A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Về Lam Kinh nghe kể chuyện đất sinh vương

Bạn đã từng đến thăm vùng đất sinh vương? Bạn đã từng lắng nghe những câu chuyện lịch sử? Nếu chưa từng, hãy cùng phóng viên Báo Điện tử Quân khu 4 về với Thọ Xuân – mảnh đất địa linh nhân kiệt của xứ Thanh, nơi có cố đô Lam Kinh để trải nghiệm vẻ trầm mặc cổ kính, cảnh đẹp đến nao lòng và lắng nghe đất kể chuyện sinh vương.

 Huyện Thọ Xuân nằm phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây không chỉ được mệnh danh là mảnh đất địa linh nhân kiệt mà còn là một vùng đất ẩn tích, chứa đựng biết bao giá trị di sản văn hóa của dân tộc, trong đó, không thể không kể đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Đây là cái nôi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, quê hương của vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi, là bằng chứng sinh động cho một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Với ưu thế về diện tích trải dài trên 140 ha, Lam Kinh không chỉ giữ được nguyên vẹn những công trình của triều đại Nhà Hậu Lê, mà còn lưu giữ cả những câu chuyện truyền thuyết mang đầy màu sắc huyền bí của một triều đại phong kiến được coi là hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam.

Cầu Bạch (tên gọi xưa là cầu Tiên Loan Kiều) bắc trên sông Ngọc là lối đi chính dẫn du khách vào thăm Kinh thành cổ Lam Kinh. Cầu được làm theo kiểu dáng kiến trúc độc đáo phổ biến ở các nước nhiệt đới vùng Á Đông, đó là thượng gia hạ kiều tức trên nhà, dưới cầu.
Qua cầu khoảng 50m đến một giếng cổ, trước kia có thả sen. Nước giếng trong xanh quanh năm không cạn, bờ Bắc được lát bậc đá lên xuống, cung cấp nước cho điện Lam Kinh

 

Khu di tích Lam Kinh được bố trí theo trục Nam – Bắc trên một quả đồi có hình dáng chữ Vương. Đại ngọ môn là cổng đón tiếp trước khi vào sân trong. Khu điện Lam Kinh nhìn về hướng Nam. Kinh dịch xưa có câu: “Thánh nhân nam diện, trị yên thiên hạ”, nghĩa là Thiên tử ngồi ở trung tâm nhìn về hướng Nam để cai trị đất nước thì đất nước sẽ thái bình thịnh trị. Lam Sơn được xem như là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt, là nơi phát tích của “tam Vua, nhị Chúa” trong lịch sử dân tộc.
Muốn vào khu chính điện, khách phải đi qua Đại ngọ môn có 3 gian, gian giữa rộng 4,6 m, gian bên rộng 3,5m. Nền Ngọ môn rộng 11m, dài hơn 14m, có 3 cửa ra vào. Cửa giữa rộng 3,6 m, cửa hai bên rộng 2,74 m và được bố trí hàng cột chính giữa. Đặc điểm của bốn cột giữa là kích thước lớn, đường kính chân cột 78 cm.

 

Qua Ngọ môn vào đến sân rồng (còn có tên gọi là sân chầu). Sân trải rộng khắp bề ngang chính điện và đến sát thềm hai nhà tả vu và hữu vu với tổng diện tích 3.539,2m² (rộng 58,5m; dài 60,5m). Sân rồng là lối vào khu chính điện, gồm 3 toà điện lớn xây trên nền đất rộng, cao 1,8m so với sân rồng, bề ngang 38m, chiều sâu 46m.
Chính điện Lam Kinh vẫn còn lưu giữ những dấu tích của một thời hoàng kim cùng nhiều công trình thể hiện nét tài hoa về nghệ thuật điêu khắc độc nhất vô nhị trong lịch sử.

 

 

Ở Lam Kinh có 18 cây cổ thụ (300-600 tuổi) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. (Trong ảnh: Cây đa thị 300 tuổi tỏa bóng mát và tô điểm thêm cho vẻ cổ kính nơi đây)

 

Khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ

 

Nơi yên nghỉ của vị anh hùng dân tộc luôn rợp bóng mát
Hai bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ là 2 cặp voi đá có niên đại hàng trăm năm, vẫn giữ được gần như nguyên bản.
Cũng tại khu lăng mộ này có tồn tại truyền thuyết huyền bí về cây ổi cười. Du khách chỉ cần dùng tay cù nhẹ lên thân cây, thì toàn bộ cây ổi đều rung lên như có một cơn gió mạnh thổi qua. Không chỉ toàn thân "cười" khi có người chạm vào, cây ổi còn mang lại một cảm giác nhẹ nhõm, thư thái khác lạ nếu du khách nắm tay vào cành và nhắm mắt lại tĩnh tâm.
Nằm trong khu quần thể lăng mộ này có rất nhiều cây gỗ cổ thụ, quý hiếm. Đặc biệt là cây lim cổ thụ có tuổi thọ khoảng 600 năm tuổi, cao nhất nhì rừng Lam Kinh, được gọi bằng cái tên “cây lim hiến thân”. Chuyện kể lại rằng, cây lim đang xanh tươi, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá ra đi ngay khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Thân và cành lim được ước lượng đủ kích thước để làm một bộ gồm: cột cái, cột quân, cột góc và thượng lương để phục vụ Lễ phạt mộc khởi công cung điện vào tháng 10 cùng năm. Đường kính phần gốc cây lim trùng khớp với chân đá tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần ngọn khoảng 0,65cm, vừa với chân đá tảng cột quân. Những sự trùng hợp về kích thước này được đồn đoán rằng, dường như cây Lim sinh ra để thực hiện sứ mệnh của 600 năm sau đó là phỏng dựng lại cung điện cho hậu thế.
Nói đến Khu di tích Lam Kinh, người ta nói nhiều đến Bia Vĩnh Lăng. Đây là công trình có giá trị lớn về văn hóa lịch sử, là một trong những tấm bia cổ, to, đẹp nhất Việt Nam và được công nhận là bảo vật quốc gia.
Bia khắc bài văn  do Nguyễn Trãi soạn thảo nêu khái quát về thân thế và sự nghiệp của Đức vua Lê Thái Tổ. Bia và rùa được làm bằng đá trầm tích màu xám xanh có lẫn đốm trắng bóng. Trên bề mặt rùa và bia còn nhìn thấy nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể.
Điều kỳ lạ là chân rùa ở đây có 6 ngón không phải 5 ngón như rùa bình thường, nhưng lại bị khuyết mất móng út. Quanh vấn đề này có nhiều truyền thuyết để giải thích cho điều kỳ lạ đó. Theo đó, giả thuyết được các nhà sử học đưa ra nhiều nhất đó là rùa 6 móng tượng trưng cho 6 năm ở ngôi của vua Lê Thái Tổ. Vì vua Lê Thái Tổ trị vì được 6 năm nhưng đến tháng 8 nhuận chưa tròn năm, Người đã băng hà.Vậy thì phải chăng rùa 6 móng và móng thứ 6 bị khuyết tượng trưng cho 6 năm trị vì chưa trọn vẹn của nhà vua?
Một giả thuyết nữa là trước đây, cụ rùa có 6 móng nhưng cho An Dương Vương 1 móng để làm lẫy nỏ thần và nhờ có nỏ thần mà An Dương Vương đánh dẹp được quân Triệu Đà nhưng sau đó cất giấu nỏ thần làm của báu riêng, tức là có vay mà không có trả, dẫn thiên họa mất nước và đất nước ta chìm đắm trong 1.000 năm Bắc thuộc. Đến thế kỷ thứ XV, nước ta bị quân Minh xâm lược, Lê Lợi được người đánh cá trên sông Chu trao tặng thanh kiếm có khắc hai chữ “Thuận Thiên” và đánh thắng quân Minh. Sau khi giành lại giang sơn, rút kinh nghiệm từ bài học đắt giá của cha ông, đó là phải giữ chữ tín, “có vay có trả” nên ông đã hoàn trả lại thanh bảo kiếm cho rùa vàng, chính là sự tích Hồ Hoàn Kiếm.
 
Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, Lam Kinh – Biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa.
Thực hiện: MẠNH HÙNG

 

 

Tác giả: Mạnh Hùng
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội