A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội thảo Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp

Chiều 27/2/2023, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp. Tham dự hội thảo có Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào ngày 26-3-1983 đã bầu Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch. Ông trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tổ chức với vai trò tập hợp, phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam góp phần phát triển khoa học, xây dựng đất nước.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. 

 

Từ những ngày đầu gian khó, Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ có 15 thành viên, không quản ngại khó khăn, vất vả, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ tâm huyết và sức lực từng bước xây dựng và phát triển tổ chức ngày càng lớn mạnh, góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển chính trị, xã hội, khoa học và kinh tế của Việt Nam. Ông đã được các nhà khoa học, các hội thành viên suy tôn làm Chủ tịch danh dự nhiệm kỳ II, nhiệm kỳ III và danh hiệu đó cũng đã theo ông đến cuối cuộc đời (1988-1997).

Toàn cảnh hội thảo. 

 

Nói về những đóng góp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa với ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng: Những đóng góp và đức độ của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng đất nước là niềm tự hào đối với dân tộc. Đảng, Nhà nước và Quân đội đánh giá cao những đóng góp to lớn của Giáo sư đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà khoa học kỹ thuật quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tôn vinh Giáo sư là: “Ông phật làm súng”, “Ông vua vũ khí”... Năm 1948, đồng chí Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng và trở thành một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội ta. Năm 1952, ông là một trong ba người đầu tiên được phong tặng Anh hùng Lao động. Năm 1996, ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh Đợt 1 về cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Đó là phần thưởng cao quý của Giáo sư Trần Đại Nghĩa và của ngành Kỹ thuật quân sự, Công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Thượng tướng Phạm Hoài Nam phát biểu tại hội thảo. 

 

Thượng tướng Phạm Hoài Nam nhấn mạnh: Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đã đi xa, nhưng những cống hiến, đóng góp của đồng chí với Ngành Kỹ thuật quân sự, Công nghiệp quốc phòng vẫn luôn có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn. Các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên và người lao động ngành kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng hôm nay tiếp tục phát huy phương pháp tính toán thiết kế vũ khí, các nguyên lý cơ bản của thuốc phóng, thuốc nổ, hỏa cụ, thuật phóng… để nghiên cứu, thiết kế các loại vũ khí tích hợp hệ thống, các loại đạn dược thông minh, các loại khí tài công nghệ cao; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyên môn kỹ thuật tâm huyết, gắn bó, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; luôn chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vì khoa học góp phần xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

PGS, TS Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại hội thảo. 

 

PGS, TS Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Để vinh danh và ghi nhận những đóng góp quý báu của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhằm thúc đẩy công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, năm 2016, lần đầu tiên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam ban hành quy chế Giải thưởng Trần Đại Nghĩa và tổ chức trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa với chu kỳ 3 năm/lần. Qua 2 lần tổ chức, đã xét tặng được 6 Giải thưởng, tôn vinh 14 công trình xuất sắc về khoa học và công nghệ, trực tiếp triển khai ứng dụng các kết quả đó vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt tin tưởng, giao nhiều chức vụ quan trọng. Trong Quân đội ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Khi chuyển sang lĩnh vực dân sự, ông giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Theo Báo Quân đội Nhân dân


Tác giả: Nguồn Báo QĐND
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan
Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội