A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lời hẹn của lịch sử

92 mùa xuân có Đảng, người dân đất Việt luôn cảm nhận và thấm thía một điều, dù khi cách mạng còn trong trứng nước, khi gặp gian nan thử thách, hay khi đã thành công, Đảng luôn nghĩ rộng, nghĩ xa về những bước đi, những chặng đường sắp tới. Cùng với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, luôn chăm lo giữ gìn cơ thể Đảng khỏe mạnh, cường tráng, để gánh trên vai sứ mệnh vẻ vang của dân tộc.

Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh.

Mùa Xuân Canh Ngọ, 1930, đúng vào ngày 3/2, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra con đường lớn cho đất nước, cho dân tộc, cho những phận người thoát kiếp ngựa, trâu. Trước đó 19 năm, năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh, thuộc Phan Thiết (Bình Thuận) đã khuyên các học trò:  Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù. Không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả và mãi mãi sẽ là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị. Cho nên các trò phải học, học chữ để nên người, để giúp dân cứu nước.

Không lâu sau đó, ngày 5/6/1911, thầy Thành rời bến cảng Sài Gòn đi tìm đường cứu nước. Anh Văn Ba, tên thầy khi làm phụ bếp trên tàu, đinh ninh lời dặn của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người Cha kính yêu: “Thượng y trị quốc, trung y trị dân” (Bác sĩ giỏi chữa bệnh cho nước, bác sĩ bậc trung thì chữa bệnh cho dân).Trước đó đã có bao người yêu nước chẳng quản chông gai, xương máu đi tìm đường cứu dân tộc khỏi tai họa, lầm than. Yêu nước có thừa nhưng các sĩ phu thời bấy giờ chưa tìm thấy con đường tới tương lai dân tộc. Chỉ đến Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc mới le lói, mới dần hiện rõ trong mù sương lịch sử. Những lớp sương mù ở Luân-đôn, hay Pa-ri, Mát-xcơ-va chỉ tan dần khi ánh nắng của tư tưởng Lê-nin soi sáng. Phải mất chín năm sau ngày rời xa đất nước, tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc mới tìm thấy con đường ấy. Qua báo Nhân đạo (L'Humanité) Pháp, Người được đọc Luận cương của V.I Lê-nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Sau này nhớ lại Người viết: “Luận cương của V.I Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Đây là con đường giải phóng chúng ta! Con đường ấy không phải là một phép màu, không phải là một giấc mơ, mà là một cuộc hành trình vĩ đại của cả dân tộc, như điều Bác đã tổng kết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đảng ta ra đời là để gánh trên vai sứ mệnh cao cả đó.

Tết Nhâm Dần, 2022, như có sự sắp xếp của tạo hóa, ngày dương lịch và ngày âm lịch trùng khít, chỉ cách nhau một tháng. Vì lẽ ấy mà ngày thành lập Đảng mồng 3/2 xích lại gần hơn Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Trong ấm áp nắng Xuân, trong “tiết” kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng, chúng tôi ngẫm nghĩ nhiều hơn về sự làm mới của thiên nhiên, đất trời, của mỗi tổ chức, cộng đồng và mỗi con người. Làm mới là một quy luật vĩnh hằng để tồn tại và phát triển.

Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

92 mùa Xuân có Đảng, người dân đất Việt luôn cảm nhận và thấm thía một điều, dù khi cách mạng còn trong trứng nước, khi gặp gian nan thử thách, hay khi đã thành công, Đảng luôn nghĩ rộng, nghĩ xa về những bước đi, những chặng đường sắp tới. Cùng với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, luôn chăm lo giữ gìn cơ thể Đảng khỏe mạnh, cường tráng, để gánh trên vai sứ mệnh vẻ vang của dân tộc. Tư tưởng đổi mới và chỉnh đốn Đảng đã có từ rất sớm. Cuối năm 1947, sau hai năm chính thể Việt Nam mới non trẻ, Bác Hồ đã thấy đây đó tệ lạm dụng quyền lực. Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc vào tháng 10 năm ấy, lần đầu tiên Bác dùng từ “chỉnh đốn Đảng”. Cho đến trước khi đi về “Thế giới Người hiền”, Bác vẫn đau đáu về việc làm sao để Đảng ta thật sự trong sạch, xứng đáng là đạo đức, là văn minh. Trong đoạn văn ngắn chỉ có 57 từ của Di chúc, Bác đã dùng tới bốn chữ thật: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Lời dặn của người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay vẫn nóng hổi những nhu cầu tự thân, những mong mỏi cháy lòng. Ba Đại hội gần đây, Đại hội XI, XII và XIII của Đảng, trong năm thứ nhất của nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đều dành riêng một Nghị quyết - Nghị quyết lần thứ 4 - về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Còn Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh trong một câu, có thể xem như một Tuyên ngôn của Đảng trong giai đoạn hiện nay: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện”. Đây không phải sắp xếp ngẫu nhiên con số tự nhiên. Số 4 nhắc nhở mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nhớ tự soi, tự sửa mình, “thật thà tự phê bình” để hoàn thiện bản thân, để giữ tròn danh dự, danh dự mới là điều quý nhất, thiêng liêng nhất. Nghị quyết Trung ương 4 nhắc chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên không nhất thiết phải thuộc lòng từng câu, từng chữ, nhưng phải “thuộc” cái tinh thần của nó, tinh thần ấy thấm vào cơ thể, trí não của mình. Rằng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng là hai mặt của một tờ giấy, có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời. Đó là một thể thống nhất trong quá trình vận động và phát triển của Đảng. Xây và chống là quá trình không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Một Đảng có sức chiến đấu cao, có văn hóa trong Đảng cao thì nhất định sẽ trong sạch, vững mạnh.

Điểm mới nổi bật của Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 lần này là thực hiện đồng bộ giữa xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; giữa xây dựng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân; không chỉ ngăn chặn, mà từng bước đẩy lùi, xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái, biến chất trong cán bộ, đảng viên. Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII) đã mở rộng phạm vi, không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức đảng, mà còn mở rộng ra đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, nhất là ở các cơ quan thực thi pháp luật, những người có chức, có quyền, những nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi, kể cả các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết luận cũng bổ sung, làm rõ hơn hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sát hợp với tình hình mới.

Xây và chống tuân theo quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội, nó luôn cần đào thải và tiếp nhận nguồn năng lượng mới. Đảng ta nói đó là quy luật tồn tại và phát triển. Xây và chống không bó hẹp trong phạm vi tự phê bình và phê bình. Cao hơn, đó là làm giàu trí tuệ, làm giàu tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Thương yêu thật lòng thì nói rõ cho nhau biết điều đồng chí mình sai, mình lầm tưởng, thôi đừng vuốt ve, nịnh bợ. Nịnh đối nghịch với lời khen chân thành. Cũng như tụ tập, tụ bạ đối nghịch với cố kết, đoàn kết....

*

*     *

Không dừng lại ở các chỉ thị, nghị quyết. Chưa bao giờ Đảng ta tập trung “luật hóa” đường lối, chủ trương cụ thể, thiết thực như thế, trong đó chú trọng các giải pháp thực hiện – giải pháp khả thi - đã quy định thì phải làm bằng được, không để điều này điều kia ngủ say trên bàn làm việc. Rồi trong quá trình luật hóa như thế, cái sai nào, cái xấu nào đã rõ thì xử lý ngay, không có sự nương nhẹ, chiếu cố, ngoại lệ. Cố nhiên, luật không thể nào phủ kín mọi ngóc ngách đời sống. Từ thế kỷ XIX, nhà lãnh đạo của nước Đức Otto von Bismarsk từng nói: “Luật chưa hoàn hảo mà quan chức có lương tâm thì vẫn tốt hơn là có luật hoàn hảo mà quan chức bất lương”. Cách đây chưa lâu, 11 vị Tướng cảnh sát biển bị kỷ luật, bị xem xét xử lý trước pháp luật là một dẫn chứng thể hiện phép nước không có “vùng cấm”. Và mới nhất,Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã quyết định đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Qua vụ kit xét nghiệm Covid-19 của công ty Việt Á cho thấy sự sơ hở, yếu kém trong công tác kiểm tra, giám sát và cũng là sự cảnh báo “virus tham nhũng” còn rất phức tạp, nhiều biến thể, nhờn thuốc…

Suy cho cùng những quy định chặt chẽ, những điều “cấm” cũng nhằm tạo ra dư địa rộng hơn, ủng hộ cán bộ dám nghĩ, dám làm, đi liền với bảo vệ. Bởi vì người dũng cảm lao ra khỏi “hầm trú ẩn”, trách nhiệm cá nhân sẽ dễ bị trở thành “mục tiêu” đầu tiên của đối phương. Dịp này, Đảng ta cũng có những quy định rất rõ ràng, minh bạch. Ở đâu cũng rất cần những cán bộ miệng nói tay làm, vội làm không vội hứa. Không có phép màu, cũng như không có cái “vòng kim cô” nào cả, chỉ có lương tâm, trách nhiệm và bản lĩnh. Mỗi tổ chức đảng từ chi bộ thôn xóm, xưởng máy, xí nghiệp, cơ quan trở lên đều phải làm thật tốt việc bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người trung thực, bảo vệ người dũng cảm đi đầu, bảo vệ bằng sự công tâm và những quy định rất rõ chức trách, quyền hạn. Đấy không phải là “lý tưởng hóa” mà là việc chúng ta đã và đang làm.  Chúng ta làm là vì sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của dân tộc; để Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh.

Tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa, ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Trải bao bão giông, sương giá, xuân mới tươi hồng đã về với đất nước ta, Nhân dân ta. Đảng tròn tuổi 92, một cuộc gặp gỡ đẹp vô cùng như lời hẹn của ngàn năm lịch sử. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là lúc này cả nước đang đồng lòng, gắng sức, linh hoạt, sáng tạo, thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19, để phục hồi và phát triển kinh tế, nhất định chúng ta sẽ làm nên những mùa gặt lớn. Thời cơ lớn nhiều khi manh nha từ những nguy cơ.

PHÓNG VIÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội