A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức của cựu chiến binh "Đoàn tàu không số"

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nằm nép mình trên dọc đường Quốc lộ 1A, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa của cựu chiến binh Vũ Trung Tính. Đó là một ngôi nhà nhỏ, được bài trí giản dị nhưng gọn gàng và ấm cúng với những kỷ vật thiêng liêng được chủ nhân lưu giữ lại, là nơi sinh sống của người cựu chiến binh nguyên là hàng hải 1 trên “Đoàn tàu không số” năm xưa. 45 năm sau ngày đất nước thống nhất, ký ức hào hùng về những lần cùng đồng đội dũng cảm vượt biển, đấu trí với kẻ thù, vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn còn vẹn nguyên chưa thể phai mờ trong tâm trí người cựu chiến binh Vũ Trung Tính.

Ký ức của những lần vượt biển vận chuyển vũ khí

Là thế hệ cán bộ đầu tiên của miền Bắc tham gia “Đoàn tàu không số”, cựu chiến binh Vũ Trung Tính vinh dự được làm nhiệm vụ trên 2 tàu 154 và 42, ông kể lại với chúng tôi: Mỗi chuyến đi của “Đoàn tàu không số” là cuộc đối đầu, đấu trí, đấu lực giữa những chiếc tàu nhỏ bé của ta với lực lượng hùng hậu của hải quân Mỹ, ngụy, phòng tuyến cảnh giới của hệ thống ra đa đối hải quét dọc bờ biển từ Cửa Việt đến Hà Tiên và các đồn bốt, trạm kiểm soát luồng lạch ven biển của địch. Vì vậy, phương châm đặt ra cho các tàu của ta là “Chủ động, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng vào bến, đồng thời có sẵn phương án thật linh hoạt, mưu trí đối phó với địch, khi bị lộ thì kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần có thể cho hủy tàu để giữ bí mật con đường”.

Cựu chiến binh Vũ Trung Tínnh bên những kỷ vật về "Đoàn tàu không số" được ông lưu giữ cẩn thận. 
Ảnh: THANH HẢI

 

Trong những chuyến đi ấy, cựu chiến binh Vũ Trung Tính nhớ nhất là lần tàu 42 thực hiện chuyến đi tái mở đường. Sau 3 tháng chuẩn bị, cải trang thành tàu đánh cá, giống như tàu đánh cá Song (Cá Ngừ Đại dương), giống tàu đánh cá của các nước Đông Nam Á, làm thêm két dầu phụ, lắp ra đa giả và tàu được khởi hành lúc 24 giờ ngày 15/10/1965 từ cầu Đá Bạc trên sông Tam Bạc, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông chậm rãi nói với chúng tôi: “Tìm một con đường mới, đi ngoài khơi trên vùng biển Quốc tế, phải đi qua hải phận của một số nước Đông Nam Á, đi hoàn toàn bằng phương pháp hàng hải thiên văn, dựa vào mặt trăng, mặt trời và các vì sao để xác định kinh độ, vĩ độ là chính, nên đòi hỏi người cán bộ hàng hải phải tính toán những bài toán thiên văn chính xác, linh hoạt nhất”. Tàu ra tới đảo Long Châu thì gặp gió mùa Đông Bắc tràn về, sóng to, gió lớn, tàu đi ngược về hướng Bắc qua bán đảo Lôi Châu, Hải Nam, Trung Quốc tới quần đảo Bầy Sư, tàu vừa chuyển hướng theo kế hoạch thì gặp tàu khu trục Mỹ trên biển và máy bay trinh sát quần đảo trên không. Tàu 42 giả vờ câu cá, đánh lưới, chuyển hướng nhiều lần để đánh lạc hướng địch nhưng tàu Khu Trục vẫn bám sát Tàu 42 đến gần vùng biển Philippin. Một tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” đối với Tàu. Lúc này Hàng hải số 1 Vũ Trung Tính đang cầm tay lái Tàu đã nảy ra một suy nghĩ, đề nghị với thuyền trưởng của Tàu: Cho tàu chuyển hướng đi thẳng vào căn cứ quân sự Mỹ ở Cảng SuPich Philipin, cho một thủy thủ (có cái mũi lõ giống tây) mặc bộ quần áo com lê, kiểu công nhân nước ngoài mà đã được trang bị ra mặt boong tàu ăn hoa quả, hút thuốc lá thơm ném cho phi công Mỹ đang lượn trên nóc đài chỉ huy Tàu 42 “vẫy tay chào người bạn Mỹ”. Mãi đến 19h trời đã tối, chúng nó không phát hiện được tàu “Bắc Việt” chở vũ khí, cứ tưởng là tàu đánh cá chúng nó chuyển hướng bỏ đi nơi khác. Sau 5 ngày đêm thấy êm, Tàu 42 mới chuyển hướng, về gần tới Cà Mau thì bắt được liên lạc với mặt trận phía Nam và tiếp viện vũ khí tại rạch Kiến Vàng an toàn.

Chuyến đi thắng lợi mở đường mới của Tàu 42 đã mang cả quyết tâm của Trung ương, miền Bắc với cách mạng miền Nam trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, gian khổ, được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đoàn 125 biểu dương và đánh giá rất cao.

Chiến công “có một không hai”

Vẫn chất giọng “ăn sóng nói gió”, đậm chất lính, ở cái tuổi hơn 80 ông tiếp tục mạch ký ức của mình bằng những chiến tích, ông kể: Chuyến đi tái mở đường của Tàu 42 thành công, ngày 15/3/1966, tàu tiếp tục nhận được lệnh chở 60 tấn vũ khí từ Bắc vào Nam. Trải qua gần 10 ngày vật lộn với sóng to, gió lớn, luồn lách tránh sự kiểm soát gắt gao của các loại tàu địch, vượt qua mạng lưới ra đa, nhiều lúc tưởng khó thoát khỏi sự nguy hiểm, phải chuyển rất nhiều hướng ngoài kế hoạch. Ngày 22/3/1966, tàu cập bến Rạch Gốc, Cà Mau, đang bốc hàng thì máy bay địch đến oanh kích, bắn phá. Các đồng chí ở bến vừa tranh thủ bốc hàng, chuyển hàng đến nơi an toàn, vừa đánh nghi binh, đảm bảo an toàn cho tàu và vũ khí. Đêm 11/4/1966, lợi dụng sơ hở của địch, Tàu 42 táo bạo, khôn khéo lách qua những hàng rào phong tỏa của địch trở về Bắc an toàn. Năm 1968, Hàng hải số 1 Vũ Trung Tính được phong quân hàm vượt cấp từ Thượng sĩ lên Thiếu úy và làm thuyền trưởng cao tốc 280.

Người lính năm xưa không giấu được niềm tự hào về những kì tích mà ông và đồng đội đã kinh qua những ngày tháng gian khổ nhất, đóng góp lớn vào quá trình chiến đấu và chiến thắng của tiền tuyến. Câu chuyện quá khứ cứ thế lần lượt tái hiện như những thước phim tài liệu sống động, giàu cảm xúc: Cuối tháng 8/1969, sau khi nhận tàu từ Quảng Châu, Trung Quốc về nước, Tàu chúng tôi về tới cảng Hải Phòng thì tôi nhận được quyết định điều sang Tàu 154 làm Thuyền phó hàng hải, ngày 17/9/1969, Tàu 154 được lệnh chở 58 tấn vũ khí vào Cà Mau. Qua gần 10 ngày lênh đênh trên biển, gặp nhiều tàu khu trục của Mỹ hoạt động, nhiều tàu buôn nước ngoài, nhưng Tàu 154 vẫn tìm đủ mọi cách ngụy trang để luồn lách tránh địch, đưa hàng đến nơi an toàn rồi quay ra Bắc.

Sau chuyến đi đặc biệt này, Tàu 154 tiếp tục đi 2 chuyến nữa đó là chuyến đi vào cửa Bồ Đề, một chuyến vào cửa Gềnh Hào và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông đã cùng đồng đội tham gia 18 chuyến đi chở vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam thành công, trong đó có những chuyến mở đường mang tính quyết định. Đây là số hành trình kỷ lục của một chiến sĩ hải quân “Đoàn tàu không số”. Trong 3 con tàu mà ông gắn bó, đã có 2 tàu được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, đó là Tàu 42 và Tàu 154; riêng Tàu 42 ông tham gia tới 14 chuyến trong vòng 3 năm liên tục.

Vẫn đêm ngày “bám biển”

Năm 1970, ông Vũ Trung Tính chuyển lên bờ công tác rồi được cử đi học tại Liên Xô, sau đó về công tác tại Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân, tham gia chiến dịch rà phá thủy lôi, làm chuyên gia ở Campuchia, rồi về Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng.

Năm 1991, ông về nghỉ hưu tại làng biển xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia với quân hàm Trung tá, người cựu chiến binh này tiếp tục là chỗ dựa cho những con tàu ở địa phương ra khơi bám biển khai thác thủy sản và tham gia gìn giữ biển đảo quê hương. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn cùng vợ phát triển kinh doanh mặt hàng lưới vó làm công tác “hậu cần” cho nghề biển của quê hương.

Với đồng đội, ông đứng ra gánh vác nhiệm vụ Trưởng Ban liên lạc Hải quân huyện Tĩnh Gia, Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Thanh Hóa để cùng nhau giữ gìn, phát huy truyền thống anh “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất là tinh thần ý, chí và phẩm chất của những chiến sĩ “tàu không số” trên mặt trận phát triển kinh tế và cả trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày.

NGỌC LÊ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội