A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tết của đồng bào Thái

Khi những cánh hoa đào khoe sắc trên núi rừng miền Tây xứ Nghệ, đồng bào Thái ở Tương Dương cũng rộn ràng, phấn khởi chuẩn bị đón một năm mới với nhiều phong tục, tập quán độc đáo và đa dạng từ ẩm thực, cúng lễ cho đến lễ hội đầy màu sắc.

Ông Thái Văn Khởi, thầy mo của bản Lở, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương cho biết, người Thái có phong tục đón Tết khác với Tết của người miền xuôi, nhưng nhiều năm nay cũng hòa chung đón Tết cổ truyền của dân tộc. Ngoài Tết cổ truyền, đồng bào Thái còn có nhiều lễ hội khác. Ông Khởi chia sẻ: Năm nay, lúa rẫy được mùa, đồng bào sẽ đón Tết sung túc hơn. Mâm cỗ Tết của người Thái ngày càng được chú trọng từ nội dung đến hình thức. Từ đầu tháng 9 âm lịch, khi lúa trên nương vàng rộm, đồng bào Thái cùng lên rẫy gặt lúa. Sau bữa gặt đầu tiên, nhà nhà tổ chức lễ đón lúa mới, hay còn gọi là Tết cơm mới hết sức trang trọng. Trước đây, đến Tết lúa mới, đồng bào Thái giết trâu, mổ lợn nhưng nay được làm gọn nhẹ hơn. Lúa được đưa về tuốt, sau đó đem luộc, phơi trên giàn bếp để tối cùng ngày có thể làm cơm mới, mời ông bà tổ tiên về thụ hưởng.

Đồng bào Thái tổ chức các trò chơi dân gian trong dịp Tết.
Ảnh: CTV

 

Sau Tết lúa mới, đồng bào Thái đồng loạt lên rẫy thu hoạch. Công việc thu hoạch lúa kéo dài cả tháng trời. Họ cẩn trọng dùng dao cắt từng ngọn lúa, bó thành từng bó, xếp thành giàn, đem phơi giữa trời đến lúc khô mới đem tuốt rồi cất vào các kho lúa. Thông thường, với những rẫy xa nhà, đồng bào Thái phải làm kho lúa ở ngay trên rẫy, tận trong rừng sâu, khi nhà hết lúa lại vào rẫy gùi về.

Kết thúc vụ mùa, các gia đình lại tổ chức lễ gọi vía cho lúa. Theo thời gian, phong tục này đã dần mai một nhưng ở nhiều vùng, đồng bào Thái vẫn tổ chức hết sức quy củ. Theo quan niệm của đồng bào, cây lúa cũng có linh hồn như bao cây, con khác. Lễ gọi vía nhằm mục đích gọi những linh hồn lúa còn sót lại trên nương rẫy về nhập kho để các linh hồn này không bị “bơ vơ”, phù hộ cho vụ mùa sau thêm bội thu.

Để tổ chức lễ làm vía cho lúa, trước hết, chủ nhà mời thầy mo lên nương, rước hồn lúa về nhà. Đồng bào lấy 4 bông lúa buộc chặt trên 4 góc xả treo trên bếp lửa (giàn phơi). Họ làm lễ cúng hồn lúa ngay tại bếp và bàn thờ tổ tiên để cầu mong quanh năm bếp không tắt lửa, tức là gia đình không bị thiếu ăn. Sau một mùa rẫy, thường đồng bào được nghỉ ngơi, sắm sửa quần áo mới, chuẩn bị các trò chơi chờ đón Tết Nguyên đán.

Dù được mùa hay mất mùa, người Thái vẫn giữ tục lệ cũ, mâm cỗ Tết bao giờ cũng phải đầy đủ các lễ vật. Sáng 27 tháng Chạp, Trưởng bản chủ trì việc tổng vệ sinh cho cả bản. Tối 29, nhà nhà bắt đầu gói bánh chưng để sáng 30 luộc bánh. Người Thái thường gói 2 loại bánh chưng: Màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Đồng bào Thái quan niệm, hương vị của Tết trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong và đó cũng là phần chủ yếu để dâng lên tổ tiên.

Ngày 30 Tết, theo tục lệ, tất cả các thành viên trong gia đình đều đi tắm, gội đầu. Tục lệ này mang ý nghĩa tống tiễn những điều không may mắn trong năm cũ, đón niềm vui, hạnh phúc trong năm mới. Tiếp theo là lễ mặc áo, váy mới. Đối với phụ nữ, trang phục sẽ có màu sắc sặc sỡ hơn ngày thường, đặc biệt là mặc áo Thái dài và đeo thêm một số đồ trang sức khác. Trước đây, đồng bào Thái có tục gọi hồn, làm vía cho các thành viên trong gia đình vào tối 28, 29 hoặc 30. Người ta thịt 2 con gà, 1 con để cúng tổ tiên, con còn lại dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà. Để gọi hồn, thầy mo lấy của mỗi người một chiếc áo, bỏ lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu làng gọi hồn 2 - 3 lần, sau đó về chân cầu thang gọi lại một lần nữa. Xong việc, thầy mo đích thân buộc một sợi chỉ đen vào cổ tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu không chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện không hay.

Đêm 30 tháng Chạp, đồng bào tổ chức mâm cúng đón giao thừa. Trên mâm lễ nhất thiết phải có nếp trắng và kháo hang (lúa mới). Cơm mới được bày giữa mâm, xung quanh là nếp trắng, ngoài cùng là các loại cá nướng, bánh chưng, mọc cá, mọc gà, thịt lợn, mía, chuối, rượu, cau trầu. Đồng bào quan niệm, mầm cao chừng nào thì phúc cao chừng ấy. Mâm cỗ ngày Tết nhất thiết phải do con dâu hoặc người vợ làm. Khi làm xong, mầm được đi chuyển từ gian bếp, được các thành viên trong nhà cùng bê đến nửa đường thì dừng lại, sau đó đi chuyển lên gian trên cùng, đặt dưới bàn thờ để cúng. Khi trên bàn thờ đã đầy đủ đồ hương khói, người chủ gia đình bắt đầu cúng, báo với tổ tiên cùng về hưởng. Bài cúng tuy đơn giản nhưng phải có sự chứng kiến của các thành viên trong gia đình. Thông thường, nhà nào tự nhà nấy cúng, nhưng nếu không biết cúng thì phải nhờ các thầy mo trong làng. Khi cúng, thầy mo đội mũ tế, mặc quần áo mới, cầm quạt mo trong tay, vừa cúng vừa quạt phe phẩy, mời các bậc tổ tiên trên trời và ăn Tết với con cháu. Sự tươm tất của mâm cỗ, theo quan niệm của đồng bào Thái là để cảm tạ công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, cầu mong được phù hộ cho sức khỏe dồi dào, sống lâu muôn tuổi; con trâu, bò, lợn, gà nhanh lớn...

Niềm vui ngày Tết bên chum rượu cần.
Ảnh: CTV

 

Trong đêm giao thừa, người lớn ngồi quây quần bên bếp lửa ấm cúng để chào đón thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới và chú ý nghe ngóng xem trong đêm ấy, con gì kêu trước để đoán định thời tiết. Các chàng trai, cô gái vẫn quây quần hát giao duyên, tiếng trống chiêng vang lên đều đặn. Người Thái có tục giữ lửa bếp trong suốt đêm giao thừa với quan niệm, nếu để bếp lửa tắt năm mới sẽ gặp phải nhiều rủi ro.

Trước đây, đồng bào Thái có tục lấy nước cầu may. Theo quan niệm của đồng bào, nước mang đến sự tốt lành, thịnh vượng, nuôi sống muôn loài. Việc lấy nước phải được thực hiện trước khi gà gáy canh một. Nếu lấy nước khi gà đã gáy rồi sẽ không còn thiêng nữa. Nước để lấy là nước suối, nhưng nếu ai lấy được nước ở đầu nguồn của con suối thì sẽ càng mát trong, thanh khiết hơn. Người Thái quan niệm, lấy nước suối ở đầu nguồn về uống và rửa mặt trong những giây phút đầu tiên của năm mới sẽ được thanh khiết như nguồn nước suối và cả năm đó, gia đình sẽ luôn khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn.

Sau nghi lễ lấy nước cầu may, các thành viên trong gia đình bắt tay vào công đoạn chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết. Người Thái lấy thủ và 4 chân lợn làm đồ cúng, cùng với đó là những món ăn và các loại bánh truyền thống như thịt giàng, bánh chưng... Thường sẽ có từ 2 - 3 mâm cúng, mâm đặt trên cao cúng tổ tiên nhà chồng, mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ, mâm thứ ba cúng các thần trong nhà và những vong hồn của những người chết oan, chết trẻ, chết nơi đầu đường xó chợ. Bữa cơm Tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá, với các món nướng, chua, khô. Con cháu cùng quây quần bên mâm cỗ Tết, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ nói những lời chúc tốt đẹp, mong con cháu gặp nhiều may mắn. Người Thái kiêng vứt lá dong xuống gầm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mồng một Tết. Ngày mồng một Tết, bố mẹ hay chủ nhà không ra khỏi nhà trước khi con rể đến chúc phúc. Tối ngày mồng một hay mồng hai Tết, đồng bào Thái làm lễ tạ.

Vào ngày đầu năm, đồng bào Thái không quên đem dao, rựa, vừa đi ra đường vừa phát quang, với quan niệm giúp năm mới thông thoáng hơn. Vui nhất trong những ngày Tết là hội “phọn cồng, phọn cóng” nổi tiếng, người dân tha hồ vui chơi nhảy sạp, tung còn trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã. Hội vui thường kéo dài cho đến rằm tháng Giêng mới mãn.

HUY CƯỜNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội