A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuẩn bị tốt nhất để ứng phó với bão số 9

Sáng 26/10/2020, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương để bàn các giải pháp ứng phó Bão số 9 (tên quốc tế Molave). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo cuộc họp. Cùng dự có Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: Khi vào biển Đông, bão số 9, với cường độ cấp 12. Khác với cơn bão số 8, có khối không khí khô và lạnh đã làm bão số 8 suy yếu nhanh. Thế nhưng, đối với bão số 9 khi vào biển Đông, khối không khí khô và lạnh cũng đã yếu đi nên ít có khả năng tác động tới bão số 9 để làm giảm cường độ của bão. Từ chiều ngày mai (27-10) vùng ven bờ biển các tỉnh miền Trung bắt đầu chịu ảnh hưởng của gió mạnh do bão số 9. Bão số 9 sẽ gây mưa với diện rất rộng từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ (từ Nghệ An đến Phú Yên) phổ biến từ 200-250 mm từ ngày 27 đến 29-10. Hoàn lưu sau bão số 9 có thể tiếp tục gây mưa ở khu vực này kéo dài đến ngày 31-10 với tổng lượng mưa cả đợt này có thể lên 500-700 mm.

Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ- Cứu nạn, Bộ tổng Tham mưu, Chánh văn phòng Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho hay: Để ứng phó bão số 9 và mưa lũ, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị quân đội từ Quân khu 4 đến Bình Thuận đã huy động 368.000 lượt người và 3.500 phương tiện ứng trực. Đồng thời cử các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo các đơn vị tham công tác ứng phó bão số 9 và mưa lũ.

Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng cục Cứu hộ, Cứu nạn, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đã vào cuộc quyết liệt trong công tác chuẩn bị ứng phó bão số 9. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không được mất cảnh giác mà phải chuẩn bị với tinh thần ứng phó bão tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân và các địa phương. Không được để nhân dân vùng lũ lụt vừa qua lâm cảnh “màn trời chiếu đất”, thiếu lương thực, thuốc men. An toàn cho con người là quan trọng nhất, tất cả các giải pháp kêu gọi tàu thuyền, sơ tán dân đều phải hướng tới nhiệm vụ này. Tàu thuyền vào nơi trú tránh thì phải neo đậu đảm bảo an toàn, tránh bị va đập gây thiệt hại. Các địa phương chủ động xây dựng ngay các phương án sơ tán dân ở vùng ven biển, vùng ngập lũ.

Thủ tướng cũng lưu ý về nguy cơ lũ chồng lũ, ngập lụt có thể quay trở lại các tỉnh miền Trung. Cùng với đó, nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra ở khu vực này. Các đơn vị chức năng phải phối hợp với chính quyền  địa phương, các chủ hồ chứa vận hành an toàn các hồ đập, điều tiết hợp lý để giảm ngập lụt cho hạ du.

Về công tác cứu hộ - cứu nạn đặt ra nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng, nhiệm vụ này trước hết Thủ tướng giao cho Bộ Quốc phòng tập trung nhân lực, phương tiện để cứu dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để khôi phục hệ thống giao thông, hệ thống điện, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, phục vụ công tác ứng phó bão số 9 và mưa lũ. Yêu cầu các địa phương quán triệt tinh thần ứng phó bão số 9 theo phương châm “bốn tại chỗ” đồng thời phải theo tinh thần đồng bộ, quyết liệt. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không tổ chức các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung cho công tác chỉ đạo ứng phó bão số 9 và mưa lũ.

Theo QĐND

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội