A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913-15/2/2023), ngày 15/2, tại thành phố Bến Tre, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “ Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với cách mạng Việt Nam và quê hương Bến Tre ”.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình trong lần về thăm quê hương. (Ảnh Bảo tàng tỉnh Bến Tre).
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng gia đình trong lần về thăm quê hương. (Ảnh Bảo tàng tỉnh Bến Tre).

Xin trân trọng giới thiệu phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội thảo.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 trên quê hương Bến Tre - vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống yêu nước, đấu tranh chống áp bức, xâm lược của chế độ thực dân, đế quốc. Chứng kiến nỗi thống khổ, lầm than của nhân dân ta, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã sớm hình thành lòng yêu nước, dấn thân đến với con đường cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của một trí thức lớn có tinh thần yêu nước nồng nàn, một nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam luôn phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do và hạnh phúc của Nhân dân.

1. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - từ người trí thức yêu nước nhiệt thành trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo chủ chốt, có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

Ngay từ thủa niên thiếu, còn đi học, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn là một trong những học sinh giỏi của các Trường Trung học Mỹ Tho, Trường Pétrus Ký - trường học danh tiếng ở Nam Kỳ. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Kiến trúc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã nổi tiếng là một kiến trúc sư tài ba, với những bản thiết kế được đánh giá cao, đặc biệt là đã giành giải nhất cuộc thi thiết kế Khu trung tâm Hội chợ triển lãm Đông Dương. Sau này, với những đóng góp to lớn cho ngành kiến trúc tái thiết đất nước sau chiến tranh, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về nghệ thuật kiến trúc.

Là một trí thức tài năng với lòng yêu nước nhiệt thành, chứng kiến sự tàn bạo của chính quyền thực dân, ngay từ khi còn đi học, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã sớm nung nấu ý chí làm cách mạng, tham gia đấu tranh phản đối áp bức, bất công. Trong Cao trào cách mạng Dân chủ, đồng chí đã hăng hái hưởng ứng chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương về phát động phong trào Đông Dương Đại hội và tham gia lập đoàn học sinh, sinh viên gửi thư thỉnh nguyện đến Gođa, phái viên của Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp được cử sang Đông Dương để nắm bắt tình hình.

Trong vai trò Chủ nhiệm báo Thanh niên và Trưởng Ban cổ động Hội Truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã góp phần quan trọng tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước, tương thân, tương ái trong nhân dân, nhất là trong lực lượng thanh niên, tập hợp và hướng họ theo con đường đấu tranh cứu nước, giải phóng dân tộc.

Đặc biệt, trong cuộc vận động, tập hợp lực lượng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Kỳ, với vai trò Trưởng Ban Tổ chức Thanh niên Tiền phong, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã tuyên truyền, giác ngộ và tập hợp lực lượng thanh niên yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, trở thành lực lượng nòng cốt khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn, góp phần làm nên thắng lợi lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 trên toàn quốc. Với những hoạt động sôi nổi và đóng góp quan trọng, ngày 5/3/1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã được trực tiếp đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sau ngày chính quyền cách mạng được thành lập, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên các cương vị: Phụ trách công tác thông tin, tuyên truyền ở Nam Bộ (1945), Phụ trách công tác trí vận và báo chí ở Sài Gòn (1947), Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ (1949), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do (1950), đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã góp phần tích cực tuyên truyền, vận động trí thức và các tầng lớp nhân dân tham gia ủng hộ kháng chiến, tin tưởng vào tương lai tất thắng của cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân Nam Bộ anh dũng thành đồng đi đến thắng lợi.

Hoạt động và những cống hiến của đồng chí Huỳnh Tấn Phát được thể hiện rất nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên các cương vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương lâm thời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam (1960), Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định (1961), Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam (1962), đặc biệt trên cương vị Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam (1969), đồng chí Huỳnh Tấn Phát cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đã tổ chức quân dân miền nam đẩy mạnh xây dựng và mở rộng vùng giải phóng, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện thắng lợi di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, thống nhất Tổ quốc, bắc-nam sum họp một nhà.

Sau ngày cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, được giao đảm nhiệm các cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quy hoạch đô thị (1977), kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước (1979), Đại diện thường trực nước ta tại Hội đồng tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa - SEV (1979), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1982), đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã dành hết tâm sức, trí tuệ, kinh nghiệm và tinh thần đổi mới, nêu cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, cùng Chính phủ và Hội đồng Nhà nước đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước.

2. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Tấm gương tiêu biểu về tinh thần đại đoàn kết và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại đã để lại những dấu ấn nổi bật, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ những năm 1930, với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã tích cực tham gia công tác vận động, tập hợp thanh niên tham gia các phong trào cách mạng do Đảng phát động. Từ khi giác ngộ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đặc biệt là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian ra Bắc dự Đại hội Đoàn Thanh niên toàn quốc, được Người động viên, chỉ bảo và từ tư tưởng, tấm gương đại đoàn kết cao đẹp của Người, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã thấm nhuần sâu sắc hơn về tư tưởng đại đoàn kết và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí hiểu rõ đại đoàn kết là nhân tố có vai trò quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của mỗi người cán bộ, đảng viên là phải tham gia xây dựng khối đại đoàn kết; từ thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc phải mở rộng ra đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Đồng chí đã có đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám ở các tỉnh Nam Bộ, đặc biệt là ở Sài Gòn - Chợ Lớn, với vai trò tuyên truyền, đoàn kết, tập hợp và tổ chức các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã thể hiện vai trò nổi bật của mình, góp phần quan trọng động viên, giáo dục, tập hợp những trí thức yêu nước cùng các tầng lớp nhân dân Nam Bộ hăng hái tham gia đấu tranh, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí là hạt nhân tiêu biểu, quan trọng trong tập hợp, đoàn kết trí thức, sinh viên, học sinh, góp phần tạo nên phong trào đấu tranh chính trị sôi động ở các đô thị, nhất là tại Sài Gòn, nơi đặt các cơ quan đầu não của kẻ địch. Trước yêu cầu cấp thiết phải thành lập một tổ chức đại diện cho nhân dân miền nam, quy tụ, tập hợp lực lượng cách mạng và các tầng lớp Nhân dân yêu nước đấu tranh chống lại chế độ cầm quyền phản động của đế quốc Mỹ và tay sai, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã tích cực tham gia thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam. Đồng chí đã được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký của Mặt trận và sau đó là Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, cùng các đồng chí trong Ủy ban Trung ương Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời hoàn thành xuất sắc sứ mệnh quy tụ, đoàn kết, tập hợp Nhân dân miền nam đấu tranh và tranh thủ sự ủng hộ của Nhân dân tiến bộ trên thế giới, để đánh đổ ách thống trị của Mỹ và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Với tài năng và uy tín của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát còn có ảnh hưởng quan trọng đối với sự ra đời của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, góp phần mở rộng thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phân hóa, cô lập cao độ kẻ địch.

Sau ngày miền nam được hoàn toàn giải phóng, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã tích cực tham gia quá trình hiệp thương thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Được giao đảm nhiệm trọng trách Phó Thủ tướng Chính phủ, Đại diện thường trực của Chính phủ tại Hội đồng tương trợ kinh tế, đồng chí đã có nhiều đóng góp vào hoạt động chung của tổ chức này, góp phần tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Được tín nhiệm cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 5/1983), với tài năng và kinh nghiệm phong phú, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận và Ủy ban Mặt trận các cấp quán triệt đầy đủ, đúng đắn về vai trò, vị trí, chức năng của Mặt trận dân tộc thống nhất trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng thời đề ra những chủ trương, biện pháp để củng cố tổ chức Mặt trận, nhất là từ cơ sở, đổi mới hoạt động của Ủy ban Mặt trận các cấp, góp phần to lớn vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với tài năng, tấm lòng trong sáng, chân thành và nhiệt huyết cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã cảm hóa, quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp Nhân dân và dành được sự trân trọng, yêu quý của bạn bè quốc tế. Đồng chí là một trong những tấm gương cách mạng tiền bối tiêu biểu, đã để lại những kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

3. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực

Là một kiến trúc sư được đào tạo bài bản, tài năng, không màng tới con đường vinh hoa, phú quý rất rộng mở, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã lựa chọn con đường cách mạng đầy gian khổ, nguy hiểm, nhưng hết sức cao đẹp, vẻ vang. Đồng chí đã trở thành tấm gương tiêu biểu, có sức cảm hóa và lan tỏa mạnh mẽ của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, sẵn sàng đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, của Đảng lên trên hết và trước hết, không màng đến phú quý, danh lợi cá nhân.

Hai lần bị kẻ địch bắt giam, đày ải trong chốn lao tù, nhưng ở đồng chí vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng và niềm tin tuyệt đối vào tương lai tươi sáng của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trong chốn lao tù đế quốc, đồng chí luôn nêu cao ý chí cách mạng kiên trung, bất khuất, tham gia tập hợp, tổ chức các chiến sĩ cộng sản giữ vững khí tiết, tích cực đấu tranh chống lại chế độ lao tù tàn bạo.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn có mặt ở những nơi gian khổ, ác liệt nhất. Đồng chí đã nhiều năm kiên cường bám trụ trong các khu dân cư của Sài Gòn - Chợ Lớn để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức, học sinh, sinh viên khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy trí tuệ và nhiệt huyết của tuổi trẻ, tích cực tham gia vào sự nghiệp cách mạng.

Đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và sau ngày đất nước thống nhất, trở thành một trong những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Chính phủ, dù trong hoàn cảnh nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát vẫn luôn giữ nếp sống giản dị, trong sáng, khiêm tốn, ân cần, nghĩa tình, yêu thương đồng chí, đồng bào, không màng danh lợi, không đòi hỏi riêng cho bản thân và gia đình bất kỳ đặc quyền, đặc lợi nào.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí luôn thể hiện tinh thần sâu sát thực tế, chú trọng nghiên cứu, nắm bắt tình hình cơ sở và tâm tư, nguyện vọng của người dân. Nhiều năm lăn lộn trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, đồng chí đã thấm nhuần bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, tôn trọng và đánh giá cao vai trò, sức mạnh của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, làm tiêu chí kiểm nghiệm tính đúng đắn các chủ trương và đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Phẩm chất đạo đức trong sáng, nhân cách cao đẹp của đồng chí luôn có sức cảm hóa lớn, được các cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân hết lòng yêu mến, tin cậy.

Tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực của đồng chí có ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay, góp phần động viên, thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

4. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người con ưu tú của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Bến Tre, một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và giá trị lịch sử, tinh thần yêu nước, bất khuất, chống ngoại xâm, nơi gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân trong lịch sử dân tộc Việt Nam, như: Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản,... đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình, hình thành nên ý chí cứu nước, cứu dân, tinh thần cách mạng. Những truyền thống tốt đẹp của quê hương Bến Tre là khởi nguồn tinh thần quan trọng hun đúc tinh thần kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cách mạng Huỳnh Tấn Phát, là điểm tựa để đồng chí vững vàng vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, gắn bó trọn cuộc đời với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trải qua quá trình không ngừng học tập, rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn, trở thành một trí thức lớn, đặc biệt là từ khi đến với con đường cách mạng vô sản, rồi trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã góp phần làm rạng danh và tô thắm thêm truyền thống văn hóa, cách mạng vẻ vang, hào hùng của quê hương Bến Tre. Trên mọi bước đường công tác, đồng chí luôn dành cho quê hương những tình cảm sâu đậm, ân nghĩa, thủy chung và quan tâm đặc biệt đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của Nhân dân tỉnh nhà.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Đồng khởi, học tập và noi theo tấm gương đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Đảng bộ và Nhân dân Bến Tre đang nỗ lực thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và cả nước vào năm 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tưởng nhớ, tri ân công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng, trong đó có đồng chí Huỳnh Tấn Phát, với tấm lòng biết ơn sâu sắc, chúng ta nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc.

Theo Nhân dân

https://nhandan.vn/dong-chi-huynh-tan-phat-voi-cach-mang-viet-nam-va-que-huong-ben-tre-post738893.html


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội