Hương Tết Việt
Tết đến, Xuân về, hân hoan xuân mới với những hoài bão mới. Người người, nhà nhà rộn ràng đón xuân. Trong tiết xuân ngập tràn, mọi người trao gửi đến nhau tình yêu thương với niềm hạnh phúc đong đầy trong từng nụ cười, ánh mắt.
Tết là ngày lễ quan trọng và có ý nghĩa nhất trong năm của người Việt. Tết với mỗi người dân là thời khắc vô cùng thiêng liêng để hướng về cội nguồn, là dịp để mỗi người con đất Việt sum họp bên gia đình sau những ngày lao động vất vả. Không biết từ bao giờ người dân Việt Nam bắt đầu có Tết, và không biết tự bao giờ Tết đã trở nên thiêng liêng trong đời sống của những người con đất Việt.
Tết là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thiên nhiên giao hòa. Khi cây cối trong vườn nhà nảy chồi đơm hoa, đó là lúc thiên nhiên rộn rã báo hiệu Tết về. Già trẻ gái trai háo hức đón xuân. Cái náo nức rộn ràng của Tết len lỏi trong mỗi gia đình bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, tức Tết ông Công, ông Táo. Cung tiến ông Công, ông Táo về trời trước Tết là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong năm.
Với người Việt Nam, Tết cũng là dịp để mọi người kết nối các mối quan hệ của mình, xóa bỏ hận thù, gia đình đoàn tụ. Có những người cả năm bận rộn công việc thì Tết chính là dịp được họ trông chờ nhất để trở về quê hương ăn tết, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, không chỉ những người đang sống mà còn cả những người đã khuất và thăm hỏi sức khỏe của họ hàng, người thân. Tục đốt vàng mã khởi điểm từ phong tục uống nước nhớ nguồn. Thường thì trước Tết, các thành viên trong gia đình tập trung lại, cùng nhau đi tảo mộ. Trước phần mộ của ông bà, tổ tiên là tấm lòng thành kính của con cháu đối với người đã khuất, mong muốn người đã khuất phù hộ cho người đang sống gặp nhiều may mắn. Đây chính là một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Việc ưu tiên đầu tiên là việc trang hoàng bàn thờ tổ tiên thể hiện sự tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên, bàn thờ tổ tiên không thể thiếu mâm ngũ quả, thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành cho gia đạo. Mâm ngũ quả làm cho không gian thờ cúng thêm ấm áp và còn thể hiện ước vọng của con người. Bánh chưng, dưa kiệu, các loại bánh mứt, những bông hoa tươi sắc cũng là những thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Khi đất trời miền Bắc bung nở những cánh hoa đào, phương Nam rạng rỡ những cánh hoa mai vàng, là lúc tiết xuân đã về. Người người, nhà nhà rộn ràng chuẩn bị cho Tết với tất thảy sự náo nức mong chờ. Những ngày giáp Tết, người dân thường rất thích xuống phố. Xuống phố ngày xuân không chỉ để lựa chọn những cành hoa tươi thắm mang về tô điểm cho căn phòng thêm nồng nàn sắc xuân mà còn là để cảm nhận không khí xuân tràn ngập nơi phố phường. Các phiên chợ tấp nập người mua sắm để chuẩn bị cho ba ngày tết, ai cũng bận bịu trang hoàng cho nhà mình mong một năm mới đủ đầy sung túc. Không khí trước tết càng lúc càng rộn ràng, khi mọi thứ đã lên mâm thì cũng là lúc trang hoàng nhà cửa, lau dọn bàn thờ được hoàn tất. Lễ tết chính là dịp quan trọng nhất, người ta dành những đồ ngon nhất thành kính dâng lên tổ tiên. Tiếng nói, tiếng cười rộn ràng đầu làng ngõ xóm. Tình người cũng như thắm đượm hơn vào những ngày này.
Tết không chỉ là dịp để người ta ăn Tết, chơi Tết, mà Tết còn là dịp để người ta quây quần sum họp. Người dân sau cả năm tất bật được cùng nhau vui chơi với tâm thế mong chờ nguyện ước một năm mới tốt đẹp nhất. Ngày tết người ta mong sự tươi mới, mong sự thịnh vượng phát đạt trong kinh tế, sự ổn định hạnh phúc gia đình. Ba ngày tết được xem là trọng đại nhất trong năm. Những phong tục cổ truyền mang tính hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo như mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy vẫn được gìn giữ ở nhiều nơi trên mảnh đất Việt Nam.
Tết mang lại cho con người thật nhiều xúc cảm. Khi thấy sắc hoa đào trên phố, lòng người thường xốn xang khát khao trở về quê hương, đó cũng là đạo lý uống nước nhớ nguồn bao đời của người Việt. Tết là dịp quan trọng, nên trong mọi lễ nghi người ta thường đề cao cái tâm hơn là mâm cao cỗ đầy, mong ước những điều tốt đẹp, tình yêu với gia đình làng xóm. Tết làm con người xích lại gần nhau hơn. Ý nghĩa của ngày tết chỉ đầy đủ khi được về với quê nhà, được quây quần bên những người thân yêu. Mọi thành viên trong gia đình bên nhau ngày Tết đó chính là ý nghĩa của sự sum vầy. Hương vị tết với bánh chưng xanh, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên đã trở thành hình ảnh của quê hương, để mỗi người xa quê, dù ở nơi đâu đến mỗi độ xuân về lại bồi hồi nhớ quê da diết, muốn được quay trở về nhà bên nồi bánh chưng ngút khói. Cứ đến ngày tết, dù giàu hay nghèo, người ta vẫn cố gắng gói và nấu bánh chưng. Cùng nhau gói bánh chưng mỗi dịp tết đến, xuân về là một truyền thống chuyển tải bao giá trị tinh thần mà nhiều gia đình vẫn giữ lại ngay cả khi xã hội phát triển lên. Tết của người Việt từ nghìn đời nay đã gắn với nồi bánh chưng, cho dù giờ đây chỉ cần chút thời gian là có thể mua đầy đủ hết những món truyền thống, việc sắm tết đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều, nhưng không ít gia đình nhiều thế hệ vẫn duy trì thói quen tự gói bánh chưng ngày Tết với mong muốn gìn giữ hương vị truyền thống Tết Việt.
Theo phong tục của người Việt Nam, trong ngày tết, mọi người đến nhà thăm hỏi nhau và chúc tết. Tân niên chúc phúc bà con xóm giềng cũng là nét văn hóa đặc sắc trong tết Việt. Bàn trà nước cũng được trang hoàng thêm, bày biện bánh mứt hoa quả để đón khách đến chúc tết. Mọi thứ phải đầy đặn để mong một năm sung túc cho gia đình. Dù xã hội có phát triển hiện đại thì những phong tục cổ truyền đậm nét vẫn được gìn giữ và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phong tục ngày tết thể hiện vẻ đẹp của tâm hồn, dù bao thế hệ trôi qua những người con đất Việt vẫn luôn mong gìn giữ và phát huy nét đẹp của cội nguồn.
Tết đến, Xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt, được nhận lì xì mà đó còn là sự háo hức của cả những người lớn. Ai cũng mong muốn một mùa xuân mới gia đình hạnh phúc ấm êm, phát tài phát lộc. Sau một năm, người ta cùng nhau cố gắng cho một năm mới an khang thịnh vượng, an lành hạnh phúc. Ngày tết là khởi đầu mới chất chứa bao điều hy vọng về sự sung túc và thịnh vượng. Chuẩn bị một cái tết đủ đầy để mong một năm đầy đủ, vì thế người ta sẽ cố gắng một cái tết thật trọn vẹn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Sáng mồng Một cả đất trời như mở hội đón tân niên, làng trên xóm dưới nô nức tưng bừng đón xuân sang, trên khắp nẻo đường quê không khí tết rộn ràng khiến lòng người thêm náo nức. Xuân về khắp nhân gian căng tràn nhựa sống, lòng người phấn khởi háo hức đợi tết sang để hưởng trọn niềm vui gia đình sum họp, đó cũng là thời điểm dễ làm cho người ta gợi nhớ về cái Tết thuở xưa, những cái Tết vẫn đong đầy trong ký ức và hướng tới một tương lai rạng rỡ sắc xuân.
PHÓNG VIÊN
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận