Sắp xếp đơn vị hành chính gắn với cải cách chính sách tiền lương
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, chiều 10-5, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.
Dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Y tế, Ủy ban Dân tộc cùng đại diện một số cơ quan hữu quan.
Gắn sắp xếp đơn vị hành chính với tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương
Báo cáo tại phiên họp về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng dự thảo nghị quyết nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2023-2030; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm và cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả.
Đồng thời gắn sắp xếp đơn vị hành chính với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị...
Đáng chú ý, trong dự thảo nghị quyết quy định cụ thể về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo quản lý và cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Theo đó, dự thảo nghị quyết giao Chính phủ quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng dự thảo nghị định này (dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5-2023), trong đó có đề xuất quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tăng thêm theo quy mô dân số và diện tích tự nhiên.
Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, dự thảo nghị quyết cũng quy định cụ thể các chế độ, chính sách được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Thực tế, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định về tinh giản biên chế, trong đó có đề xuất quy định một số chế độ, chính sách vượt trội áp dụng đối với trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5-2023).
Nhiều thay đổi khắc phục những hạn chế, bất cập trong sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn trước
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và nhiều văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đều tán thành với đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng và ban hành nghị quyết này. Hồ sơ dự thảo nghị quyết đáp ứng đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại một phiên họp theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, so với Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, dự thảo nghị quyết phục vụ cho việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2023 - 2030 có nhiều bổ sung, phát triển quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn trước.
Đó là, đã quy định cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp, không bắt buộc sắp xếp và việc khuyến khích sắp xếp đơn vị hành chính; việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính; bổ sung chế độ, chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp; việc xử lý trụ sở, tài sản của các cơ quan, tổ chức trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính...
Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Pháp luật, Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện đúng chỉ đạo như trong Kết luận của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Nội vụ cần báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ, lãnh đạo Chính phủ trình lại Đảng đoàn Quốc hội để xem xét quyết định hoặc xin ý kiến Bộ Chính trị nếu cần thiết.
Theo QĐND điện tử
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận