A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoàn thiện pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự

Chiều 24/10/2023, Quốc hội thảo luận về một số nội dung của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành luật, nhằm bảo vệ tài sản nhà nước, xây dựng, quản lý, sử dụng hiệu quả hơn công trình quốc phòng, khu quân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chỉnh lý khái niệm công trình quốc phòng, khu quân sự

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 6 chương, 34 điều. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khái niệm công trình quốc phòng, khu quân sự. Điều này nhằm bảo đảm thống nhất với các nội dung của dự thảo luật.

Cụ thể, công trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do Quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc. Công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự. Khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng.

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu làm rõ các vấn đề của dự thảo luật.

 

Thống nhất tên gọi, sự cần thiết của việc ban hành luật

 Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí với tên gọi, sự cần thiết của việc ban hành luật; đánh giá cao cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ, nội dung dự án luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung được đại biểu Quốc hội góp ý. Các đại biểu khẳng định, việc nâng cấp từ pháp lệnh thành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết, nhằm bảo đảm cho việc tài sản nhà nước được quản lý, xây dựng, bảo vệ một cách hiệu quả hơn để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phù hợp với các văn kiện nghị quyết của Đảng trong thời gian vừa qua cũng như triển khai thi hành đồng bộ Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính tích hợp đồng bộ, thống nhất với các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang hiện hành.

Các đại biểu tập trung thảo luận về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự. Cụ thể, theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng, công trình quốc phòng và khu quân sự phân thành loại A, B, C và D; theo tính chất quan trọng và yêu cầu quản lý, bảo vệ, công trình quốc phòng và khu quân sự phân thành nhóm đặc biệt, nhóm I, II và III.

Một số ý kiến tập trung thảo luận về công trình lưỡng dụng, xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự; về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự gắn với chuyển đổi đất, chuyển đổi đất quốc phòng thống nhất với Luật Đất đai; về chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân và địa phương bị tác động bởi hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự...

Hoàn thiện pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phát biểu thảo luận.

 

Đồng tình, nhất trí cao với dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, việc bổ sung quy định về công trình lưỡng dụng là đúng đắn. Song đại biểu cho rằng, trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng thì cần có thêm những quy định đặc thù trong quản lý, bảo vệ. Vì vậy, đề xuất dự thảo luật cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, nguồn lực con người, các chính sách hỗ trợ, quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các quy định của dự án luật. Cùng với đó, đề nghị dự thảo luật thống nhất các lực lượng của địa phương khi thực hiện phân công tham gia bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự. Trên cơ sở đó, các cấp của chính quyền địa phương mới có cơ sở phân công các lực lượng phối hợp tham gia bảo vệ, bảo đảm đúng đối tượng, chức năng, nhiệm vụ.

Quy định về phạm vi khu vực bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là có cơ sở và phù hợp

 Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, trong dự thảo luật được nghiên cứu kế thừa quy định tại Nghị định số 04/CP của Chính phủ ngày 16/1/1995 ban hành quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại, nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản công, tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật này.

Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở xác định phạm vi, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ và chế độ, biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp với từng loại nhóm, là cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan. Do tính chất đa dạng của công trình quốc phòng, khu quân sự cũng như yêu cầu của việc quản lý, bảo vệ, việc phân loại trong dự thảo luật là phù hợp, thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, thống nhất với các quy định của pháp luật.

Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ, công trình quốc phòng, khu quân sự được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng của mỗi loại: Loại A phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; loại B phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của lực lượng Quân đội và dân quân tự vệ; loại C phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất, cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy đạn dược, vũ khí các sản phẩm quốc phòng; loại D phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên của Quân đội. Công trình quốc phòng và khu quân sự được phân nhóm theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ gồm: Nhóm đặc biệt, nhóm I, II và III. "Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục loại nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm phù hợp với tính đặc thù, đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của luật", Đại tướng Phan Văn Giang nói.

Liên quan tới xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết: Đây là một trong những nội dung cơ bản rất quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Xác định phạm vi bảo vệ chính là xác định cụ thể từng thành phần phạm vi bảo vệ... "Việc xác định phạm vi khu vực bảo vệ được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, tính toán từ các yếu tố có thể tác động đến an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự như: Khả năng sát thương, tầm bắn hiệu quả của một số loại vũ khí cá nhân, các loại phương tiện trinh sát thông thường. Do đó, nội dung quy định về phạm vi khu vực bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại dự thảo luật là có cơ sở và phù hợp", Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Nguồn: Báo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội