A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ 3)

Chúng tôi lên đường theo bước chân chiến dịch. Nhiệm vụ vẫn được định hướng rất rõ: Viết về phong trào quần chúng nhân dân nổi dậy, giành và giữ chính quyền. Thông tin về các mũi tiến công quân sự do bên quân đội và lực lượng phóng viên đi với mặt trận B5 đảm nhận.

Cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, nơi đất nước chia cắt (Ảnh tư liệu).

 

Tôi và anh Hồ Bích Sơn, phóng viên biệt phái của Thông tấn quân sự lại vượt sông sang căn cứ tiền phương của Tỉnh uỷ Quảng Trị, lúc này cũng đóng ở Gio Linh. Lần vượt sông này khác hẳn lần trước. Chiến dịch đã nổ ra. Bầu trời giới tuyến suốt ngày ầm ì tiếng súng. Pháo biển từ các hạm tàu của Mỹ tiến sát vào để chi viện cho quân Sài Gòn bắn suốt ngày đêm. B52 bay cả ban ngày, đi thành từng tốp từ 3 đến 6 chiếc. Pháo của quân Sài Gòn từ phía bên kia cũng thường xuyên bắn sang. Sau đợt đầu, quân ta đã giải phóng miền Tây Hướng Hoá, Cồn Tiên, Dốc Miếu, đang bao vây Đông Hà, Quảng Trị. Tình hình rất khẩn trương. Lần này chúng tôi đi thẳng vào vùng chiến sự ác liệt. Tâm trạng của một người mới như tôi cũng có phần lo lắng, bồn chồn. Rất may là anh Hồ Bích Sơn là một phóng viên chiến trường có nhiều kinh nghiệm. Anh đã hướng dẫn, động viên tôi rất nhiều.

Chúng tôi gặp lại anh Ba Trần và các anh ở bộ phận tiền phương của Tỉnh uỷ Quảng Trị. Sau khi nắm tình hình, anh Sơn và tôi quyết định tìm đường sang Cam Lộ. Lúc này Huyện uỷ Cam Lộ từ chiến khu Cùa đã về dưới đồng bằng. Khu vực này cần chúng tôi có mặt, cần có tin bài. Chúng tôi được bố trí đi theo đoàn cán bộ dân chính sang tăng cường cho Cam Lộ. Cả đoàn đi theo đường giao liên của tỉnh. Tất cả đều đi bộ, cắt đường chéo từ Gio Linh sang, vì lúc này Đông Hà chưa giải phóng. Các cánh quân chủ lực đang bao vây thị xã này, chờ ngày nổ súng.

Đoàn công tác ấy gồm nhiều người thuộc thành phần các đơn vị của tỉnh và mặt trận. Người giao liên dẫn chúng tôi đi tên là Lê Thị Phiếu. Đấy là một cô gái nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, nước da đen giòn và nụ cười rất tươi, duyên dáng với chiếc mũ tai bèo, khăn rằn và khẩu AK báng gấp. Cô chỉ nói ngắn gọn trước khi lên đường:

- Địch đang đánh phá ác liệt. Chúng ta đi ngang qua vùng chiến sự. Các anh chấp hành quy định đi đường và chú ý quan sát để phản ứng kịp thời!

Chúng tôi khởi hành từ sáng sớm, cứ nhắm hướng Cam Lộ mà cắt đường đi tới. Phiếu là một giao liên, tuy còn trẻ, nhưng đã dày dạn kinh nghiệm chiến trường trước khi chuyển về văn phòng Tỉnh uỷ. Cô đi trước, dẫn đầu cả đoàn, chốc chốc lại quay đầu lại quan sát, nhắc nhở đội hình hoặc thông báo về đoạn đường phía trước có những gì cần chú ý. Chúng tôi đi ngang khu tập trung Quán Ngang. Lúc đó dân đã bung ra, trở về quê cũ, chỉ còn những xác nhà trống không. Rồi cả đoàn băng đường 1, ngang qua thị xã Đông Hà đang bị quân ta bao vây. Các đơn vị chủ lực đang ém quân quanh khu vực này. Máy bay Mỹ gầm rú quần đảo để tìm dấu vết các mũi bao vây của quân giải phóng. Pháo bắn liên tục dọc theo đường đi. Khi chúng tôi vừa đến sát quốc lộ 1 thì một loạt bom tọa độ cắt ngay vào đội hình. Chỉ thấy mặt đất bỗng dềnh lên, đất đá bắn tung toé trước khi nghe được hàng loạt tiếng nổ đinh tai nhức óc, sau đó là pháo biển bắn liên tục cả giờ đồng hồ. Chúng tôi phải tạm lánh lại chờ cho ngớt pháo. Anh Hồ Bích Sơn nhanh tay kéo tôi vào trong một chiếc cống lớn ngang qua đường. Chỉ cần ngồi sâu bên trong là có thể tránh được mảnh đạn bay phía ngoài. Khi ấy, dù khá căng thẳng, tôi vẫn kịp nghĩ: Giá như một quả đạn trúng vào chỗ này thì chúng tôi sẽ ra đi. Ý nghĩ về cái chết chợt đến. Lần đầu tiên tôi ở giữa một trận pháo bay và bom toạ độ nên cũng khá hồi hộp. Nhưng rồi những giây phút ấy qua ngay vì những thử thách lớn hơn đang chờ ở phía trước.

Qua đợt pháo kích, chúng tôi lên đường. Đi chừng hơn một giờ nữa, khi chúng tôi đang vượt lên một vạt đồi thì một chiếc trinh sát OV 10 lượn tới. Nó bay thấp đến nỗi thân máy bay to như một chiếc thuyền. Tất cả đoàn tản ra, nép vào các vạt cây. Chiếc OV10 quần đảo rất thấp, nghiêng ngó, tiếng động gầm rú cả một vùng đồi. Bọn chúng đang tăng cường trinh sát để tìm chỗ trú quân của ta. Bỗng một quả pháo khói được bắn từ máy bay xuống ngay đỉnh đồi. Đấy là dấu hiệu cho máy bay cường kích đến ném bom sau đó. Tranh thủ lúc chiếc OV10 lượn vòng, chúng tôi liền lao từ đỉnh dồi xuống lòng khe. Tôi nhớ lúc đó đã rất mệt, cả buổi đi bộ sức đã kiệt, chỉ có một phong lương khô nuốt mãi không trôi và vài ngụm nước cho đỡ khát. Nhưng không hiểu sao khi đó mình có thể đủ sức mà băng nhanh như vậy. Có lúc vấp ngã lại vùng dậy, có lúc chỉ lăn cho nhanh mà không kịp đi nữa. Thời gian chỉ tính bằng phút. Rất may là khi chúng tôi xuống dưới chân đồi, tìm ra khu đất có bụi cây rậm để nấp thì máy bay tiêm kích mới đến. Hai loạt bom nổ ngay trên đỉnh đồi, lửa khói mù mịt, mảnh bom xé gió, đất đá bay rào rào… Rất may là mọi người bình yên. Khi tập hợp lại, cô Phiếu giao liên rất mừng vì mọi người trong đoàn đều ổn. Chúng tôi lại nhắm hướng Cam Lộ, ven theo sông Hiếu để đi.

Lúc bấy giờ tôi mới biết, Phiếu là người Cam Lộ. Làng quê của Phiếu cách đấy không xa. Người yêu của cô, một cán bộ an ninh, đang công tác ở vùng này. Trên đường đi, thấy tôi là nhà báo trẻ mới từ Hà Nội vào, cô có sự quan tâm, dặn dò cẩn thận lúc đi đường và hay hỏi chuyện ngoài Bắc. Cô lớn lên, chiến đấu ở đây. Từ bé đến lớn chỉ sang đến Vĩnh Linh, chưa đi đâu xa bao giờ. Một cô gái Quảng Trị mạnh mẽ và rất có sức cuốn hút.

Chiều ấy, thử thách nữa đến với chúng tôi. Một đoạn đường chừng hơn cây số máy bay địch rải bom bi nổ chậm. Trên mặt đường đất đỏ, gần một cánh rừng, những quả bom bi được ném từ sáng nằm lăn lóc. Điều đáng ngại là nó không nổ ngay. Chừng ít phút hoặc nửa giờ mới nổ một quả, không theo một quy luật nào, vị trí quả bom nổ cũng rất bất thường, không có cơ sở nào để dự đoán được. Phiếu hội ý với anh em trong đoàn. Mọi người quyết định rất nhanh là phải vượt qua. Nếu chờ nổ hết bom thì có khi phải đến sáng mai. Địa bàn này địch thường xuyên đánh phá. Thời gian lại gấp rồi. Chúng tôi đi cách nhau khá xa để lỡ có bom nổ thì thương vong sẽ ít nhất. Mà lại phải đi nhanh vì càng chậm, khả năng dính bom càng lớn. Lần đầu tiên trong đời tôi nếm trải cảm giác gần kề với Thần Chết như vậy. Khá căng thẳng. Khi chúng tôi vào đầu đường thì phía đằng kia, một quả bom bi vừa nổ. Tiếng nổ không to giữa một không gian rộng, nhưng tạo cảm giác vô cùng căng thẳng. Mặc dù bước nhanh, tôi cảm nhận rất rõ tim mình đang đập mạnh, mồ hôi ra thẫm áo. Tôi cố liếc nhìn quả bom bi hình tròn nhỏ màu vàng nằm chỏng trơ trên đường. Trông qua, người ta có thể liên tưởng đến những đồ chơi trẻ con vứt lăn lóc… Một ý nghĩ thoáng qua: Nếu bom nổ… Thời gian khẩn trương không cho phép nghỉ tiếp nữa. Rất may cho chúng tôi là vài quả bom nổ hoặc là trước khi chúng tôi đến hoặc vừa đi qua ít phút. Đấy là cuộc chơi trò ú tim với cái chết lần đầu trong đời tôi!

Qua lúc nguy hiểm lại là chuyện vui. Chúng tôi dừng chân ở nơi đóng quân của bộ đội sau khi qua bãi mìn. Được một bữa no. Từ sáng đến cuối chiều mới có cơm với thịt bò và canh rau dại do bộ đội chiêu đãi. Mấy anh lính trẻ nói vui:

- Bò trúng bom bi chết. Không làm thịt được cả con, chỉ xẻo mấy cái đùi thôi. Bò của dân - những bà con sơ tán hết rồi, không ăn cũng phí!

Chiến chi khu Cam Lộ - 1972 (Ảnh tư liệu).

 

Đến căn cứ của Huyện ủy Cam Lộ thì trời cũng xẩm tối. Chúng tôi được bố trí vào các hầm để ngủ lại, chờ mai làm việc. Rất tình cờ, tôi được phân sang bên an ninh cùng với Phiếu. Hóa ra người yêu của Phiếu chính là anh Bố, Trưởng Ban an ninh Cam Lộ. Họ cùng quê và đã gắn bó với nhau từ lâu, chỉ có điều trong hoàn cảnh chiến đấu, chưa tổ chức được đám cưới. Anh Bố rất vui tính, người thấp đậm, nhưng nhanh nhẹn, sắc sảo, có tiếng cười rất vang. Cũng là một tình huống hiếm gặp trong đời.

Tối đó, anh Bố, Phiếu và tôi được bố trí ngủ chung trong một căn hầm chữ T. Tất cả phải ngủ hầm vì khu vực này thường xuyên bị pháo kích, bom tọa độ. Tôi nằm ở ngách ngang, hai anh chị nằm ở ngách dọc. Một ngọn nến nhỏ xíu ở góc trong cùng được che kín. Sau mấy câu chuyện vui, tôi chìm vào giấc ngủ trong khi ở ngách bên kia, hai anh chị còn trò chuyện rất lâu… Tôi ngủ trong tiếng rì rầm của đôi trai gái ấy, trong đêm đầy tiếng pháo bày nổ xung quanh. Ngoài kia, sông Hiếu vẫn êm đềm sóng vỗ. Các cánh quân của chúng ta đang xuôi đường 9, khép gọng kìm xung quanh Đông Hà.

Sáng hôm sau ngủ dậy thì anh Bố đã đi, gửi lời Phiếu chào tôi. Tôi được phần một bát sắt cơm. Làm vệ sinh cá nhân xong, tôi vội vàng ăn và theo Phiếu sang Huyện ủy. Nhìn gương mặt rời rợi niềm hạnh phúc của Phiếu, tôi nghĩ: Cầu mong cho bom đạn đừng động đến họ để một ngày hòa bình không còn xa, khi quê hương giải phóng, họ có thể hạnh phúc làm đám cưới bên nhau.

Anh Hoàng Minh Kỳ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Cam Lộ là một người có vóc dáng thư sinh, da trắng, miệng cười tươi. Năm ấy anh mới 25 tuổi mà đã lãnh đạo một huyện vùng trọng điểm ác liệt. Tôi nhớ câu nói vui của anh:

- Xong việc ở lại đây đi đánh ác ôn với tụi mình!

Anh rất nhiệt tình, cung cấp cho tôi tình hình Cam Lộ trong những ngày đầu giải phóng, những khó khăn, ác liệt đang phải trải qua và thời cơ lớn đang đến. Từ chiến khu Cùa, lực lượng của huyện đã tràn về các vùng, lãnh đạo nhân dân nổi dậy, phá ách kìm kẹp của địch, giành quyền làm chủ, xây dựng chính quyền cách mạng. Thị trấn Cam Lộ mới được giải phóng vài hôm trước…

Sáng hôm sau, anh Kỳ dẫn tôi ra thị trấn Cam Lộ. Tôi tranh thủ quan sát, ghi chép và chụp ảnh một thị trấn được giải phóng. Sau đó, các anh ở huyện còn cho anh Sơn và tôi đi thăm một số xã xung quanh. Hôm sau nữa, chúng tôi lại lên đường cùng Phiếu theo đường giao liên trở về Gio Linh. Lại một ngày dài hành quân với bao nguy hiểm, vất vả, anh Sơn nhắc tôi: Hai anh em phải khẩn trương vì chỉ có thể trở về Vĩnh Linh mới có thể gửi tin, ảnh ra Hà Nội sớm được. Tối hôm ấy, chúng tôi về đến Huyện uỷ. Tôi tranh thủ tạt sang thăm anh em du kích ở xã Gio Mỹ đang đóng ở gần đấy. Từ lần thăm anh em trong đội trước khi chiến dịch mở màn, chúng tôi đã là người quen. Anh Đồng - Bí thư đảng uỷ xã, anh Em - Xã đội trưởng, các o du kích như Hương, Hoa, Bé… cũng đã là người quen biết. Thật bất ngờ khi tới căn cứ của đội, chúng tôi biết tin Thu Hồng đã hy sinh ngay trong đêm đầu tiên của chiến dịch. Nỗi đau buồn, thương tiếc còn lộ rõ trên gương mặt mỗi người. Trận đánh đồn Bến Ngự hôm ấy, Thu Hồng bị thương nặng nhưng vẫn bám trụ đến cùng, hỗ trợ cho đồng đội tiến công tiêu diệt địch còn cố thủ trong cứ điểm…

Đêm ấy, trong một căn hầm, tôi ngồi với Xã đội trưởng Em, một người chỉ huy nhanh nhẹn, người cao gầy, lúc nào cũng như cười với mái tóc xoã xuống trán. Anh kể lại cho tôi nghe về Thu Hồng, về cuộc chiến dấu và giờ phút cuối cùng trước khi hy sinh của cô. Em lấy trong ba lô ra đưa cho tôi một quyển sổ tay màu tím sẫm. Đấy là cuốn nhật ký của Thu Hồng, người con gái ra đi vào tuổi hai mươi với bao hy vọng khát khao. Qua giọng kể và những tâm tư của Em, tôi hiểu rằng anh có một tình cảm rất đặc biệt với người con gái ấy.

Em đưa cuốn nhật ký cho tôi và dặn:

- Mai anh về ngoài Vĩnh Linh, nhờ anh tìm cách chuyển cho chú Thư và cô Toàn cuốn sổ này. Đây cũng là nguyện ước của Thu Hồng!

Chân dung nữ liệt sĩ Thu Hồng, 20 tuổi, du kích xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh, Quảng Trị), người đã hy sinh anh dũng ngay trong đợt tổng tiến công đầu tiên, 3/1972 - Ảnh do nhà báo Trần Mai Hưởng chụp trước khi chiến dịch bắt đầu.

 

Tôi đã đọc cuốn nhật ký ấy của Thu Hồng ngay trong đêm đó, trong ánh đèn pin, trong căn hầm nhỏ ở mặt trận. Những dòng chữ nắn nót, tròn trịa và rất thẳng hàng trên giấy trắng ấy thực sự hé mở cho tôi về một con người vừa ngã xuống cho tự do của quê hương mình, một người anh hùng rất gần gũi mà tôi đã có dịp được gặp. Thu Hồng viết không đều, chỉ ghi lại vào những lúc rảnh rỗi khoảng thời gian cô từ miền Bắc trở về chiến trường, trở lại quê hương và gặp lại bố mẹ, người thân và tham gia chiến đấu với đội du kích Gio Mỹ. Ngay dòng mở đầu khi rời miền Bắc, cô đã viết bằng chữ to rất trang trọng như một lời hứa với chính mình: “Ba má ơi! Quê hương gọi con! Con nguyện đi theo con đường ba má đang đi…”. Cô viết riêng cho mình, trong cuốn nhật ký chứ không phải cho ai khác. Đấy chính là những suy nghĩ chân thành, là ước nguyện từ trong trái tim cô. Những suy nghĩ trong cuốn nhật ký đó giúp tôi hiểu được vì sao người con gái ấy dám sẵn sàng từ bỏ cuộc sống khá bình yên ở hậu phương, nơi cô đang được học hành trên đất Bắc để trở về với quê hương, tham gia vào một chiến dịch lớn, giải phóng mảnh đất mà cô hằng yêu dấu. Đó chính là sức mạnh tinh thần vô bờ bến, là động lực, là lẽ sống của một lớp người như Thu Hồng và những bạn bè cùng thế hệ với cô.

Tôi đã nâng niu cuốn nhật ký ấy, bọc trong một túi ni lông và cất kỹ trong ba lô khi trở về Vĩnh Linh. Lần ấy, để kịp về, chúng tôi không chờ đò mà bơi qua sông Hiền Lương. Về đến phân xã, tôi đã tìm cách chuyển ngay cuốn nhật ký đó cho bác Toàn, mẹ của Thu Hồng, khi đó là Hội phó Hội phụ nữ tỉnh Quảng Trị, trước khi cùng anh Hồ Bích Sơn viết tin bài và gửi ảnh ra Hà Nội.

Trong đợt đầu tiên, anh em phân xã B Vĩnh Linh phối hợp với phân xã TTXGP Quảng Trị rất nhịp nhàng. Lượng tin bài và ảnh về phong trào nổi dậy, xây dựng chính quyền ở vùng giải phóng khá phong phú và chuyển ra Hà Nội kịp thời. Các báo và đài ngoài đó dùng rất hiệu quả. Tổng xã đã chỉ đạo kịp thời và đánh giá tốt về hoạt động của mọi người. Ở mặt trận B5, lực lượng đi theo các đơn vị chủ lực cũng hoạt động có hiệu quả.

Ít lâu sau đó, một tin buồn đến với mọi người, lúc đầu chưa chính thức, nhưng sau được khẳng định rõ anh Nghĩa Dũng hy sinh ngay trong khi theo một mũi tiến công phía Nam thị xã Quảng Trị. Tin chỉ có vậy. Mọi người đều rất buồn. Riêng tôi, hôm nghe tin ấy, đêm nằm trong nhà hầm tràn trọc mãi không ngủ được. Tôi cứ nhớ đến nụ cười của anh, lời đặn dò của anh hôm gặp nhau ở Đèo Ngang. Thế mà anh đã đi xa… Cũng như các đồng nghiệp, tôi cũng tự hỏi mình: Ngày mai, người ngã xuống ấy có thể là mình. Lúc ấy sẽ ra sao? Đến đấy, lòng thấy như chùng xuống, không muốn nghĩ tiếp nữa. Cuộc chiến đấu đang ác liệt, không còn thời gian nhiều cho những lo lắng phân vân. Chúng tôi chỉ có một sự lựa chọn: Vững lòng và quyết tâm hoàn thành công việc của mình!

Bài thơ: 

TUỔI HAI MƯƠI

(Tưởng nhớ nữ liệt sĩ Thu Hồng, du kích xã Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị, hy sinh trong chiến dịch Tổng tiến công 1972)

Em gửi lại tuổi hai mươi trên cát
Cát trắng tinh khôi tự bao đời
Mãi tươi trẻ đón từng cơn gió nhẹ
Chạy lao xao như sóng khắp chân đồi

Anh nhớ dáng em buổi sáng ấy đẹp trời
Trước cửa hầm dịu dàng không nói
Chỉ cặp mắt nhìn xa vời vợi
Cành phi lao khe khẽ tiếng reo

Đồi 31 lở loang cháy khét lửa thiêu
Những họng súng đen rập rình nhả đạn
Sao cứ mong manh một chân trời hò hẹn
Đêm hành quân anh vẫn nhớ về.

Chiến dịch nổ ra, tin đến bất ngờ
Em ngã xuống ngay đêm đầu tập kích
Cầu Bến Ngự giữa bốn bề hoả lực
Em gọi má gọi ba, những tiếng gọi cuối cùng!

Anh đã qua muôn vạn nẻo đường
Vẫn nhớ nơi tuổi hai mươi mình gửi lại
Xanh nhức nhối biển Cửa Tùng vời vợi
Từng con sóng đau nỗi cắt chia

Cát trắng hôm nay níu bước chân về
Thơm gió nắng và xôn xao biển hát
Kể về người con gái trắng trong như ngọc
Giữa lòng cát quê hương vẫn sáng tựa trăng rằm.

 

(Còn nữa)

Theo Tin tức TTXVN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội