Trong khúc xuân ca
Đất trời vào xuân, lòng người cũng hòa vào mùa xuân, phơi phới một niềm lạc quan, tin yêu và hy vọng. Dù không phải là mùa xuân đầu tiên, nhưng hơi thở mùa xuân, tia nắng mùa xuân, lộc biếc, chồi non của mùa xuân đang đem đến cho lòng người sự an nhiên, tự tại, cùng biết bao dự cảm tốt lành.
Sau những mùa xuân phải hạn chế nhiều hoạt động để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thì Xuân Quý Mão này là mùa xuân trở lại một cách đầy đủ và đúng nghĩa các hoạt động giao thương, sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, thể thao... Gác lại lo toan của thời kỳ dịch bệnh, mùa xuân mới, thời kỳ phát triển mới đã đem đến niềm tin yêu, khát khao, một không khí lao động khẩn trương nhất, lòng người như thêm rộng mở để đón đợi sự hồi sinh.
Đêm mùa xuân ở Nghi Sơn - một trong những khu kinh tế ven biển năng động nhất ở duyên hải Việt Nam, sau màn pháo hoa lung linh sắc màu, chúng ta cảm nhận sự rực sáng vẫn còn lại, với ánh sáng từ những ánh đèn nhà máy. Khu kinh tế không ngủ, dù có là tết, có là mùa xuân với dòng người tấp nập du xuân. Từ những set hình flycam trên cao ghi lại, Khu kinh tế Nghi Sơn thật lung linh. Sau những xi măng, điện, thép, dầu, khí… giờ có thêm rất nhiều sản phẩm mới đang được những công nhân nơi đây đêm ngày sản xuất để kịp những đơn hàng xuất khẩu. Vậy nên có là tết, thì nhà máy vẫn hoạt động, công xưởng vẫn sáng ánh đèn để người thợ vào ca. Nghi Sơn bằng sức mạnh nội sinh và tinh thần phát triển, đang kiêu hãnh ghi tên mình vào bản đồ công nghiệp thế giới với rất nhiều sản phẩm chất lượng cao. Tôi đứng đó, trên đảo Biện Sơn, từ phía biển mải miết nhìn vào ngọn lửa rực cháy ở nơi cao nhất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn bằng một niềm tin mãnh liệt. Đó là biểu trưng cho sức sống dài lâu của nhà máy. Để có ngọn lửa ấy, có một khu kinh tế năng động như hôm nay, chúng ta đã phải trăn trở, chờ đợi, mất nhiều công sức suốt mấy chục xuân qua.
Những ngày xuân ca, là tiếng máy, tiếng người thợ rộn vang cùng đất trời chuyển mùa. Sẽ không có một mùa xuân trọn vẹn nếu thiếu đi tiếng máy rền. Gác lại niềm vui xuân, người thợ vào công xưởng, họ đón xuân bên giàn máy, và họ có những phần thưởng xứng đáng là những sản phẩm kịp xuất xưởng đúng ngày giờ, đảm bảo chất lượng. Không chỉ những công nhân ở những nhà máy trong Khu Kinh tế Nghi Sơn đón xuân một cách khác biệt, mà mùa xuân lao động cũng diễn ra ở nhiều nhà máy khác. Trong hơi thở của mùa xuân, ta nghe tiếng máy vang lên ở nhiều nơi cùng tiếng đất trời giao mùa, chuyển đổi. Ở đâu có nhà máy, ở đó có người lao động làm việc tết. Khẩn trương, trách nhiệm và rất đỗi tự hào. Những chủ doanh nghiệp, những người thợ đều tin vào ngày mai tươi sáng...
Cùng với mùa xuân lao động là mùa xuân văn hóa. Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cùng các sinh hoạt tín ngưỡng, giao lưu đầu xuân vốn dĩ là điều rất bình thường của loài người. Sau những mùa xuân bị hạn chế, thì xuân này là lúc các hoạt động được trở lại một cách đầy đủ và đúng nghĩa. Trên những con đường xuân ta thấy mùa xuân thật gần gũi đến vô cùng. Nét xuân tươi hiện diện trên từng nét mặt, nụ cười của người du xuân. Trong dòng người ấy, đông nhất vẫn là ở những khu điểm di tích, danh thắng. Trong tâm thức người Việt luôn nhắc nhớ chúng ta rằng mái chùa là nơi che chở hồn dân tộc. Đến chùa là để cầu nguyện cho quốc thái, dân an, từng người, từng nhà thêm bình yên, gắn kết, để hồn dân tộc thêm vững bền, phát triển cùng sự đi lên của đất nước. Những dòng người háo hức du xuân và thành tâm chiêm bái trước phật, thánh, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc là sự tất yếu của đời sống văn hóa. Nhìn dòng người ấy, ta cảm nhận được sự trân quý hòa bình, khát khao thịnh vượng, một ước vọng rất lớn lao…
Tín ngưỡng luôn có sức sống vô biên, trường tồn cùng dân tộc, mà mỗi mùa xuân là lúc để tín ngưỡng trong mỗi người được tự do biểu đạt, chuyên chở niềm tin, ước ao. Dù rằng vẫn còn đó cái xấu, cái ác ẩn nấp, sự thực dụng rập rình, bon chen trong hoạt động tín ngưỡng, nhưng trên hết, giá trị tốt đẹp của con người, sự nhân văn, đoàn kết vẫn lên ngôi, để chúng ta càng tin hơn vào mùa xuân của tinh thần dân tộc và tình người bất diệt.
Những nông dân vất vả trong những ngày lao động, thì cũng chính những nông dân ấy đã trở nên rất khác trong mùa xuân. Những diễn viên nông dân mà tôi đã gặp trên hành trình xuân của mình ở vùng ven đô thành phố Thanh Hóa, ở huyện Hoằng Hóa và Quảng Xương, Nông Cống… Họ xúng xính trong những trang phục biểu diễn rất đẹp, bước lên sân khấu hát í a những bài ca về đất nước, quê hương mình. Diễn viên là người làng, khán giả cũng là người làng, nhưng trên hết là một tinh thần của mùa xuân văn hóa với sự quện hòa, không ranh giới, không khoảng cách, những người qua đường cũng có thể dừng lại tán thưởng cùng người làng bằng những tràng vỗ tay.
Còn gì hơn khi xuân về lại được dựng những sới vật, những gốc đu, được chuẩn bị những đạo cụ quen thuộc để hòa mình vào những trò chơi, trò diễn. Ở làng Thượng Bắc, xã Hải Nhân, thị xã Nghi Sơn năm nào cũng thế, mỗi mùa xuân về đều thu hút sự chờ đợi không chỉ của người làng, mà nhiều người dân khắp nơi về làng xem biểu diễn trò nấu cơm thi. Một tích trò mô phỏng cảnh nấu cơm thần tốc để phục vụ nghĩa quân Tây Sơn thần tốc hành quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh ở thế kỷ XVIII luôn đem đến nét độc đáo không chỉ trong biểu cảm của hành động, mà còn là ý nghĩa sâu sa về một tinh thần, khí phách dân tộc. Hay như sới vật ở đất vật Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa, năm nào cũng thế, từ trước tết những sới vật được dựng lên, để ngày xuân những người làng thi tài trở thành những đô vật chiến thắng. Nhưng sới vật như thế đã đi theo chiều dài đất nước, góp phần tuyển chọn ra những anh hùng đứng vào hàng ngũ đội quân chống giặc ngoại bang và cả những đô vật trong đội tuyển Quốc gia làm rạng danh tinh thần thượng võ Việt Nam trên những đấu trường thể thao quốc tế. Đến với những sới vật ngày tết, trong tiếng trống vật âm vang thúc dục, mỗi người như cảm nhận được dòng máu lạc hồng rần rần trong huyết quản, bồi đắp thêm tinh thần thượng võ…
Những dòng sông Chu, sông Mã, sông Yên vốn dĩ là những dòng sông sinh kế, nơi nuôi trồng thủy sản, đem nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt cho những làng mạc hai bên bờ, trong nhưng ngày đầu xuân, những dòng sông ấy lại trở thành nơi để con người thi thố. Những cuộc đua thuyền vượt sông Mã, sông Chu, sông Yên năm nào cũng thế, được nhiều địa phương hai bên bờ tổ chức với quy mô liên vùng thu hút rất đông đội đua tham gia, và rất nhiều người xem.
Những sân khấu làng, trường đua làng, sới vật làng, quy mô dù chỉ mang tính làng xã, nhưng phạm vi ảnh hưởng, và tác dụng thì có thể nói là không biên giới. Cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí được tổ chức một cách rộng khắp và quanh năm thông qua các phong trào, các cuộc vận động, thì những hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí ngày tết với những giá trị, tâm thức truyền thống được khơi dậy, phát huy, luôn là một đợt sinh hoạt văn hóa rất ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng.
Chào xuân mới, mừng đất nước đổi mới trong một không gian xuân ấm áp, yên bình, đủ đầy hơn, là lúc để chúng ta càng thêm trân trọng những giá trị của độc lập, tự do và hạnh phúc, những thành quả của công cuộc đổi mới đất nước đã đi qua mấy mươi mùa xuân. Đi qua những khó khăn của thời kỳ dịch bệnh và bất ổn kinh tế hậu dịch bệnh, mùa xuân căng tràn sức sống, như một phương thuốc diệu kỳ xoa dịu đi mọi vết thương. Để rồi, mỗi chúng ta càng có thêm niềm tin, mạnh mẽ hơn, kiên định hơn vào công cuộc đổi mới, những định hướng kinh tế, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng quyết liệt mà Đảng ta đang thực hiện, để góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch hơn.
Đảng hành động vì dân, dân tin vào Đảng. Trong một mùa xuân mới với sự hòa ca, đồng điệu ấy, trên dưới một lòng, chính là khúc xuân ca tuyệt vời, để mùa xuân thêm ấm áp, dòng người du xuân thêm rộn rã tiếng cười vui. Hãy cùng thổi bùng lên ngọn lửa của niềm tin, khát khao trong mùa xuân mới, để cùng bước vào mùa xuân bằng sự hoan ca của đất trời quện hòa cùng lòng người háo hức, rộn vang.
Theo Báo Thanh Hóa
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận