Những năm Thìn - đất nước rồng bay
Ngày cuối năm Quý Mão 2023 ngồi đọc lại sử cũ, tôi bỗng nghe như có tiếng của "những buổi ngày xưa vọng nói về”. Năm Thìn (năm con Rồng) là năm khai mở và kiến tạo nhiều sự nghiệp kỳ vĩ, nhiều chiến công chói lọi của quốc gia Đại Việt.
Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế
Sách "Đại Việt sử lược" đời Trần chép, vào năm Mậu Thìn (968), “Vương (tức Đinh Bộ Lĩnh) xưng làm Hoàng đế ở động Hoa Lư, xây dựng cung điện, chế triều nghi, đặt trăm quan, lập nền xã tắc. Quần thần dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế”. Sách "Đại Việt sử lược" là cuốn sử gần với thời điểm Đinh Bộ Lĩnh đăng quang nhất không chép tên nước, nhưng đến thế kỷ 15, Nguyễn Trãi viết "Dư địa chí" và Ngô Sĩ Liên viết "Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết tên nước là Đại Cồ Việt. Có tài liệu của các nhà khảo cổ học thì phát hiện được nhiều viên gạch xây thành Hoa Lư năm 968 mang tên “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch của quân thành (thành vua) nước Đại Việt).
Nhận xét về Đinh Tiên Hoàng, sử gia Lê Văn Hưu viết trong "Đại Việt sử ký toàn thư": "Vua mở nước đóng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc thánh triết để tiếp nối chính thống của Triệu Vương chăng?". Việc Vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi xưng Hoàng đế khẳng định mong muốn không chỉ xây dựng một nhà nước độc lập, có đầy đủ tiêu chí của một quốc gia có chủ quyền trên quan niệm chính thống đương thời, mà còn thực sự xác lập mô hình một nhà nước trung ương tập quyền, mở đầu thời đại văn minh Đại Việt trong lịch sử Việt Nam. Giáo sư Phan Huy Lê khi tổng kết hội thảo khoa học kỷ niệm 1050 năm Đinh Bộ Lĩnh đăng quang (968-2018) đã cho đây là một trong 8 sự kiện trọng đại nhất trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam từ Hùng Vương dựng nước Văn Lang cho đến ngày nay.
Canh Thìn (980), Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế
Năm Canh Thìn (980), chỉ 12 năm sau ngày Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế, đất nước lại đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt bởi cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô của nhà Tống. Lê Hoàn lúc đó là Thập đạo tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ, tổng chỉ huy quân đội của nhà Đinh “đem quân ra chống cự, rồi thay nhà Đinh làm vua”. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: “... Quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đấy trong nước yên tĩnh”. Cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất do Anh hùng dân tộc Lê Hoàn lãnh đạo trở thành bản anh hùng ca tuyệt vời của dân tộc Việt Nam.
Mậu Thìn (1028), Lý Thái Tông lên ngôi mở ra giai đoạn phát triển đỉnh cao của vương triều Lý
Lý Thái Tổ định đô Thăng Long, kiến tạo đất nước “tính kế cho con cháu muôn vạn đời”, nhưng vạn sự khởi đầu nan, nhiều công việc quốc gia trọng đại vẫn còn đang trong giai đoạn “xây nền, đắp móng”. Ngày 3/3/1028, “vua băng ở điện Long An”, Lý Phật Mã (tức Lý Thái Tông)-con trai trưởng của Lý Thái Tổ thực hiện được di chiếu của vua cha lên ngôi Hoàng đế vào ngày 4/3/1028. Đúng như Ngô Sĩ Liên ca ngợi: Lý Thái Tông là vị vua "nhân từ trí tuệ và dĩnh ngộ, thông hiểu đại lược văn võ; còn các nghề lễ nhạc, ngự xạ, thư số thì không nghề gì là không tinh thông". Vì có tài đức ấy, nên có thể làm mọi việc. Ông được vua cha rèn dạy bài bản từ rất sớm, lại trưởng thành trong thực tế gian nan và hào hùng của những thập kỷ đầu tiên xây dựng vương triều, nên “khi cầm quân thì đánh đâu được đấy, vũ công lừng lẫy. Lại khuyên dân làm ruộng, tự mình cày tịch điền, thân oan, đặt luật. Vua trị nước chuyên dùng nhân từ, khoan thứ, là một vị vua hiền nối được cơ nghiệp”. Tiếp theo vua cha dựng nghiệp, Lý Thái Tông với 27 năm trị vì (1028-1054) đã thực sự đưa vương triều và đất nước bước vào giai đoạn thái bình thịnh trị, một bước tiến huy hoàng của lịch sử đất nước.
Bính Thìn (1076), Lý Thường Kiệt đại thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt
Năm 1072, triều đình nhà Tống trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai khi Lý Thánh Tông qua đời mà con trai nối ngôi mới chưa đầy 6 tuổi. Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt được trao toàn quyền tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai này. Ông chủ trương đánh thẳng vào căn cứ chuẩn bị xâm lược của quân Tống để tự vệ, giành thế chủ động trong kháng chiến. Sau 42 ngày tiến công, bao vây và hạ thành Ung Châu, Lý Thường Kiệt rút quân về nước tập trung xây dựng phòng tuyến dọc theo bờ Nam sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chủ động đón đánh quân xâm lược Tống. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép vào năm Bính Thìn (1076): “Mùa xuân, tháng 3, nhà Tống sai Tuyên phủ sứ Quảng Nam là Quách Quỳ là Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem quân 9 tướng hợp với Chiêm Thành và Chân Lạp sang lấn nước ta. Vua sai Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh. Đến sông Như Nguyệt, đánh tan địch. Quân Tống bị chết đến hơn 1.000 người".
Tương truyền giữa lúc gian nan ác liệt nhất của cuộc chiến, tại đền thờ Trương Hống, Trương Hát ngay bên bờ sông, trung tâm của toàn vùng chiến trường, giữa đêm tối đen đặc, Lý Thường Kiệt cho ngâm vang bài thơ "Thần": “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên phận định tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" (dịch: "Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Cõi bờ ngăn cách tự sách trời/ Cớ chi quân giặc sang xâm lấn?/ Thất bại bay xem sẽ đến nơi (theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, chú giải và khảo chứng). Cùng với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai, bài thơ “Nam quốc sơn hà” trở thành thiên anh hùng ca bất hủ và được đời sau tôn vinh là "Tuyên ngôn độc lập" đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Canh Thìn (1460), Lê Thánh Tông lên ngôi Hoàng đế
Lê Thánh Tông sinh ngày 20/7 năm Nhâm Tuất (25/8/1442), là con thứ tư của Vua Lê Thái Tông và bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Ngay từ nhỏ ông đã dồn tâm dốc sức cho việc học hành và trở thành nhà nho uyên thâm trước khi được đón về triều, đăng quang ngôi Hoàng đế ở điện Tường Quang vào ngày 8-6 năm Canh Thìn (26/6/1460). Ông là đấng minh quân, là bậc Hoàng đế có tài kinh bang tế thế, là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Sự kiện Lê Thánh Tông đăng quang ngôi Hoàng đế giữa mùa hè năm Canh Thìn không chỉ vô cùng đặc biệt trong lịch sử vương triều Lê, mà đã trở thành cột mốc kỳ vĩ trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam, vì nó kết thúc giai đoạn nổi chìm của một chặng đường chuyển đổi đầy cam go gần 30 năm (1433-1460) và mở ra một giai đoạn phát triển toàn thịnh của vương triều Lê, của quốc gia Đại Việt. Mô hình tổ chức triều đình và xây dựng đất nước của Lê Thánh Tông trở thành chuẩn mực, thành khuôn mẫu cho nhiều triều đại quân chủ Việt Nam nhiều thế kỷ tiếp sau. Lê Thánh Tông với tuyên ngôn bất hủ “Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại" (giữ cho muôn thuở trời Nam núi sông còn mãi) đã nâng tầm quốc gia Đại Việt thành quốc gia cường thịnh nhất khu vực Đông Nam Á.
Những việc chúng tôi ghi lại ở trên mới chỉ là tập hợp bước đầu, với những cảm nhận ngẫu nhiên, nhưng cũng có thể gợi ra một nhận xét là dường như năm con Rồng thường mang đến cho đất nước và con người Việt Nam những vận hội lớn. Năm con Rồng là năm mở đầu hay kiến tạo những cột mốc lịch sử mới trong suốt tiến trình lịch sử Việt Nam. Tôi cũng tin là năm con Rồng sắp tới (năm Giáp Thìn-2024) sẽ có nhiều đột phá, tiến tới hoàn thiện mô hình xây dựng đất nước văn minh, hiện đại, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
GS, TS, NGND NGUYỄN QUANG NGỌC (Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)
Nguồn: Báo QĐND
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận