A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Linh thiêng tục làm giấy bản đón Tết của người Mông ở Thanh Hóa

Trong cái nắng vàng dịu ngọt của một ngày đầu đông, theo chân anh chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Lát Lầu Văn Ly, chiếc xe chở chúng tôi về với đồng bào dân tộc Mông nơi đây để được nghe họ kể lại nhiều những phong tục tập quán đặc sắc, độc đáo vẫn còn lưu giữ cho đến ngày hôm nay.

Một trong những nét văn hóa ấy là phong tục làm giấy bản đón năm mới. Với người Mông nơi đây thì giấy bản là vật dụng vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh. Họ quan niệm loại giấy do chính bàn tay mình làm ra để dùng vào các dịp lễ tết sẽ mang lại điều may mắn cho gia đình, dòng tộc. Đồng bào Mông ở Thanh Hóa làm giấy bản không phải để viết mà để phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng. Giấy bản với người Mông cũng giống như bánh chưng của người Kinh không thể thiếu trong bàn thờ ngày Tết.

Anh Chá Văn Dia nói về ý nghĩa của giấy bản đối với người Mông và tặng chúng tôi làm quà mang về xuôi.

Nghề làm giấy bản của đồng bào dân tộc Mông chủ yếu là do những người phụ nữ đã có gia đình làm. Làm giấy bản không có một công thức chung nào, mỗi gia đình đều có kinh nghiệm và bí kíp riêng, quy trình làm giấy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải kiên trì, khéo léo mới có những tấm giấy bản đẹp ưng ý. Nguyên liệu chính để làm giấy là thân cây giang hoặc các loại cây họ nhà tre, luồng, vầu còn non, chặt vào khoảng tháng 11, 12 dương lịch. Cũng có khi họ dùng cả cuống rơm rạ, những nguyên liệu có sẵn ở nơi đồng bào Mông cư trú. Ngoài ra một nguyên liệu không thể thiếu để tạo chất kết dính là vỏ của nhiều loại cây chứa nhớt.

Dường như cái Tết đang đến rất gần với nhiều thôn bản ở huyện một huyện miền Tây của tỉnh Thanh. Đặt chân đến bản Pù Toong, xã Pù Nhi, chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí khẩn trương, vui vẻ của nhà nhà, người người đang tranh thủ thời tiết nắng khô để làm giấy với hi vọng sẽ được đón một cái Tết ấm cúng, đầy đủ và mang đến may mắn cho năm mới Canh Tý.

Giấy bản với người Mông cũng giống như bánh chưng của người Kinh không thể thiếu trong bàn thờ ngày Tết.

“Hiện nay, chỉ những người Mông theo đạo Thiên chúa giáo mới không làm giấy bản, còn lại nhà nào cũng làm. Bởi phong tục này đã ăn sâu vào nếp sống của chúng tôi, đó là sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên và nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn. Đây là sản phẩm giấy được làm hàng năm bằng phương pháp thủ công của đồng bào Mông để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của cha ông, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hơn nữa nguồn nguyên liệu làm giấy bản có sẵn từ thiên nhiên xung quanh khu vực chúng tôi sinh sống, có khả năng tái tạo hàng năm, không gây ô nhiễm môi trường”. Ông Lâu Gia Pó (nguyên bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi) kể lại cho chúng tôi nghe.

Chị Chá Thị Mỵ cũng như bao gia đình người Mông khác, những ngày này đang tranh thủ thời tiết nắng ráo để làm giấy bản đón Tết. Buổi sáng hôm nay chị vào rừng sớm để lấy nguyên liệu. Chúng tôi cũng theo chân chị vào rừng, sau một hồi đi bộ tìm kiếm chị đã tìm được bụi giang, luồng ưng ý. Đó là những cây đang thì bánh tẻ, óng dài, không bị sâu, chị chặt ra từng khúc chừng 50 cm theo kích cỡ nồi nấu, bỏ vào đầy chiếc gùi sau lưng và mang về nhà. Trên rừng chị cũng không quên cạo một ít vỏ các loại cây có chất nhớt. Đây là nguyên liệu không thể thiếu để thành một tấm giấy bản kết dính.

Chị Chá Thị Mỵ bóc tách giấy bản khi đã khô.

Về đến nhà, chị Chá Thị Mỵ vừa làm vừa kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện làm giấy. Gia đình chị đã làm giấy bản theo truyền thống của đồng bào dân tộc Mông bao đời nay. Nguyên liệu giang, vầu mang về nhà, gọt vỏ xanh, đẽo mắt, rồi chẻ thành thanh mỏng như chiếc đũa, các loại vỏ cây kết dính được rửa sạch sẽ (theo tỷ lệ 30 % vỏ cây có chất nhớt và 70% giang, vầu), thêm một ít tro bếp hoặc vôi (cho giấy được trắng đẹp), tất cả bỏ vào nồi nấu. Thời gian nấu khoảng 13- 15h đồng hồ, đến khi nguyên liệu mềm, thì vớt ra. Dùng chày hoặc gậy đập cho nhỏ, càng nhỏ càng tốt, xong cho vào chậu đổ nước quấy kĩ cho bột tan ra, vớt phần bã bỏ đi, khi nào thành bột giấy sệt sệt mịn là được, khuấy đều để trở thành một thứ dung dịch đặc sánh.

Để làm được giấy bản, người dân phải làm một cái khuôn cán giấy, tùy vào nhu cầu sử dụng có thể làm khuôn to hoặc nhỏ, mặt khuôn bằng vải, 4 cạnh nẹp 4 thanh gỗ chắc chắn. Khi đó nguyên liệu đã thành dung dịch đặc sánh rồi, lấy môi múc dàn đều dung dịch đó lên mặt khuôn, gạt sao cho đều mỏng, (giống như người tráng bánh đa). Xong mang ra nắng phơi khô, kinh nghiệm phơi lúc nào tráng khô thì giấy khô. Cứ thế công việc diễn ra cho đến khi số lượng giấy đã đủ thì dừng lại.

Kết quả thành phẩm là tờ giấy bản có màu trắng ngà, trên mặt nổi rõ những sợi tơ tre, bóng, mỏng, dai. Mỗi tờ giấy bản cầm lên tay có sắc vàng, soi ra ngoài ánh nắng óng đẹp, thoang thoảng hương thơm của các loại cây rừng. Được làm nên từ những bàn tay khéo léo của bà con dân tộc Mông, giấy tuy mỏng nhưng dai và bền hơn giấy công nghiệp nhiều. Nếu được bảo quản tốt đến hàng chục năm sau vẫn sử dụng được.

Theo tục lệ, trên bàn thờ người Mông dán mảnh giấy bản, sau đó dính lên 3 túm lông gà.

Chị Mỵ cho biết: “ Gia đình chúng tôi làm giấy bản từ xa xưa, tôi học lại từ mẹ và những người chị em làng xóm. Làm giấy bản thì việc chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Phải chọn những loại giang, tre, vầu còn bánh tẻ không bị sâu, óng và đẹp. Trong quá trình ninh cẩn thận để không bị cạn nước, vì rất dễ cháy do nhựa của các cây rừng có nhiều nhớt. Quá trình giã và lọc phải khéo léo, tỉ mỉ, nếu làm ẩu, lọc sơ sài quá giấy sẽ không mịn, ngược lại lọc kỹ quá sẽ không còn độ kết dính của giấy. Nếu được phơi trong thời tiết nắng to thì giấy sẽ đẹp như ưng ý, nhỡ không may vào trời mưa gió là hỏng mất”.

Người Mông sử dụng giấy bản trong các nghi lễ quan trọng. Ngày Tết họ dán lên giường thờ thay sử ca, trang trí xung quanh nhà cửa, lót bàn thờ cúng tổ tiên, cúng năm hết Tết đến. Họ quan niệm, nếu lễ tết mà không có giấy tự mình làm ra để thờ cúng thì tổ tiên sẽ không nhận. Giấy bản cũng được cắt thành những miếng nhỏ để làm tiền âm phủ, đốt cho người đã chết hoặc để đốt vía cúng vía. Có khi giấy bản được nhuộm màu đỏ, xanh  để giải hạn ốm đau, tai nạn, bài trừ các tệ nạn xã hội. Màu đỏ là màu máu, màu xanh tượng trưng cho cỏ cây, rừng núi của đồng bào. Giấy dùng treo và để trên bàn thờ cả năm, đến ngày 30 Tết họ sẽ cúng và đốt giấy cũ đi thay bằng giấy mới làm để giải hạn xấu năm cũ. Phong tục này giống như tục đốt vàng mã và tiền âm phủ của người Kinh.

Cũng ở bản Pù Toong, chúng tôi đến thăm gia đình anh Chá Văn Dia. Cầm tấm giấy bản vẫn còn thơm mùi các loại cây rừng trên tay, anh vui mừng, tự hào kể cho chúng tôi nghe: “Trong gia đình tôi giấy bản được dùng để lót bàn thờ, treo tường, cắt ra các mảnh nhỏ đặt trên giường thờ. Người Mông, nhà nào cũng treo mảnh giấy bản nhỏ có trang trí 3 nhúm lông gà (gà sau khi cắt tiết họ lấy lông nhúng vào bát tiết gà rồi dán lên giấy bản) treo trên bờ tường, bên cạnh giường thờ. Ba nhúm lông gà ấy tượng trưng cho thổ công, thổ địa và tổ tiên trong gia đình. Khi xưa, lúc ông tổ người Mông còn sống họ lấy tóc của ông dính vào giấy bản, khi ông tổ mất thì lấy lông gà thay thế”.

Trên đình màn của chiếc giường nhà anh, chúng tôi cũng thấy có vật mang hình thù một chiếc ô nhỏ, trang trí các loại hoa văn tất cả đều bằng giấy bản. Anh Dia giải thích: “Giấy bản của gia đình ông cũng như người Mông còn được sử dụng trong lễ cưới hỏi. Gia đình nào chuẩn bị cưới vợ cho con cũng phải treo trên đình màn phòng cưới hình ảnh chiếc ô có trang trí hoa văn xinh đẹp bằng loại giấy bản do chính gia đình làm ra. Chiếc ô đó mang lại phúc đức che chở và bảo vệ cho con cái họ. Bên trong chiếc ô phải có chén nước để làm vía cho vợ chồng mới cưới. Bởi con người sinh ra ai cũng có hồn có vía nên cần phải có giấy để cúng vía”.

Có về thăm đồng bào Mông vào những ngày này mới cảm nhận được hết không khí vui vẻ, khẩn trương của bà con đang tập trung làm giấy bản và ý nghĩa to lớn của nó trong đời sống tâm linh của họ. Tuy chưa phát triển thành một làng nghề truyền thống, nhưng nghề làm giấy bản ở Pù Toong đã và đang tồn tại như một minh chứng cho bàn tay tài hoa và những giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Thiết nghĩ, văn hóa làm giấy bản gắn liền với đời sống tâm linh của người Mông nên các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn cần có sự quan tâm nhằm bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc biệt này cho thế hệ mai sau.

Chúng tôi chào tạm biệt những gia đình người Mông thân thiện, mến khách để về xuôi. Anh Chá Văn Dia không quên gửi tặng chúng tôi tờ giấy bản xinh đẹp, chứa đựng giá trị văn hóa tâm linh độc đáo cũng như tấm chân tình của bà con miền núi nơi đây.

Nguồn: Báo Thanh Hóa


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội