A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 5/5/2022)

Đồng chí Phan Đăng Lưu với quê hương

Huyện Yên Thành, vùng đất có sông Dinh, rú Gám, là quê hương của bậc tiền bối cách mạng Phan Đăng Lưu và nhiều danh nhân lịch sử. Làng Tràng Thành xưa – xã Hoa Thành ngày nay từ thời Tiền Lê đến đầu đời Trần là trung tâm, lỵ sở của Châu Diễn, huyện Đông Thành. Nhân dân nơi đây có truyền thống hiếu học, yêu nước và cách mạng. Đây là nơi hội tụ mạch nguồn truyền thống của vùng quê lúa. Chỉ riêng việc học hành thi cử trước năm 1945 xã Hoa Thành đã có 2 vị Thám hoa, 25 vị Tam trường (phó bảng), cử nhân, hơn 80 vị tú tài và hàng trăm thầy đồ.

Dòng họ Phan thôn Đông Tràng Thành vốn là họ Mạc, dòng dõi trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, cuối đời Mạc vì loạn lạc phải chạy vào Nghệ An mai danh ẩn tích, về chọn đất chiêu dân, mở trường dạy học lập nên thôn Đông, đến đời Phan Đăng Lưu là 14 đời. Ông nội là nhà nho Phan Đăng Định làm nghề bốc thuốc nam cứu người. Thân phụ Phan Đăng Lưu tên là Phan Đăng Dư, một nhà nho yêu nước, tham gia phong trào chống Pháp và là người thảo bài Hịch đánh Pháp nổi tiếng đọc trong lễ tế cờ ở Nương Su: “Ai là khách anh hùng xin hãy chung lưng đấu cật, nước mất còn chỉ ở lúc ni”. Năm 1908 chuẩn bị cuộc khởi nghĩa bị địch đàn áp, Chu Trạc và những người chủ chốt bị địch bắt, cụ Phan Đăng Dư về nhà cày ruộng và làm thêm nghề thầy thuốc, thầy phong thủy, nhưng chăm lo cho bốn người con học hành, trong đó có 3 người trúng ngạch thông phán nên bà con thường gọi là cụ Phán.

Nhà lưu niệm Phan Đăng Lưu tại xã Hoa Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu: Võ Đức
Nhà lưu niệm Phan Đăng Lưu tại xã Hoa Thành (Yên Thành). 

 

Ông ngoại Phan Đăng Lưu là Cử nhân Trần Danh Tiêu, người vùng chợ Rộc, một nhà nho yêu nước, đậu cử nhân nhưng không ra làm quan mà lánh vào núi tụ tập dân nghèo cày trại, thường tụ tập các nhà nho đàm đạo thế sự, văn thơ. Khi các lãnh tụ Văn thân chống Pháp như Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã, Nguyễn Văn Ngợi… nổi dậy khởi nghĩa đánh Pháp, cụ cử Tiêu đã đem lương thảo và vận động nhiều trai làng ủng hộ nghĩa quân. Mẹ Phan Đăng Lưu là người phụ nữ đảm đang, phúc hậu, giàu lòng thương người, thuộc nhiều thơ ca. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức yêu nước nên Phan Đăng Lưu sớm được nuôi dưỡng tiếp thu những truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Vốn thông minh dĩnh ngộ, Phan Đăng Lưu được ông nội, ông ngoại và cha khai tâm những bài học đầu tiên, lên sáu tuổi đã gửi các ông cử ông tú trong vùng dạy chữ Nho. Năm 16 tuổi Phan Đăng Lưu khai tăng thêm hai tuổi dự thi hương trường Nghệ. Nhưng rồi thấy sự học theo lối khoa cử đã lỗi thời, Phan Đăng Lưu xin cha mẹ chuyển qua học Trường Tiểu học Pháp Việt ở Vinh. Năm 18 tuổi, Phan Đăng Lưu đã ham thích làm thơ, câu đối. Trong dịp nghỉ hè về làng, thấy các chức việc, hào lý nhũng lạm bóc lột dân nghèo, Phan Đăng Lưu đã làm bài thơ dán ở cổng đền Cả, đình Bảo Lâm, ở các điếm canh: Sông Dinh, rú Gám cảnh thần tiên/Vì bọn cường hào đến đảo điên/Ăn cướp sình mang quân đít đỏ/Gánh gồng trễ cổ tụi dân đen/Mất phần tri bộ trương gân nạt/Hỏng miếng hoa cà lộn tiết lên/Sâu mọt lũ này chưa quét sạch/Xóm làng khôn hưởng cảnh bình yên. (quân đít đỏ: chỉ hào lý 2, tụi khu đen chỉ người dân; tri bộ chức nhỏ trong ban ngũ hương làng coi việc sổ sách; hoa cà: cái dái bò trong con bò làng làm thịt trong dịp tế lễ).

Tượng đài nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu ở huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu: Thái Dương
Tượng đài nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu ở huyện Yên Thành. 

 

Bài thơ đầu tiên của Phan Đăng Lưu được lan truyền trong làng ngoài xã làm cho hào lý tức giận nhưng chúng không làm gì được vì không rõ tác giả. Sau khi học xong Tiểu học Vinh được xếp loại Giỏi, Phan Đăng Lưu vào học Quốc học Huế được hai năm thì xin thi vào Trường canh nông thực hành Tuyên Quang với mong muốn nước ta là nước nông nghiệp, phải học tri thức nông nghiệp mới để giúp dân. Trong những năm học làm kỹ sư nông nghiệp, dịp nghỉ hè Phan Đăng Lưu thường đem một số cây giống tốt như cam, bưởi, hồng, ổi… và một số loại hoa về trồng ở vườn nhà và cho bà con và ông đã trở thành kỹ sư nông nghiệp đầu tiên của xứ Nghệ về làm việc tại Sở Canh nông Bắc Kỳ, sau chuyển về Sở Canh nông Trung Kỳ, làm việc ở nhà Tằm Phủ Diễn đóng tại làm Kim Lũy (Diễn Kim), nhà Tằm Linh Cảm nên bà con thường gọi ông là Phán Tằm.

Năm 1927, Phan Đăng Lưu được kết nạp vào hội Phục Việt (sau đổi là Đảng Tân Việt – một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam), ông cùng với Trần Đình Tăng về Tràng Thành gặp gỡ các thanh niên yêu nước trong làng xây dựng nhóm thanh niên Tân Việt đầu tiên ở Tràng Thành. Nhóm Tân Việt ở đây phát triển thành Đại tổ Tân Việt thu hút kết nạp hơn 20 đảng viên. Năm 1928, khi được bầu vào Thường vụ Tổng bộ Tân Việt, phụ trách tuyên truyền và nhà sách Quan hải Tùng thư ở Huế, Phan Đăng Lưu thường gửi sách báo về cho các cơ sở Tân Việt ở Yên Thành làm tài liệu giáo dục quần chúng. Ông còn cùng em trai Phan Đăng Tài ra Thanh Hóa mua 7 khung dệt vải khổ rộng và thuê người về dạy cách dệt vải khổ rộng tại nhà mình cho các hội viên Tân Việt nhằm du nhập nghề mới ở quê. Sau hai năm, xưởng dệt này đã có vải khổ rộng bán ở chợ Dinh.

Một góc quê hương Yên Thành. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Một góc quê hương Yên Thành.

 

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, những đảng viên Tân Việt nòng cốt ở Tràng Thành trở thành những đảng viên lớp đầu dựng Đảng: Chu Văn Biên, Phan Phúc Tường ở Chi bộ Quốc học Vinh (Chu Văn Biên về sau là Bí thư Khu ủy 4, Phan Phúc Tường làm Đại tá Tổng cục trưởng quân lực), Phan Đăng Diệu, Phan Xuân Thuyên, Phan Đăng Hoán, Phan Đăng Diêu… Chi bộ Tràng Thành một trong những chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Yên Thành.

Từ năm 1930 đến năm 1936, Phan Đăng Lưu bị bắt đày vào Ban Mê Thuột, tin tức và những hoạt động của ông vẫn truyền về Tràng Thành, cụ Phan Đăng Dư làm bài phú Tự trào “Gửi chí lớn vào đàn con cháu”. Năm 1936, Phan Đăng Lưu được ra tù, về Huế, tham gia Xứ ủy Trung kỳ và được phân công phụ trách phong trào đấu tranh công khai và bán công khai ở Trung kỳ, trong các năm 1937/1938 ông đã về quê gặp các đồng chí cựu tù chính trị như Chu Văn Biên, Phan Đức Vinh, Ngô Xuân Hàm… bàn bạc hướng dẫn khôi phục và xây dựng được 6 Chi bộ Đảng ở Yên Thành và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ huyện tại đình Đá Mọc (Đại Thành), năm 1937 khôi phục lại Đảng bộ huyện Yên Thành, bầu ra Ban Chấp hành Huyện ủy do đồng chí Phan Đức Vinh làm Bí thư.

Hai tờ báo Dân và Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ảnh tư liệu lịch sử
Hai tờ báo Dân và Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. 

 

Trong những năm 1939/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương năm 1939 rồi Thường vụ Trung ương năm 1940, tham gia hội nghị Trung ương 6 ở Bà Điểm, Trung ương 7 ở Đình Bảng, Bắc Ninh, quê nhà âm thầm theo dõi mong mỏi tin tức về đồng chí. Sau đó gia đình hay tin đồng chí bị bắt và bị tòa án binh kết án tử hình, và gia đình cũng nhận được hai bức thư của Phan Đăng Lưu gửi về nhắn gửi các con: “Con đừng buồn, con cố gắng lau khô nước mắt của mẹ con, hãy an ủi mọi người trong gia đình, nhất thiết đừng có chạy chọt, điều đó chỉ uổng công vô ích thôi… cha bình tâm nhận số phận của mình và kiên gan chịu đựng”. Thư viết bằng bút chì, tiếng Pháp, nhận được ở Hà Tĩnh, ngày 5/5/1941.

Bức thư thứ 2 ông viết: “Cha xem sự ra đi của cha như một giấc ngủ dài” (theo hồi ký của cụ Phan Đăng Tài – người trực tiếp nhận và dịch thư).

Khi Phan Đăng Lưu bị địch đem ra pháp trường xử bắn cũng là lúc quan lính ở tỉnh, huyện về Tràng Thành đòi tịch thu của cải ruộng vườn của gia đình cụ Phan Đăng Dư, bà con dân làng đã kéo đến đấu tranh giữ lại cho gia đình và động viên an ủi cha mẹ, vợ con ông.

Từ sau ngày Phan Đăng Lưu hy sinh anh dũng, mặc dầu bị địch o ép, theo dõi nhưng những người thân trong gia đình ông nhớ lời ông dặn, âm thầm hoạt động cách mạng. Bà Nguyễn Thị Danh người vợ thân yêu của ông vừa nuôi con vừa hoạt động tuyên truyền phụ nữ tham gia Việt Minh và trở thành Ủy viên Ủy ban Việt Minh làng Tràng Thành trong những ngày tiền khởi nghĩa và nhiều năm làm Hội trưởng Hội Phụ nữ Tràng Thành. Người con rể chồng bà Phan Thị Lê là ông Trần Nguyên Trinh là cán bộ lão thành cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp làm Bí thư Huyện ủy Yên Thành, về sau làm Thường vụ Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh Nghệ An. Các em trai ông Phan Đăng Triều, Phan Đăng Tài tuy làm công chức ngạch thông phán, dù bị địch theo dõi nhưng vẫn bí mật giúp đỡ những người cộng sản. Trong cách mạng Tháng Tám 1945, ông Phan Đăng Tài là Phó Chủ tịch đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, Chánh Văn phòng Liên khu 4 những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Noi gương ông, hai người cháu con em của ông trở thành những trí thức hàng đầu được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đó là nhà nghiên cứu Văn học dân gian GSTSKH Phan Đăng Nhật (con cụ Phán Triều) và nhạc sỹ Hồng Đăng – Phan Đăng Hồng.

Quảng trường Phan Đăng Lưu, thị trấn Yên Thành. Ảnh: Sách Nguyễn
Quảng trường Phan Đăng Lưu, thị trấn Yên Thành. 

 

Năm 1945, nhân dân Yên Thành vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Năm 1946, khi Đảng ta rút vào hoạt động bí mật, Đảng bộ Yên Thành được mang tên “Đảng bộ Phan Đăng Lưu” cho đến tháng 3 năm 1953 ra công khai. Giữa năm 1946, chi đội bộ đội địa phương Yên Thành được thành lập mang tên Chi đội Phan Đăng Lưu. Chi đội này lúc đầu mới thành lập chỉ có hơn 30 chiến sỹ, về sau phát triển gần 70 chiến sỹ đã góp phần đảm bảo an ninh, đấu tranh chống bọn phản động, biệt kích, xây dựng hậu phương. Khi Trung đoàn 57 Nghệ An được thành lập, phần lớn chiến sỹ Chi đội Phan Đăng Lưu gia nhập Trung đoàn 57, một số ở lại xây dựng bộ khung của Huyện đội Yên Thành. Nhiều chiến sỹ chi đội này trở thành sỹ quan cao cấp của quân đội.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới phía Nam, phía Bắc, Đảng bộ và nhân dân Yên Thành đã phát huy truyền thống “quê hương Phan Đăng Lưu bất khuất” xây dựng Yên Thành thành hậu phương chiến lược vững chắc, đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng quê hương huyện Yên Thành, xã Hoa Thành và 5 xã, 7 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Những năm 1980 – 1990, Đảng ta trăn trở tìm hướng đổi mới, huyện Yên Thành là một trong những địa phương mạnh dạn đổi mới trong khoán quản, đưa giống cây con mới, thay đổi mùa vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… tạo bước chuyển mới trong phát triển kinh tế – xã hội. Những năm gần đây, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo xây dựng nông thôn mới. Thành tích nổi bật xuất sắc là năm 2019, huyện được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Và hiện nay đang tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu – nâng cao.

Huyện Yên Thành tổ chức Lễ công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tối 1/12/2020. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Huyện Yên Thành tổ chức Lễ công bố huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tối 1/12/2020. 

 

Trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, trong hành trang tinh thần, trong mỗi chặng đường phát triển của Đảng bộ và nhân dân Yên Thành từ năm 1930 đến nay đều có dấu ấn của Phan Đăng Lưu. Năm 1985, Trường cấp 3 Yên Thành được mang tên Trường THPT Phan Đăng Lưu, năm 2008 Trường THCS trên quê hương ông được mang tên Trường THCS Phan Đăng Lưu… Con đường lớn của thị trấn Yên Thành đi qua Quảng trường và tượng đài Phan Đăng Lưu trở thành điểm du lịch tham quan hấp dẫn.

Từ những hạt giống đỏ đầu tiên do Phan Đăng Lưu bồi dưỡng giáo dục, đến nay Đảng bộ Yên Thành đã phát triển thành một Đảng bộ lớn. Huyện Yên Thành có vinh dự lớn là nơi sinh thành dưỡng dục, nơi nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp ban đầu để Phan Đăng Lưu thành “một trong những nhà lãnh đạo tiền bối, người trí thức tiêu biểu của cách mạng Việt Nam” (phát biểu của đồng chí Lê Duẩn, tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam năm 1959).

Trên thành phố Vinh quê hương Nghệ An có con đường lớn đi qua Quảng trường Hồ Chí Minh mang tên Phan Đăng Lưu.

Các tập sách “Những người cộng sản trên quê hương Nghệ Tĩnh”, “Nghệ An những tấm gương cộng sản”, tên tuổi Phan Đăng Lưu đứng hàng đầu cùng với Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… những người con ưu tú của quê hương Nghệ An, của dân tộc Việt Nam.

Một góc xã nông thôn mới Vĩnh Thành (Yên Thành). Ảnh: Sách Nguyễn
Một góc xã nông thôn mới Vĩnh Thành (Yên Thành). 

Nguồn: NA


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội