A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Noi gương anh dũng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Nụ cười sáng mãi đất Khe Sanh

Trong số 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 anh dũng hy sinh trong quá trình tham gia giúp Nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt, duy nhất Trung sĩ, Liệt sĩ Hồ Văn Nguyên là người con đồng bào Vân Kiều. Anh sinh ra, lớn lên và cống hiến cả tuổi thanh xuân cho vùng đất Hướng Hóa và mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Anh đã mãi ra đi, nhưng với cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 và bà con, Nhân dân nơi đây, dường như anh vẫn còn sống mãi nơi núi rừng Khe Sanh.

Trung sĩ Hồ Văn Nguyên trong một lần giúp Nhân dân phát cây trồng rừng.

Sau hơn hai tháng, Trung sĩ Hồ Văn Nguyên, Chiến sĩ nuôi quân Phòng Hậu cần Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 ở thôn Nguồn Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hy sinh, nhưng tấm gương, hành động, việc làm của anh vẫn luôn được cán bộ, chiến sĩ đơn vị và Nhân dân kể lại với sự trân quý, tiếc thương.

Sinh ra và lớn lên nơi núi rừng Khe Sanh, được thừa hưởng bản chất, truyền thống cách mạng của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều, học xong lớp 12, chàng thanh niên Hồ Văn Nguyên tình nguyện lên đường nhập ngũ. Với ước mơ, được trở thành Bộ đội Cụ Hồ, được góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc và học thêm những điều hay lẽ phải từ môi trường Quân đội để sau này xây dựng quê hương. Vì thế, hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn nên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã Hướng Sơn xếp vào diện tạm hoãn gọi nhập ngũ nhưng anh đã lên gặp Ban CHQS xã bày tỏ ước nguyện được khoác lên mình màu xanh Tổ quốc. Ước mơ ấy đã trở thành hiện thực, tháng 2 năm 2019, chàng thanh niên Vân Kiều, Hồ Văn Nguyên nhập ngũ vào Sư đoàn 968. Sau ba tháng huấn luyện, anh được biên chế về Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337. Trở về với núi rừng Khe Sanh, trở về với bản làng Pa Cô, Vân Kiều tuy còn khó khăn vất vả nhưng đó là niềm hạnh phúc của chàng lính trẻ. Vì thế, trong công tác hàng ngày, vừa làm công việc nuôi quân, chiến sĩ Hồ Văn Nguyên vừa tích cực tham gia các hoạt động, nhất là trong tham gia giúp địa phương xóa đói, giảm nghèo, phòng chống thiên tai, lũ lụt…

Trong niềm tiếc thương người chiến sĩ của mình, Thiếu tá QNCN Phan Đình Lân phụ trách bộ phận nuôi quân Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 nói với tôi rằng: “Vốn sinh ra và lớn lên nơi núi rừng Hướng Hóa nên chiến sĩ Hồ Văn Nguyên rất thấu hiểu khó khăn của bà con. Vì thế, trong các lần đơn vị tổ chức hành quân tham gia giúp Nhân dân, bao giờ Nguyên cũng xung phong đi cho bằng được. Về với đồng bào, về với Nhân dân, Nguyên làm việc quên cả thời gian. Hằng ngày, sau giờ lao động trở về, tranh thủ thời gian anh giúp các gia đình làm vệ sinh, cắt tóc cho các cháu nhỏ, đêm đêm anh lại kèm các cháu học bài… Từ sự tận tụy, hết lòng vì Nhân dân nên đi đến đâu anh cũng được bà con yêu quý mến thương, xem như người con trong gia đình”.

Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hướng dẫn bà con Nhân dân xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa kỹ thuật chăm sóc cây cà phê.

 

Trong câu chuyện với Thiếu tá Phan Đình Lân, chúng tôi được biết thêm, ngay sau khi anh Nguyên và cán bộ, chiến sĩ đơn vị hi sinh trong thực hiện nhiệm vụ giúp Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, rất đông người dân trên địa bàn Hướng Hóa kịp thời có mặt cùng đơn vị tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Với đồng bào trong Khu Kinh tế - Quốc phòng Khe Sanh, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 nói chung, chiến sĩ Hồ Văn Nguyên nói riêng là người thân trong gia đình. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong khó khăn hoạn nạn, bà con luôn nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ kịp thời của những người lính Đoàn 337. Trước khi hi sinh, anh cùng 21 cán bộ, chiến sĩ vừa trở về từ vùng lũ sau một ngày tham gia giúp Nhân dân chạy lũ. Và các anh vẫn còn lời hẹn, sáng ngày mai trở lại tiếp tục cùng với bà con khắc phục hậu quả lũ lụt.

Cùng đoàn công tác Ban CHQS Hướng Hóa về xã Hướng Sơn thâm nhập, nắm tình hình, động viên thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe bà con kể về anh với tấm lòng thành kính. Bà Hồ Thị Tới người dân cạnh nhà liệt sĩ Hồ Văn Nguyên trong câu chuyện với chúng tôi, không cầm được nước mắt: “Chú ấy thật thà, chất phác như cây cỏ nơi núi rừng Khe Sanh chúng tôi vậy. Những đợt nghỉ phép hay có việc qua nhà bao giờ chú ấy cũng tranh thủ thời gian đến các gia đình trong thôn ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người. Và không nề hà việc gì, ai cần giúp đỡ là chú ấy đều sẵn lòng”. Còn với những thanh niên trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự luôn lấy tấm gương anh để học tập noi theo. Vì vậy, năm nay 100% thanh niên xã Hướng Sơn trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đều viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn chia sẻ: “Liệt sĩ Hồ Văn Nguyên, người con xã Hướng Sơn hy sinh vì dân, vì nước đã trở thành tấm gương sáng để mọi người dân chúng tôi noi theo. Ngay sau khi anh Nguyên hy sinh, cấp ủy, chính quyền xã Hướng Sơn đã tổ chức lễ phát động học tập và noi theo tấm gương anh dũng người con ưu tú xã nhà. Nhờ vậy, trong các hoạt động, phong trào mọi người dân địa phương đều nỗ lực vươn lên, hăng hái tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Minh chứng rõ nét nhất, trong đợt lũ tháng 11 vừa qua, nhiều chiến sĩ dân quân, đoàn viên thanh niên trong xã nhà nằm trong vùng ngập lụt nhưng vẫn xông pha tham gia cứu hộ cứu nạn, giúp Nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt”.

Trong căn nhà cấp 4, nằm bên sườn đồi của gia đình liệt sĩ Hồ Văn Nguyên, dường như hơi ấm của anh vẫn còn đâu đây. Trên vách nhà những tấm giấy khen của anh từ thời học sinh tuy đã ố vàng nhưng vẫn được gia đình anh gìn giữ cẩn thận. Trong khuôn viên sân vườn vẫn còn đó những cây bon sai do anh mang từ rừng sau những buổi làm rẫy về trồng. Chị Hồ Thị Kim, mẹ của liệt sĩ Hồ Văn Nguyên xúc động kể lại: “Trong số các người con trong nhà, Nguyên là người chịu thương, chịu khó nhất. Thời gian trước ngày nhập ngũ, sau những ngày làm mùa, cháu lại theo các chú thợ xây trong thôn đi làm để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hàng tháng, nhận phụ cấp bao giờ cháu cũng gửi về cho mẹ một ít thêm nuôi các em ăn học. Trước ngày hy sinh, cháu còn nói với tôi, sau này hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về con sẽ đi làm để bố mẹ không còn phải lam lũ nữa…”.

Liệt sĩ Hồ Văn Nguyên, người con quê hương cách mạng Hướng Hóa đã hóa thân vào đất mẹ. Vậy nhưng, trong lòng cán bộ, chiến sĩ đơn vị và mọi người dân, dường như anh vẫn sống mãi. Noi gương anh và các liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 và bà con Nhân dân trong Khu Kinh tế - Quốc phòng Khe Sanh luôn đoàn kết, tích cực lao động sản xuất xây dựng đơn vị, địa phương ngày càng vững mạnh.

Bài, ảnh: GIA BẢO


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội