A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội dự án Luật Phòng thủ dân sự

Chiều 26/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội nghe Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự

Trình bày tại phiên họp, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự.

Đại tướng Phan Văn Giang nêu rõ: Trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện cả về thể chế và tổ chức thực hiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội dự án Luật Phòng thủ dân sự
 
Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội dự án Luật Phòng thủ dân sự
 Đại tướng Phan Văn Giang trình bày tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự. Ảnh: Trọng Hải

 

Tuy nhiên, theo Đại tướng Phan Văn Giang, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vấn đề đặt ra, cần phải luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tiễn.

Theo đó, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các cấp độ về phòng thủ dân sự làm cơ sở để xác định các biện pháp ứng phó. Việc quy định các biện pháp ứng phó cũng chưa có sự thống nhất: Có văn bản quy định biện pháp theo cấp độ, có văn bản quy định theo quy mô, đơn vị hành chính hoặc theo trách nhiệm, thẩm quyền của từng cơ quan, có văn bản liệt kê theo loại dịch bệnh, có văn bản quy định liệt kê các biện pháp để tùy thuộc tình hình cơ quan có trách nhiệm lựa chọn áp dụng biện pháp thích hợp... dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.

Mặt khác, thực tiễn công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh thời gian qua, nhất là đối với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm, quy mô lớn cho thấy nhiều biện pháp đã được quy định nhưng chưa đủ, chưa phù hợp và hiệu quả; nhiều biện pháp chưa được pháp luật quy định nhưng do yêu cầu cấp thiết đã được áp dụng và phát huy hiệu quả, như: Giãn cách xã hội, bắt buộc sơ tán người, tài sản để bảo đảm an toàn, lực lượng phòng, chống, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nguồn lực, chính sách an sinh xã hội, khôi phục kinh tế,...

Thực tiễn cũng đòi hỏi phải có những biện pháp có tính chuyển tiếp trước khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp (giai đoạn tiền khẩn cấp) cần được luật hóa để có cơ sở pháp lý và thực hiện đồng bộ, thống nhất. 

Đặc biệt, xuất phát từ nội hàm khái niệm phòng thủ dân sự rộng, bao hàm nhiều lĩnh vực liên quan đến các bộ, ngành nên có nhiều tổ chức phối hợp liên ngành ở Trung ương chỉ đạo trong việc phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, dẫn đến có sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ. Khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh thì các tổ chức chỉ đạo, chỉ huy đều vào cuộc, gây lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực thi nhiệm vụ.

Cùng với đó, hệ thống tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự ở Trung ương và các bộ, ngành hiện nay chưa thống nhất. Ở Trung ương (cấp quốc gia) tồn tại độc lập nhiều cơ quan, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy (Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn,…); trong khi đó, cấp bộ, ngành Trung ương và địa phương đã hợp nhất các tổ chức chỉ đạo, chỉ huy thành một tổ chức duy nhất là Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đồng thời là Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo hoặc Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp trên. Sự thiếu đồng bộ này khiến cho công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự khó thông suốt, lúng túng trong quá trình triển khai.

Đáng chú ý, một số loại thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh có diễn biến nhanh, đòi hỏi phải huy động lực lượng và tổ chức ứng phó kịp thời, khẩn trương; những thảm họa, sự cố nguy hiểm cần huy động thêm lực lượng chuyên môn của cơ quan trong các ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, quy định về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của lực lượng chuyên trách, của chính quyền chưa thực sự rõ ràng gây khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, phòng thủ dân sự là lĩnh vực được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng và đã ban hành đạo luật riêng về phòng thủ dân sự hoặc quy định tại các văn bản pháp luật liên quan đến phòng thủ dân sự, như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore… Các đạo luật về phòng thủ dân sự ở các quốc gia này thể hiện rõ khái niệm, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, sử dụng lực lượng, công tác chuẩn bị bảo đảm cho các lực lượng tham gia nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

“Từ các lý do nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra”, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Theo Đại tướng Phan Văn Giang, việc xây dựng dự thảo luật cũng là nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường.

Song song với đó là nâng cao năng lực về phòng thủ dân sự, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng nhấn mạnh, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Ngày 30-8-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo” đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự”. Đây là căn cứ chính trị quan trọng để xây dựng Luật Phòng thủ dân sự.

Đại tướng Phan Văn Giang trình Quốc hội dự án Luật Phòng thủ dân sự
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới: Việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự.

 

Nội dung Luật Phòng thủ dân sự tập trung vào 6 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/2022, gồm:

Chính sách 1: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh trong hoạt động phòng thủ dân sự.

Chính sách 2: Phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Chính sách 3: Quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ người dân bị thiệt hại.

Chính sách 4: Đổi mới tổ chức của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

Chính sách 5: Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh.

Chính sách 6: Hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp.

* Theo chương trình làm việc, dự án Luật Phòng thủ dân sự sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 1/11 và thảo luận tại hội trường vào ngày 9/11 tới. 

NGUYỄN THẢO - CHIẾN THẮNG

Theo QĐND


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội