Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4: Thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2022
Trong 2 ngày 26-27/8/2023, đoàn công tác Bộ Quốc phòng do Đại tá Phạm Toàn Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế làm trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023 tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KTQP) 4.
Để triển khai thực hiện tốt các dự án chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022, ngay sau khi có Quyết định phân bổ ngân sách, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KTQP 4 đã chỉ đạo Ban quản lý dự án nghiên cứu các văn bản của trên, rút kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án từ các năm trước, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát địa bàn, lựa chọn cây, con giống phù hợp khí hậu thổ nhưỡng, trình độ canh tác của Nhân dân cũng như nhu cầu của địa phương, tổ chức mở thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp uy tín, đủ năng lực để triển khai thực hiện. Tiến hành bồi dưỡng giáo viên, biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho Nhân dân, cùng các ban, ngành địa phương, chỉ đạo Nhân dân làm chuồng, chuẩn bị đất, vật tư thực hiện dự án. Tổ chức cấp phát đầy đủ số lượng, chất lượng cây, con giống, vật tư với sự chứng kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương, Trong năm 2022, Đoàn KTQP 4 đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện 4 mô hình chăn nuôi, hỗ trợ 185 con giống bò cái địa phương; 100 con trâu cái địa phương; 32 con lợn siêu nạc; 205 con dê Boer; hỗ trợ vật tư, thuốc thú y; mở 11 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt với 385 người tham gia. Đến nay các mô hình đã phát triển ổn định, đem lại thu nhập cho người dân, từng bước cải thiện cuộc sống.
Thực hiện tốt chương trình "Nâng bước em tới trường" Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phụ trách địa bàn tổ chức kết nghĩa, đỡ đầu các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trích một phần kinh phí từ tăng gia sản xuất, từ chi tiêu cá nhân để hỗ trợ các em về đồ dùng học tập, thực phẩm. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đến với đồng bào và đã quyên góp 8 đợt thiện nguyện trên địa bàn với giá trị trên 500 triệu đồng góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình "Nâng bước em tới trường".
Các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai của các địa phương trong vùng dự án gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sự phát triển bền vững của toàn vùng. Xây dựng các mô hình gắn kết quân dân, mô hình giảm nghèo bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận bảo đảm hậu cần tại các địa bàn chiến lược, từng bước kéo giảm khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi.
Phát biểu tại Hội nghị Đại tá Phạm Toàn Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế đã thống nhất với cấp ủy, chính quyền địa phương một số nội dung trong thời gian tới cần phải khảo sát đánh đúng đối tượng, công bằng trong lựa chọn gia đình được hỗ trợ; ra soát, nghiên cứu điều chỉnh các mô hình trong khu dự án phù hợp các sản phẩm đến với từng địa phương và người dân được hưởng lợi theo dự án đã quy định; nghiên cứu các mô hình mới phù hợp với thế mạnh của vùng để nhân rộng; khảo sát thử nghiệm đầu ra các sản phẩm, làm tốt công tác quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của bà con để từng bước nâng cao đời sống, ổn định cuộc sống.
Tin, ảnh: QUỐC KHÁNH
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận