Luật Quốc phòng 2018 - Bước phát triển mới về tư duy bảo vệ Tổ quốc
Luật Quốc phòng (sửa đổi) năm 2018 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIV) thông qua ngày 08-6-2018 và chính thức có hiệu lực từ 01-01-2019. Luật Quốc phòng (sửa đổi) không có sự khác biệt về mục tiêu so với Luật hiện hành, nhưng có sự phát triển mới về nội hàm, có tính pháp lý cao hơn, thể hiện rõ bước phát triển tư duy về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Luật Quốc phòng (sửa đổi) năm 2018 (sau đây gọi tắt là Luật Quốc phòng 2018) gồm 07 chương, 40 điều1, quy định các nguyên tắc, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng; những hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, khẩn cấp, thiết quân luật, giới nghiêm quốc phòng; vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng. Đồng thời, Luật cũng làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng; kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, v.v. Đây là luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đến quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Trong đó, Luật đã bổ sung nhiều quy định mới và thể chế hóa các nội dung của Hiến pháp năm 2013; quan điểm, chủ trương mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc và một số quy định trong các luật có liên quan, văn bản dưới luật về quốc phòng, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Cùng với kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Nhà nước thống nhất quản lý, điều hành hoạt động quốc phòng, Luật Quốc phòng 2018 đã quy định toàn diện chính sách của Nhà nước về quốc phòng. Trong đó, tiếp tục khẳng định đường lối quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực tự cường; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, không liên minh, liên kết với nước này để chống lại nước kia; giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế, v.v. Như vậy, Luật đã thể chế hóa và khẳng định quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta về mục đích, tính chất của quốc phòng Việt Nam là hòa bình, tự vệ; thể hiện tính ưu việt về bản chất trong xây dựng nền quốc phòng ở nước ta vì một nền hòa bình, phát triển thịnh vượng của Việt Nam, khu vực và trên thế giới. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong định hướng tư tưởng, nhận thức, ý thức và hoạch định đường lối, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự cũng như xác định mục tiêu, nhiệm vụ, các chủ trương, chính sách lớn về quốc phòng. Mặt khác, bác bỏ mọi sự xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch về bản chất, mục tiêu xây dựng, củng cố, tăng cường nền quốc phòng của nước ta.
Nhìn lại tiến trình cách mạng Việt Nam, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương thể hiện tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc trong xây dựng tiềm lực, thế trận của nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, v.v. Tổng kết 10 năm thực hiện Luật quốc phòng 2005 và Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, còn bộc lộ nhiều hạn chế, khuyết điểm, bất cập về cả nhận thức, cơ chế, chính sách, pháp luật và điều hành, quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nhiều vấn đề chưa theo kịp sự phát triển của tình hình thực tiễn, v.v. Để khắc phục những hạn chế, bất cập đó, Luật Quốc phòng 2018 đã kế thừa các quy định hợp lý của Luật Quốc phòng 2005 và bổ sung những điểm mới trong các hoạt động cơ bản về quốc phòng, như: Nền quốc phòng toàn dân; Khu vực phòng thủ; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Động viên quốc phòng; Công nghiệp quốc phòng, an ninh; Phòng thủ dân sự,... phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn đất nước. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định về phòng thủ quân khu; xác định rõ nhiệm vụ chủ yếu của hình thái phòng thủ quan trọng này và coi đó là bộ phận không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ quốc gia. Theo Luật, mặc dù không phải là cấp hành chính, song quân khu có vị trí, vai trò chiến lược trong phòng thủ đất nước nhằm bảo vệ từng hướng chiến lược; có chức năng, nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ. Đồng thời, giúp Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng trên địa bàn; lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy thống nhất lực lượng vũ trang chiến đấu bảo vệ địa bàn, địa phương (khi chiến tranh xảy ra). Đây là sự phát triển mới, thể chế hóa Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng khu vực phòng thủ và phù hợp với tính chất, nhiệm vụ đặc thù của quân khu, tạo hành lang pháp lý, cơ sở để khắc phục những vướng mắc, bất cập trong xây dựng và hoạt động của tổ chức này trong thời gian qua.
Quán triệt quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế đã được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Luật Quốc phòng 2018 tiếp tục quy định việc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, với các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm của các chủ thể, đối tượng trong thực hiện. Theo đó, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, vùng, địa phương, cùng những dự án quan trọng quốc gia, khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược phải kết hợp với quốc phòng, phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phải tuân thủ yêu cầu về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng theo quy định của luật có liên quan; các dự án đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng phải có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng. Cùng với xác định vai trò của Nhà nước trong quản lý kết hợp hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, Luật quy định rõ: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan lập kế hoạch về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh; tổ chức, xây dựng khu kinh tế - quốc phòng, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng của Quân đội tiếp tục được khẳng định về mặt pháp lý. Cùng với đó, Luật 2018 cũng quy định chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ để xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều đó đã thể hiện sự phát triển mới, phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, là giải pháp quan trọng giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu cao của quốc phòng và khả năng kinh tế đất nước.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thế giới, khu vực, diễn biến phức tạp, khó lường, công tác đối ngoại có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, trong những điều kiện nhất định, thực hiện tốt công tác đối ngoại có thể tháo gỡ kịp thời “ngòi nổ” xung đột, ngăn ngừa chiến tranh từ sớm, từ xa. Quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Luật Quốc phòng 2018 quy định rõ hơn về đối ngoại quốc phòng, tạo cơ sở quan trọng để tăng cường quan hệ, hợp tác cả trên bình diện song phương và đa phương với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược, các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, góp phần kiến tạo môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.
Thực tiễn hoạt động quân sự, quốc phòng trên thế giới những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện nhiều loại chiến tranh mới, như: chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng,... và những thách thức an ninh phi truyền thống có thể là nguyên nhân khơi mào cho một cuộc chiến tranh bằng vũ lực. Để đối phó với loại hình chiến tranh này, Luật Quốc phòng 2018 đã kịp thời cập nhật quy định về biện pháp phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nhằm chuẩn bị mọi mặt cho bảo vệ Tổ quốc, Luật đã đề cập sâu hơn, cụ thể hơn về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật và giới nghiêm; bổ sung các quy định về quyền con người, quyền công dân nhằm chuẩn bị trước khi đất nước có tình trạng chống phá, bạo loạn lật đổ,... phù hợp với tình hình thực tiễn. Bên cạnh đó, Luật Quốc phòng 2018 còn quy định thống nhất nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân trong các tình huống quốc phòng; trên cơ sở đó, nâng cao hiệu lực pháp lý, làm rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ Quân đội nhân dân, Công an nhân dân,... đối với sự nghiệp quốc phòng.
Luật Quốc phòng 2018 đã cập nhật, bổ sung, phát triển, luật hóa các quan điểm, chủ trương, tư duy mới về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng và tổng kết được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Luật quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, chính sách lớn về quốc phòng; thực sự là đạo luật cơ bản, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, nâng cao năng lực, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Quốc phòng 2018, thiết thực đưa Luật đi vào cuộc sống là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm chính trị của mọi công dân, tổ chức, đoàn thể, cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng NGUYỄN DUY NGUYÊN, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ
Nguồn: TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận