A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 60 năm thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (15/2/1961 - 15/2/2021)

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam 15 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới lá cờ vinh quang của Ðảng

Năm 1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa II) ra Nghị quyết, đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là "giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh"(1). Về phương pháp cách mạng, Nghị quyết chỉ rõ: "Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân"(2). Nghị quyết 15 ra đời đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang (LLVT) phát triển mạnh mẽ, là tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Quân Giải phóng miền Nam (QGPMN) Việt Nam.

Ngày 31-1-1961, Bộ Chính trị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết "Về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam", nhấn mạnh: "ra sức xây dựng mau chóng lực lượng của ta về cả hai mặt chính trị và quân sự, tập hợp đông đảo lực lượng cách mạng trong Mặt trận Dân tộc giải phóng"(3)... Theo đó, "LLVT cách mạng ở miền Nam sẽ mang tên QGPMN Việt Nam"(4). Cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy ra Chỉ thị về việc thành lập QGPMN Việt Nam, nêu rõ: "QGPMN Việt Nam là một bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Ðảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo… Mục tiêu chiến đấu của quân đội đó là kiên quyết thực hiện cương lĩnh, đường lối của Ðảng, giải phóng miền Nam... QGPMN Việt Nam sẽ xây dựng ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích"(5). Ðồng thời, Tổng Quân ủy chỉ đạo tổ chức các khung cán bộ hành quân vào miền Nam để xây dựng Quân Giải phóng.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Tổng Quân ủy, ngày 15-2-1961, Ủy ban T.Ư Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tuyên bố thống nhất các LLVT cách mạng miền Nam với tên gọi LLVT giải phóng miền Nam Việt Nam, tên tuyên truyền công khai và đối ngoại là QGPMN Việt Nam. Tháng 10-1961, tại Chiến khu Ð, T.Ư Cục miền Nam họp, quyết định thành lập hệ thống tổ chức quân sự trên toàn miền. Theo đó, cơ quan chỉ huy quân sự cao nhất là Ban Quân sự miền trực thuộc T.Ư Cục miền Nam, lấy tên tuyên truyền công khai và đối ngoại là Bộ Chỉ huy các LLVT Nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam. Ðến đây, QGPMN Việt Nam có sự hoàn chỉnh về tên gọi, tổ chức, thành phần lực lượng để bước vào chặng đường xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cùng Nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau khi ra đời, QGPMN Việt Nam tập trung xây dựng lực lượng, chú trọng phát triển bộ đội chủ lực. Chỉ sau một năm, QGPMN Việt Nam xây dựng được năm trung đoàn bộ binh ở miền Ðông Nam Bộ và Khu 5. Các đơn vị vừa xây dựng, vừa chiến đấu nhiều trận giành thắng lợi, tiêu biểu là trận Ấp Bắc (năm 1963), mở ra phong trào "Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công" trên toàn chiến trường miền Nam. Trong Chiến dịch Bình Giã (năm 1965), lần đầu tiên QGPMN sử dụng hai trung đoàn bộ binh tiến công, đánh bại các chiến thuật "trực thăng vận", "thiết xa vận" của địch. Tiếp đó là thắng lợi của các chiến dịch Ðồng Xoài (năm 1965), Ba Gia (năm 1965), đánh dấu bước phát triển về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến tập trung, góp phần đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ.

Nhằm cứu vãn tình thế thất bại, đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam, thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ". Ðể đánh thắng chiến lược chiến tranh mới, QGPMN Việt Nam tích cực nghiên cứu nắm địch, chủ động phát triển nhanh lực lượng, đẩy mạnh tác chiến. Những chiến thắng Vạn Tường (năm 1965), Plây Me (năm 1965)... đã chứng minh bước trưởng thành vượt bậc của QGPMN. Thắng lợi kế tiếp của Chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng (năm 1965) mở ra phong trào "Tìm Mỹ mà diệt", "Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh". Phát triển thế tiến công, QGPMN liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, trong đó nổi bật là Chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Junction City (năm 1967), bẻ gãy hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định" của 45.000 quân Mỹ... Ðây là cơ sở thực tiễn quan trọng để Ðảng ta hạ quyết tâm đẩy mạnh tiến công quân sự trên toàn miền Nam. Thực hiện quyết tâm chiến lược, QGPMN đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968) ở hầu khắp các đô thị miền Nam, đánh thẳng vào trung tâm đầu não, diệt nhiều sinh lực địch và hỗ trợ Nhân dân nổi dậy, giáng đòn quyết định làm thất bại chiến lược "Chiến tranh cục bộ", buộc Mỹ phải chấp nhận đàm phán với ta tại Pa-ri.

Bị khủng hoảng nghiêm trọng về thực thi các chiến lược chiến tranh, chiến lược quân sự và chiến thuật, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai phải thay đổi phương thức tác chiến từ "tìm và diệt" sang "quét và giữ", đồng thời, thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" ở miền Nam, leo thang đánh phá miền bắc, xâm lược Lào, Cam-pu-chia.

Trước tình hình đó, tháng 4-1969, Bộ Chính trị ra Nghị quyết "Về tình hình và nhiệm vụ mới", động viên quân và dân hai miền Nam - bắc tiếp tục phát triển thế tiến công, tiến lên giành thắng lợi quyết định. Thực hiện Nghị quyết, Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định điều động nhiều đơn vị chủ lực từ miền bắc vào miền Nam và điều chỉnh thế bố trí trên từng địa bàn chiến lược, nhất là trên hướng trọng điểm. Ðược tiếp thêm sức mạnh, QGPMN Việt Nam nhanh chóng phát triển thế, lực, đẩy mạnh các hoạt động tác chiến trên các chiến trường; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với quân và dân Lào, Cam-pu-chia liên tiếp tiến công địch.

Trên chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị T.Ư Ðảng, Quân ủy T.Ư chủ trương phát triển thế tiến công chiến lược, nhằm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Thực hiện chủ trương của Ðảng, QGPMN Việt Nam mở Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giành thắng lợi, buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri (ngày 27-1-1973), cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam. Tranh thủ thời cơ chiến lược, tháng 10-1973, Bộ Chính trị quyết định phát triển lực lượng quy mô chủ lực từ sư đoàn lên quân đoàn(6), tạo điều kiện cần thiết để QGPMN mở các chiến dịch tiến công bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình mọi mặt, nhất là khả năng quay lại tham chiến của quân Mỹ, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong mùa Xuân năm 1975. Thực hiện quyết tâm đó, QGPMN Việt Nam cùng quân và dân cả nước tích cực tạo thế, lực, thời cơ mở Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta trong mùa Xuân năm 1975 là một minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Ðảng, sự lớn mạnh của QGPMN Việt Nam về trình độ tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng, thực hiện trận quyết chiến chiến lược kết thúc chiến tranh.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, QGPMN Việt Nam khẩn trương tiếp quản các căn cứ quân sự của Mỹ - quân đội Sài Gòn; thành lập các ủy ban quân quản tại các địa phương để xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống của Nhân dân và giải quyết công tác chính sách, tổ chức lại lực lượng. Ðồng thời, phối hợp với các lực lượng tổ chức chiến đấu, kiên quyết đánh chặn hành động tiến công xâm lược của tập đoàn phản động Pôn-pốt - Yiêng xa-ri, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tuyến biên giới, biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

Trải qua 15 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (1961 - 1976), QGPMN Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng sau giải phóng. Thành tích to lớn QGPMN Việt Nam giành được là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Ðảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguyên nhân quyết định. Dưới lá cờ vinh quang của Ðảng, QGPMN Việt Nam được tổ chức, giáo dục, rèn luyện, từng bước trưởng thành. Quán triệt, nắm vững đường lối chính trị, đường lối quân sự của Ðảng, QGPMN Việt Nam giải quyết thành công những vấn đề chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, trên tất cả các lĩnh vực, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh, chiến lược quân sự, chiến thuật của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Ðảng, Quân đội và Nhân dân giao phó.

Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, toàn quân ta đang tập trung xây dựng Ðảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, xây dựng Quân đội "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng"(7), tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Phát huy giá trị bài học lịch sử đúc rút từ thực tiễn 15 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QGPMN Việt Nam trong điều kiện mới, toàn quân cần quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, đường lối quân sự của Ðảng, tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, "mẫu mực tiêu biểu", lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam theo hướng "tinh, gọn, mạnh"; đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Quân đội theo mục tiêu Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Quân đội lần thứ 11. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, giáo dục, đào tạo, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật của bộ đội và cải cách hành chính quân sự. Thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động nghiên cứu, dự báo, đánh giá chính xác tình hình, kịp thời tham mưu với Ðảng, Nhà nước chủ động giải quyết hiệu quả các tình huống, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh Nhân dân, thế trận an ninh Nhân dân; đẩy mạnh xây dựng tiềm lực trong khu vực phòng thủ các cấp, lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, thế trận khu vực phòng thủ vững chắc. Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại quân sự, quốc phòng; đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết, phát triển nghệ thuật quân sự, nâng cao tiềm lực công nghiệp quốc phòng phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội. Ðồng thời, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác dân vận, phát huy vai trò Quân đội là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của Nhân dân trong phòng, chống, xử lý các tình huống an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Kỷ niệm 60 năm thành lập QGPMN Việt Nam (1961 - 2021) là dịp để toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và giá trị to lớn của bài học lịch sử đúc rút từ thực tiễn 15 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của QGPMN Việt Nam. Từ đó, vận dụng sáng tạo để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ðại tướng NGÔ XUÂN LỊCH
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy T.Ư,
Bộ trưởng Quốc phòng

 

-------------------------------------------------------

(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 20, Nxb CTQG, H, 2002, tr.81.

(2) Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 20, Sđd, tr.82.

(3) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 22, Nxb CTQG, H, 2002, tr.159.

(4) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập II, Nxb QÐND, H, 1994, tr.94.

(5) Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tập II, Sđd, tr.94 - 95.

(6) Quân đoàn 1 ở hậu phương miền Bắc, thành lập 10-1973; Quân đoàn 2 ở Trị - Thiên, thành lập tháng 5-1974; Quân đoàn 3 ở Tây Nguyên, thành lập tháng 3-1975; Quân đoàn 4 ở Ðông Nam Bộ, thành lập tháng 7-1974.

(7) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Ðảng, H, 2016, tr.149.

Theo Nhân dân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội