A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự giúp đỡ vô tư, chí nghĩa, chí tình

Chiến thắng ngày 7/1/1979 là thắng lợi chung của Nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia, thắng lợi của tinh thần quốc tế cao cả, sự giúp đỡ vô tư, chí nghĩa, chí tình của Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội Nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.

 

Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng

Chia sẻ quan điểm của mình, cựu đại tá lục quân Mỹ André Sauvageot khẳng định, chính Quân đội nhân dân Việt Nam đã giúp lật đổ Khmer Đỏ, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Bản thân ông và nhiều sĩ quan cao cấp của lục quân Mỹ rất ngưỡng mộ chiến lược và chiến thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam vì chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối năm 1978 đến đầu năm 1979 đã giúp giải phóng thủ đô Phnom Penh. “Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và nhân đạo đã nhanh chóng lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào ngày 7-1-1979, đặt dấu chấm hết cho những “địa ngục trần gian” như Tuol Sleng và những “cánh đồng chết”. Các sử gia Mỹ và những người Mỹ có hiểu biết về Việt Nam cũng đều nói đến một sự thật là Việt Nam đã hy sinh xương máu, cứu Nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng. Mặc dù khi đó, Việt Nam còn rất khó khăn sau nhiều năm chiến tranh chống ngoại xâm để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước nhưng vẫn tiếp tế lương thực cho người dân Campuchia trong hoạn nạn”, ông André Sauvageot nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây qua thư điện tử (email) với phóng viên Báo Quân đội Nhân dân.

Tình cảm gắn bó giữa nhân dân Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam. Ảnh tư liệu.

Theo ông, việc đưa quân đội sang Campuchia lúc bấy giờ không phải là mong muốn của Việt Nam nhưng vì không còn sự lựa chọn nào khác. Việt Nam đã kiên trì cứu vãn hòa bình, nỗ lực kêu gọi chính quyền Khmer Đỏ chấm dứt các hành vi xâm lược biên giới, giết hại thường dân. Thế nhưng, Khmer Đỏ đã cự tuyệt, khước từ thiện chí của Việt Nam, đồng thời tăng cường hoạt động chống phá. “Việc Việt Nam đưa quân đội sang Campuchia vừa là để tự vệ, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, vừa là đáp lại lời kêu gọi của nhân dân Campuchia đang lâm nguy. Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ ở lại Campuchia trong một khoảng thời gian cần thiết để bảo đảm “cơn ác mộng” Khmer Đỏ sẽ không bao giờ quay trở lại và các cuộc xâm phạm biên giới sẽ không còn xảy ra”, ông André Sauvageot nhận định.

Trong khi đó, Giáo sư sử học Edwin Martini của Đại học Western Michigan (Mỹ) cho biết, theo thời gian, ngày càng có nhiều sử gia phương Tây nhất trí rằng, quyết định của Việt Nam đưa quân đội sang Campuchia là “nhân tố then chốt” để lật đổ Khmer Đỏ và ngăn chặn nạn diệt chủng. “Hiển nhiên, quyết định đó còn xuất phát từ một lý do khác nữa là nhằm chống lại hành động của chính quyền Khmer Đỏ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam”, Giáo sư Edwin Martini khẳng định.

Vai trò sống còn

Thực tế là sau khi đánh đổ chế độ diệt chủng, Việt Nam đã tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình giúp khôi phục và tái thiết đất nước Campuchia, đưa cuộc sống của người dân xứ Chùa tháp trở lại bình thường. Trong cuốn sách “Tam giác Trung Quốc-Việt Nam-Campuchia” xuất bản năm 1981, nhà báo Australia Wilfred Burchett cho biết, chính các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã khôi phục những tuyến đường giao thông huyết mạch để phục vụ việc vận chuyển hàng viện trợ quốc tế, xây dựng lại hàng trăm chiếc cầu, đưa tuyến đường sắt Phnom Penh-Kongpong Som và Phnom Penh-Battambang hoạt động trở lại. Và cũng chính người Việt Nam đã khôi phục lại 60 nhà máy đầu tiên ở Phnom Penh và một số nhà máy ở các thị xã trở lại sản xuất, xây dựng và trang bị lại cho các bệnh viện tỉnh và huyện (tổng cộng 3.600 giường tính đến tháng 6-1980), cung cấp 400 cán bộ y tế, trong đó có 200 bác sĩ cùng hàng nghìn y tá và dược sĩ.

Người dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước. Ảnh: TTXVN.

Tất cả những thực tế này, cộng thêm 140.000 tấn lương thực và thóc giống đã cung cấp đến cuối tháng 6-1980 là một phần trong số những nỗ lực cứu trợ của Việt Nam. Ông Wilfred Burchett viết rằng, đại diện các cơ quan cứu trợ quốc tế mà ông đã có dịp nói chuyện đều có chung một đánh giá là Việt Nam đóng một vai trò sống còn trong “sự sống sót kỳ diệu” của Nhân dân Campuchia.

Qua quá trình sát cánh chiến đấu, xây dựng với biết bao gian khổ, hy sinh anh dũng của nhiều chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, đủ khả năng tự lực bảo vệ đất nước. Từ thực tiễn đó, theo thỏa thuận giữa Việt Nam và Campuchia, năm 1989, Việt Nam rút hết Quân tình nguyện về nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Ngày Quân tình nguyện Việt Nam về nước (29-6-1989), Báo Procheachun của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia đã có bài xã luận, trong đó khẳng định: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, trên thế giới này không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”.

Theo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội