A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Vang mãi bản anh hùng ca Đường 9 - Nam Lào

Góp phần làm sâu sắc thêm giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971

Hơn 80 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, một số Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, Binh chủng, học viện, nhà trường, các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhân chứng lịch sử; Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, một số ban, ngành của tỉnh Quảng Trị; các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội, các nhân chứng lịch sử gửi về Ban Tổ chức cùng 8 tham luận trực tiếp tại Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - Giá trị lịch sử và hiện thực” . Các ý kiến đã tập trung thảo luận làm rõ nhiều khía cạnh, góp phần làm sâu sắc thêm giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971. 

Kịp thời tổ chức Bộ Tư lệnh Chiến dịch, điều động, tập trung lực lượng lớn, chủ động bố trí thế trận đón đánh địch.

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là một trong những dấu ấn quan trọng, một thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Thể hiện trong việc quyết định mở chiến dịch phản công với quyết tâm đánh thắng trận này; thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (mật danh là Bộ Tư lệnh 702). Chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã tập trung lực lượng lớn cho chiến dịch gồm 5 sư đoàn bộ binh, 26 trung đoàn, tiểu đoàn binh chủng và hàng chục trung đoàn, tiểu đoàn tại chỗ thuộc Đoàn 559, Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị (B5), Quân khu Trị - Thiên (B4)… cùng phối hợp tác chiến với lực lượng vũ trang và nhân dân Lào.

Việc kịp thời tổ chức Bộ Tư lệnh Chiến dịch, điều động, tập trung lực lượng lớn, chủ động bố trí thế trận đón đánh địch đã thể hiện sự nhìn nhận đúng đắn, xử trí tình huống chiến lược sắc sảo, nhạy bén của Bộ Chính trị và các cơ quan chiến lược. Điều này đã được khẳng định trong nhiều tham luận, với những dẫn chứng cụ thể về sự chỉ đạo, điều hành trong ứng phó với âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn trên toàn bộ chiến trường; những quyết sách chính xác, khiến cho kẻ địch bị bất ngờ, nhanh chóng mất thế chủ động tiến công, rơi vào thế khốn quẫn và chịu thất bại.

 Đại tá Hoàng Duy Chiến, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 tham luận tại Hội thảo.
Các đại biểu dự Hội thảo.

Yếu tố chính trị tinh thần là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch.

Trong mưa bom, bão đạn, các đơn vị tham gia chiến dịch vẫn nêu cao tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ, khó khăn không nản, ác liệt không sờn, kiên cường trong đánh chặn, dũng mãnh trong tiến công và truy kích địch, luôn luôn chủ động và sáng tạo giải quyết đúng, kịp thời các tính huống nảy sinh trong chiến đấu, chiến dịch. Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng giữ vai trò hết sức quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch. Đó là khẳng định của nhiều tác giả và đại biểu khi phân tích về sức mạnh tinh thần, ý chí quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta trên chiến trường Đường 9 - Nam Lào.

Để kịp thời động viên bộ đội, sát ngày mở màn chiến dịch, Bộ Chính trị gửi một bức thư, trong đó nhấn mạnh: “Nhất thiết đánh thắng trận này, dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trong những trận quyết định về chiến lược”. Bức thư của Bộ Chính trị được quán triệt đến các đơn vị làm cho tinh thần của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân phấn chấn, tin tưởng vào thắng lợi của chiến dịch. Nhờ vậy, dù phải chiến đấu trong điều kiện ác liệt, dài ngày với lực lượng địch đông, hỏa lực mạnh và khả năng cơ động cao, nhưng bộ đội ta vẫn nêu cao tư tưởng liên tục tiến công và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không quản ngại hy sinh, gian khổ, giữ vững trận địa.

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến phát biểu tham luận.
Các đại biểu dự Hội thảo.

 Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào - đòn đánh vào ý chí của Mỹ và quân ngụy Sài Gòn, đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

Cuộc hành quân “Lam Sơn 719” là cố gắng cao nhất của đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn trong nỗ lực thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Công thức điển hình để giành chiến thắng trong chiến lược này của Níchxơn dường như trở lại với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đó là: Quân đội ngụy Sài Gòn + cố vấn Mỹ + hỏa lực và hậu cần Mỹ.

Nhiều tham luận đã tập trung mô tả cố gắng của Mỹ và quân ngụy Sài Gòn mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 giống như “canh bạc”, với việc huy động lực lượng lúc cao nhất lên tới 55.000 người. Với lực lượng hùng hậu đó, Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn hy vọng sẽ đánh chiếm được Sêpôn, cắt đứt được tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, bóp nghẹt cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam.

Tuy nhiên, chúng đã thất bại nặng nề, buộc phải chuyển dần vào thế phòng ngự, tinh thần quân đội ngụy Sài Gòn sa sút nghiêm trọng. Thất bại cuộc “Hành quân Lam Sơn 719” cũng làm thất vọng và tiêu tan hoàn toàn kỳ vọng trong việc xây dựng quân đội thiện chiến cho quân đội ngụy Sài Gòn trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Đại tá, PGS, TS Đoàn Ngọc Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị phát biểu tham luận tại Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo.

 Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các tham luận đều thống nhất khẳng định, về mặt quân sự, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước phát triển cao về nghệ thuật chiến dịch nói chung, nghệ thuật chiến dịch phản công nói riêng. Trong chiến dịch này, quân đội ta đã đưa nghệ thuật tác chiến phản công lên một trình độ khá hoàn thiện; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của bộ đội ta về trình độ tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng, mở ra điều kiện đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường miền Nam.

Chiến dịch diễn ra trong 3 đợt, nối tiếp nhau, đợt trước tạo tiền đề cho đợt sau. Trong đợt 1, địch điều động, bố trí lực lượng, ta triển khai thế trận, chuẩn bị đánh địch; sang đợt 2, địch chiếm bản Đông, tìm cách phát triển lên Sê Pôn, ta từng bước và quyết tâm chặn địch tại Bản Đông; cuối cùng, trong đợt 3, địch co cụm, rút lui; ta chuyển sang tiến công, đánh địch rút chạy, đồng thời chủ động kết thúc chiến dịch. Quá trình chặn địch, phản công và tiến công địch là quá trình chuyển hóa linh hoạt, phá vỡ thế trận của địch, phát triển thế trận của ta từ ngăn chặn tiến công đến truy kích địch tháo chạy…; thế trận đó bảo đảm cho các đơn vị, binh chủng trên chiến trường hợp đồng chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau kịp thời trong các tình huống tác chiến.

Nghệ thuật chiến dịch còn thể hiện ở sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu lực cao giữa các hướng chiến dịch, giữa lực lượng chủ lực cơ động với lực lượng tại chỗ trên địa bàn rừng núi, thưa dân; lực lượng tại chỗ lập thế ta phá thế địch, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng cơ động tập trung đánh những đòn tiêu diệt lớn quân địch.

Bên cạnh đó, về nghệ thuật chỉ đạo chiến thuật, chiến dịch và phương pháp tác chiến của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đánh dấu thời kỳ phát triển phong phú về hình thức chiến thuật, kết hợp phòng ngự với tiến công, bao vây đột phá tiêu diệt các cụm lực lượng có xe tăng, thiết giáp; kết hợp chốt chặn đánh địch đổ bộ đường không với cơ động tiêu diệt địch ở điểm cao; lùng sục vây quét địch và truy kích địch rút chạy. Thành công lớn về vận dụng chiến thuật trong chiến dịch là đánh bại thủ đoạn chiến thuật của địch như chốt điểm cao, đột phá bằng xe tăng, thiết giáp, căn cứ hỏa lực, đặc biệt là chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng của chúng…

Đại tá, TS Phạm Đình Bách,  Phó chủ nhiệm Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng phát biểu tham luận.
Các đại biểu dự Hội thảo.

Tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, đã trở thành quy luật để đánh thắng quân xâm lược và giữ gìn độc lập, tự do của mỗi nước.

Thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước tiến quan trọng của liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, quân và dân Việt - Lào từng bước đánh bại các cuộc tiến quân, bẻ gãy từng hướng tiến công của địch. Từ ngày 12/2 đến 3/3/1971, bộ đội chủ lực Việt Nam tiến công dồn dập, diệt gọn các cụm cứ điểm then chốt trên các điểm cao 500 và 543, đập tan các cuộc phản kích của quân đội ngụy Sài Gòn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu giữ và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Trong khi đó, ở phía tây Đường 9, Quân giải phóng nhân dân Lào đã tiến công các binh đoàn cơ động GM31, GM33 của quân đội phái hữu Lào khi chúng từ Huội Mun, Tùm Lan tiến về Mường Noòng, từ Mường Pha Lan tiến về Đồng Một - Huội Xa Lan..., không cho chúng phối hợp với quân đội ngụy Sài Gòn. Trên hướng đông, các đơn vị bộ đội Lào cũng tích cực tham gia phối hợp chiến đấu, tiêu diệt địch và làm chủ nhiều vị trí quan trọng (Điểm cao 723, Điểm cao 560...). Những cuộc chiến đấu của bộ đội Lào đã góp phần làm đảo lộn kế hoạch phối hợp chiến đấu của địch, tạo điều kiện để các đơn vị bộ đội chủ lực Việt Nam đẩy mạnh tiến công, giành thắng lợi.

Thành công trong chủ trương chiến lược còn thể hiện ở sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng tham gia chiến dịch, phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Lào anh em trên địa bàn chiến dịch. Các lực lượng tham gia chiến dịch đều nỗ lực phấn đấu, nêu cao quyết tâm đạp bằng gian khổ, ác liệt, thử thách, hy sinh, chiến đấu với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” và trong hơn 50 ngày đêm đã đập tan hoàn toàn kỳ vọng của đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn vào cuộc hành quân “Lam Sơn 719”.

Đồng chí Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tham luận.
Các đại biểu dự Hội thảo.

Hơn 80 tham luận gửi về Ban Tổ chức và 8 tham luận trực tiếp tại Hội thảo đã góp phần làm sâu sắc thêm giá trị lịch sử và hiện thực của Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971; về sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam… Kết quả đó sẽ đóng góp quan trọng cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.  

HOÀNG THÁI


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội