Người "giữ bí mật" đường Trường Sơn năm xưa
Trong chuyến công tác đến Quảng Bình tôi may mắn được gặp cựu chiến binh Nguyễn Lương Cảnh, ở Tiểu khu 9, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới - Người vẽ bản đồ đường Trường Sơn năm xưa. Năm nay đã 73 tuổi, mặc dù sức khỏe không được tốt nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về con đường Trường Sơn huyền thoại thì mắt ông bừng sáng, từ giường bệnh, ông gượng dậy kể lại cho chúng tôi rạch ròi từng câu chuyện.
Từ khắc bia cho đồng đội
Năm 1965, từ một chiến sĩ dân quân, chàng thanh niên Nguyễn Lương Cảnh xung phong vào bộ đội, tham gia vận tải hàng hóa, sửa đường Trường Sơn, đoạn qua làng Ho, huyện Lệ Thuỷ vào Cu Bai (Đường 16) và từ Phong Nha lên biên giới Việt - Lào (Đường 20 - Quyết thắng) để bộ đội hành quân.
Ông Cảnh rơm rớm giọt lệ, nhớ lại: "Hòng chặn tuyến chi viện của ta cho chiến trường miền Nam, địch đã huy động không quân, pháo binh đánh phá ác liệt vào các tuyến đường Trường Sơn. Bom đạn địch rải như mưa, cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc... Hôm ấy, sau một loạt bom của giặc Mỹ, đồng chí Lê Văn Dị, Đội trưởng Đội cầu 4, Quảng Bình đã hy sinh tại Km39, U Bò (Đường 20 - Quyết thắng). Thương đồng đội, tôi vào rừng tìm được một phiến đá mang về, sử dụng tuốc nơ vít khắc cho bạn một tấm bia liệt sĩ để làm dịu lòng mình". Theo ông Cảnh thì trong trận bom đó, ở đơn vị ông còn có 9 người khác hy sinh. Ban chỉ huy thấy việc khắc bia cho đồng đội đã hi sinh là việc làm ý nghĩa, nên giao nhiệm vụ cho ông khắc bia cho 9 ngôi mộ còn lại...
Chiến tranh khốc liệt, số người hy sinh không dừng lại ở đó, thương cảm bao đồng đội ngã xuống, ông xin cấp trên cho mình được đảm nhận thêm nhiệm vụ khắc bia mộ cho đồng đội đã ngã xuống. Ngày ngày, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thông đường, ông Cảnh lại lặn lội vào rừng, đến các khe suối tìm những phiến đá đẹp mang về khắc bia. Ban đêm ông lại "hành quân" đi cắm bia mộ cho đồng đội. Và việc vác bia đá đi bộ hàng chục kilomet là việc làm thường xuyên của ông ngày ấy... Mắt ông nhòe đi bởi những ngấn lệ, ông nói: "Tấm bia đầu tiên tôi khắc cho đồng chí Lê Văn Dị và tấm bia thứ 200 là của một nữ chiến sĩ văn công, hy sinh khi biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội và thanh niên xung phong". Trong câu chuyện với chúng tôi, ông luôn nhắc đến những địa danh như Cua chữ A, Đèo Pu La Nhích, ngầm Ta Lê, hay 7 khu mộ liệt sĩ mà ông khắc bia trên tuyến Đường 20 - Quyết thắng... Giờ đây, trên những nẻo đường Trường Sơn, những tấm bia lưu dấu nơi an nghỉ của đồng đội đã trở thành "địa chỉ đỏ" để biết bao đơn vị, gia đình liệt sĩ tìm đến đưa người thân về với quê hương, đất mẹ.
Đến người vẽ bản đồ đường Trường Sơn
Công việc ông cứ thế cho đến tháng 2/1967, Ban chỉ huy thấy ông "khéo tay" nên chuyển ông về Bộ Tư lệnh 559 để vẽ bản đồ. Sau thời gian ngắn học việc, được sự đồng ý của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, ông được tuyển vào Phòng Bản đồ. Công việc của ông là vẽ, quản lý toàn bộ bản đồ đường Trường Sơn từ tháng 5/1967. Thời gian đó, mới chỉ có 10 tuyến đường chính, nhưng khi chiến tranh kết thúc, tháng 2/1976, toàn bộ đường Trường Sơn có 216 con đường (chưa kể đường sông) dài trên 20.000km...
Để vẽ được một cách chuẩn xác các tuyến đường thời đó không hề đơn giản chút nào. Bởi rừng núi mênh mông, trùng điệp, đòi hỏi người vẽ phải hết sức tinh tế, phải thu thập, nghiên cứu từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau như: bản đồ thông thường, bản đồ của địch ta thu được và các đơn vị tại chỗ khảo sát gửi lên, trinh sát gửi về... Có nhiều tuyến đường chính ta phải luồn lách dưới các lùm cây để vận chuyển hàng hóa ban ngày mà địch không phát hiện, đòi hỏi người vẽ phải dồn hết tâm lực mới có thể vẽ chính xác được. Song, khi nhiều đoạn đường chưa làm xong đã bị địch ném bom, rồi lại phải chỉnh sửa liên tục.
Ngày đó, để bảo đảm yếu tố bí mật, ông Cảnh không hề được tiếp xúc với ai ngoài những người chỉ huy. Và không được phép nói với ai về công việc mình làm. Nếu không cẩn thận chỉ một chút sơ suất có thể lộ bí mật quốc gia, làm ảnh hưởng đến cuộc chiến. Bởi thế, tuyệt đối trong người ông không bao giờ được bỏ chút tài liệu gì liên quan đến bản đồ. Trọng trách thật vinh dự và tự hào nhưng cũng đòi hỏi bản lĩnh cao độ của người lính. Nhấp chén nước, ông kể về một kỷ niệm sâu sắc: "Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Tư lệnh trưởng Đồng Sỹ Nguyên giao nhiệm vụ cho tôi vẽ bản đồ chi tiết từ vị trí đóng quân đến đầy đủ trận địa, kho tàng... của lực lượng 559, tỷ lệ 1:500.000 để báo cáo với Bộ Tổng tư lệnh. Sau hơn 2 tháng thu thập thông tin, tài liệu, tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi đưa lên trình Tư lệnh trưởng, sau một hồi xem xét, ông bảo "cậu về làm lại". Tôi sững sờ, không biết vì sao, vì hầu như đã đầy đủ các chi tiết. Ai ngờ, vì bản đồ vẽ đúng quá, cụ thể quá, mới phải về làm lại!. Tôi phân vân, thì Tư lệnh trưởng giải thích: "Trong chiến tranh, không ai học được chữ "ngờ" đâu. Nếu như, bản đồ này mà rơi vào tay địch thì sự nghiệp giải phóng miền Nam sẽ không còn ý nghĩa gì nữa!". Sau đó, tôi về chỉnh sửa lại với tỷ lệ sai lệch khoảng 10km"...
Câu chuyện với ông còn dài nhưng sức khỏe của ông không cho phép tiếp chuyện chúng tôi lâu hơn. Ở độ tuổi của ông, đã 2 lần bị tai biến nhưng chúng tôi thật sự khâm phục bởi từng chi tiết ông vẽ, từng việc ông đã làm ông vẫn kể vanh vách. Ông nói: "Rời xa chiến trường đã hơn 40 năm nhưng tôi không sao quên được những chi tiết trên đường Trường Sơn. Nó để lại quá nhiều kỷ niệm, quá hằn sâu trong tâm trí của tôi...".
HUY CƯỜNG
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận