ Phay khắt - Nà Ngần tới chiến dịch Điện Biên Phủ - Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến cả thế giới nhận ra ông không chỉ có tài cầm quân, mà còn là nhà lý luận quân sự uyên thâm, tác giả hàng đầu về học thuyết quân sự Việt Nam hiện đại. Tư tưởng và lý luận của ông về vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng Quân đội Nhân dân, về khởi nghĩa vũ trang, về chiến tranh Nnhân dân trong thời đại mới, không chỉ được người Việt Nam mà nhiều lãnh tụ và tướng lĩnh trên thế giới nghiên cứu, học tập. Ông đã đưa chiến tranh Nhân dân Việt Nam trở thành nghệ thuật quân sự được cả thế giới ngưỡng mộ.
Nhân dân ta tôn vinh gọi Đại tướng là “Vị tướng của lòng dân”, “Vị tướng của Nhân dân”, hay một cái tên trìu mến: “Tướng Giáp - Anh Văn, Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Tên tuổi của Đại tướng đã gắn liền với sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam, với Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, gắn với dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tài năng, nhân cách của Đại tướng thể hiện đó là nhân cách và trí tuệ Việt Nam.
Cả cuộc đời của Đại tướng bao giờ cũng quý trọng, học tập và phục vụ Nhân dân, học tập tinh hoa truyền thống của dân tộc, Đại tướng tự nhận: “Tôi chỉ là giọt nước trong biển cả Nhân dân”, Đại tướng bao giờ cũng đánh giá rất cao vai trò của Nhân dân, khi đánh giá công trạng vai trò của một vị tướng, có nhà báo nước ngoài hỏi “Vị đại tướng nào vĩ đại nhất” Đại tướng đã không ngần ngại trả lời “Nhân dân Việt Nam”. Khi hòa bình lập lại, Đại tướng lúc nào cũng đau đáu vì dân, vì nước. Câu hỏi lúc nào cũng thường trực trong Đại tướng, tại sao hòa bình rồi mà dân còn khó khăn, đất nước còn lạc hậu?. Vì vậy Đại tướng được gọi là “Đại tướng của Nhân dân”, “Đại tướng của lòng dân”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở về với đất mẹ Quảng Bình, ông đã nằm xuống nhưng tình cảm mà dân tộc Việt Nam dành cho ông, mãi mãi không thay đổi. Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài của vị Tổng tư lệnh - Người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam mãi tồn tại. Ông sẽ mãi là vị tướng trong lòng người dân đất Việt.
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của một vị tướng suốt đời vì nước vì dân, một nhân chứng lịch sử sống qua hai thế kỷ đã đóng góp làm vẻ vang cho non sông đất nước ta trong một thời đại vẻ vang nhất của lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước: Thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
NGUYỄN NGA (St)