Sáng đẹp tình người nơi tâm lũ Kỳ Sơn
Ngay sau khi lũ quét xảy ra tại địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vào ngày 01-02/10, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường. Tại khối 1 thị trấn Mường Xén và một số bản thuộc xã Tà Cạ, trước mắt chúng tôi là khung cảnh hết sức tan hoang. Tuyến quốc lộ 7A đoạn qua thị trấn Mường Xén ngổn ngang bùn đất, cây củi và tài sản của nhân dân bị lũ cuốn trôi. Bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ nằm nép mình bên dòng Huồi Giảng, vốn yên bình bao đời nay. Ấy vậy mà, bỗng một ngày trở nên hung giữ, cuốn theo dòng nước lũ, đục ngầu, hung dữ như con thuồng luồng, với nhiều khối đá lớn, cây cối, dội xuống, san phẳng tất cả. Những ngôi nhà nơi tâm lũ đi qua chỉ còn trơ lại bãi đất đá ngập ngụa trong bùn đất.
Giữa cảnh hoang tàn sau cơn lũ dữ, đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận hơi ấm tình người của đồng bào dành cho nhau trong hoạn nạn. Ngay sau khi cơn lũ vừa đi qua, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội… hàng triệu người dân trên cả nước hướng về Kỳ Sơn bằng cả tấm lòng. Mặc dù tuyến quốc lộ 7A lên huyện miền núi Kỳ Sơn bị sạt lở hết sức nguy hiểm nhưng rất nhiều đoàn xe nối đuôi nhau hướng về vùng tâm lũ. Trong những đoàn xe ấy, bên cạnh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang Quân khu 4 khẩn trương cơ động lên giúp nhân dân khắc phục hậu quả là những chuyến hàng mang nặng nghĩa tình đồng bào cả nước dành cho Kỳ Sơn.
Bước sang ngày thứ hai cơn lũ đi qua nhưng đoạn qua suối Huồi Giảng tại bản Hòa Sơn nước lũ vẫn cuộn chảy. Bất chấp hiểm nguy cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các ban, ngành, đoàn thể và rất nhiều người dân vẫn vượt qua dòng nước dữ trên chiều cầu khỉ do bộ đội Ban Chỉ huy Quân sự Kỳ Sơn bắc vội để mang lương thực, nhu yếu phẩm vào tiếp tế cho bà con. Bên cạnh đó, là sự có mặt của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 4, tỉnh Nghệ An kịp thời có mặt chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và động viên, hỗ trợ bà con.
Đi đến các bản làng vùng tâm lũ, giữa những đống đổ nát, sáng lên tình người, nghĩa tình quân dân. Tại các khu vực nước rút, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 4 và các ban, ngành, đoàn thể khẩn trương giúp các gia đình tìm kiếm tài sản bị lũ cuốn trôi, vớt vát những tài sản còn sót lại và dọn những đống đất đá ra khỏi ngôi nhà. Màn đêm bao trùm cả bản làng, trong ánh đèn pin lấp loáng các chiến sĩ vẫn cố tranh thủ thời gian để hỗ trợ Nhân dân.
Gương mặt thất thần ngồi nhìn căn nhà sập đổ, xiêu vẹo bà Ngân Thị Tâm ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ nói: Bao nhiêu tài sản, của cải tích cóp cả đời, giờ đây trôi theo dòng nước lũ. Trong thiên tai hoạn nạn, bà con chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ hết mình của cán bộ, chiến sĩ lực lực vũ trang và các ban, ngành, đoàn thể. Khó khăn nhất là những ngày tới đây, cả gia đình 5 người chưa biết sống nhờ vào đâu.
Những ngày nơi tâm lũ Kỳ Sơn, chúng tôi chứng kiến nhiều hành động, việc làm chứa chan tình người. Gần 4 ngày nay, ngôi nhà chị Hoàng Thị Xuân ở bản Hòa Sơn nằm ở khu vực không bị cơn lũ đi qua trở thành “ngôi nhà chung” của 20 hộ dân với gần 100 nhân khẩu. Trong ngôi nhà không rộng lắm, các vật dụng không cần thiết được xếp lại để lấy chỗ làm nơi ngủ cho người dân. Hàng ngày, từ sự chung sức bằng những bó rau, quả trứng cân gạo… của các gia đình trong bản không bị thiệt hại và người dân các địa phương hỗ trợ, chị Xuân đảm nhiệm công tác hậu cần phục vụ bà con.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Kha Thị Lan xúc động nói: “Mấy ngày hôm nay không có sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể địa phương và sự giúp đỡ của gia đình chị Xuân thì gia đình tôi không biết dựa vào đâu. Cơn lũ đổ về trong đêm tối, rất may có các chú bộ đội, dân quân và cán bộ thôn đến cứu không thì ông bà già chúng tôi bây giờ chưa biết thế nào”. Không chỉ có gia đình chị Xuân mà rất nhiều hộ ở bản Hoàn Sơn và Sơn Hà, xã Tà Cạ đã trở thành “ngôi nhà chung” của các gia đình bị lũ cuốn trôi nhà. Trong vùng tâm lũ những ngày này còn xuất hiện các “Bếp lửa nghĩa tình” do người dân các vùng không bị ảnh hưởng cơn lũ tổ chức nấu cơm tiếp tế cho các gia đình bị thiệt hại. Chị Lô Thị Hằng, giáo viên Trường Mầm non thị trấn Kỳ Sơn, bếp trưởng một “Bếp lửa nghĩa tình” tâm sự: Qua khảo sát thực tế, sau khi cơn lũ đi qua các đoàn cứu trợ, thiện nguyện chủ yếu hỗ trợ bà con mỳ tôm, lương khô, gạo… Trong điều kiện bà con không có nơi đun nấu, để tránh tình trạng nhiều ngày chỉ ăn mỳ tôm và lương khô, nên mấy chị em chúng tôi bàn nhau người góp bó rau, người góp cân thịt nấu cơm hỗ trợ bà con.
Ngồi bên nền nhà trơ trọi, chỉ sót lại những vật dụng sau cơn lũ đi qua, chị La Thị May ở bản Hòa Sơn quệt nước mắt nói với chúng tôi: Lũ đổ về cả nhà 5 người kịp chạy lên núi, chỉ mặc bộ quần áo trong người. Mấy hôm nay, các gia đình trong bản người mang đến cho cái quần, người cho cái áo, còn ăn uống hàng ngày nhờ sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể địa phương và các nhà hảo tâm.
Ở bản Sơn Hà, những ngày này, hàng ngày rất nhiều người dân trong bản và cấp ủy, chính quyền các cấp đến sẻ chia, chia buồn với gia đình chị Vừ Y Dợ. Cơn lũ không chỉ cuốn trôi căn nhà của gia đình mà còn cuốn mất đứa con mới 4 tháng tuổi. Trong nỗi đau tột cùng, chị đã nhận được sự sẻ chia cả tình cảm, vật chất của cả hệ thống chính trị và mọi người dân.
Dân gian có câu “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Thật vậy, trong hoạn nạn nơi vùng tâm lũ Kỳ Sơn luôn ngời sáng tình đồng chí, nghĩa đồng bào với những hành động, việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực góp phần chung tay hỗ trợ bà con vượt qua gia đoạn khó khăn nhất.
Bài, ảnh: NGỌC THĂNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận