Chất thép, chất thơ trên từng lời ca, điệu múa
Thành Vinh, buổi chiều đầu Đông trời se lạnh. Tôi ngược dốc lên Núi Quyết, tìm đến những trận địa pháo cao xạ bắn máy bay Mỹ năm xưa để cố hình dung về một thời chiến tranh giữ nước. Giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, ngay trên chiến hào khét lẹt khói súng, có những người nghệ sĩ Đoàn Văn công Quân khu 4 tay đàn, miệng hát cho bộ đội ta nghe. Tiếng đàn, tiếng hát của những người nghệ sĩ - chiến sĩ át tiếng bom gầm, đạn réo, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho bộ đội ta “vít cổ lũ giặc trời”...
Có lẽ do có một điểm chung đó là tình yêu nồng nàn với Đoàn Văn công Quân khu 4, nên ngày hôm ấy, bạn tôi là một nhà báo công tác tận Hà Nội cũng tìm về Núi Quyết. Chúng tôi gặp nhau, chưa kịp hỏi thăm về cuộc sống, gia đình, anh đã xúc động trải lòng: Biết Đoàn Văn công Quân khu 4 chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống, mình muốn viết một bài báo thật hay... Kể từ ngày 5 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu mở chiến dịch đánh phá miền Bắc bằng không quân, nơi Núi Quyết đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và máy bay địch. Lúc không quân Mỹ bắt đầu đánh phá cũng là khi nghệ sĩ Trần Đình Chất, Huy Chu, Minh Huệ của Đoàn Văn Công Quân khu 4 có mặt trên trận địa đàn, hát cho bộ đội ta nghe. Các chiến sĩ ngồi trên mâm pháo vừa thưởng thức tiếng đàn, giọng hát, vừa sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt máy bay địch... Đặc biệt, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước ác liệt, Đoàn Văn công Quân khu 4 vinh dự được 3 lần hát cho Bác Hồ nghe. Những lần hát cho Bác Hồ nghe, những điều Bác dạy, cán bộ, diễn viên luôn khắc ghi trong dạ, đi suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của những người nghệ sĩ - chiến sĩ Đoàn Văn công Quân khu 4... Hình ảnh đó, tình cảm đó lưu lại trong những dòng lịch sử của Đoàn Văn công Quân khu 4, thôi thúc mình tìm về Núi Quyết, về xứ Nghệ ân tình để làm nơi khởi nguồn cho tác phẩm...
Đang say sưa kể, anh bất chợt giở cho tôi xem những trang bản thảo trong cuốn sổ anh đang cầm trên tay. Những trang bản thảo chữ viết nghiêng ngã. Tôi đọc và biết đó là bản thảo bài báo “Tiếng hát trên đầu ngọn sóng” của anh viết trên tàu HQ 936, trong lần cùng Đoàn Văn công Quân khu 4 vượt biển, biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ quần đảo Trường Sa. Khi tôi đọc đến đoạn “...Trên boong tàu HQ 936, khi biểu diễn, ca sĩ phải bám chặt cầu thang do tàu bị sóng nhồi chao đảo, nhưng vẫn “thà… ngã không buông micrô…”, anh bảo tôi dừng lại rồi nói: “Thà… ngã không buông micrô”, đó là hình ảnh rất đẹp mà mình lưu giữ để rồi tình yêu với những người nghệ sĩ - chiến sĩ Đoàn Văn công Quân khu 4 lớn dần theo năm tháng...
Giữa sóng gió biển khơi, các anh, các chị “thà... ngã không buông micrô” và tôi nhớ... Lần ấy, tôi cùng Đoàn Văn công Quân khu 4 hành quân từ Vinh vào A Lưới nơi miền Tây xứ Huế biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Khi đang vượt đèo Mỏ Quạ trên Quốc lộ 49, chiếc xe chở đoàn mất lái trượt xuống ta luy âm nằm chông chênh trên bờ vực thẳm sâu hàng trăm mét. Vừa thoát hiểm nguy trong gang tấc, cán bộ, diễn viên, có nhiều người tuổi mới chỉ đôi mươi không hề nao núng, xung phong tiếp tục cuộc hành trình. Buổi tối hôm đó, bên ánh lửa bập bùng nơi đại ngàn Trường Sơn, cán bộ, diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 4 say sưa hát múa phục vụ bà con đồng bào các dân tộc vùng cao A Lưới và Bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 như chưa hề có hiểm nguy... Và rồi, trong chuyến hành quân vào xã vùng sâu Mỹ Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An biểu diễn phục vụ bà con dân bản, chiếc xe chở đoàn gặp nạn làm nhiều cán bộ, diễn viên bị thương. Nhưng khi vết thương chưa lành hẳn, các anh, các chị lại xung phong vượt dãy Trường Sơn với hàng trăm cây số đường rừng núi quanh co, hiểm trở sang biểu diễn phục vụ nhân dân nước bạn Lào...
Những câu chuyện ấy, thôi thúc tôi gặp Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân Lê Thị Quỳnh Như, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4. Trò chuyện cùng tôi, chị bộc bạch: Mỗi năm, cán bộ, diễn viên của Đoàn, tổ chức hàng chục chuyến đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Trong đó có nhiều chuyến đi đến vùng sâu, vùng xa đường sá cheo leo, hiểm trở nên gặp rủi ro là điều khó tránh khỏi. Nhưng dẫu khó khăn, gian khổ, hiểm nguy đến mấy, anh chị em vẫn không nề hà vì các thế hệ đi trước đã truyền ngọn lửa yêu nghề, lòng nhiệt thành vì bộ đội, vì nhân dân phục vụ cho thế hệ hôm nay. Sinh ra trên miền đất lửa, được hát trên miền đất lửa, kế thừa lòng dũng cảm của các đoàn văn công chiến trường... đó là cội nguồn để rèn nên chất thép của người nghệ sĩ - chiến sĩ Đoàn Văn công Quân khu 4.
Để hiểu rõ hơn về chất thép trong chiến tranh của những người nghệ sĩ - chiến sĩ Đoàn Văn công Quân khu 4, tôi tìm gặp nghệ sỹ Lê Quý Thông, nguyên Chính trị viên, ca sĩ Đoàn văn công Quân khu 4 ở xóm 24, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, Nghệ An. Nghệ sĩ Lê Quý Thông gắn bó với Đoàn văn công Quân khu 4 từ những ngày đầu mới thành lập, năm 2017 này, ông đã ngoài 80 tuổi, nhưng trong trí nhớ của ông, ký ức về những ngày đội mưa bom, bão đạn, biểu diễn phục vụ bộ đội vẫn còn vẹn nguyên... Ông kể cho tôi nghe: Năm 1965, cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, các Đội Văn công xung kích của Đoàn được thành lập vào chiến trường, đến trận địa phục vụ bộ đội.
Trong Đội Văn công xung kích Mười Chín tháng Năm, khi đó có diễn viên múa Minh Vân mới tròn 16 tuổi. Những ngày “ăn trong mưa bom, ngủ trong mưa bom, hành quân, biểu diễn trong mưa bom”, Minh Vân bất chấp hiểm nguy, có mặt biểu diễn ở hầu hết các trận địa ác liệt ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Có lần đang biểu diễn ở trận địa Tiểu đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân thì máy bay địch ập đến đánh phá, chiến sĩ tiếp đạn hy sinh. Minh Vân bật lên khỏi hầm trú ẩn, lao tới bê băng đạn pháo cao xạ từ tay chiến sĩ hy sinh tiếp đạn cho bộ đội chiến đấu...
Mùa hè năm 1965, Đội Văn công xung kích Cồn Cỏ được lệnh ra đảo. Cán bộ, diễn viên cùng với một số văn nghệ sĩ sáng tác của Tổng cục Chính trị đi trên hai chiếc thuyền nhỏ giữa một đêm mưa to, gió lớn, biển động để che mắt địch. Trong chuyến đi đặc biệt này, nghệ sĩ hát dân ca Phan Thị Minh Cảnh được giao nhiệm vụ giữ lá cờ có thêu dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Bác Hồ gửi tặng bộ đội đảo Cồn Cỏ. Nghệ sĩ Phan Thị Minh Cảnh đã quấn chặt lá cờ vào người và mang theo một hòn đá nặng. Chị nói với đồng đội: Nếu bị địch phát hiện, chị sẽ chiến đấu đến cùng và nhảy xuống biển hy sinh, chứ nhất quyết không để lá cờ rơi vào tay quân địch...
Nghệ sĩ Lê Quý Thông ngừng kể. Tôi thấy ông lấy tay lau nước mắt. Không gian xung quanh như trầm hẳn xuống. Mãi một lúc sau, ông mới nói nên lời: Giữa mưa bom, bão đạn khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ, đã có những đồng đội của tôi mãi mãi không trở về. Đó là liệt sĩ Nguyễn Hữu Văn, Nguyễn Văn Nhiếp, Đỗ Chí Thành. Các anh hy sinh khi đang hát, đang múa phục vụ bộ đội trên trận địa…
Nghệ sĩ Lê Quý Thông còn kể cho tôi nghe rất nhiều về những người nghệ sĩ - chiến sĩ của Đoàn Văn công Quân khu 4, lấy lời ca, điệu múa và “gan vàng” đọ sức với bom đạn kẻ thù; đọ sức với mất mát, hy sinh để cổ vũ, động viên bộ đội, nhân dân chiến đấu. Các bác, các chú, các chị, các anh như những người chiến sĩ cầm súng trên chiến trường...
Rời căn nhà đầy ắp âm nhạc, đầy ắp kỷ niệm về đồng đội của nghệ sĩ Lê Quý Thông, trong tôi trào dâng sự cảm phục về những con người trong tay không tấc sắt, chỉ có tiếng hát, điệu múa làm vũ khí đối mặt với bom, đạn kẻ thù... Bất chợt, câu hát “... Tay lái ta dồn lên lời ca” trong bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” của nhạc sĩ Ánh Dương - người gắn bó với Đoàn Văn công Quân khu 4 và có mặt ở những nơi ác liệt nhất của “miền đất lửa” suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, ngân lên, gợi nhớ về lần tôi được gặp và trò chuyện cùng ông. Lần ấy, ông kể về bài hát “Chào em cô gái Lam Hồng” được viết ra trong thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Thời kỳ đó, giữa bom đạn bời bời, anh em văn công sẵn sàng hy sinh, dũng cảm lắm, không sợ chết là gì...
“Anh em văn công sẵn sàng hy sinh, dũng cảm lắm, không sợ chết là gì”, câu nói của người nhạc sĩ tài hoa càng làm cho tôi hiểu thêm, chính trái tim những người nghệ sĩ - chiến sĩ Đoàn Văn công Quân khu 4 đã “dồn lên lời ca” và điều đó đã làm nên “chất thép” của những người lính văn công trên “miền đất lửa”. “Chất thép” ấy không chỉ xây đắp nên tập thể Đoàn Văn công Quân khu 4 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào mà “chất thép” ấy luôn được tiếp nối, dũa rèn trong các thế hệ cán bộ, diễn viên của Đoàn. “Chất thép” ấy đã tôi luyện nên thế hệ cha, anh đi trước trưởng thành và trở thành tên tuổi lớn được phong tặng danh hiệu cao quý, nhiều tác phẩm âm nhạc sống mãi với thời gian được khán giả cả nước hâm mộ như cố Nghệ sỹ nhân dân Đình Quang (Giải thưởng Hồ Chí Minh); Giải thưởng Nhà nước có nhà văn Phùng Quán, các nhạc sỹ Tô Hải, Thuận Yến, Ánh Dương, Nguyên Nhung, Vĩnh An, An Thuyên; nhà văn Đình Quán; nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức; nhà thơ Thanh Tịnh; Nghệ sỹ nhân dân Trúc Quỳnh; Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Uẩn, Ngân Quý, Đoàn Bôn, Hoài Thu, Tường Thụ; các nhạc sĩ Phạm Văn Chừng, Tô Hải, Nguyễn Trọng Tạo và các diễn viên Mai Tư, Thúy Ninh, Minh Lý, Thanh Hiếu, Phi Hùng, Lệ Thanh ....
“Chất thép” ấy, đã tạo nên dòng chảy nhiệt huyết yêu nghề, say mê phục vụ bộ đội, phục vụ nhân dân của thế hệ cán bộ, diễn viên hôm nay. Giữa cuộc sống đầy bộn bề, lo toan, cán bộ, diễn viên của Đoàn không hề so đo, tính toán, các anh, các chị đến với bộ đội, nhân dân bằng cả tấm lòng... để viết tiếp chiến công hào hùng của Đoàn Văn công trên “miền đất lửa”.
Ghi chép của HỒ CÔNG LĨNH
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận