A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Câu cá trên Phá Tam Giang

Về phá Tam Giang, những con thuyền chạy lấp loáng dưới nắng chiều, vẽ nên những nét dọc ngang ngẫu nhiên trong không gian. Vậy mà những ngoằn ngoèo ngẫu nhiên ấy, đã lưu giữ hồn cốt văn hóa đầm phá, biển khơi hàng trăm năm.

Số phận thật lạ lùng, nền văn chương bác học xứ Huế lại khởi thủy bằng một bài thơ tâm tình chia sẻ cùng sóng nước, đó là bài “Hóa Châu tác” (Làm tại Châu Hóa). Tháng 9 năm 1353, vua Trần Dụ Tông sai Tham tri chính sự Trương Hán Siêu vào trấn giữ Hóa Châu được hơn một năm, làm nên bài thơ này. Trong bài có một câu thơ bao la buồn: “Hải thiên thảo mộc cộng sầu ngâm” (Trời nước, cỏ cây cùng trong một nỗi buồn).

Tiếp đó, Nguyễn Phi Khanh trong những ngày trốn tránh sự truy đuổi vì tư tình với con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán (khoảng năm 1374, lúc ông 19 tuổi), lênh đênh tận ngã ba Sình ở Hóa Châu, nghe tiếng chuông mai trong trấn thành mà sáng tác bài “Hóa thành thần chung” (Chuông mai ở thành Hóa). Câu kết lại là một nỗi hoang vắng đến tận đáy hồn: Nguyệt bạch hựu giang không (Trăng sáng bạc và sóng mênh mông).

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông cùng đoàn thủy binh đi chinh phạt Chiêm Thành, dừng chân ở cửa Tư Dung nghỉ ngơi. Trước cảnh trời biển mênh mông, nhà vua cảm tác áng thơ tuyệt hay mang tên “Tư Dung hải môn lữ thứ”: “Vách núi dựng đứng nhấp nhô/sóng vỗ ngất trời cuồn cuộn, sắc biếc trùng trùng”… Về sau, danh sĩ Đào Duy Từ (1572-1634) qua Tư Hiền, với niềm cảm hứng dâng trào đã làm nên tuyệt tác “Tư Dung Vãn” ca ngợi cửa biển Tư Hiền, được xem là tác phẩm hàng đầu của nền văn học Đàng Trong: “Người thanh tân cảnh thanh tân/ Ngàn lau quến nhạn, bãi tần sa le/Mảng còn ngợi cảnh giang khê/Lá ngô phơi nắng, ngọn quỳ đầm sương”…

Vẻ đẹp phá Tam Giang.

Những câu thơ dẫn trên đây, nằm trong những tác phẩm văn chương đầu tiên của xứ Huế, gắn bó chan hòa cùng sóng nước Thừa Thiên, có lạ không? Ấy là văn chương bác học, còn trong dân gian thì những câu ca đã neo sóng từ ngàn xưa.

Kinh nghiệm dân gian phải biết nhìn con sóng mà đoán tiết trời: “chớp Thuận An nghèo nàn chi nước”, “chớp nước không mưa trước cũng lụt sau”, “chớp lạch mưa nguồn”, “Đêm nằm nhắn với con trai/chớp trên bãi dài thì chớ ra khơi”… Trong cuộc sống đối mặt thường trực với thiên nhiên ấy (chúng ta là đám dân nghèo/quê hương là biển, túp lều, ông câu), tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình bàng bạc.

Người con trai “Anh chăm bám biển sớm chiều/ra khơi, vào lộng, đủ điều lo toan”; thì người con gái: “Chiều chiều ra bãi mấy lần/thấy anh ở trần mà dạ xót xa/lui về mua lụa hàng ba (hoa)/đem về may áo mà tra nút vàng/ai ra biển xin gửi cho chàng/đêm khuya chàng bận khỏi cảm thương hàn nắng mưa”. Và đây là tâm tình người vợ: “Chồng em đi cào ngao ngoài biển/đêm khuya trời phất phưởng gió đông/da thời lạnh ngắt như đồng/tay bồng con dại, cám cảnh cho chồng lắm thay”…

Và họ ngợi ca cuộc sống gia đình: “Cha chài, mẹ lưới, con câu/thằng rể đi xúc, con dâu đi mò”. Và tình yêu nghề cá: “Làm trai năm bảy vợ hầu/không bằng câu cá, cá cắn câu cong cần”…

Hoàng hôn trên phá Tam Giang.

Ẩm thực vùng biển, đầm phá Tam Giang thì ắp đầy “Dừa Mỹ Á, cá An Bằng”, “Vò vọ mà chấm muối rang/ đi mô cũng nhớ Thuận An mà về”. Đến phá Tam Giang, không thể không nhớ câu “cá chuồn tháng Ba, thịt ca (gà) tháng Mười”. Có hàng trăm bài vè về sản vật biển khơi. Những câu vè xưa hay đùa vui khi nhắc đến các loài hải sản: “Chung tiền đánh bạc/là con cá cờ/tối ngủ hay sờ/là con cá ngứa/ngày ăn hai bữa/là con cá cơm/ăn chẳng kịp đơm/ là con cá hấp/… Có hai cái cánh/là con cá chuồn/rủ trai vào buồng/là con cá ngộ/nghe lời trai thổ (dỗ)/mang gói sang sông/bỏ mẹ theo chồng/là con bạc má…”

Đọc lên nghe thật là tếu táo. Nhưng có khi cũng không phải dễ chấp nhận cái lý lẽ: “Cá biển cá bầy/là con cá đục/cắt ra nhiều khúc/là con cá chình/ trai gái rập rình/là con cá hẹ/chồng nói vợ nghe/là con cá mác..”. Vì răng con cá mác lại là chồng nói vợ nghe? Chịu.

Ca dao miền biển xứ Huế giới thiệu cái ngon ẩm thực thì cũng rất lạ, “ngẵng” theo kiểu dân gian. Đây là nói thiệt: “Cá thiều mà nấu canh chua/một chút canh thừa cũng chẳng bỏ đi”. Nhưng đây không hề nói giỡn, phải không: “Cá lẹp mà kẹp rau mưng/ông ăn một miếng bà trừng mắt lên”. Ca dao Việt Nam có câu: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” thấy đã rất dân gian rồi, mà đến câu này thì dân gian gấp rưỡi: “Cá nục nấu với dưa hồng/đánh nhau một trận xem chồng về ai”. Nhưng câu ca hay nhất ở vùng biển Vinh Hiền phải là câu này: “Trăng lên đỉnh núi Mu Rùa/em ơi cho anh… chịu, tới mùa anh trả khoai”. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khi đọc đến câu này, đều tán thưởng nó hay nhất hạng, nó hay đến ngỡ ngàng, nó dân gian hơn cả dân gian…

Rứa đó, về Tam Giang, những câu ca nhảy thung thăng trên sóng.

Nguồn: BÁO THỪA THIÊN HUẾ


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội