“Đảng viên tiên phong – nhìn từ trận lũ quét lịch sử ở Kỳ Sơn”: Kỳ 2: GÁC VIỆC NHÀ, DỒN SỨC CỨU DÂN
Trận lũ ống, lũ quét trên địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An đã để lại hậu quả nặng nề đối với đời sống Nhân dân. Vậy nhưng, trong khó khăn, hoạn nạn người dân nơi đây luôn cảm thấy ấm lòng bởi sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội. Đặc biệt, trong đó nổi lên vai trò, tinh thần đi trước trong hiểm nguy cứu dân của cán bộ, đảng viên nơi đây. Khi cơn lũ đổ về, cán bộ, đảng viên nơi vùng tâm lũ đã gác lại công việc gia đình mình để sơ tán, di dời người, tài sản Nhân dân đến nơi an toàn. Lũ đi qua, họ lại đi đầu trong công cuộc giúp Nhân dân khắc phục hậu quả, tổ chức bảo đảm nơi ăn, ở và đề xuất các giải pháp nhằm sớm ổn định cuộc sống cho Nhân dân. Chính từ sự tiên phong, gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nơi tâm lũ Kỳ Sơn đã góp phần sưởi ấm lòng dân, trở thành điểm tựa giúp bà con từng bước vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.
“Nếu không có sự cứu giúp của anh Vi Văn Truyền, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Hòa Sơn thì không biết tính mạng ông bà tôi bây giờ thế nào. Bởi khi vừa chạy ra khỏi nhà được chưng 10m cơn lũ thứ hai ập đến căn nhà gia đình tôi cuốn trôi xuống suối Huồi Giảng”, đó là lời thổ lộ của ông Lô Trọng Hải người dân bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn khi kể về việc thoát chết trong gang tấc nhờ có sự cứu hộ kịp thời của đồng chí Vi Văn Truyền, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Hòa Sơn.
Cơn lũ đi qua, rất nhiều người dân ở bản Sơn Hòa xem đồng chí Vi Văn Truyền, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Hòa Sơn, là ân nhân cứu mạng. Nhiều người dân ở Tà Cạ gọi anh là “người hùng trong dòng nước lũ”. Trong câu chuyện với anh Vi Văn Truyền và người dân nơi đây, chúng tôi được biết, 3 giờ sáng thông qua “đường dây nóng” từ bản Sơn Hà thông tin có lũ đổ về, đồng chí Vi Văn Truyền nhanh chóng đánh kẻng báo động và phát loa thông báo để người dân sơ tán. Vậy nhưng, cơn lũ lúc 3 giờ sáng ngày 2/10/2022 với mức độ nhẹ nên bà con yên tâm ngủ tiếp, riêng anh Truyền và một số đảng viên không ngủ mà thức để theo dõi tình hình. Đến 5 giờ sáng, cơn lũ thứ hai đổ về với sức tàn phá hết sức khủng khiếp. Kịp thời báo động và kêu gọi các hộ dân sơ tán lên các vị trí an toàn theo kế hoạch xác định. Nhưng do đêm tối, cộng với trời mưa lớn nên 9 người ở trong gia đình ông Lô Trọng Hải nằm bên suối Huồi Giảng không kịp sơ tán, mắc kẹt trên mái nhà. Không quản hiểm nguy, anh Truyền và anh Lê Minh Hương, người dân bản Hòa Sơn đã phá bờ rào một hộ dân cạnh bên dùng thang và dây vượt qua dòng nước lũ cứu 9 người mắc kẹt trong gia đình ông Lô Trọng Hải sơ tán đến nơi an toàn. Lũ rút, anh là người luôn có mặt tại các khu vực trọng yếu cùng các lực lượng khắc phục hậu quả… Ngay sau khi cơn lũ đi qua, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã tặng Giấy khen và Chủ tịch nước gửi thư khen hành động dũng cảm cứu người của anh Vi Văn Truyền và anh Lê Minh Hương.
Trong câu chuyện với chúng tôi về động cơ vượt hiểm nguy cứu dân trong lũ, anh Lê Minh Hương nói: Đứng trước sự đe dọa về tính mạng của người dân tôi không thể cầm lòng. Ban đầu cũng có chút do dự vì nước lũ hết sức nguy hiểm, nhưng khi thấy anh Truyền một mình chới với vượt qua dòng nước lũ cứu dân, tôi quên hết sợ hãi và hành động theo anh Truyền.
Theo bà con Nhân dân nơi các bản làng tâm lũ Kỳ Sơn, trong đêm tối rạng sáng ngày 02/10, các đảng viên nơi đây trở thành những “ngọn đuốc” soi đường cho đồng bào vượt lũ. Tại bản Sơn Hà, từ lúc 3 giờ sáng ngày 02/10, đồng chí Bí thư Chi bộ và các đảng viên trong bản không quản hiểm nguy, luôn có mặt tại các “điểm nóng” hỗ trợ Nhân dân. Đồng chí Mùa Bá Vừ, Trưởng bản Sơn Hà và các đảng viên trong chi bộ theo kế hoạch phân công ngay khi có thông tin cơn lũ đổ về đều tham gia sơ tán, hỗ trợ các gia đình đến nơi an toàn. Nhiều đồng chí sau khi đi giúp bà con sơ tán trở về thì căn nhà của gia đình mình cũng bị lũ cuốn trôi.
Chỉ tay về hướng ngôi nhà chỉ còn lại nền đất nham nhở khi lũ quét đi qua, đồng chí Lưu Đức Cường, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Kỳ Sơn, ở tại bản Sơn Hà, đảng viên thuộc diện sinh hoạt nơi cư trú kể lại với chúng tôi: Nhận được tin báo lũ đổ về trong đêm, tôi vội gọi vợ con dậy còn mình đi đến các hộ gia đình theo sự phân công của chi bộ giúp bà con sơ tán. Khi đưa bà con đến nơi an toàn, quay về thì ngôi nhà của gia đình đã bị nước lũ cuốn đổ sập xuống dòng Huồi Cạn. Tôi gào lên trong tuyệt vọng vì nghĩ rằng vợ và các con đã gặp nạn. Nhưng rất may vợ và 2 con đã kịp chạy lên núi cao. Giờ đây không còn nhà ở tôi sẽ cố gắng làm lại, quan trọng là tính mạng của bà con trong khu dân cư được an toàn.
Còn đảng viên Lô Văn May, Chỉ huy phó Ban CHQS xã Tà Cạ, nhà nằm bên suối Huồi Giảng khi lũ đổ về, anh vội đưa vợ con sơ tán đến nơi an toàn rồi lao đi cứu các gia đình trong bản. Lũ rút, trở về nhà thì ngôi nhà đã bị lũ cuốn xiêu vẹo, đất vùi lấp nền nhà dày hơn 01 mét, tài sản lũ cuốn đi tất cả. Sau khi cơn lũ đi qua, trong bản có người bị mất do tuổi già, anh gác lại công việc gia đình để giúp lo hậu sự cho người quá cố.
Trung tá Lô Văn Păn, Trợ lý Động viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn, nhà cũng nằm trong vùng tâm lũ. Khi cơn lũ đổ về, anh đi đến các gia đình nằm ở khu vực thấp trũng đưa người già, trẻ nhỏ về nhà mình sơ tán. Sau lũ, anh động viên vợ con ở nhà vệ sinh, sắp xếp lại nhà cửa, để anh tham gia cùng các lực lượng giúp các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả. Trò chuyện với chúng tôi anh Păn nói: Nhà mình bị nhẹ hơn để sau, tập trung hỗ trợ các gia đình bị nặng trước.
Theo Thượng tá Vương Đình Hạnh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn, không chỉ có Trung tá Lô Văn Păn mà còn nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên trong đơn vị nhà nằm trong vùng lũ thiệt hại nặng nề nhưng vẫn gác lại dành sức cứu dân. Bởi tất cả đều xác định rằng, an toàn tính mạng Nhân dân đặt lên trên hết, trước hết. Do vậy, khi lũ đổ về ưu tiên hàng đầu là cứu Nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Quả thật, chứng kiến hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Kỳ Sơn bất chấp hiểm nguy dầm mình trong dòng nước dữ bắc cầu tạm để đưa 65 em học sinh ở trọ mắc kẹt trong bản Hòa Sơn ra khu vực an toàn và tiếp tế lương thực cho bản Sơn Hà; những cán bộ dầm mình trong nước cả ngày chỉ ăn vội chiếc bánh mỳ tiếp tục lao vào đống đổ nát tìm kiếm tài sản Nhân dân ai nấy đều cảm động. Trong thiên tai hoạn nạn phẩm chất người cán bộ đảng viên, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" lại càng tỏa sáng.
Lũ quét đi qua nơi vùng đất vốn nhiều khó khăn, nay càng khó khăn gấp bội. Vậy nhưng, giữa khung cảnh hoang tàn, đổ nát những tấm gương sáng ngời của cán bộ, đảng viên thực sự là điểm tựa để bà con vươn lên. Mặc dù chân trái vẫn con hết sức đau nhức do chấn thương trong quá trình giúp Nhân dân chạy lũ nhưng đồng chí La Pa Vin, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, nhà ở bản Hòa Sơn vẫn cố gắng giúp vợ chuẩn bị bữa ăn cho các gia đình trong bản nhà bị cuốn trôi đến ở nhờ. Vợ anh, chị Hoàng Thị Xuân, đảng viên, giáo viên Trường Mầm non thị trấn Mường Xén là chủ của một “Bếp ăn nghĩa tình” dành cho các hộ dân trong bản. Từ khi cơn lũ đổ về, nhà gia đình anh La Pa Vin và chị Hoàng Thị Xuân được 20 gia đình ở bản Hòa Sơn nhà bị lũ cuốn trôi xem như “ngôi nhà chung”. Hàng ngày, cùng với trích lương thực, thực phẩm của gia đình cộng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các gia đình trong bản, chị Xuân cùng một số chị em tổ chức nấu cơm phục vụ gần 100 nhân khẩu.
Xúc động trước tấm lòng nhân ái của vợ chồng anh Vin, bà Kha Thị Lan ở bản Hòa Sơn nói: Mấy ngày hôm nay không có sự cưu mang, giúp đỡ của gia đình chú Vin, cô Xuân thì gia đình tôi không biết nương tựa vào đâu. Khi lũ đổ về chú Vin đến cõng ông nhà tôi đang ốm đến nhà và từ hôm đó đến nay còn lo cơm nước cho gia đình chúng tôi và mọi người nữa.
Cũng giống như gia đình anh Vin, nơi tâm lũ Kỳ Sơn còn có nhiều “Ngôi nhà chung”, “Bếp ăn nghĩa tình” do cán bộ, đảng viên thành lập. Nổi bật như gia đình chị Vi Thị Thủy, đảng viên, công chức văn hóa xã Mường Típ; đảng viên Vi Văn Sơn, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn, nhà ở bản Hòa Sơn… hơn 10 ngày nay đã hỗ trợ, tạo điều kiện nơi ở, lo bữa ăn cho hàng trăm người dân gặp nạn.
Từ khi cơn lũ đổ về, đảng viên Vừ Y Ai, Chi hội trưởng Phụ nữ kiêm nhân viên y tế bản Sơn Hà ít khi được nghỉ chân. Chị liên tục đi đến các gia đình trong bản thống kê thiệt hại, nắm tình hình sức khỏe, khám bệnh, cấp thuốc cho bà con, trao quà cứu trợ… Mặc dù nhà chị cũng bị lũ cuốn trôi mất gian nhà bếp, nhưng chị vẫn ưu tiên thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong đoàn quân tham gia giúp bà con vùng lũ Kỳ Sơn, chúng tôi bắt gặp rất nhiều cán bộ, đảng viên ở các địa bàn lân cận từ sáng sớm đã mang theo những gói cơm nắm, chiếc bánh mỳ có mặt giúp bà con khắc phục hậu quả lũ lụt. Tại gia đình chị Vi May Ma ở bản Hòa Sơn, mặc dù dòng nước vẫn cuộn chảy nhưng các đảng viên, công chức xã Phà Đánh do đồng chí Vi Thị Thanh, Chủ tịch UBND xã Phà Đánh chỉ huy, phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 giúp gia đình nạo vét bùn đất ra khỏi nhà. Tâm sự với chúng tôi, chị Vi Thị Thanh cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi biết được bà con xã Tà Cạ rất cần sự hỗ trợ. Đảng ủy xã họp bàn thống nhất, để lại một số đồng chí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, số còn lại lên đường tham gia giúp bà con. Vượt qua quảng đường gần 40 km và lao động trong điều kiện môi trường ô nhiễm nhưng với tinh thần của người đảng viên, chúng tôi không nản chí. Ai cũng nỗ lực quyết tâm, chạy đua với thời gian để hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả sớm ổn định cuộc sống.
Cơn lũ đi qua, với đồng bào nơi tâm lũ Kỳ Sơn không bao giờ quên hình ảnh các đồng chí lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 kịp thời có mặt chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả và động viên Nhân dân. Theo đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, suốt đêm 01 và ngày 02 tháng 10, hầu như tất cả các đồng lãnh đạo và các phòng, ban huyện Kỳ Sơn dường như không có chút thời gian nghỉ ngơi. Khi lũ đổ về đảng viên tập trung giúp Nhân dân sơ tán đến nơi an toàn; lũ đi qua tham gia chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, bảo đảm nơi ăn ở cho các gia đình nhà bị lũ cuốn trôi.
Ngay sau khi cơn lũ đi qua, mặc cho dòng nước vẫn cuộn chảy, một số bản bên kia suối Huồi Giảng bị cô lập nhưng với tinh thần không để bà con thiếu ăn, thiếu mặc, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và Thiếu tướng Lê Hồng Nhân, Phó Tư lệnh Quân khu 4 không quản hiểm nguy vượt qua chiếc cầu tre bắc tạm đi đến các khu vực bị thiệt hại. Những lời động viên, những phần quà từ tay lãnh đạo Quân khu 4, tỉnh Nghệ An đã góp phần động viên bà con vững tin vượt qua cơn hoạn nạn.
Đón nhận phần quà hỗ trợ từ tay Thiếu tướng Lê Hồng Nhân, Phó Tư lệnh Quân khu 4, bà Hà Y Sài ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ quệt nước mắt nói với chúng tôi: Đồng bào chúng tôi được Đảng đưa từ trên núi cao về đây còn lo cho cái nhà để ở, cái ăn, cái học cho con trẻ. Giờ đây, trong thiên tai, đồng bào chúng tôi luôn được đón nhận sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước. Những ngày qua, các đảng viên trong chi bộ và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp luôn ở bên động viên, chăm lo giúp đồng bào chúng tôi vượt qua khó khăn.
Dẫu chặng đường phía trước còn lắm gian nan đối với công cuộc tái thiết của đồng bào nơi tâm lũ Kỳ Sơn, bởi hậu quả cơn lũ để lại hết sức nặng nề. Vậy nhưng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự sát cánh của đội ngũ cán bộ, đảng viên cùng với những chủ trương, chính sách kịp thời thiết thực, cuộc sống của đồng bào vùng lũ Kỳ Sơn từng bước ổn định, vơi bớt những nỗi lo thường trực mỗi khi mùa mưa bão về.
Kỳ 3: ĐẢNG VIÊN TIÊN PHONG, DÂN YÊN TÂM "ĐÁNH GIẶC" THIÊN TAI
Bài, ảnh: HƯƠNG SƠN – NGỌC THĂNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận