Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Một cương lĩnh quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sau gần 15 năm thành lập (3/2/1930), Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo lực lượng chính trị phát triển mạnh mẽ, nhưng lực lượng vũ trang còn nhỏ, lẻ và phân tán. Trước thực trạng đó, cuối tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ). Chỉ thị có giá trị như một cương lĩnh quân sự.
Cách mạng phải dùng bạo lực cách mạng
Cương lĩnh được hiểu là một văn bản trình bày tóm tắt mục tiêu, đường lối, nhiệm vụ cũng như phương pháp hoạt động của một tổ chức, một đoàn thể hay một chính đảng trong một thời kỳ nhất định, chứa đựng những giá trị nội dung, ý nghĩa lớn lao riêng và có vai trò lịch sử trọng đại đối với vận mệnh một dân tộc.
Là người sáng lập, rèn luyện Quân đội ta - Hồ Chí Minh đã để lại nhiều di sản vô giá, trong đó có tư tưởng về quân sự. Đặc biệt, Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ (sau đây gọi là Chỉ thị) có giá trị như một cương lĩnh quân sự, bảo đảm cho sự ra đời, trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta.
.jpg)
Theo đó, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam xuất hiện nhiều sỹ phu, văn thân có khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, song đều không thành công. Là một nước thuộc địa nửa phong kiến, các phong trào yêu nước ở Việt Nam phải đương đầu với thực dân Pháp - một kẻ thù phát triển hơn hẳn về mọi mặt. Do vậy, việc xác định phương pháp cách mạng nặng cốt cách phong kiến hay bạo động hoặc cải lương là nguyên nhân thất bại.
Trên cơ sở hiểu biết sâu sắc về thực tiễn, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, Người kết luận: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”1. Theo Người, bạo lực cách mạng gồm bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang, có mối quan hệ biện chứng, không tách rời. Trong đó, bạo lực chính trị quyết định bạo lực vũ trang, nhưng nếu thiếu bạo lực vũ trang thì cách mạng không thể thành công.
Sau gần 15 năm ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo lực lượng chính trị phát triển mạnh mẽ, nhưng lực lượng vũ trang còn nhỏ, lẻ và phân tán. Vì vậy, cuối tháng 12/1944, Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ. Nguyên văn Chỉ thị như sau:
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân
1. Tên: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.
Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập ra một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương, cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực, trái lại, có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
2. Đối với các đội vũ trang địa phương, đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.
3. Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.
Tuy lúc đầu, quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam.
Tháng 12 năm 1944
Chỉ thị chỉ rõ: Ý nghĩa tên gọi; mục tiêu và lý do thành lập; phương thức xây dựng lực lượng; chức năng, nhiệm vụ; phương thức tác chiến và phương hướng phát triển của Đội. Do vậy, Chỉ thị có vai trò như một cương lĩnh quân sự.
Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh - Nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Quân đội phải được tổ chức tập trung, thống nhất, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, bởi chính trị là yếu tố quyết định đến sự ra đời, bản chất, mục tiêu, lý tưởng và chức năng, nhiệm vụ của quân đội. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”2. Đây là con đường duy nhất đúng, phù hợp quy luật khách quan, xu thế thời đại và cách mạng Việt Nam.
Hồ Chí Minh chỉ rõ, tên Đội VNTTGPQ nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền và để bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, quân đội phải được tổ chức tập trung, thống nhất, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến từng bước hiện đại và hiện đại.

Theo Hồ Chí Minh, xây dựng quân đội phải chú trọng nhân tố con người và vũ khí, trang bị, bởi quân sự là hoạt động đặc thù, liên quan trực tiếp đến xương, máu, tính mạng bộ đội, do vậy, cần phải có những con người thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì nước, vì dân. Đây là quan điểm vừa chỉ ra phương hướng xây dựng lực lượng ở các đơn vị, vừa đặt ra chức năng giáo dục, đào tạo của nhà trường. Hồ Chí Minh còn nhìn nhận nhân tố con người giữ vai trò quyết định trong mối quan hệ không tách rời với vũ khí và trang bị vũ khí cho quân đội là yêu cầu khách quan, bảo đảm cho quân đội đủ sức đánh thắng mọi kẻ thù.
Về kháng chiến toàn dân, tư tưởng cơ bản nhất của Hồ Chí Minh là phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, là sự kế thừa truyền thống toàn dân đánh giặc của cha ông ta. Người khẳng định: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”3; “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”4; “Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu”5 - Quan điểm này của Người đã định hướng về chức năng, nhiệm vụ của quân đội, khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng tình đoàn kết quân - dân.
.jpg)
Chỉ thị cũng đặt nền tảng cho tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân của Người. Đây là sự kế thừa truyền thống xây dựng “quân triều đình”, “quân các lộ” và “dân binh” của dân tộc, đồng thời kế thừa và phát triển tư tưởng của Ăng-ghen, Lê-nin về xây dựng các “đội dân cảnh”, “quân đội thường trực”. Theo Người, ba thứ quân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích.
Bộ đội chủ lực với những “quả đấm thép” chiến lược có sức cơ động cao, trang bị hiện đại, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng với mọi quy mô. Bộ đội địa phương đóng vai trò nòng cốt trong thế trận chiến tranh nhân dân ở địa phương, phát triển chiến tranh du kích. Dân quân du kích là quần chúng không thoát ly sản xuất, đánh du kích, căng kéo, tiêu hao sinh lực địch, chống càn, diệt ác ở địa phương.
Đội VNTTGPQ là đội quân chủ lực đầu tiên nhưng quy mô còn nhỏ nên về chiến thuật, Người chỉ rõ vận dụng lối đánh du kích, bởi: “Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc... Biết đánh du kích thế nào cũng thắng lợi”6. Từ tác chiến du kích tiến lên tác chiến chủ lực và kết hợp chặt chẽ hai hình thức tác chiến đã đặt nền móng cho nghệ thuật tác chiến đặc sắc của Quân đội ta.
Chỉ thị kết thúc bằng dự báo thiên tài của Người: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Lời tiên đoán ấy đã thành sự thật. Đội quân nhỏ bé với 34 chiến sĩ ngày đó giờ đây đã lớn mạnh trở thành QĐNDVN anh hùng, xứng đáng với niềm tin của Bác, của Đảng, của nhân dân. Tư tưởng quân sự đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN từ sớm, từ xa./.
MẠNH HÙNG
1 Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 391
2 Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Sđd, tr. 30
3 Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 2, Sđd, tr. 297
4 Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, Sđd, tr. 453
5 Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, Sđd, tr. 448
6 Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 3, Sđd, tr. 499
Bình luận, góp ý (0)
Bạn cần đăng nhập để bình luận