Ấm áp tình người
Những ngày qua, khi “Đại dịch” Covid – 19 đang hoành hành hầu khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đi đến các địa phương trên địa bàn Quân khu 4 từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, chúng tôi đều chứng kiến những hành động, việc làm thắm đượm, ấp áp tình người. Không chỉ cán bộ, chiến sĩ LLVT hay các nhân viên y tế đảm nhiệm công tác chăm sóc, phục vụ Nhân dân ở các điểm cách ly tập trung mà đi đến mọi miền quê tinh thần “chống giặc như chống dịch” từ những cụ già đến các em nhỏ thông qua những việc làm hết sức nhân văn, cao cả.
3 giờ 30 phút sáng! Tất cả cán bộ, nhân viên Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội đã thức dậy bắt tay vào công tác phục vụ 420 người vừa trở về từ các nước đang cách ly tại đây. Người thì đi đến các khu vực kiểm tra, bổ sung dung dịch kháng khuẩn; người thì nhóm lò chuẩn bị bữa sáng… phục vụ bà con. 6 giờ 30 phút khi bà con ăn xong bữa sáng các anh, chị lại bắt tay vào vệ sinh doanh trại, chuẩn bị bữa trưa; bộ phận y tế đi đến từng phòng đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe cho từng người. Lúc này tôi nhận thấy, ngoài cán bộ, nhân viên đơn vị còn có thanh niên tình nguyện và các chị phụ nữ đến từ các địa phương trên địa bàn có mặt cùng tham gia chung tay chuẩn bị bữa trưa.
Dẫn tôi đi tham quan khu vực nhà ăn đơn vị, Thượng tá Phan Thanh Hải, Đoàn trưởng Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội nói rằng: “Từ khi nhận được chỉ thị của Quân khu về chuẩn bị mọi công tác đón tiếp, phục vụ đồng bào về cách ly, từ lãnh đạo, chỉ huy đến mọi cán bộ, nhân viên đơn vị luôn nêu cao tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai” để cùng “chống giặc”. Nhiều cán bộ, nhân viên đã khắc phục khó khăn, sắp xếp công việc gia đình để thực hiện đúng quy định góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp nhất đối với bà con những ngày sống tại đơn vị. Ngoài tinh thần của cán bộ, nhân viên, chúng tôi còn nhận được sự ủng hộ, sẻ chia của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và cấp ủy, chính quyền cùng mọi người dân địa phương trong công tác chăm sóc, phục vụ đồng bào”.
Đúng như lời Thượng tá Phan Thanh Hải giới thiệu, ở Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội những ngày qua rất nhiều cán bộ, nhân viên đã gác việc gia đình tận tâm với công việc của mình. Nhiều đồng chí phải gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc; có đồng chí do làm việc với cường độ cao, cơ thể mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử như Trung úy QNCN Hồ Thanh Đờn, nhân viên Quân y đơn vị mặc dù gia đình ở bên cạnh đơn vị nhưng gần 20 ngày qua không về thăm nhà vẫn yên tâm ở lại, không quản hiểm nguy, vất vả hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Không chỉ ở Đoàn An điều dưỡng 40 Cửa Hội mà đi đến các chốt kiểm soát trên tuyến biên giới đến các điểm cách ly trên địa bàn 6 tỉnh Quân khu 4, đến đâu chúng tôi cũng chứng kiến những tấm gương hết mình vì nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc gia đình, bản thân, chấp nhận nguy hiểm, gian khổ tham gia cùng cả hệ thống chính trị “chống dịch”. Tấm gương chiến sĩ Lầu Bá Ba, Tiểu đội dân quân Thường trực xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An tham gia chốt kiểm soát tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã trở thành tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân trên địa bàn noi theo. Được biết nhà chiến sĩ Ba ở bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn ở gần chốt kiểm soát, nhưng nhận được tin con ốm nhưng hơn 10 ngày qua anh vẫn kiên cường tham gia cùng các lực lượng chốt chặn, tuần tra biên giới. Trò chuyện với Lầu Bá Ba, anh thổ lộ: “Mình là chiến sĩ dân quân, là người địa phương nên thông thuộc địa bàn; hiểu phong tục tập quán đồng bào hơn các đồng chí khác nên mình phải gương mẫu đi đầu. Nếu để một người dân lọt qua chốt kiểm soát thì nguy cơ dịch bệnh từ bên kia nước Bạn về là rất cao. Do vậy, mình động viên vợ ở nhà cố gắng lo cho con để mình yên tâm công tác”.
Còn Đại úy QNCN Phạm Xuân Thực, Nhân viên Y tá Bệnh xá Phòng Hậu cần Bộ CHQS Quảng Bình đã tình nguyện ở lại khu cách ly thuộc Trung đoàn 996 trước những ngày đón tiếp bà con để làm mọi công tác chuẩn bị. Những ngày thực hiện nhiệm vụ tại đây, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, đo thân nhiệt cho bà con, mỗi khi ai có việc gì cần giúp đỡ, như mua sữa, mua cháo cho các cháu nhỏ… dù đêm tôi anh vẫn sẵn sàng giúp đỡ. Theo như lời anh tâm sự, thì bà con vào khu cách ly rất nhiều người do tâm lý lo sợ dịch bệnh lại không quen với cuộc sống như môi trường Quân đội nên mình phải luôn là điểm tựa, động viên tinh thần cho bà con. Và còn hàng trăm tấm gương, cán bộ, chiến sĩ LLVT và các lực lượng, ban ngành khác đã có những hành động, việc làm hết sức cao cả, thắm đượm tình người trong hoạn nạn.
Trong cuộc “chiến” với dịch bệnh Covid – 19 này, chúng tôi còn ghi nhận những tấm lòng của các tổ chức chính trị, xã hội, nhà hảo tâm và mọi người dân cùng chung tay chống “Đại dịch”. Hình ảnh các chị, các mẹ thuộc các Hội Liên hiệp Phụ nữ trên địa bàn những nơi có khu vực tiếp đón người cách ly đã mang rau, củi đun đến ủng hộ… tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ phục vụ đồng bào. Còn đó, tấm gương em Lê Nguyễn Thu Thủy, 12 tuổi ở xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã quyết định mang hết số tiền tiết kiệm mang lên UBND xã hỗ trợ để mong cùng các lực lượng chống dịch. Hay hình ảnh cụ Lê Thị Sen gần 100 tuổi là vợ liệt sĩ ở thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cũng đã mang hết số tiền tiết kiệm, dành dụm hỗ trợ chống dịch. Hình ảnh các nhà sư thuộc Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã ủng hộ 200 triệu đồng góp phần chống dịch Covid – 19 thực sự là những hình ảnh cao đẹp đầy tình người trong “Đại dịch”.
Toàn dân chống dịch, tất cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc bằng tất cả tấm lòng, tình cảm cao đẹp nhất, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng “Đại dịch”. Và trong “cuộc chiến” ấm áp tình người này sẽ không có ai bị bỏ lại.
Bài, ảnh: NGỌC THĂNG - CTV
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận