Hải trình Trường Sa!
Ngay từ ngày bước chân vào nghề báo, tôi luôn ấp ủ được một lần công tác ra quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Ước mơ đó càng thôi thúc tôi, bởi một số đồng nghiệp cùng cơ quan có dịp công tác tại Trường Sa nói rằng, làm phóng viên mà chưa ra Trường Sa thì sẽ không cảm nhận hết được sự hùng vĩ, bao la và thiêng liêng của chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Và may mắn đến với tôi, dịp này cùng Đoàn công tác số 9 thành phần chủ yếu đại biểu Khối doanh nghiệp Trung ương ra thăm, tặng quà quân và dân Quần đảo Trường Sa.
16 h chiều ngày 21/4, hơn 260 đại biểu và thủy thủ tàu HQ 561, sau các nghi lễ chúng tôi rời cảng Cam Ranh, Khánh Hòa. Theo hướng Trường Sa, tàu rẽ sóng vươn khơi. Giữa sóng nước mênh mang, bán đảo Cam Ranh mờ dần sau từng guồng quay chân vịt. Màn đêm buông xuống, giữa mênh mông biển trời, xa xa ánh đèn trên các thuyền đánh cá ngư dân huyền ảo, lung linh như thành phố trong sương. Sáng ngày 22, từ tinh mơ rất đông các thành viên trong đoàn đã có mặt trên boong tàu để ngắm bình mình. Đứng cạnh tôi, đồng chí Trần Kiên Cường, Phó bí thư Đảng ủy Ngân hàng Công thương Việt Nam nói rằng, đây là lần thứ 3 anh ra thăm Trường Sa, thế nhưng suốt cả đêm cứ thao thức không sao trọn giấc, mong sao trời sáng để được lên đảo. Không chỉ riêng anh Cường, đó cũng là tâm trạng chung của mọi người trong đoàn công tác. Hết đêm thứ hai, sau ánh mặt trời dần nhô lên mặt nước, đảo Đá Lớn C dần hiện ra trước mắt chúng tôi.
Đảo Đá Lớn C tọa lạc, uy nghiêm giữa mênh mông biển trời, được điểm tô bằng lá cờ Tổ quốc tung bay kiêu hãnh trong ánh bình minh. Tàu thả neo. Cánh phóng viên chúng tôi được ưu tiên lên đảo trước. Sau những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, chúng tôi dạo thăm đảo. Không ngờ giữa biển khơi phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách, ngôi nhà nhỏ của những người lính đảo toát lên vẻ chính quy, sạch đẹp. Những chậu hoa giấy, hoa sứ… đua nhau kheo sắc cùng những luống rau xanh mướt và đàn lợn, đàn gà tung tăng kiếm ăn tạo nên cảm giác thật thân thương, gần gũi như mọi miền quê Việt Nam.
Sau phần thăm hỏi, tặng quà và chương trình giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, đoàn tiếp tục hành trình. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên khóe mắt các mẹ, các chị trong đoàn.
Cảm động và thiêng liêng nhất trong hành trình lần này, đó là cảm xúc của mọi người trong những lần làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Theo kế hoạch, 13 giờ ngày 24/4 đoàn công tác tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa, khu vực đảo Gạc Ma tại vị trí boong tàu. Thế nhưng, mới hơn 12 giờ trưa tất cả các thành viên trong đoàn chỉnh tề trong trang phục áo đỏ sao vàng có mặt tại khu vực tổ chức lễ. Trong tiếng nhạc bi hùng bản nhạc chiêu hồn tử sĩ, những ánh mắt đẫm lệ chăm chú hướng về ban thờ nơi dâng lễ vật tưởng niệm các liệt sĩ. Giây phút Đại tá Phạm Văn Quý, Phó trưởng phòng Chính sách Quân chủng Hải quân đọc điếu văn tưởng niệm khi nói đến tấm gương Anh hùng liệt sỹ Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”… ở phía sau nhiều người không kìm được tiếng khóc. Thời khắc đoàn công tác thả hoa đăng, lễ vật cũng là lúc những cánh chim hạc bằng giấy và những bông hoa cúc vàng được các thành viên thả thành cơn sóng hoa hòa vào sóng biển, tri ân các anh hùng đã hóa thân mình vào biển cả vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Không chỉ lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa tại vị trí boong tàu khu vực đảo Gạc Ma mà tại các điểm làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong hành trình, tất cả thành viên trong đoàn đều dâng trào cảm xúc với lòng thành kính, tri ân vô hạn đối với công lao các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc.
Trong hành trình ra thăm quân, dân quần đảo trường Sa và cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 lần này, đã để lại trong mỗi chúng tôi những cung bậc cảm xúc thật khó tả. Khi chứng kiến các điểm đảo Sinh Tồn, Trường Sa, Song Tử Tây… giữa trùng khơi bao la vẫn hiện hiển hồn quê đất Việt. Những ngôi chùa ngân tiếng chuông chiều hòa cùng tiếng bi bô học bài của các công dân nhí trên đảo tạo cho mọi người cảm giác thân thương như đang ở đất liền. Hơn thế, giữa biển trời Tổ quốc dù còn có những khó khăn nhất định nhưng quân và dân trên các điểm đảo vẫn lạc quan, vững tin chắc tay súng sẵn sàng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trung tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18 đã có gần 25 năm gắn bó với nhà giàn. Khi phát biểu với đoàn công tác, khẳng định rằng dù gian khổ hy sinh cán bộ, chiến sĩ vẫn vững chắc tay súng vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tấm gương Binh nhất Võ Minh Tuấn, chiến sĩ đảo Tốc Tan C khiến tất cả thành viên trong đoàn phải khâm phục ý chí kiên cường vươn lên trong cuộc sống. Tuấn quê ở Bình Dương mặc dù đã có vợ và con nhưng anh vẫn xung phong, tình nguyện ra đảo công tác. Trên đường ra đảo, nhận được tin mẹ mất, nén đau thương, Tuấn luôn nỗ lực vươn lên trong công tác và trở thành tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ trên đảo noi theo. Và còn đó, những thầy giáo tình nguyện đối mặt khó khăn ra đảo dạy học; hay những vị sư chủ trì đã có 5 năm, 7 năm công tác trên đảo… Đó thực sự là những cây “phong ba” kiên cường bám biển trời góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
Có những con người như vậy, Trường Sa hôm nay mới thật đẹp làm sao. Đến bất kỳ điểm đảo nào dù đảo chìm, hay đảo nổi chúng tôi đều cảm nhận được thế đứng uy nghi, vững chãi của biển đảo Tổ quốc. Những cột sóng viễn thông, những tòa nhà cao tầng bừng sáng trong nắng sớm; những rặng dừa vi vu cùng sóng biển; những đoàn thuyền ngư dân đánh cá cập cảng tiếp thêm dầu, nước ngọt và thăm hỏi quân, dân trên đảo. Như hiểu sự ngạc nhiên của tôi, Thượng tá Đinh Văn Tám, Phó đảo trưởng đảo Trường Sa người có gần 30 năm công tác trên quần đảo Trường Sa chia sẻ: Những năm 90 thế kỷ trước trên các điểm đảo nhà ở còn nhỏ, không có điện, có ti vi, sóng điện thoại và 6 tháng mới có một chuyến tàu ra. Thế nhưng, cán bộ, chiến sĩ vẫn vững chắc tay súng sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy hy sinh bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc.
Chứng kiến sự đổi thay nơi tiền tiêu Tổ quốc và những tấm gương anh dũng kiên cường, hy sinh bám biển đảo, Trung úy Nguyễn Văn Thảo, đơn vị Cục An ninh đối ngoại Bộ Công an nói với tôi rằng, nhiệm vụ của chúng em vốn gian khổ, hiểm nguy nhưng so với bộ đội Trường Sa chưa thấm vào đâu. Sau chuyến công tác này em sẽ nỗ lực, phấn đấu hơn nữa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tích cực tuyên truyền mọi người góp sức động viên, hỗ trợ quân, dân Trường Sa để biển đảo Tổ quốc ta ngày càng giàu mạnh hơn. Đó cũng là suy nghĩ của mọi thành viên tham gia hải trình lần này.
Sau gần 1.000 hải lý hải trình ra thăm quân, dân quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 của đoàn công tác số 9 dần kết thúc. Mỗi thành viên trong đoàn đều có những cảm nhận, suy nghĩ riêng nhưng tất cả đều dành sự khâm phục ý chí vượt khó, quyết tâm bám biển, đảo giữ vững chủ quyền của Tổ quốc của quân và dân nơi đảo xa. Chia tay tàu HQ 561, kết thúc hải trình Trường Sa, những ca từ hào hùng trong bài hát Khúc quân ca Trường Sa cứ vang mãi trong mỗi chúng tôi: “Dù phong ba, dù bảo tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa hát tiếp bài ca về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ đem chí trai giữ vững chủ Tổ quốc Việt Nam ta…”.
Trường Sa, tháng 4 năm 2019.
Bài, ảnh: Ngọc Thăng
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận