Áo dài vào đời sống
Phong trào mặc áo dài truyền thống, trong đó có áo dài ngũ thân lan tỏa khá mạnh mẽ trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng trên bước đường triển khai đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”.
Lan tỏa mạnh mẽ
Tết Nguyên đán năm nay, không gian tết Huế càng đậm phong vị hơn với áo dài truyền thống. Trong tiết trời nắng nhẹ, có thể bắt gặp nhiều tà áo dài truyền thống hòa vào dòng người du xuân. Mấy ngày tết, di tích mở cửa miễn phí, nhiều người mặc áo dài đến Đại Nội, lăng tẩm, cánh đồng hoa… “check in”. Trên facebook, áo dài cũng xuất hiện với tần suất nhiều hơn trong những ngày tết. Áo dài không còn là trang phục “độc quyền” của phụ nữ bởi xuất hiện không ít áo dài nam, áo ngũ thân ấn tượng. Ngoài chị em phụ nữ, cánh đàn ông, nhiều gia đình chụp ảnh lưu niệm trong trang phục áo dài.
Anh Nguyễn Phúc Bảo Minh chia sẻ: “Mặc áo dài là sự trải nghiệm thú vị, cũng rất thoải mái, dễ chịu chứ không quá vướng víu. Vốn là trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam từ trăm năm trước, tôi nghĩ, áo dài cách tân hay bây giờ là sự phục hồi của áo dài ngũ thân đang và sẽ càng được nhiều người hưởng ứng”.
Ngoài công chức Sở Văn hóa và Thể thao, một số ngành khác cũng may đồng phục áo dài ngũ thân. Nhiều trường học, như: Trường tiểu học Lý Thường Kiệt, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Trường trung cấp Thể dục Thể thao, Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật… cũng phát động toàn bộ nam nữ giáo viên mặc áo dài trong ngày 20/11, dịp khai giảng, chào cờ đầu tuần… Cả những hình ảnh dễ thương của học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương vận áo dài ngũ thân dạo phố phường cũng tạo nên những ấn tượng đẹp. Không gian trường học như đẹp hơn, chỉnh tề, trang trọng hơn với những bộ áo dài truyền thống. Áo dài vào chốn học đường, từ đó sẽ lan tỏa ra cộng đồng.
Gần đây, phong trào tìm về cổ phục đang lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ. Những trang phục tưởng chừng như bị mai một được các bạn học sinh, sinh viên yêu thích. Nhà thiết kế Quang Hòa cho hay: “Các bạn trẻ rất thích mặc áo dài ngũ thân, quấn khăn như cách người xưa và chụp hình với trang phục này. Không chỉ góp phần lan tỏa việc mặc áo dài ngũ thân, điều này mang lại thông điệp lớn hơn là tìm về bản sắc văn hóa của cha ông”.
Tháng 3 ở Huế sẽ là tháng của áo dài khi nhiều cơ quan hưởng ứng tuần lễ mặc áo dài do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Huế cũng vừa có văn bản vận động cán bộ, đảng viên và người dân tích cực mang áo dài trong tháng 3 để Huế ngày càng đẹp và góp phần xây dựng Huế trở thành Kinh đô áo dài.
Niềm tự hào về trang phục truyền thống
Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao bày tỏ vui mừng: Phong trào mặc áo dài truyền thống, áo ngũ thân đã và đang lan tỏa khắp nơi. Chúng tôi rất vui vì phong trào phục hưng cổ phục Việt đang phát triển mạnh mẽ ở cả ba miền; tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa của áo ngũ thân ngày càng tăng, nhất là trong giới trẻ. Riêng tại Huế, tôi tin chắc chắn trong thời gian tới, áo ngũ thân sẽ dần phổ biến quen thuộc cả ở khối công chức, viên chức Nhà nước, lẫn khối cộng đồng doanh nghiệp ngoài công lập và cả người dân.
Ở một khía cạnh khác, trên các diễn đàn hội nghị, hội thảo khoa học, các ý kiến đều đánh giá cao chủ trương nghiên cứu, chấn hưng quốc phục của Huế và ủng hộ Huế xây dựng hồ sơ, đưa áo dài vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia và xa hơn là trình UNESCO ghi danh vào danh mục di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong buổi trò chuyện với sinh viên Trường đại học Khoa học, Đại học Huế về chủ đề “Áo dài truyền thống trong cuộc sống đương đại”, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan kể lại, khi còn là nữ sinh, chiếc áo dài luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt của bà thời ấy, lúc đi học, đi chơi mà không hề bất tiện, vướng víu. Bà nhấn mạnh: “Quan niệm của một số người cho rằng, mặc áo dài là cổ hủ, lạc hậu, bất tiện là chưa thấu đáo. Nếu mở lòng đón nhận thì áo dài vẫn có thể mặc bình thường như các loại trang phục khác. Áo dài không cổ hủ, lạc hậu mà vẫn rất thời trang, tôn vẻ đẹp của người Việt Nam. Áo dài nhấn mạnh tính hòa điệu, phản ánh tinh thần, lòng tự hào của dân tộc”.
Với áo dài nam, để tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, Tiến sĩ Thái Kim Lan cho rằng, có nhiều khả năng để áo dài trở lại với khung cảnh sinh hoạt ở Việt Nam. Đầu tiên cần khởi tạo ý thức về vẻ đẹp áo dài nam trong mọi tầng lớp, độ tuổi, giáo dục là giải pháp quan trọng để từng bước thay đổi định kiến về áo dài nam. Sau khi thay đổi nhận thức, cần quảng bá rộng rãi về áo dài. Đó là nhiệm vụ của truyền thông, các cuộc hội thảo, giúp những người có định kiến yêu thích chiếc áo dài nam hơn.
Sau một thời gian mặc áo dài, họa sĩ Đỗ Văn Lân, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ: “Từ khi có chủ trương của tỉnh về việc xây dựng Huế trở thành Kinh đô áo dài, tôi thường xuyên mặc áo dài từ nhà đến cơ quan hay tham dự hội thảo, hội nghị, hoạt động văn hóa nghệ thuật... Chị em vẫn mặc áo dài đi học, đi chợ, đứng trên bục giảng…, tôi nghĩ cánh đàn ông chúng tôi cũng làm được và không có gì bất tiện”.
Phong trào mặc áo dài truyền thống, trong đó có áo dài ngũ thân đang lan tỏa trong thời gian gần đây là tín hiệu đáng mừng trên bước đường triển khai đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Lớn hơn, theo cách nói của TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, trang phục không chỉ là câu chuyện về thời trang mà nó ẩn chứa nhiều giá trị về văn hóa, chuyển tải những thông điệp về lịch sử văn hóa của dân tộc. Vì thế, có thể thấy rõ niềm tự hào của mỗi người khi khoác lên mình chiếc áo dài truyền thống, trang phục của người Việt Nam.
Nguồn: BÁO THỪA THIÊN HUẾ
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận