A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Sa trong trái tim những người lính Nghệ

Từ một doi cát vàng nhỏ nhoi ở nơi xa nhất của Tổ quốc, sau 47 năm chiến đấu, giải phóng, xây dựng và phát triển, Quần đảo Trường Sa không chỉ là hệ thống “pháo đài thép” vững chắc bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển; mà còn là quê hương Việt Nam.

Trường Sa – đất mẹ xa nhất của Tổ quốc tận ngàn khơi, nhưng cũng rất gần trong triệu triệu trái tim người dân đất Việt. Quần đảo Trường Sa của Việt Nam một thời được gọi là “quần đảo bão tố” bởi hằng năm có nhiều cơn bão đi qua hoặc hình thành ngay trên vùng biển, đảo này. Nó cũng được gọi là “Tổ quốc nơi đầu sóng” bởi sự thiêng liêng của từng tấc đảo ngọn sóng, và những con người đang thầm lặng hy sinh bảo vệ chủ quyền nơi ấy, trong đó có những người con quê hương xứ Nghệ.

Nơi tôi đến là đồng đội thân thương

Tàu 571 của Vùng 4 Hải quân hú 3 hồi còi dài rồi từ từ rời Cảng quốc tế Cam Ranh. Hàng trăm cánh tay thủy thủ tàu 571 và đoàn công tác vẫy chào tạm biệt đất liền. Tất cả chúng tôi bắt đầu cảm nhận về cuộc hải trình gian khổ nhưng vô cùng kiêu hãnh ra Trường Sa thân yêu.

Tạm biệt đất liền, tàu 571 hành trình thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, DK1.

 

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến  binh Liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro - Tiến sĩ  Đặng Đình Công bảo: “Lần đầu tiên mình đi Trường Sa cảm giác rất xúc động. Mình cũng đã trải qua đời lính nên cảm giác ra thăm Trường Sa như đến ngôi nhà chung của Tổ quốc. Đến với với đồng đội thân thương ruột thịt nơi đầu sóng ngọn gió”, khi tôi hỏi “Ông cảm nhận thế nào lần đầu tiên ra Trường Sa”?.

 

Cùng chung cảm xúc như Tiến sĩ Đặng Đình Công, anh Phạm Văn Ưng đến từ Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) lần đầu tiên đến Trường Sa cũng lần đầu nhìn thấy con tàu hải quân to lớn kiêu hãnh rẽ sóng vượt đại dương giữa ngàn trùng biển nước. Anh Ưng chia sẻ: “Khi nhận được thông báo đi Trường Sa mấy đêm trằn trọc không ngủ được. Cái cảm giác thấp thỏm, mường tượng khi bàn chân mình được đặt chân lên đảo sung sướng và xúc động. Tôi đã đến nhiều vùng, miền của đất nước, nhưng chưa lần nào lại xúc động như lần này. Đời người được đến mảnh đất như máu thịt của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió là mãn nguyện lắm. Với tôi đây là kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất cuộc đời”.

Văn công cùng bộ đội đảo Sinh Tồn Đông hát vang bài ca “Khúc quân ca Trường Sa”.

 

Trong khi đó, chị Nguyễn Quách Minh Hồng đến từ Vụ Ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xen lẫn tự hào là những giọt nước mắt rưng rưng cho biết: “Em là con liệt sĩ. Bố em hy sinh khi em mới 2 tuổi. Cả đời em chỉ có mong ước đến Trường Sa 1 lần. Ở đâu có hải phận của Việt Nam kể cả hòn đảo xa Tổ quốc, thì ở đó có sự kết nối giữa trái tim người Việt để cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương”.

Còn 2 bạn gái trẻ Nguyệt - Nhung đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không giấu được xúc động: “Mấy đêm trước đến Cam Ranh để lên tàu đi Trường Sa, tôi cứ thấp thỏm không sao ngủ được trọn giấc. Cứ nghĩ mình được đặt chân đến mảnh đất xa nhất của Tổ quốc là tim tôi phập phồng trong lồng ngực. Có lẽ đây là chuyến đi nhớ nhất trong cuộc đời tôi”.

 Người Nghệ ở Trường Sa

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, có những người lính trẻ tuổi mười tám, đôi mươi quê hương xứ Nghệ. Họ đều có chung một lý tưởng cống hiến tuổi xanh cho sự bình yên của chủ quyền biển, đảo và sống xứng danh người xứ Nghệ nghĩa tình.

Canh cột mốc chủ quyền.

 

Sau những phút “vật lộn” với sóng gió và cái nắng cháy da, cháy thịt, chúng tôi đến đảo Tốc Tan C – 1 trong 10 điểm đến trong chuyến hải trình thăm, tặng quà cho quân - dân Trường Sa và Nhà giàn DK1/20. Khi bàn chân chạm bậc cập xuồng của đảo cũng là khoảnh khắc không kìm được xúc động khi nhìn thấy một chiến sĩ ôm súng đứng gác trước cột mốc chủ quyền dưới cái nắng rát mặt. Chiến sĩ ấy là Trung sĩ Võ Trọng Hải, sinh năm 2002, quê Diễn Châu.

Phía sau lớp khẩu trang màu xanh là đôi mắt cương nghị “Em ra đảo được 8 tháng rồi. Nắng gió đảo Tốc Tan C làm em rắn rỏi”.

Màu xanh Trường Sa.

 

Hải chia sẻ thêm, quê Hải ở huyện Diễn Châu. Ngày mới ra đảo, mang theo nỗi nhớ quê hương, gia đình. Ở đảo không có mạng Internet, không có zalo, chỉ có mạng điện thoại Viettel. Nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì cuối tuần được chỉ huy đảo cho gọi điện về thăm bố mẹ (số điện thoại đã đăng ký trước). Ra đảo 2 tuần Hải được gọi điện về nhà. Nghe tiếng con trai trong điện thoại, bà Võ Thị Sen khóc. Bà dặn con trai giữ gìn sức khỏe, phấn đấu tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hải là con thứ hai trong gia đình có hai anh em trai. Bố mẹ Hải làm nghề nông nên cuộc sống kinh tế gia đình còn khó khăn.“Em ước mơ sẽ phấn đấu trở thành đảng viên và phục vụ quân đội lâu dài. Ở đảo này có 3 anh em người Nghệ An. Chúng em đoàn kết và hứa với nhau dù khó khăn, gian khổ vẫn kiên trì phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của gia đình và quê hương xứ Nghệ”- Hải nói qua lớp khẩu trang trong tiếng gió Trường Sa thổi vù vù rát mặt.

Cùng chung lý tưởng cống hiến tuổi xanh cho Trường Sa, hạ sĩ Đào Xuân Dung, quê ở thị xã Hoàng Mai ở đảo Len Đao chia sẻ: “Tuổi trẻ đẹp nhất là được cống hiến sức lực cho Tổ quốc. Len Đao là điểm đảo khá khốc liệt về thời tiết. 34 năm trước nơi này diễn ra trận “Hải chiến Gạc Ma”. Càng gắn bó với đảo, càng thấy yêu Tổ quốc mình”.

Trung sĩ Võ Trọng Hải đứng gác tại đảo Tốc Tan C.

 

Trong khi đó, Thiếu úy chuyên nghiệp Trần Quang Hòa ở đảo Trường Sa Đông hiện là trợ lý kỹ thuật (quê ở Đô Lương) thì cho rằng, đã là lính đảo Trường Sa thì dù khó khăn, gian khổ thế nào cũng phải cố gắng khắc phục và hoàn thành nhiệm vụ, để xứng đáng với quê hương và truyền thống của gia đình. “Tôi có vợ con ở Hải Phòng. Mỗi lần vào đất liền đều ghé về quê. Ở đảo, cán bộ, chiến sĩ người Nghệ thương yêu nhau như anh em trong một gia đình, cùng huấn luyện và quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”, Hòa chia sẻ.

Trung úy Nguyễn Văn Dũng gắn bó với đảo Sinh Tồn Đông từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nắng gió ở đảo này làm cho nước da của chàng thanh niên người huyện Anh Sơn sạm đen. Song điều đó càng làm cho chàng trung úy này thêm rắn rỏi. Dũng bảo, là người lính được bảo vệ Trường Sa không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào kiêu hãnh. “Tôi là  người con xứ Nghệ làm nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn Đông, tôi muốn đem sức trẻ, tuổi xuân của mình cho Trường Sa. Với tôi được làm nhiệm vụ ở Trường Sa là niềm vui lớn. Thật không lãng phí thời gian và tuổi trẻ nếu được cống hiến cho Trường Sa. Trường Sa xa nhưng luôn thân thương và gần gũi”- Dũng bộc bạch.

Đảo Tốc Tan C- nơi có chiến sĩ Hải vững vàng tay súng.

 

Là chỉ huy của đảo Sinh Tồn Đông, Thiếu tá, Chính trị viên Nguyễn Kỳ Hợp cho hay, anh ra đảo này làm nhiệm vụ được 6 tháng, vợ con ở Đà Nẵng. Năm nghỉ phép 1 lần lại ra đảo  ngay cho đồng đội khác về bờ. “Gắn bó với đảo mới thấu được Tổ quốc thiêng liêng diệu kỳ đến mức nào. Mặc cho khí hậu thời tiết khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ vẫn bảo đảm huấn luyện liên tục và quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ngày huấn luyện, đêm tuần tra canh gác để mời ra khỏi vùng biển “những con tàu không mời mà đến”.

Tháng tư, Trường Sa nắng như đổ lửa. Hơi biển mặn làm cho áo các chiến sĩ thêm đẫm mồ hôi. Vậy mà những người lính Nghệ trẻ vẫn “dầm mình” trong cái nắng chang chang ấy với nhưng động tác “lăn lê bò trườn” dưới hầm hào công sự và huấn luyện điều lệnh đội ngũ tay không trên đường băng...

 

Duyệt đội ngũ ở thị trấn Trường Sa.

 

Thăm và tặng quà cho quân, dân Trường Sa, DK1, mỗi người có một cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng đều có chung một sự cảm nhận: Trường Sa và đất liền đã thực sự không xa. Trường Sa trong trái tim triệu triệu người dân đất Việt. Bảo vệ Trường Sa là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa là lực lượng chủ lực.

Nguồn: Báo Nghệ An


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội