A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bão số 8 đang vào miền Trung, cách Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh hơn 200km

Lúc 04 giờ ngày 14-10, bão số 8 cách bờ biển Thanh Hóa khoảng 245km, cách bờ biển Nghệ An khoảng 245km, cách bờ biển Hà Tĩnh khoảng 230km.

Hồi 19 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên đất liền đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Thanh Hóa khoảng 420 km, cách Nghệ An khoảng 430 km và cách Hà Tĩnh khoảng 360 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100 km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão.

Dự báo đến 19 giờ ngày 14-10, bão số 8 di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ và có khả năng tiếp tục suy yếu dần về cường độ. Vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Nam Định đến Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.

Bão số 8 đang vào miền Trung, cách Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh hơn 200km
Dự báo vị trí và đường đi của bão KOMPASU.
 

Đến 19 giờ ngày 15-10, bão số 8 tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông đến 19 giờ ngày 14-10 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chiều 13-10, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa tính đến 15 giờ ngày 13-10 như sau: Di Linh (Lâm Đồng) 83,8 mm, Cư Mgar (Đắk Lắk) 39 mm, Châu Thành (Tây Ninh) 37, 4 mm, Phường 6 (thành phố Cao Lãnh) 35,2 mm, Phường 7 (thành phố Vũng Tàu) 27,6 mm…

Do ảnh hưởng của rìa Nam dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 16-19 độ Vĩ Bắc kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, từ đêm 13-10 đến ngày 17-10, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 30-60 mm/24 giờ, có nơi trên 80 mm/24 giờ (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối); trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1.

Từ 13-19 giờ ngày 13-10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to như: Sao Vàng 28,2 mm (Thanh Hóa), Chợ Tràng 49 mm, Thanh Mai 44,8 mm (Nghệ An), Kỳ Thịnh 80,6 mm, Hoành Sơn 75,6 mm, Trường Sơn 41,4 mm (Quảng Bình), Đầu Mầu 46,2 mm (Quảng Trị), Thuận An 42,6 mm (Thừa Thiên - Huế)..

Dự báo sáng 14-10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị từ 20-50 mm, có nơi trên 80 mm, Thừa Thiên - Huế phổ biến từ 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là tại các huyện: Hưng Nguyên, Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu, Nam Đàn, thành phố Vinh (Nghệ An); thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Can Lộc, thành phố Hà Tĩnh, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Các chuyên gia hướng dẫn, người dân sống ở vùng núi phải thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở như vết lún, vết nứt trên mặt đường, tường nhà, cây cối nghiêng dần, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... cần chạy nhanh ra khỏi khu vực sạt lở, tuyệt đối không đi qua các khu vực đã sạt lở vì vẫn tiềm ẩn khả năng tiếp tục sạt lở.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần nhanh chóng di chuyển đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền đảm bảo an toàn tính mạng.

Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân chủ động phòng, chống bão lũ. Các sở, ngành, huyện, thị xã và thành phố tăng cường công tác kiểm tra tại cơ sở để có phương án ứng phó kịp thời với thiên tai khi có tình huống xấu xảy ra.

Nguồn: QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội