Thứ tư, 17/04/2024 - 06:31
Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4 kiểm tra Đội quy tập 589, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình. Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Thăm, chúc Tết Bun Pi May tại tỉnh Khăm Muồn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Khánh thành Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Bắc Kinh, bắt đầu thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Trung tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4 thăm, chúc Tết Bun Pi May tại tỉnh Viêng Chăn (Lào) Trung tướng Hà Thọ Bình, Tư lệnh Quân khu 4: Kiểm tra tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh Đại học Huế Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thăm, chúc Tết Bun Pi May lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào Quân khu 4: Khai giảng bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh Quân khu 4: Tổng kết công tác doanh trại, đầu tư xây dựng cơ bản; trường bắn, thao trường huấn luyện năm 2023 Quân khu 4: Đảm bảo tốt chế độ, chính sách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chi bộ Báo Quân khu 4 lãnh đạo hoàn thành tốt các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng “chi bộ 4 tốt”, “đảng bộ cơ sở 4 tốt”
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quân và dân Quân khu 4 với tuyến vận tải Chiến lược 559 - Hồ Chí Minh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, lịch sử đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn được viết nên như một chiến công chói lọi, một "con đường của ý chí quyết chiến quyết thắng và lòng dũng cảm, của khí phách một dân tộc anh hùng".

Di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn Tân Kỳ - Ninh Lộc, km 0.

 

Trong lịch sử chiến tranh thế giới đường Trường Sơn thường được nhắc tới như một huyền thoại; bởi đây không chỉ là tuyến chi viện chiến lược quy mô lớn mà còn là một chiến trường thực sự, nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa một bên là toàn dân tộc Việt Nam có nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và một bên là giặc Mỹ giàu có với bộ máy chiến tranh khổng lồ, cùng những vũ khí trang bị tối tân nhất thời đại. Trong cuộc đọ sức quyết liệt đó, do được tổ chức hợp lý, các lực lượng trên toàn tuyến đã đánh bại chiến tranh ngăn chặn khốc liệt của kẻ thù mở đường thắng lợi, chi viện đầy đủ và kịp thời cho các chiến trường Nam Đông Dương đánh thắng đế quốc Mỹ. Đó là một thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Việc mở đường Trường Sơn vào miền Nam xuất phát từ ý chí, quyết tâm đấu tranh thống nhất nước nhà và ý đồ chiến lược của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, ngày 19/5/1959, "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" (sau này gọi là Đoàn 559) được ra đời với nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam; tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc... Trước yêu cầu chi viện miền Nam ngày càng lớn, nhiệm vụ xây dựng con đường xuyên Trường Sơn trở thành một nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của phong trào cách mạng.

Đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đồng chí Thiếu tướng Trần Võ Dũng, Chính ủy Quân khu 4 tặng quà cho cựu dân công hỏa tuyến trong Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại một con đường” tổ chức tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, tháng 5/2019.
Ảnh: HỒ VIỆT

 

Lực lượng xây dựng con đường Hồ Chí Minh, ngoài bộ đội Trường Sơn còn có đông đảo dân công, thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân giao thông, đồng bào các dân tộc miền Tây Tổ quốc và nhân dân Bạn. Con đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh đã được phát triển từ thấp đến cao, lúc đầu Đảng chủ trương "xoi đường", mở con đường mòn, đường giao liên để vận chuyển vũ khí bằng sức người mang vác, gùi thồ và đưa những đơn vị nhỏ, cán bộ, chiến sĩ hành quân vào tiền tuyến. Khi tình hình cách mạng phát triển, yêu cầu chi viện khẩn trương, khối lượng lớn ta đã kịp thời chủ trương mở con đường vận chuyển cơ giới kết hợp với đường gùi, thồ, hành quân bộ, hình thành một tuyến đường vận tải khổng lồ, một tuyến đường giao thông chiến lược...

Suốt 16 năm (1959 - 1975) xây dựng, chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã "lớn mạnh nhanh chóng, lập công đặc biệt xuất sắc", làm lên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, một kỳ tích "Mãi mãi vào lịch sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên hùng ca bất diệt". Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó mặt trận giao thông vận tải trên địa bàn Quân khu 4 đã đóng góp rất quan trọng vào sự thành công của tuyến chi viện chiến lược 559 - Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ hoạt động của Đoàn 559 rất rộng, xuyên qua địa bàn 20 tỉnh của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Địa bàn Quân khu 4 có vị trí đặc biệt quan trọng, là tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, là cầu nối giao thông miền Bắc với miền Nam.

Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị củng cố miền Tây các tỉnh Khu 4, trong đó nhấn mạnh tới việc mở mang đường giao thông. Quân khu 4 đã huy động nhiều đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng với thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân và nhân dân phối hợp với Đoàn 559 củng cố, mở mới nhiều tuyến đường quan trọng như đường số 1, 7, 8, 12,15, 129... Đồng thời, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm vào vị trí tập kết giao cho Đoàn 559 vận chuyển vào chiến trường; phối hợp với các đơn vị bộ đội của ta, bộ đội Pa-thet Lào, xây dựng thế trận chốt giữ các khu vực trọng yếu như cầu Ka Ky, bản Đông, Mường Phìn, Mường Pha Lan...; đánh trả các cuộc hành quân càn quét, các hoạt động biệt kích, thám báo của địch, bảo vệ tuyến hành lang giao liên vận chuyển.

Nữ Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình phá đá san đường 15A - đường mòn Hồ Chí Minh.
Ảnh: T.L

 

Bước sang năm 1965, để cứu vãn thất bại ở miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược từ "chiến tranh đặc biệt" sang "chiến tranh cục bộ". Chúng ồ ạt đưa quân vào miền Nam, đồng thời mở rộng chiến tranh bằng không quân, hải quân ra miền Bắc, phá hoại tiềm lực kinh tế, quân sự của hậu phương, uy hiếp tinh thần của nhân dân, ngăn chặn chi viện từ Bắc vào Nam. Các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4 bị không quân Mỹ tập trung đánh phá ác liệt nhất, dài ngày nhất và với quy mô, cường độ ngày càng lớn. Giao thông vận tải cả đường bộ, đường thủy là mục tiêu đánh phá hàng đầu của chúng. Các tuyến đường huyết mạch: đường số 1, đường 15, đường 12 bị đánh phá dữ dội. Các điểm vượt sông quan trọng như Bến Thủy, Nam Đàn, Linh Cảm, Địa Lợi, phà Gianh, Xuân Sơn, Long Đại đều bị khống chế. Không quân địch đã hoạt động cả ban đêm, liên tục thả pháo sáng kiểm soát các trục đường giao thông. Mạng lưới giao thông vận tải ở các tỉnh Quân khu 4 bị cắt nhiều đoạn, nhất là các con đường dẫn vào tuyến chi tiền chiến lược 559. Giao thông vận tải trở thành mặt trận chiến đấu quyết liệt. Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ ra Chỉ thị, Nghị quyết về bảo đảm giao thông vận tải ở Quân khu 4.

Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Quân khu 4 đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các tỉnh và Đoàn 559 thống nhất chủ trương tổ chức triển khai các cơ quan bảo đảm giao thông từ Quân khu đến cấp xã, lấy cơ quan quân sự tỉnh, huyện và các phòng giao thông vận tải làm tham mưu cho cấp ủy. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh tập trung lực lượng bảo đảm giao thông từ vĩ tuyến 20 trở vào, tăng thêm lực lượng bảo đảm giao thông vận tải cơ sở mà lực lượng công binh và thanh niên xung phong là nòng cốt làm nhiệm vụ sửa chữa đường, cầu, làm thêm các bến vượt, đường vòng tránh ở các trọng điểm, quyết tâm giữ vững giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Tổ chức các chiến dịch để đẩy mạnh công tác vận chuyển, phân công lại việc hợp đồng vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy. Ở các xã ven trục đường bộ, nhất là các trọng điểm đã xây dựng các đơn vị "dân quân công binh" thoát ly, tổ chức các lực lượng rà phá bom mìn, tham gia hỗ trợ các đơn vị thi công của Tổng cục Hậu cần xây dựng và duy trì đường ống xăng dầu qua Nghệ An, Hà Tĩnh để Đoàn 559 tiếp nối đường ống xăng dầu vào phía Nam.

Từ khi không quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc cho đến khi kết thúc chiến tranh, Quân khu 4 nói chung, trực tiếp là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị (cả Vĩnh Linh) nói riêng đã coi chi viện cho tuyến vận tải quân sự Trường Sơn là nhiệm vụ trọng tâm, việc bảo đảm giao thông vận tải cũng như mọi hoạt động của địa phương gắn chặt với nhiệm vụ phục vụ cho Đoàn 559. Mặc dù là địa bàn bị địch đánh phá ác liệt, hầu như không còn con đường, cây cầu, bến phà nào không bị đánh phá và mọi gia đình nơi đây đều phải chịu mất mát hi sinh nhưng Đảng bộ, quân và dân Quân khu 4 vừa đánh trả máy bay, tàu chiến dịch có hiệu quả, vừa dồn sức người, sức của chi viện chiến trường, chi viện cho tuyến đường Hồ Chí Minh.

Trong 16 năm xây dựng và bảo vệ tuyến đường Hồ Chí Minh cùng với nhân dân cả nước, các địa phương Quân khu 4 đã huy động tới 80 triệu lượt dân công phục vụ tuyến giao thông vận tải trên các chiến trường A, B, C. Nhân dân các địa phương đóng góp công sức xây dựng và củng cố các mạng đường đã có, xây dựng đường vòng tránh ở các trọng điểm, mở thêm đường mới, bến dự bị vượt sông... Ở các xã ven trục đường, nhất là các xã trọng điểm, các địa phương xây dựng các đơn vị "dân quân công binh" thoát ly; tổ chức các lực lượng rà phá bom mìn, tham gia xây dựng và bảo vệ đường ống xăng dầu; tổ chức các đội báo động, đội cứu sập hầm, đội cứu thương... Có thể nói, nhân dân sẵn sàng hi sinh tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi địa phương có tuyến vận tải chiến lược đi qua, nhân dân luôn động viên nhau giúp đỡ bộ đội với tinh thần "Xe chưa qua nhà không tiếc! Tất cả vì miền Nam ruột thịt! tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc!". Vào những thời điểm khó khăn các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh phát động phong trào "Nghiêng nồi bớt gạo" để chi viện cho tiền tuyến. Truyền thống giàu lòng yêu nước của nhân dân đã góp phần to lớn làm nên huyền thoại "đường Hồ Chí Minh", tạo nên sức mạnh của con đường góp phần vào chiến thắng chung của toàn dân tộc.

Lễ khánh thành bức phù điêu tri ân các Anh hùng liệt sĩ hang Tám thanh niên xung phong đường 20 Quyết thắng.
Ảnh: BÁO QUẢNG BÌNH

 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã kết thúc thắng lợi gần nửa thế kỷ. Tuyến chi viện chiến lược 559 - đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và những kỳ tích của đường Hồ Chí Minh lịch sử gắn bó máu thịt với mảnh đất, tình người của các địa phương Quân khu 4, gắn liền với sự cống hiến, hi sinh lớn lao của Đảng bộ, quân và dân Quân khu 4 trên mặt trận giao thông vận tải. Những địa danh lịch sử, những trọng điểm giao thông ác liệt, những chiến công hào hùng, những hi sinh oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân sát cánh cùng bộ đội Trường Sơn sẽ sống mãi trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam.

Ngày nay, đất nước đã hòa bình, thống nhất, non sông thù về một mối, phát huy truyền thống của quân và dân Quân khu 4 trên tuyến chi viện chiến lược 559 trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc ý nghĩa, giá trị lịch sử của đường Trường Sơn - con đường có vị trí vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, Quốc phòng - An ninh, đảm bảo giao thông quốc gia thông suốt trong mọi tình huống, trực tiếp phục vụ giao thông, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số đang rất khó khăn; đồng thời mở ra tiềm năng du lịch sinh thái, tham quan di tích lịch sử và góp quan trọng và phòng thủ biên giới, củng cố quốc phòng, an ninh, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống khi xảy ra chiến tranh. Từ đó, phát huy truyền thống, cống hiến sức trẻ của mình để xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Tham mưu, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục Quốc phòng - An ninh, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn Quân khu ngày càng vững chắc. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ, bằng những hoạt động thiết thực, LLVT Quân khu phải tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, tăng cường "thế trận lòng dân"; chủ động giúp nhân dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, căn cứ cách mạng trước đây. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng xây dựng kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với củng cố Quốc phòng - An ninh, luôn luôn cảnh giác sẵn sàng ứng phó với tình huống khi xảy ra chiến tranh. Cần có chiến lược phát triển giao thông vận tải, tạo thành hệ thống mạng đường liên hoàn như đã phát huy trong chiến tranh.

HUY CƯỜNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội